Trậm Điểu |
|
Tác giả | Matthew Fitzsimmons |
Bộ sách | Gibson Vaughn |
Thể loại | Trinh thám |
Tình trạng | Hoàn thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 3118 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Matthew FitzSimmons Điệp Vụ Gibson Vaughn Tiểu Thuyết Trinh Thám Văn Học Mỹ Văn Học Phương Tây |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
Tay tỷ phú lừa đảo Charles Merick đang ngồi tù. Hắn lấp lửng công khai bí mật về một tài sản vẫn còn đang được giấu đâu đó. Điều này đã kích thích lòng tham của một bầy “cá mập” bủa vây chờ ngày hắn được ra tù và cả những nạn nhân của trò lừa đảo tài chính của hắn. Thẩm phán Hammond Birk, người đã cứu vớt cuộc đời Gibson Vaughn khi anh còn là một thanh niên gặp rắc rối trong cuộc sống cũng là một trong số những nạn nhân đó. Để trả món nợ ân tình, Gibson quyết định sẽ cướp lấy số tiền của Merrick. Đối đầu với những đối thủ sừng sỏ, khát máu, Gibson sẽ làm gì?
Những đồng tiền chưa bao giờ lên tiếng, nhưng âm thanh leng keng đến chói tai của chúng khiến người ta phải điên loạn mà nổ súng, giết người không ghê tay, mọi giá trị đạo đức hay pháp luật đều trở nên vô nghĩa khi đồng tiền lên ngôi.
Trậm Điểu là những cuộc đào tẩu và âm mưu đen tối kinh hoàng.
***
"Chiến đấu cho ra trò, nhưng đừng bao giờ để họ chọn sân đấu."
________________
Nếu như Sợi dây thừng nghiệt ngã là câu chuyện móc nối quá khứ để mở ra hiện thực thì Trậm Điểu là chính là kết quả của hiện thực mà Gibson đã lún chân vào. Trậm Điểu là một cuộc chơi khác, nơi mà những câu chuyện ở quá khứ vẫn bám lấy anh, vẫn tác động lên cảm xúc và trực giác của Gibson nhưng lại ít ám ảnh hơn trong Sợi dây thừng nghiệt ngã. Lần này anh đòi hỏi bị thách đấu ở một phương diện khác, khi mà kẻ anh thách đấu lại có một vị trí đặc biệt: gã ở tù bị săn đón nhiều nhất. Cuộc đấu trí lần này là cái giá của hiện thực mà Gibson buộc phải chấp nhận. Nó cuốn người đọc không ở việc tìm ra bí ẩn hay những quá khứ đen tối mà là ở quá trình tranh đấu giữa hai bên, đã vậy kẻ còn lại không khác gì vô hình. Có một điều thú vị tớ nhận thấy là trong câu chuyện này, để nói rõ ai trắng ai đen trong truyện này rất khó, mà việc đó cũng không phải quan trọng. Chỉ riêng những tình tiết nảy sinh và diễn ra liên hồi cũng đủ để cuốn sách này là một cuốn trinh thám xuất sắc.
Phần sau là hồi gay cấn nhất. Có hành động, có twist. Cái twist truyện không nhảy cái đùng một phát xuống dòng, nó chỉ thả nhẹ ở một tình tiết thôi, không hề gây sốc ngay lập tức nhưng lại đủ sức lật câu chuyện sang hướng mới. Đọc mà thực tâm cảm khái tác giả viết tốt quá, mọi thứ đều rất chặt chẽ và logic.
Đoạn cuối cũng là một cú lật ngoạn mục, một cú nhử mà tới giờ tớ nghĩ lại vẫn cay, cuốn sách tiếp theo đâu.
Chào thân ái từ tinh cầu nóng chảy!
