Tôi được biết anh Nguyễn Khắc Viện lúc anh bước vào học trường Y khoa Hà Nội, cách đây gần 45 năm. Sau đó anh qua Pháp học, tốt nghiệp bác sĩ ở Pa-ri. Rồi được tin anh bị lao phổi nặng phải nằm bệnh viện 10 năm, lên bàn mổ 7 lần: Thời ấy chưa có những thuốc chữa lao như ngày nay, nên các thể lao nặng xem như là “nan y”. Tôi nghĩ rằng có lẽ rồi không gặp lại anh Viện nữa.
Nhưng rồi được biết anh phụ trách tổ chức yêu nước của Việt kiều ở Pháp, đảm bảo một công tác đòi hỏi đi lại, ăn nói tiếp xúc nhiều. Tôi không rõ bệnh tình ra sao mà anh lãnh được công tác ấy.
Đến ngày anh trở về nước, mới rõ bệnh án: Còn lại một khối xơ phổi rất lớn, dung tích thở 1 lít 300, một dung tích rất nhỏ so với tầm vóc con người (1m70). Các giáo sư Pháp đề ở hồ sơ: Thiếu thở trầm trọng (insuffisance respiratoire sévère), chữ sévère có nghĩa mạnh hơn grave là nặng. Tôi rất e ngại, không biết với bệnh tình như vậy, anh Viện còn khả năng làm việc, khả năng chịu được khí hậu và hoàn cảnh trong nước không?
Nhưng rồi thấy anh vẫn công tác bình thường, đi lại nhiều trong nước cũng như ngoài nước, viết báo, viết sách. Thuốc men không dùng. Trong 14 năm qua, chỉ thấy vào bệnh viện một hai lần: Hè 1977, bị cúm, viêm phổi, viêm phế quản, tưởng là nguy cấp, nhưng nằm viện chưa lâu, lại thấy trở lại công tác.
Năm nay anh đã gần 66 tuổi (sinh 1913), đo lường chức năng phổi thấy:
- Dung tích thở còn đúng 1 lít. Đây là dung tích của một người rất yếu. Bệnh tình có thể trở nên nguy cấp, bất kỳ lúc nào.
- Chỉ số VEMS - Tiffeneau (Dung tích thở ra tối đa trong một giây) 80%, đây lại là chỉ số của một người khỏe.
Anh Nguyễn Khắc Viện đã lấy sự tập luyện bù lại những tổn thất to lớn do bệnh gây ra. 25 năm qua, từ ngày anh rời bệnh viện để trở lại công tác, xét bệnh tình anh là một người rất yếu, nhưng lấy công tác mà xét lại là một người có hiệu suất cao. Điều ấy chứng minh cụ thể nhất cho phương pháp tập luyện anh đã áp dụng.
Anh Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ hiểu biết sinh lý, là một bệnh nhân có kinh nghiệm, là một cán bộ chính trị nắm được phương pháp duy vật biện chứng. Nhờ vậy anh đã kết hợp được lý luận và thực tiễn, tây y và đông y; anh đã suy nghĩ nhiều về hoàn cảnh và con người Việt Nam từ đó anh đã xây dựng nên phương pháp tập luyện được trình bầy trong quyển sách nhỏ này, một phương pháp không những thích ứng cho những người ốm yếu mà cho cả những người bình thường.
Sách tuy nhỏ, nhưng chứa đựng rất nhiều kiến thức đông tây, nói đúng hơn. nó đúc kết rất nhiều kiến thức tản mạn thành hệ thống, quy những hoạt động tâm lý sinh lý phức tạp về một mối, đi từ những kích động thiên hình vạn trạng của mỗi trường bên ngoài đến phản ứng một cách hình như duy nhất của cơ thể. Đi vào cơ bản như vậy, và dựa vào kinh nghiệm cổ truyền, tác giả đề xuất ra được một phương pháp và những hiện pháp tập luyện đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm. Người có bệnh cũng như người rất khỏe cũng chỉ vận dụng những nguyên tắc cơ bản giống nhau thôi; chỉ có hình thức và mức độ là khác nhau.
Tôi nghĩ rằng quyển sách này rất bổ ích cho mọi người, kể cả các bác sĩ, tôi rất vui lòng giới thiệu với bạn đọc, vì chính tôi lúc đọc quyển sách này, cũng được biết thêm rất nhiều điều mới.
