Thế nào là triết học nhân sinh? Triết học nhân sinh có thể đem ra bàn luận không?
Có câu “Thiên cơ bất khả lộ”, lại có câu “chỉ khả ý hội, bất khả ngôn truyền”, theo cách nói nhà Phật là “bất khả thuyết”.
Vì sao vậy?
Bởi ngôn ngữ là công cụ đắc lực, song cũng là cái bẫy. Một khi đã nói ra, viết ra, sẽ trở nên xơ cứng, thiếu sót, bị hiểu lệch lạc đi, bước vào quá trình “cứt chó hóa”.
Dám viết về triết học nhân sinh, triết học của đời người, thật dũng cảm thay! Cuốn sách trong tay bạn là tổng kết, đúc rút mấy chục năm trải nghiệm, cảm ngộ của một nhà văn lớn, cây đại thụ của văn đàn Trung Quốc – Vương Mông. Nội dung hàm súc triết lý cao song thể hiện dưới lối viết hóm hỉnh mà gần gũi, Triết học nhân sinh của Vương Mông đã trở thành một hiện tượng sách bán chạy trong năm đầu tiên xuất bản 2003, và đến nay vẫn được rất đông độc giả trẻ tuổi tìm đọc và tán thưởng.
Bạn sẽ tìm thấy ở đây 21 nguyên tắc trong quan hệ đối nhân, vì sao điều quan trọng nhất trong đời người là biết “không làm gì”, lời đáp cho “vô thường” và “hữu thường”, cùng “đại đạo vô thuật”…
***
Chỉ người nào đã đi qua lãnh thổ rộng lớn của đời người mới có tư cách nói về đạo lý chân thực của đời người; chỉ có ai thành công mà lòng dạ chân thành mới cho chúng ta những lời hữu ích về nhân sinh chân thực; chỉ có người đích thân trải qua bao khổ nạn của nhân sinh mới có thể vượt ra khỏi khổ nạn để nhìn nhận về nhân sinh; chỉ có ai điều khiển nhân sinh của mình bằng lý tính, lại không ngại tự mình trải nghiệm thực tiễn mới có thể nói ra được lý tính của nhân sinh. Lời tự thuật của Vương Mông: Triết học nhân sinh của tôi là một cuốn sách như thế.
Khi còn chưa đầy mười bốn tuổi, tác giả đã hát vang bài hát của Tiền Tinh Hải(1) tham gia tổ chức bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng sau khi Đảng giành được chính quyền, chỉ vì một tác phẩm văn học mà bị đánh thành phái hữu. Một nhà văn trẻ từng được Mao Trạch Đông đích thân che chở như ông hoàn toàn có thể vì thế mà được giải thoát nhưng lại phải đem cả nhà chuyển tới miền Tây của Tân Cương và ở nơi từ xưa đã là chốn lưu đày tội phạm ấy đến mười sáu năm trời.
Sau Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13, con người đã rong ruổi nửa cuộc đời trong ngọn gió mạnh mẽ của văn đàn Trung Quốc ấy, chỉ trong một đêm lại đã vụt trở thành “đại thần văn hóa” của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Từ sau Tuổi xuân muôn năm thuở ban đầu, trong 48 năm cầm bút, ông đã viết nên số tác phẩm hơn 10 triệu chữ. Đến nay, tuy đã gần tuổi xưa nay hiếm song trái tim nhà văn chưa hề già, vẫn bằng ngọn bút hào hùng và vốn văn hóa uyên bác cùng tư tưởng triết học sâu sắc, ông tổng kết kinh nghiệm và hiểu biết nhân sinh của mình để tìm tòi và nêu ra những lẽ lớn chí lý về nhân sinh. Đây không chỉ là viết một cuốn sách mà là thu hoạch về nhân sinh vào lúc tuổi đã sang thu, và càng là thực hiện tinh thần trách nhiệm đối với nhân sinh, đối với xã hội, đối với lịch sử.
Nói một cách nghiêm túc, tác giả không chỉ dùng bút mà còn dùng sinh mệnh, dùng suy nghĩ và biện luận, dùng cả tâm huyết để viết nên cuốn sách này, mà viết trong bốn năm, đủ thấy thái độ của tác giả cẩn trọng và nghiêm túc đến mức nào. Đáng quý hơn nữa là tác giả tuy là nhà văn nổi tiếng cả trong và ngoài nước, lại có nhiều học hàm ở trình độ cao nhưng ông không dùng những điều đó để “dọa” người, mà dốc hết tâm can giao lưu cùng bạn đọc với tâm thái bình đẳng, thậm chí còn rất thẳng thắn, chân thành. Trong những lời lẽ thu hút người nghe, thỉnh thoảng cũng có lúc để lộ tình cảm kích động, phẫn uất của những ngày đã qua, song đó đều là những điều chân thực mà bản thân tác giả đã suy nghĩ và ngộ ra. Ông không bao giờ chịu rời bỏ trí tuệ triết học và cảnh giới(2) lý tưởng của nhân sinh, song cũng quyết không cao đàm khoát luận, bất kể việc nhỏ hay lý lẽ lớn lao đều là những điều chí lý về nhân sinh. Mọi điều nói ra đều lấy điểm nền là sự sinh tồn, lấy bối cảnh là cuộc sống, lấy triết học làm vũ khí, dùng phương pháp khoa học và linh động để mổ xẻ nhân sinh, dùng thái độ thực sự cầu thị khách quan và năng động để phân tích một số vấn đề mà nhiều người thường gặp phải trong cuộc sống, hơn nữa còn sáng tạo với ý mới nhiều khái niệm và phạm trù nhân sinh sâu sắc. Vì thế, lấy tên Triết học nhân sinh đặt cho sách này là thỏa đáng.
Sách còn thu lượm thêm hơn hai mươi bài tùy bút hay nhất có liên quan với phương diện nhân sinh mà tác giả đã viết từ trước làm thành phần thứ XII, có thể bổ sung cho tư tưởng nhất quán của tác giả trong sách này. Chúng tôi tin rằng, cuốn sách được xuất bản nhất định sẽ là một dòng suối tươi mát cho thị trường sách đã có đầy sách viết về nhân sinh muôn hình muôn vẻ hiện nay. Hy vọng bạn đọc rút ra được những điều bổ ích từ cuốn sách để dấn thân vào sự nghiệp vĩ đại và cuộc sống một cách hiệu quả hơn, lành mạnh hơn để giành được trí tuệ, chín chắn, vui vẻ và cả thành công nữa.
Nhà xuất bản Văn học Nhân dân Bắc Kinh
Tháng 1 năm 2003
Mời các bạn đón đọc
Triết Học Nhân Sinh Của Tôi của tác giả
Vương Mông.