***
Review // Không spoil ~ TRẬM ĐIỂU ~
Tác giả: Matthew FitzSimmons. Dịch giả: Trần Trọng Hải Minh
Thể loại: Trinh thám phương Tây. Mức độ ưa thích: 9.5/10
————————-
Sau vụ việc với phó tổng thống Benjamin Lombard trong quyển “Sợi dây thừng nghiệt ngã”, tưởng rằng có thể yên ổn sống tiếp nhưng rốt cuộc chàng thám tử Gibson Vaughn lại bị “nhờ vả” tham gia cuộc điều tra xoay quanh Charles Merrick – tù nhân kinh tế sắp mãn hạn tám năm tại nhà tù Niobe. Tuy ban đầu không muốn nhưng rồi Gibson Vaughn vẫn dấn thân vào vì một lý do khá cảm tính. Cuộc điều tra đòi hỏi khả năng tin tặc của anh, sự bền bỉ linh hoạt, lòng dũng cảm và cả bản tính hài hước gợi đòn. Mọi chuyện diễn biến càng lúc càng tệ khi Gibson phải đối mặt với nhiều phen nguy hiểm tính mạng và thậm chí bị bắt bởi CIA.
Sau khi đọc “Sợi dây thừng nghiệt ngã”, Biển có ấn tượng tốt với truyện trinh thám của Matthew FitzSimmons nên rất hào hứng đọc tiếp Trậm Điểu. Đúng như mong đợi, Trậm Điểu có cốt truyện thật sự hấp dẫn ly kỳ. Tác giả không cố tình viết giựt gân kiểu như “bỗng một bóng đen xuất hiện bên cạnh tôi” nhưng câu chuyện vẫn cuốn hút ngay từ những trang đầu tiên, nhiều đoạn khiến Biển căng thẳng do quá hòa mình vào câu chuyện. Giọng văn rành rọt phân minh, tuy thường xuyên có những câu dài như cả đoạn nhưng đọc vẫn dễ hiểu. Những câu văn dài cũng cho thấy kỹ năng dịch thuật thượng thừa và nỗ lực của dịch giả. Biển không hiểu rõ những đoạn về kinh tế hay âm mưu chính trị trong truyện, nhưng điều đó không ngăn cản Biển thưởng thức chất trinh thám của Trậm Điểu. Nửa sau quyển sách sẽ khiến độc giả muốn đọc một mạch để nhanh biết kết cuộc. Tuy không có nhiều đoạn triết lý nhưng Matthew FitxSimmons đã khéo léo lồng ghép tâm lý nhân vật vào các đoạn văn, khiến người đọc cảm nhận và thấu hiểu được cách suy nghĩ, hành xử của các nhân vật trong truyện.
“Thêm nữa, đàn ông ở tuổi anh ta có xu hướng không coi trọng phụ nữ ở tuổi cô và cô nhận ra rằng bị đánh giá thấp là điều hữu ích”.
Trậm Điểu cũng có đề cập một chút đến khả năng mà tội phạm được chấp nhận hòa nhập với XH sau khi mãn hạn tù. Tuy biết phải khoan dung với đồng loại nhưng hầu hết người dân thường – những người không có tiền án tiền sự – sẽ rất khó cảm thấy an toàn và tin cậy để sống chung / làm việc chung với những người đã từng phạm tội.
“Một người phạm tội hình sự như ông phải ghi rõ lịch sử phạm tội khi xin việc. Và bởi vì việc phân biệt đối xử đối với tội phạm hình sự đã bị kết án không phải là bất hợp pháp, có ít người chịu tuyển dụng họ. Kẻ tội phạm còn lại lựa chọn gì ngoài việc tiếp tục cuộc đời tội ác?”
[Đoạn tiếp theo đây Biển không nghĩ là spoil, nhưng bạn nào sợ spoil thì xin đừng đọc ^_^]. Nhân vật chính Gibson Vaughn không được xây dựng hình tượng siêu anh hùng như Jack Reacher, đọc Trậm Điểu mà nhiều lần Biển tức tối nôn nóng khi thấy anh bị đánh, bị ép phải quy phục trước cường quyền. (Người có thể coi là nữ chính trong truyện này) là Lea Regan, một phụ nữ dũng cảm nhưng không kém phần cố chấp. Trong Trậm Điểu, số phận của cô bị bỏ ngỏ khiến Biển khá lo lắng. Cũng muốn nói một chút về kết cuộc của truyện, Biển không biết tiếng Anh nên không biết cách tìm hiểu xem loạt truyện “Điệp vụ Gibson Vaughn” có bao nhiêu cuốn, nhưng sau phần kết của Trậm Điểu thì Biển đoán tác giả phải viết tiếp ít nhất là một quyển khác, vì nếu số phận của Gibson Vaughn kết thúc như trong Trậm Điểu thì đúng là tác giả muốn khiến độc giả tức chết.
