DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Vô Ngã Vô Ưu - Thiền Quán Về Phật Giáo

Tác giả Ayya Khema
Bộ sách
Thể loại Tôn giáo - Thiền
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 1420
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Ayya Khema Phật Giáo Tôn Giáo Thiền
Nguồn
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Tóm tắt & Review (Đánh Giá) Sách Thiền tập Vô Ngã Vô Ưu - Thiền Quán Về Phật Giáo của tác giả Ayya Khema.

Tại sao phải hành Thiền? Thiền có gì quan trọng? Hẳn là bạn cũng muốn tìm hiểu, nếu không bạn đã không đọc những dòng này. Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Thiền, không phải là việc chúng ta chỉ làm khi rảnh rỗi; trái lại, Thiền tối cần cho cuộc sống hạnh phúc, an lành của chúng ta.

Con người rất lạ là luôn nghĩ về tương lai hay quá khứ. Người trẻ thì nghĩ đến tương lai ở phía trước. Người già thì nhớ về quá khứ đã sống qua. Nhưng để kinh nghiệm cuộc đời, chúng ta cần phải sống trong giờ phút hiện tại. Cuộc sống không có ở quá khứ. Đó chỉ là kỷ niệm, hồi ức. Cuộc sống không xảy ra trong tương lai. Đó chỉ là dự tính. Thời điểm duy nhất chúng ta thực sự sống là hiện tại trước mắt. Và chúng ta phải tập sống như thế. Cuộc đời con người có thể kéo dài trong 60 hay 70 năm, nhưng ta phải học sống ngay trong giờ phút hiện tại. Đời sống sẽ bớt bao phiền toái, nếu như ta chỉ sống trong giờ phút hiện tại.

Nói thì dễ nhưng thực hành khó lắm thay! Ai đã từng làm thử hẳn đã kinh nghiệm được điều này. Ai chưa từng thử sẽ tự khám phá ra điều ấy. Một lời khuyên đơn giản nhưng không phải dễ thực hiện. Không có phương pháp nào giúp chúng ta sống cho từng giây phút hiện tại hữu hiệu bằng tham Thiền.

Tất cả chúng ta đều biết giữ cho thân thể sạch sẽ. Ta tắm rửa mỗi ngày ít nhất một lần hay nhiều hơn. Khi ra đường, ta mặc quần áo sạch sẽ. Tối đến, ta lo cho Thân ngủ nghỉ. Nếu không, ta không đủ sức đương đầu với những khó khăn trong cuộc đời. Ta cần có một mái nhà để che cho Thân khỏi mưa, gió, nóng, lạnh. Thiếu những thứ đó, Thân sẽ không chịu đựng nổi. Ta còn bồi dưỡng cơ thể bằng những thức ăn chọn lọc, bổ dưỡng, lo tập thể dục cho Thân được cường tráng, khỏe mạnh. Dù không tập, chúng ta cũng đi đứng, hoạt động, vì nếu không chân tay ta sẽ teo tóp. Tâm cũng cần được chăm sóc giống như thế.

Đúng ra, ta còn phải chăm sóc cho Tâm hơn cả Thân nữa, vì Tâm là chủ còn Thân chỉ là người đầy tớ. Một người đầy tớ khỏe mạnh, cường tráng, năng nổ nhưng có một ông chủ yếu đuối, thiếu kiên quyết không biết mình phải làm gì, cũng khó có thể làm nên việc. Người chủ phải biết điều khiển, chỉ huy người đầy tớ của mình. Ngay nếu như người đầy tớ không được khỏe mạnh, tháo vát nhưng ông chủ khôn ngoan, giỏi giang thì “ngôi nhà” của ta cũng được tự tại.

Tâm và Thân này làm nên “ngôi nhà” của chúng ta. Nếu ngôi nhà nội tâm không được yên thì ngôi nhà bên ngoài của ta cũng khó ổn. Ngôi nhà chúng ta sống và làm việc tùy thuộc vào sự an khang của ngôi nhà nội tâm. Người chủ, người điều khiển phải sống trong những điều kiện hoàn hảo nhất.

Không có gì trong vũ trụ này có thể so sánh hay thay thế được Tâm. Tâm tạo ra mọi thứ. Nhưng tất cả chúng ta đều coi thường Tâm mình. Đó cũng là một nghịch lý của cuộc đời. Không ai coi thường thân thể mình, nếu nó bệnh, ta vội vã chạy đi bác sĩ. Nếu nó mệt mỏi, ta vội vã cho nó nghỉ ngơi. Nhưng ta đã làm gì cho Tâm? Hình như chỉ có các vị Thiền sư là chú trọng đến Tâm của họ.

Muốn Tâm được phát triển sâu rộng, ta cần phải chăm sóc Tâm. Nếu không, Tâm ta luôn nhìn cuộc đời bằng con mắt nhị nguyên (hai chiều): tốt, xấu; ngày mai hay hôm qua; yêu (tôi thích thứ này), ghét (tôi không ưa thứ kia); có (tôi sở hữu cái này), không (không sở hữu thứ kia); cái này của tôi, cái kia của anh. Chỉ khi Tâm đã được rèn luyện, ta mới có thể thay đổi cái nhìn của mình để có thể nhìn thấy được những “chiều” khác của sự vật.

Việc ta cần làm trước tiên cho Tâm là tẩy rửa, tắm gội cho nó, không chỉ mỗi ngày một lần hay hai lần nshư đối với cơ thể mà trong mỗi giây phút tỉnh thức. Để làm được điều đó, chúng ta phải biết phương pháp. Với cơ thể, điều đó khá dễ, chỉ cần dùng xà-phòng và nước. Chúng ta đã quen làm như thế từ ngày còn nhỏ. Nhưng Tâm chỉ có thể được gội rửa bằng Tâm. Những gì Tâm đã thâu nhận, chỉ có Tâm mới có thể cởi bỏ. Mỗi giây phút tỉnh thức trong Thiền là mỗi giây phút Tâm được sàng lọc vì may mắn thay, Tâm không thể làm hai việc cùng một lúc. Dầu rằng, như Đức Phật đã nói, trong một nháy mắt ta có thể có đến hàng ngàn ý tưởng dấy lên, nhưng thực tế ít ai nghĩ nhiều đến vậy và nhất là không thể có tất cả những suy tưởng đó trong cùng một lúc. Chúng tiếp nối nhau, cái này sau cái khác, thoáng qua nhanh chóng trong đầu ta.

Khi ta Thiền quán, ái dục, tham vọng không thể hiện ra vì Tâm chỉ có thể làm một công việc một lúc. Do đó, nếu thời gian tọa Thiền tăng lên, các vết nhơ bẩn trong Tâm ta sẽ được gội rửa ngày một trở nên sạch hơn.

Tâm, vật độc nhất vô nhị trong vũ trụ, báu vật duy nhất chúng ta sở hữu. Khi có món đồ quí, dĩ nhiên là ta phải giữ gìn cẩn thận. Chùi rửa, đánh bóng, tra dầu mỡ, thỉnh thoảng cho nó nghỉ. Còn nay, ta có Tâm quí báu này, chