Trần Quốc Toản |
|
Tác giả | Lưu Sơn Minh |
Bộ sách | |
Thể loại | Lịch sử - Quân sự |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 5494 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Lưu Sơn Minh Trần Quốc Toản Tiểu Thuyết Lịch Sử Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
Nối tiếp thành công của truyện dài dành cho thiếu nhi Trần Quốc Toản, Sơn Minh tiếp tục thổi một làn gió mới vào hình tượng vị anh hùng trẻ tuổi với tiểu thuyết lịch sử cùng tên.
Trong buổi trò chuyện với độc giả tại Hà Nội nhân ra mắt sách ngày 15/6, nhà văn cũng chia sẻ quan niệm về nghề viết của mình. Anh cho rằng mỗi người viết phải có trách nhiệm với độc giả về những điều mình viết ra, nhất là với viết về đề tài lịch sử.
Khi câu chuyện lịch sử mà người viết sáng tạo đang còn nhiều lẩn khuất chưa được giải đáp thì họ không nên dừng công việc làm sáng tỏ điều đó. Đây cũng chính là lý do lớn nhất khiến cho tác giả chấp bút để viết tiếp.
Trần Quốc Toản là tác phẩm được nhà văn sáng tạo thêm từ truyện ngắn Nước mắt trúc, đã khắc họa nhiều góc nhìn đan cài nhau về người anh hùng nhỏ tuổi. Đó là một người con hiếu thuận và muốn bảo vệ mẫu thân trước sự xa lánh của gia tộc cho đến sự mặc cảm tự ti khi số phận mình bị lãng quên trong triều đại. Chính cách khắc họa nội tâm cá nhân người anh hùng dân tộc trong mối quan hệ phức tạp với tuổi trẻ, gia tộc, tổ quốc, thời đại đã đem đến điểm khác biệt nổi bật cho tác phẩm.
Chia sẻ về việc vẽ minh họa cho tiểu thuyết này, họa sĩ Thành Phong nhận thấy mình có duyên với những nhân vật thời Trần. Cái duyên đó xuyên suốt từ bộ truyện Long thần tướng lấy bối cảnh thời Đông A cho đến tiểu thuyết về người anh hùng trẻ tuổi nhất cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Đã từng hợp tác cùng tác giả Lưu Sơn Minh trong tác phẩm Trần Khánh Dư,Thành Phong cho biết tạo hình hai nhân vật đều tập trung vào những điểm nổi bật của người thời Trần như: nhuộm răng, xăm mình. Điểm khác biệt ở chỗ Trần Quốc Toản được tập trung thể hiện sự non nớt hồn nhiên còn Trần Khánh Dư mang đậm sắc thái ngạo nghễ oai hùng.
Thành Phong cũng chia sẻ trong tương lai sẽ thực hiện nhiều dự án vẽ minh họa về đề tài lịch sử để khai phóng bản thân, sáng tạo thêm nhiều phong cách mới.
Tác giả Lưu Sơn Minh sinh năm 1974.
Truyện ngắn lịch sử Chim sâm cầm chưa về (về án oan Thái sư Lê Văn Thịnh) được chọn là Truyện ngắn của năm 1996 trên báo Văn nghệ trẻ.
Các tác phẩm đã in:
- Mưa sâm cầm (tập truyện ngắn).
- Trần Khánh Dư (tiểu thuyết lịch sử).