Ngay khi nhìn thấy thông tin phát hành và bìa của cuốn Trậm Điểu thì Biển liên tưởng đến loài chim trẩm từng đọc được trong tác phẩm Trâm của tác giả Châu Văn Văn. Trong quyển “Trâm – Tình lang hờ” có đoạn Lý Thư Bạch nói như sau: “Trên đời làm gì có chim trẩm, chỉ là người chết vì trúng loại độc này, toàn thân đến cả thịt da lông tóc đều sẽ chứa chất độc, chim trúng độc chết thì đến lông vũ cũng có độc. Chỉ cần lấy tóc người hoặc hoặc lông chim trúng độc cũng đủ tái chế thành kịch độc, nên mới có truyền thuyết chấm lông chim trẩm vào rượu là thành rượu độc”. Còn trong Trậm Điểu, có phần chú thích của dịch giả rằng “trậm điểu” là loài chim độc trong truyền thuyết TQ. Sách “Sơn Hải Kinh” mô tả Trậm Điểu là loài chim bụng màu tía, cổ dài, mỏ màu hồng điều. Nó cực độc vì chuyên ăn rắn lục. Con trống gọi là Hồi Dương, con mái gọi là Âm Uân.
Bìa sách thoạt nhìn hơi khó hiểu nhưng rất hợp với tựa đề Trậm Điểu. Chất giấy trong sách rất đẹp, vốn là một mọt sách giấy nhưng khi đọc sách Biển ít khi quá “tôn sùng nâng niu” sách, thậm chí còn hay gấp góc để đánh dấu những đoạn hay, nhưng đối với Trậm Điểu, sách đẹp đến nỗi Biển đọc kiểu 45 độ và chịu khó ghi chép lại tất cả chứ không nỡ gấp góc. Chữ in to rõ dễ đọc, còn vài lỗi chính tả và lỗi đánh máy không đáng kể. Số điểm 9.5/10 là Biển chấm cho toàn bộ các yếu tố từ ngoại hình đến nội dung, thiếu 0.5 là vì phần kết khiến Biển bứt rứt lo lắng! Cũng như các loạt truyện về Jack Reacher của Lee Child hay loạt truyện của David Baldacci, series về Gibson Vaughn của Matthew FitzSimmons chắc chắn là những quyển sách không thể bỏ qua đối với các mọt trinh thám.
(Sea, 25-8-2019)
Bookmark tự vẽ, lấy ý tưởng từ Internet.
Camellia Phoenix
***
Những ngọn đèn tỏa ra luồng ánh sáng huỳnh quang sâu thẳm. Khắp nơi quanh gã, Merrick nghe thấy âm thanh của những người đang bị ép phải thức giấc. Những tiếng cót két của lò xo nệm cũ kỹ. Những cuộc trò chuyện, đã ngưng lại vào tối hôm trước khi đèn tắt, lại tiếp nối như thể mới chỉ vài giây trôi qua. Những câu chuyện dễ nối lại vì chúng vẫn là những cuộc đối thoại tầm thường giống như buổi sáng hôm trước và trước đó nữa, kéo dài lê thê suốt tám năm trời mà Merrick lúc nào cũng thức giấc cùng với chúng.
Nhà tù chỉ quanh quẩn bàn luận với mấy chủ đề - cuộc đời trước khi vào tù, cuộc sống trong tù và lời hứa hẹn về một cuộc đời tốt đẹp hơn sau đó. Kẻ thù và bạn hữu, đàn bà, người thăm nuôi, nhà ăn và đồ ăn dở tệ. Chẳng bao lâu đã hết chuyện và từ đó trở đi chỉ còn những biến thể của một chủ đề. Tù nhân đến rồi đi, nhưng những cuộc đối thoại đó vẫn cứ tiếp diễn mãi. Được truyền miệng cho nhiều thế hệ phạm nhân còn chưa tới, như thể những cuộc đối thoại ấy mới là những khách trú đích thực duy nhất của nhà tù, còn tù nhân đơn giản chỉ là tiếng nói chuyển tiếp những gì đã được nói ra từ rất lâu trước đó. Hay đó là điều mà Charles Merrick sẽ hạnh phúc khi tưởng tượng về việc gã vĩnh viễn bỏ lại nhà tù liên bang Niobe sau lưng trong 142 ngày nữa.