Hà Nội tháng 4 năm 1979
Giáo sư HỒ ĐẮC DI
***
Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện là người thầy, là tấm gương và nói đúng ra là thần tượng của tôi ngay từ lần đầu tiên tôi đọc về Ông vào những năm 1990 tại thư viện Lê Nin, thành phố Mátxcơva, CHLB Nga. Tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm của Ông kể cả những tác phẩm bằng tiếng Pháp, ông đã hoàn toàn chinh phục tôi bởi nghị lực sống và chữa bệnh bằng niềm tin.
Khi mới đọc, tôi chưa hiểu nhiều về ông. Những gì mà tôi đọc được cho tôi thấy ông là một nhà ngoại giao, một nhà văn hóa đã vượt lên tỉnh trạng sức khoẻ của mình để tiếp tục làm việc, đồng thời cống hiến cho cuộc đời những tác phẩm mang đậm chất văn hóa, lịch sử, chính trị. Tôi cảm phục sự nỗ lực và tinh thần là việc của Ông. Qua những tác phẩm của mình, Ông cũng bày tỏ một cái tâm trong sáng hết lòng vì người khác, vì lý tưởng mà mình theo đuổi. Nhưng càng biết thêm về Ông tôi lại càng ngỡ ngàng. Hóa ra Ông là một bác sỹ chuyên về tâm lý bệnh trẻ em và còn là nhà ngoại giao xuất sắc, một nhà văn hóa lớn. Những tác phẩm của Ông (cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp) là những minh chứng sống động nhất về những hiểu biết sâu sắc cũng như những tâm huyết của ông không chỉ đối với ngành Ông đã được đào tạo (tâm lý bệnh trẻ em) mà còn những kiến thức rộng lớn về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Trong những năm qua tôi đã được đọc nhiều tác phẩm do Ông viết. Tôi nhìn thấy ông không chỉ lả 1 bác sỹ mà còn là người có nhiều vai trò khác nhau và ở vai trò nào, Ông cũng tỏ ra rất xuất sắc. Tôi rất mừng khi nhiều tác phẩm do Ông viết trực tiếp bằng tiếng Pháp đã được dịch ra tiếng Việt.
Nguyễn Khắc Viện tự chữa bệnh cho mình bằng niềm tin, và Ông cũng sống, làm việc bằng niềm tin. ông quan tâm và nghiên cứu nhiều về hơi thở và dưỡng sinh. Tôi khâm phục ông ở nghị lực tuyệt vời. Là 1 bác sĩ tốt nghiệp đại học Y khoa Paris nhưng chính Ông lại bị lao do làm việc quá sức và chịu đựng hoàn cảnh thiếu thốn trong nhiều năm. Ông buộc phải điều trị 10 năm, từ 1942 đến 1952 tại Pháp. Ông phải lên bàn mổ 7 lần, bị cắt bỏ 8 xương sườn và hơn 1 lá phổi. Nhưng Ông đã nghiên cứu Yoga, khí công của Ấn Độ và Trung Quốc để trước hết tự cứu mình. Không ngờ những nghiên cứu và tổng kết của Ông lại có thể giúp được rất nhiều người và kết quả là cuốn sách “Từ sinh lý đến dưỡng sinh ” đã ra đời. Cuốn sách vừa đầy đủ mà vừa tinh gọn, dễ đọc và dễ áp dụng.
Tôi không có may mắn gặp ông khi ông còn sống nhưng lại vô cùng gặp may khi được làm quen 1 cách rất tình cờ với vợ Ông, bà Nguyễn Thị Nhất. Tôi được Bà cho mượn cuốn “Từ sinh lý đến dưỡng sinh” của chồng Bà, bản photocopy đã cũ. Cuốn sách mỏng do giáo sư Hồ Đắc Di viết lời tựa và được Nhà xuất bản Y học in năm 1983. Đã mấy chục năm trôi qua nhưng tinh thần của cuốn sách như mới được viết, với rất nhiều điều bổ ích cho những ai mong muốn tập luyện và nghiên cứu về dưỡng sinh. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và thấy cuốn sách được viết rất giản dị, dễ đọc và dễ áp dụng. Nhiều bạn bè tôi cũng mượn đọc và copy lại. Ai cũng thấy hay và bổ ích.
Vì thế tôi thấy thật sung sướng khi được biết bà Nhất đã đồng ý cho tái bản cuốn sách này nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện (1997 - 2007). Tôi mong muốn cuốn sách này sẽ sớm đến tay độc giả để đông đảo người dân được biết, áp dụng chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ.
Tháng 3 năm 2007
TS NGUYỄN MẠNH HÙNG
Mời các bạn đón đọc
Từ Sinh Lý Đến Dưỡng Sinh của tác giả
Nguyễn Khắc Viện.