Bất chấp sự quen thuộc và vĩnh hằng, thời gian vẫn là một ẩn số không ngừng đánh đố chúng ta. Các triết gia, nghệ sĩ và nhà thơ từ lâu đã khám phá ý nghĩa của nó, trong khi các nhà khoa học nhận thấy rằng cấu trúc của thời gian khác với trực giác đơn giản mà chúng ta có.
Từ Boltzmann đến lý thuyết lượng tử, từ Einstein đến hấp dẫn lượng tử vòng, sự hiểu biết của chúng ta về thời gian đã trải qua những biến đổi căn bản. Và với Trật tự thời gian: Từ nguồn gốc vũ trụ, số phận các hố đen đến bản chất của ý thức, Carlo Rovelli đưa chúng ta vào câu chuyện đầy mê hoặc khám phá bản chất và ý nghĩa của thời gian.
Carlo Rovelli là một nhà vật lý lý thuyết người Ý, có nhiều cống hiến quan trọng cho nghiên cứu bản chất vật lý của không gian và thời gian. Cùng với Bảy bài học vật lý hay nhất, Trật tự thời gian là một trong những cuốn sách thuộc top bán chạy nhất thế giới và đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ khác nhau. Tờ The Washington Post nhận xét: “Không ai viết về vũ trụ như nhà vật lý lý thuyết Carlo Rovelli… Câu chuyện mới về thời gian này đầy duyên dáng và sáng rõ, cho dù ông đang trình bày về những sự thật hay chìm đắm trong những suy tưởng lãng mạn-triết học về bản chất của thời gian.”
Cuốn sách được chia thành ba phần không bằng nhau:
Phần I: SỰ PHÂN HOẠI CỦA THỜI GIAN, tác giả trình bày những hiểu biết của vật lý hiện đại về thời gian: các đặc tính, những sự thật, những lầm tưởng. Ta thường nghĩ về thời gian như cái gì đó giản đơn, đo bởi đồng hồ, độc lập với mọi thứ, đều đặn chảy từ quá khứ đến tương lai. Nhưng giống như ta đã tưởng Trái đất phẳng và Mặt trời thì quay quanh Trái đất, hóa ra ta đã sai lạc. Cái mà chúng ta gọi là “thời gian” hóa ra là một thể phức tạp các cấu trúc lớp. Dưới sự phân tích ngày càng sâu, các lớp lang của thời gian dần được bóc tách, lột trần.
Phần II: THẾ GIỚI KHÔNG CÓ THỜI GIAN, cuốn sách đưa ta tới một khung cảnh trống rỗng, thênh thang hầu như không dấu tích của tính tuần tự thời gian. Một thế giới trút bỏ đến cốt lõi, kỳ quặc, xa lạ, nhưng vẫn chính là thế giới mà chúng ta hằng thuộc về. Một thế giới vạn vật xuất hiện nhưng không có biến số thời gian sẽ ra sao?
Phần III: NGUỒN GỐC CỦA THỜI GIAN là hành trình trở về với thời gian bị mất trong Phần I, khi ta theo đuổi tìm kiếm những quy luật cơ bản của thế giới. Đây là phần khó nhất, nhưng cũng sống động và liên quan đến chúng ta hơn cả. Trong một thế giới không có thời gian vẫn phải có gì đó hình thành nên cái gọi là thời gian quen thuộc của chúng ta, với trình tự của nó, với quá khứ và dòng chảy nhịp nhàng của nó. Giống như cuốn tiểu thuyết trinh thám đình đám, ta truy lùng tên tội phạm: kẻ đã tạo ra thời gian. Hóa ra, người truy tìm thủ phạm lại chính là kẻ phạm tội.
Với sự quyến rũ phi thường, kết hợp khoa học, triết học và nghệ thuật, Carlo Rovelli đã làm sáng tỏ bí ẩn về thời gian và minh chứng rằng «vật lý cũng có thể cất lên những vần thơ». Từng chương, từng chương đưa người đọc đi một hành trình vừa nên thơ vừa đầy bất ngờ: có những niềm tin mà ta hằng bám víu bỗng tan vỡ, có những sự thực choáng váng ta chưa từng biết tới…, để rồi nghiệm ra rằng: Để hiểu chính mình, chúng ta cần suy ngẫm về thời gian - và để hiểu thời gian, chúng ta cần suy ngẫm về bản thân mình.