Merrick tung chân khỏi giường và xỏ thẳng vào đôi tông để chân gã không bao giờ phải chạm vào mặt sàn của nơi đáng ghê tởm này. Chỉ trong bốn động tác nhanh gọn, thuần thục, gã đã dọn xong giường của mình. Chiếc chăn lông thô đến nỗi chó cũng không thèm đắp. Con Morgan thì chắc chắn là không rồi - con chó Tây Ban Nha dòng King Charles của gã, nó đã qua đời khi gã ở trong này. Gã nhớ con vật đó: con vật trung thành duy nhất mà gã từng biết.
Mấy tay lính gác đi qua khu nhà giam, bắt đầu lượt điểm danh lúc bảy giờ sáng. Bọn chúng còn hai lượt điểm danh vào lúc ba và năm giờ sáng nữa. Đó là phần khó khăn nhất với gã khi ở trong tù - giấc ngủ của gã cứ bị cắt ngang bởi những tiếng rầm rì vô nghĩa cùng tiếng bấm từ chiếc máy đếm nhỏ chỉ vì ý nghĩ nực cười rằng bọn chúng đang đếm thầm trong đầu. Những kẻ với trình độ tốt nghiệp phổ thông thậm chí còn không đủ tiêu chuẩn làm việc trong phòng văn thư của Merrick Capital.
“Sẵn sàng cho ngày trọng đại chưa, Lọ Lem?”
Những tay lính gác đã dọa dẫm gã nhiều tuần liền. Kể từ khi giám đốc nhà tù chấp thuận cuộc phỏng vấn, Merrick không còn nghĩ được chuyện gì khác. Gã đã không có khách thăm nào ngoại trừ các luật sư của gã từ nhiều năm rồi, nên xin hãy tha thứ cho sự phấn khích về cuộc phỏng vấn của gã. Đám lính gác cùng lũ tù nhân đều không ngừng mỉa mai gã như những đứa trẻ ghen tức, nhưng gã hiện đang có tâm trạng quá tốt để mà bận lòng về chuyện đó.
Ngay khi các lính gác ra hiệu là mọi việc đã sẵn sàng, Merrick lao nhanh về phía phòng tắm. Gã hẳn đã chạy nếu được phép. Bình thường, gã không bao giờ vội vã đi đâu; sau mỗi góc quanh vẫn là nhà tù, vậy thì việc gì phải vội? Nhưng hôm nay gã muốn là người đứng đầu hàng, gã không muốn đang tắm lại hết nước nóng. Tắm xong, Merrick cạo râu cẩn thận và chải mái tóc vàng dày của gã cho đúng nếp. Nó đã ngả bạc hơn so với hồi gã mới đến nhà tù liên bang Niobe, nhưng gã vẫn còn mái tóc đó và thế là đủ. Nếu có gì khác, thì hôm nay gã thấy mình khá hơn. Cường độ làm việc kinh khủng ở Merrick Capital đã tổn hại đến sức khỏe và vùng bụng của gã. Phải vào tù gã mới phát hiện ra tình yêu với việc tập thể dục. Đẩy tạ như một tù nhân đích thực.
Chiếc dao cạo rẻ tiền làm gã bị xước ở dưới tai, gã đắp vào đó một miếng giấy vệ sinh. Gã nhớ da diết chiếc bệ đá cẩm thạch cũ với những đồ dùng vệ sinh đắt tiền được đặt lên. Gã nâng niu cả một lọ nước hoa bản mẫu ưa thích của mình - thứ đã khiến gã tốn bao nhiêu là công sức và mưu mẹo. Gã đã phải hy sinh cả một tháng lương thực của mình để đưa lậu nó vào đây dành cho hôm nay. Gã mở nắp và ngay lập tức biết rằng nó hoàn toàn xứng đáng. Một giọt vào gáy và ba, không, bốn giọt nơi cổ tay trái, cần xịt thêm để che đậy mùi hôi hám của nơi này. Gã chà xát hai cổ tay với nhau và tự ngưỡng mộ mình trong gương.