Thanh Nhàn - Zing.vn
***
Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản phụng phịu ra mặt với mẹ. Toản đã xin thầy một chữ Tâm thật lớn để treo giữa nhà nhưng cuối cùng, trước khi về quê ăn giỗ, thầy lại đưa cho cậu một chữ Tâm nhỏ xíu mà nét nào nét ấy khẳng khiu như que tăm. Thực ra chỉ có Quốc Toản mới phụng phịu như vậy chứ thiên hạ mà có xin được chữ của ông thầy ấy thì đã là may mắn quá rồi. Vốn ông Cả Võ – thầy học của Quốc Toản không phải là người thường. Phu nhân đã phải sai người dò hỏi khắp trong vùng Võ Ninh mới tìm được nhà thầy. Ông Cả trước thường theo giúp bàn việc quân cơ dưới trướng tướng quân Lê Tần. Sau khi quân Nguyên bị đánh bại, tướng quân Lê Tần được ơn vua cho đổi tên thành Lê Phụ Trần thì ông Cả Võ xin về quê đọc sách. Lê Phụ Trần cố hết cách không giữ nổi đành phải để ông Võ đi. Quà chia tay của họ toàn là những thứ lạ đời. Lê Phụ Trần tặng ông Võ ba loại binh khí: thanh kiếm trận của một người Tống mang sang làm quà cho tướng quân, lưỡi đao lá trúc trong bộ phi đao của Vũ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu, ống tiêu bằng trúc Tương phi và mũi tiêu làm từ lông đuôi một loài chim xứ Bắc. Còn ông Võ tặng lại một cây quạt phất bằng lụa màu nguyệt bạch có chép toàn bài Tương tiến tửu của Thi tiên Lý Bạch, một hũ rượu cúc, và một bàn cờ với quân cờ tiện bằng thứ đá thường vẫn sáng xanh khi trời tối. Quà cho người về với dân gian toàn là binh khí, mà quà cho người ở lại thì toàn những thứ để di dưỡng tính tình. Từ khi về quê, rất nhiều nhà giàu và các vương hầu tìm đến gửi gắm con cái nhưng ông Cả Võ chưa hề thu nhận một đệ tử nào. Mãi tới khi phu nhân dắt Quốc Toản sang để ông xem mặt thì ông Cả Võ mới nhận cái cậu chàng mặt mũi chân tay trắng trẻo nhỏ xinh như con gái ấy làm học trò. Mà rồi Quốc Toản chẳng chịu học văn, suốt ngày chỉ thấy cậu chàng xin học võ, học binh thư và… đi phơi nắng cho đen. Thế nhưng cái nước da trắng bóc và đôi má hồng “như má con gái” ấy phơi mãi cũng chẳng chịu đen cho…
Phu nhân đưa tay xoa đầu Quốc Toản. Thằng bé này tính khí vẫn thế, muốn cái gì là chỉ muốn cho bằng được. Mỗi khi phu nhân hỏi han ông Cả Võ về Quốc Toản, ông vẫn nói cậu học trò này có cái quyết đoán của tướng võ mà thiếu cái thâm trầm của tướng văn. Phu nhân cũng thấy lo lo. Thuở còn sinh tiền, phu nhân vẫn nghe Đức ông nói với các tỳ tướng: “Tướng chiếm đất lập công, xông pha mà đoạt lấy là tướng cương. Tướng thủ hiểm giữ thành, chẹn lương cướp ngựa là tướng nhu. Cương quá thì gãy mà nhu quá thì không hòng đảo nổi thời thế…” Thường khi nói tới đó, Đức ông vẫn thở dài: “Ta tự biết mình là một tướng cương…” Bây giờ thì Đức ông nằm xuống đã lâu, phu nhân cũng chỉ sinh được một mình Quốc Toản. Dạy chữ nghĩa thì phu nhân dạy được, nhưng để dạy cho Quốc Toản thành một viên tướng nối dòng Đông A* thì chẳng phải chuyện chơi. Mà phu nhân nói với Quốc Toản rằng việc gửi cậu vào học ở Giảng Võ Đường không phải là một ý hay. Cái thói mải chơi của con, phu nhân quá hiểu. Nếu không học một thầy một trò kèm cặp kỹ lưỡng thì chả mấy cậu cũng sa vào những thói đá gà đua ngựa mà thôi. Cũng may phu nhân lại cậy được ông Võ rèn giũa cho Quốc Toản…
Quốc Toản buồn bã đi ra sân. Có những lúc Toản cảm thấy mình chẳng còn thích thú nào nữa. Tất cả những người xung quanh dường như cũng đều không hiểu cậu hầu tước trẻ tuổi này muốn gì. Hoài Nhân vương Kiện là anh họ bằng tuổi Toản thì suốt ngày miệt mài với thi phú và thú chơi cờ. Toản đã từng đánh cờ với Hoài Nhân vương. Cũng có ván thắng, ván thua nhưng thua nhiều hơn thắng. Với Toản thì thắng thua như thế cũng chẳng đáng kể nhưng Hoài Nhân hể hả ra mặt.
Những vương hầu trẻ tuổi khác vẫn thường lắc đầu khi nhắc đến Hoài Văn hầu. Theo họ thì gã hầu tước này chẳng qua là một anh nhà quê không biết đời là cái gì. Mà quả thật, đám vương hầu trẻ ở kinh thành suốt ngày mê mải vì một con gà chọi có thể đổi được cả tàu ngựa hoặc một con họa mi mắt đỏ nuôi trong lồng vàng đáng giá cả gia tài. Còn Hoài Văn hầu lại nói với họ rằng họa mi hót chẳng hay bằng chim cu gáy. Thế là đám vương hầu cười ầm lên. Rõ là cái anh nhà quê…
Trong khi tất cả các vương tôn công tử đều được gửi học ở Thăng Long thì riêng có Quốc Toản “bị” mẹ bắt phải ở lại thái ấp của cha và đón thầy về dạy. Thành thử, cứ chuyến nào về kinh, Quốc Toản cũng nói ra những câu “ngây ngô” mà có khi cả năm sau bọn kia vẫn mang ra làm chuyện vui. Thường thì Quốc Toản cũng chẳng coi chuyện ấy ra gì nhưng có một người Toản rất ghét. Đó là Chương Hiến hầu Trần Kiện. Gã nói những câu đểu giả khiến Quốc Toản tức phát khóc mà không làm gì được. Cái gã mặt xanh như tàu lá có đôi mắt sắc hay liếc ngang ấy ăn nói rất khủng khỉnh ra vẻ ta đây con nhà quyền quý vẫn quen thói bắt nạt bọn vương hầu trẻ. Cùng tên là Kiện nhưng trong khi Hoài Nhân vương tốt bụng và chân thực bao nhiêu thì Chương Hiến hầu lại đáng ghét chừng ấy. Gã vẫn thường theo đuôi Tăng Uyên Tử thả thuyền ngoài hồ Dâm Đàm để ngắm trăng và… ngâm vịnh. Nhưng cứ theo lời mấy thằng người nhà hay bép xép thì nào Chương Hiến hầu có ngâm vịnh gì đâu. Trong khi Tăng Uyên Tử bày trò cợt nhả với mấy ả ca kỹ thì Trần Kiện nốc rượu say bí tỉ và hát hò toàn những lời bậy bạ. Cũng đã hơn năm nay, Toản không vào kinh nhưng khuôn mặt trâng tráo của Trần Kiện cậu khó thể nào quên nổi. Thành thử, Thăng Long trong lòng Quốc Toản đẹp thì đẹp thật nhưng cứ nhắc đến kinh thành thì Toản chỉ toàn nhớ đến cái gã đáng ghét kia mà thôi…
Lũ vương tôn công tử ở kinh thành làm sao có thể hiểu rằng tiếng chim cu gáy trong một buổi trưa mới thanh bình làm sao, đáng yêu làm sao. Nó quý giá gấp vạn lần thứ tiếng hót của con họa mi được nuôi trong lồng vàng nhưng chẳng bao giờ hiểu nổi thế nào là bầu trời xanh và gió lộng…
Vậy mà phu nhân lại đang định nhờ Đức ông Chiêu Thành vương đem Quốc Toản lên kinh một tháng để học lấy cái thanh lịch chốn Tràng An. Lạ thật, nhiều khi Quốc Toản không hiểu mẹ mình muốn mình thành một người như thế nào nữa!…
Mời các bạn đón đọc Trần Quốc Toản của tác giả Lưu Sơn Minh.