Lưu ý cuối cùng: Đây là một cuốn sách không thể tóm tắt. Bạn thực sự phải đọc nó!
***
Lời ta nói đây
tên trộm thời gian
cũng đã mang đi
chẳng sao tìm lại. (I, 11)
Bất động. Tĩnh lặng. Vô tư lự. Tôi lắng nghe thời gian trôi.
Đây thời gian, quen thuộc và vĩnh hằng. Thời gian mang chúng ta đi. Những lớp sóng của từng giây, từng giờ, từng năm, xô chúng ta vào cuộc sống, rồi cuốn chúng ta về hư vô... Chúng ta quen thuộc với thời gian như cá quen thuộc với nước. Sự tồn tại của chúng ta là sự tồn tại trong thời gian. Hành khúc thời gian nuôi dưỡng ta, mở ra thế giới cho ta, khiến ta ưu phiền, khiến ta sợ hãi, rồi lại ru yên ta. Vũ trụ trải vào tương lai, cuốn đi bởi thời gian, và tồn tại theo trật tự thời gian.
Trong huyền thoại Hindu giáo, dòng sông trần thế được mô tả với hình ảnh linh thiêng của vũ điệu Shiva⦾: vũ điệu của ngài là cội nguồn tiến trình của vũ trụ, là dòng chảy của thời gian. Có gì có thể phổ quát và hiển nhiên hơn dòng chảyấy?
Nhưng vấn đề phức tạp hơn thế. Bản chất thực tại thường khác xa với những gì nó biểu hiện. Trái đất có vẻ phẳng, nhưng thực ra lại là hình cầu. Mặt trời dường như luân chuyển trên bầu trời, trong khi thực ra chúng ta mới là đang quay cùng Trái đất. Bản chất của thời gian cũng vậy: nó khác với cái dòng chảy có vẻ đều đặn, phổ quát. Tôi sửng sốt phát hiện ra điều này từ những cuốn sách vật lý học những ngày còn là sinh viên: thời gian vốn rất khác với những gì nó biểu hiện.
Cũng từ những cuốn sách ấy, tôi biết rằng chúng ta vẫn chưa nắm được bản chất của thời gian. Bản chất của thời gian có lẽ là điều bí ẩn lớn nhất chưa được giải đáp. Những mối dây kỳ quặc kết nối điều bí ẩn này với những điều bí ẩn lớn khác: bản chất của tâm trí, nguồn gốc của vũ trụ, số phận của các hố đen, sự vận hành của sự sống trên Trái đất. Có gì đó luôn kéo chúng ta trở về với vấn đề bản chất của thời gian.
Thắc mắc là cội nguồn của khao khát hiểu biết, và việc khám phá ra rằng thời gian không phải như những gì chúng ta tưởng đã mở ra thêm hàng ngàn câu hỏi. Bản chất của thời gian là trọng tâm trong sự nghiệp nghiên cứu vật lý lý thuyết của tôi. Trong những trang tiếp đây, tôi sẽ trình bày những hiểu biết của chúng tôi về thời gian, những ý tưởng chúng tôi theo đuổi nghiên cứu để tiến tới một ý niệm sâu sắc hơn về thời gian. Tôi cũng sẽ trình bày những điều chúng tôi còn chưa biết, và những điều chúng tôi mới chỉ đang mơ hồ nắm bắt được.
Tại sao chúng ta chỉ nhớ quá khứ mà không nhớ tương lai? Chúng ta tồn tại trong thời gian, hay thời gian tồn tại trong chúng ta? Ta ngụ ý gì khi ta nói thời gian “trôi”? Điều gì đã gắn kết thời gian với bản thể con người, với tính chủ quan của mỗi chúng ta?
Ta nghe thấy gì trong tiếng thời gian?
Cuốn sách này được chia thành ba phần không bằng nhau. Trong Phần I, tôi sẽ tóm tắt những hiểu biết của vật lý hiện đại về thời gian. Giống như bông tuyết trong lòng bàn tay: khi bạn quan sát nghiền ngẫm về chúng, chúng sẽ dần tan ra giữa các ngón tay và biến mất. Ta thường nghĩ về thời gian như cái gì đó giản đơn, cơ bản, đều đặn chảy từ quá khứ đến tương lai, độc lập với mọi thứ. Cái gì đó đo bởi đồng hồ. Trong tiến trình của thời gian, những sự kiện của vũ trụ trình tự nối tiếp nhau: quá khứ, hiện tại, tương lai. Quá khứ là cố định còn tương lai thì vô định... Và tất cả những ấn tượng này hóa ra là sai lạc.