Một lính gác đi ngang qua ngửi thấy mùi và dừng lại. “Mùi quái gì thế, thằng tù?”
“Chanel’s Pour Monsieur,” Merrick nói.
“Pour Monsieur?” Tay lính gác nói, nhại gã bằng thứ giọng Pháp tệ hại. “Chà, mày có mùi như trong phòng phá thai ấy. Nhanh lên, Lọ Lem, không thì lỡ bữa tiệc đấy.”
Merrick mặc bộ áo liền quần tẻ nhạt của nhà tù và cố gắng làm cho nó thẳng thớm lại trong gương, không mấy tác dụng. Gã đã yêu cầu được mặc bộ vét ở tòa cho buổi phỏng vấn để rồi bị cười nhạo trong văn phòng giám đốc trại giam. Có lẽ đằng nào thì bộ đồ đó cũng không vừa với gã nữa, vì gã đã gọn gàng hơn nhiều so với khi tới đây. Gã sẽ cần những bộ vét mới, bắt đầu là mười lăm hay hai mươi bộ và hy vọng rằng tay thợ may quen của gã ở Savile Row chưa về hưu. Người ta không thể tùy tiện thay đổi thợ may được.
Lúc ăn sáng, Merrick ngồi một mình và chọn đại món được tạm gọi là trứng bác. Gã không thích ý tưởng bước vào một cuộc phỏng vấn mà chưa được chuẩn bị, nhưng bên tạp chí đã bác bỏ yêu cầu gửi trước câu hỏi. Lúc còn là đối tác quản lý điều hành của Merrick Capital, gã có hai hay ba cuộc phỏng vấn mỗi tuần. Cánh nhà báo xếp hàng để gặp gã và nhóm quan hệ công chúng của gã xem trước câu hỏi, lên kịch bản cuộc gặp để phô bày thương hiệu Charles Merrick trong thứ ánh sáng lộng lẫy nhất có thể.
Việc bước vào một cuộc phỏng vấn chưa được chuẩn bị trước sẽ là trải nghiệm mới, nhưng Finance là một tạp chí đàng hoàng, chuyên nghiệp ở đẳng cấp cao nhất. Họ chắc chắn sẽ cử tới một người giỏi. Gã không biết người phụ nữ Lydia Malkin này, nhưng cô ta sẽ chứng tỏ năng lực của mình. Gã đang cảm thấy muốn cởi mở và ý tưởng về cuộc trò chuyện hấp dẫn với gã. Trò chuyện thực sự. Đã lâu rồi không ai hỏi gã một câu khiến gã phải suy nghĩ.
Khi đến giờ phỏng vấn, lính gác dẫn Merrick vào một trong những căn phòng tư vấn pháp lý chật hẹp. Căn phòng trơ trọi, không có gì ngoài một chiếc bàn dài và những chiếc ghế kim loại chẳng thoải mái chút nào. Gã từng ở trong phòng này, hay một căn phòng tương tự, không biết bao nhiêu lần. Một phụ nữ cỡ tuổi con gái gã đang ngồi ở bàn, khoảng chừng hai mươi lăm? Cô ta đang hí hoáy ghi chép trên một tập giấy ghi chú. Ngay cả khi gã chấm điểm rộng tay thì trông cô ta cũng không hấp dẫn lắm. Có lẽ là một phóng viên tập sự được cử tới cùng để có chút kinh nghiệm hiện trường. Được thôi, được thôi. Hai phụ nữ luôn tốt hơn là một.
Cô ta đặt bút xuống và đứng lên chào gã. “Rất vui được gặp ông, ông Merrick.”
“Bao lâu nữa cô ấy mới tới đây?”
“Xin lỗi?”
“Lydia Malkin. Bao lâu nữa cô ấy tới? Tôi không biết tay lính gác cho chúng ta bao nhiêu thời gian. Họ có thể… khó chịu,” gã nói như thể mô tả dịch vụ phòng ở một khách sạn.
“Tôi chính là Lydia Malkin.”
Cô đưa tay ra. Gã nhìn bàn tay và cảm thấy huyết áp tăng lên với suy nghĩ có người đã cử đứa nhóc tì này tới phỏng vấn gã.
“Cô là phóng viên tờ Finance?”
“Phải, là tôi.”
“Cô bao nhiêu tuổi? Hai mươi hả? Cô học xong đại học chưa?”
“Tôi hai mươi sáu. Tôi có bằng thạc sĩ báo chí của trường Northwestern.”
“Thậm chí cô có biết tôi là ai không?”
“Ông là Charles Merrick.”
“Tốt cho cô. Nhưng tôi biết rất rõ là tờ Finance không cử một phóng viên hai mươi sáu tuổi đi thực hiện bài phỏng vấn trang bìa bao giờ.”
Cô nhìn gã tỏ vẻ ngạc nhiên. “Tôi lấy làm tiếc nếu có trục trặc trong khâu liên lạc. Đây không phải bài trang bìa.”
“Cô nói sao cơ?”
“Đây chỉ là một phần hồ sơ nhân vật nhỏ: ‘Giờ ông ấy ở đâu?’ Đại loại thế. Bởi ông sẽ sớm ra khỏi đây.”
“Một phần hồ sơ nhân vật? Peter vẫn còn là tổng biên tập chứ?”
“Peter Moynihan là tổng biên tập,” cô nói với giọng mệt mỏi làm Merrick phát bực.
“Và anh ta nghĩ rằng sẽ là ý hay nếu viết… Cô nói sao nhỉ? Một ‘phần hồ sơ nhân vật nhỏ’ về tôi?”
“Thực ra Peter không mặn mà lắm với ý tưởng đó. Lúc đầu là vậy.”
“Lúc đầu.”
“Tôi đã thuyết phục ông ấy.”
“À, cảm ơn cô nhiều,” Merrick nói. “Vì đã nói hộ tôi.”
“Có lẽ tôi nên ra về.”
Gã nhìn cô thu dọn những tài liệu đã bày ra trên bàn. Ngày xưa, gã sẽ cười lớn khi tiễn một phóng viên ra khỏi văn phòng của gã nếu người đó thử một chiến thuật rõ ràng như thế. Gã cực kỳ muốn để cô ta rời nhà tù Niobe trong thất vọng và trắng tay, nhưng gã ngăn cô lại vì điều đó sẽ còn làm gã tổn thất hơn nhiều.
“Tại sao họ không quan tâm?”
Cô dừng lại và nhìn thẳng vào mắt, đánh giá gã một cách tự tin. Gã không quan tâm nhưng buộc phải mỉm cười.
Dù không muốn thừa nhận, nhưng gã cần Lydia Malkin hơn là cô cần gã.
“Ông muốn biết thật sao? Không ai quan tâm cả,” cô nói. “Rất nhiều người ghét cay ghét đắng thỏa thuận nhận tội của ông với Bộ Tư pháp. Tám năm tù cho những hậu quả mà Merrick Capital gây ra cho các nhà đầu tư của nó là điều thật lố bịch. Và tổng tài sản tịch thu không bõ bèn gì để đền bù cho các nạn nhân của ông - những cuộc đời đã bị hủy hoại.”
Merrick bác bỏ ý kiến rằng thỏa thuận của Bộ Tư pháp với gã là hết sức độ lượng. Giá mà cô Lydia Malkin bé bỏng này biết được dù chỉ là một nửa câu chuyện. Món quà gã đã trao cho đất nước vĩ đại này để đổi lấy cái được gọi là sự khoan hồng. CIA lẽ ra phải tổ chức một cuộc diễu hành để vinh danh gã thay vì nhốt gã ở đây.
“Đó là chưa nói tới thực tế là ông được đưa vào đây thay vì một nhà tù thực sự.”
“Một nhà tù thực sự sao? Chà, thay vì ‘câu lạc bộ đồng quê’ này hả?”
“Phải.”
“Cô có biết là chúng tôi thực ra không có sân quần vợt không? Chúng tôi từng có, nhưng họ đã san phẳng nó rồi. Biết tại sao không? Vì ý tưởng cho rằng đây là một ‘câu lạc bộ đồng quê.’ Như thế là phân biệt đối xử.”
“Phân biệt đối xử sao?”
“Chính xác là thế. Tôi đã bị từ chối một hình thức tập thể dục chính đáng. Vì sao? Vì đó là một môn thể thao mà những người như tôi rất thích, như thế là phân biệt đối xử. Xong rồi để bọn họ chơi bóng rổ, một trò chơi bọn họ cũng thích thú như thế. Vậy thì công bằng ở đâu?”
“Bọn họ?” Cô hỏi, tìm cách khiến gã mắc câu.
Gã không mắc vào trò đó.
“Vậy… Nếu chẳng ai bận tâm, thì tại sao cô lại ở đây?”
“Để xem nhà tù có làm thay đổi một người được biết đến với tên gọi là Madoff Đệ nhị hay không.”
“Madoff Đệ nhị?”
“Người ta gọi ông thế. Ông chưa bao giờ nghe hả?”
“Tất nhiên tôi nghe rồi. Tôi chỉ không tin nổi là cái tên đó lại hợp lý.”
“Tại sao không?”
“Vì Merrick Capital không phải là tài chính đa cấp, vậy đó. Đây là một sự sỉ nhục. Hoạt động kiểu Madoff là kiểu nghiệp dư. Ai cũng biết hắn ta làm gì. Rõ rành rành. Hãy lưu ý là không hề có công ty lớn nào ở Phố Wall đầu tư dù chỉ một xu với Madoff. Điều này chẳng phải hơi lạ lùng khi mà Madoff chỉ báo lỗ có bốn tháng trong hai mươi năm hoạt động sao? Điều đó như thể một cầu thủ bóng chày có tỉ lệ đánh trúng bóng .900 một mùa mà vẫn không được một đội lớn ký hợp đồng. Lý do duy nhất Madoff không bị bắt sớm hơn là vì SEC mắc kẹt với đám nhân viên bất tài, thiếu ngân sách. Họ đã điều tra hắn sáu lần. Sáu! Họ lẽ ra phải tóm hắn từ năm ’99 khi Harry Markopolos cảnh báo về hắn, nhưng SEC không bao giờ bận tâm xác nhận những cáo buộc về hắn với DTC. Vì vậy, phải, tôi khó chịu vì bị đánh đồng với gã cặn bã đó.”
Cô bắt đầu bật máy ghi âm đặt ở giữa bàn. “Merrick Capital thì khác gì chứ?”
“Merrick Capital là công trình nghệ thuật của chúng tôi. Các chiến lược đầu tư của chúng tôi hoàn toàn hợp pháp và lợi nhuận cho nhà đầu tư của chúng tôi là không có tiền lệ.”
“Merrick Capital bắt đầu làm giả số liệu lợi nhuận từ năm 1998.”
Gã có thể cảm thấy máu dồn lên tai. “Những khách hàng của tôi vẫn trở nên giàu có.”
“Không phải vào năm 2008, năm đó thì không. Ông mất cả gia tài vì đặt cược vào mỏ niken ở Tây Úc.”
“À phải, vụ sụp đổ lớn,” Merrick nói. “Giá mà người dân Mỹ biết cách trả tiền vay thế chấp đúng hạn.”
“Ông bị bắt là lỗi của người dân Mỹ sao?”
“Cô nói chuẩn đét đấy. Nếu vụ sụp đổ lớn không khiến giá niken lao dốc, thì vụ cá cược của tôi, như cô gọi nó, đã có lãi.”
“À, đó chắc chắn là góc nhìn có một không hai,” cô nói, nghiêng người về phía trước. “Nhưng đó vẫn là một vụ được ăn cả ngã về không. Ông ít ra phải thừa nhận điều đó. Các kinh tế gia gọi đó là một trong những màn đánh cược vô trách nhiệm nhất trong ngành tài chính hiện đại, dù có hay không có cuộc khủng hoảng tài chính. Vậy mà giờ ông ngồi đây, tự tin về một kết quả khác. Làm sao ông biện minh được cho sự đoán chắc đó?”
Trong thâm tâm Merrick biết, thậm chí là khi đó, rằng gã lẽ ra nên suy nghĩ cẩn trọng hơn.
Thay vì thế, gã đã trả lời câu hỏi của cô.
Mời bạn mượn đọc Trậm Điểu của tác giả Matthew Fitzsimmons & Trần Trọng Hải Minh (dịch).