Các đặc tính của thời gian, cái này đến cái khác, lần lượt bộc lộ ra chỉ là những xấp xỉ, những nhầm lẫn do nhận thức phiến diện của chúng ta mà ra, giống như ta đã tưởng Trái đất phẳng và Mặt trời thì quay quanh Trái đất. Những hiểu biết dần sâu sắc hơn của chúng ta đã dẫn đến sự phân hoại của thời gian. Cái mà chúng ta gọi là “thời gian” hóa ra là một thể phức tạp các cấu trúc lớp . Dưới sự phân tích ngày càng sâu, lớp này đến lớp khác, mảng này đến mảng khác của thời gian đã bị lột bỏ. Phần đầu tiên của cuốn sách này trình bày sự phân hoại của thời gian.
Phần II của cuốn sách mô tả những gì còn lại với ta: một khung cảnh trống rỗng thênh thang hầu như không dấu tích của tính tuần tự thời gian. Một thế giới kỳ quặc, xa lạ, dẫu rằng cũng vẫn chính là thế giới mà chúng ta hằng thuộc về. Cảm giác đó giống như ta đang đặt chân lên một đỉnh núi hoang vắng ngàn năm chỉ có tuyết phủ, sỏi đá và bầu trời. Hẳn rằng Armstrong và Aldrin⦾ đã từng cảm thấy tương tự khi đặt chân lên dải cát ngàn năm bất động của Mặt trăng. Một thế giới trút bỏ đến cốt lõi, lộng lẫy với vẻ đẹp khô cằn bất ổn. Lĩnh vực nghiên cứu của tôi - hấp dẫn lượng tử - là một cố gắng để hiểu và mang lại một ý nghĩa nhất quán cho cái khung cảnh đẹp đẽ và cực đoan đó. Cho một thế giới không có thời gian.
Phần III của cuốn sách là khó nhất, nhưng cũng sống động và liên quan đến chúng ta hơn cả. Trong một thế giới không có thời gian vẫn phải có gì đó hình thành nên cái gọi là thời gian quen thuộc của chúng ta, với trình tự của nó, với quá khứ của nó khác với tương lai, và với dòng chảy nhịp nhàng của nó. Bằng cách nào đó, thời gian của chúng ta phải lộ diện, ít nhất là đối với chúng ta và ở thang độ lớn của chúng ta.
Đây là hành trình trở về, trở lại với thời gian bị mất trong Phần I của cuốn sách, khi ta theo đuổi tìm kiếm những quy luật cơ bản của thế giới. Giống như tiểu thuyết trinh thám, ta truy lùng tên tội phạm: kẻ đã tạo ra thời gian. Ta tìm lại những thành phần kết cấu của thời gian quen thuộc với chúng ta, phần nọ đến phần kia - giờ đây không phải là những thành tố cơ bản của thực tại, mà là một xấp xỉ hữu ích của chúng ta, của những sinh vật vụng về cẩu thả: đó là những thứ xuất hiện do cách nhìn chủ quan phiến diện của chúng ta, và lại cũng là thứ định hình nên bản thể của ta. Bởi vì bí mật của thời gian suy đến cùng, có lẽ, là bí mật của chính chúng ta hơn là của thế giới thực tại kia. Có lẽ, cũng giống như trong cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên và tuyệt vời nhất trong các tiểu thuyết trinh thám, Oedipus Rex⦾ của Sophocles, người truy tìm thủ phạm hóa ra lại chính là kẻ có tội.
Từ đây cuốn sách sẽ trở thành một dòng nham thạch ngùn ngụt các ý tưởng, đôi khi sáng láng, đôi khi kỳ quặc khó hiểu. Nếu bạn lắng nghe, tôi sẽ đưa bạn đến nơi mà tôi tin là hiểu biết của chúng ta về thời gian đã đạt đến: bờ miệng của một đại dương mịt mùng và lấp lánh ánh sao từ tất cả những điều mà chúng ta còn chưa biết.
Mời các bạn đón đọc Trật Tự Thời Gian của tác giả Carlo Rovelli.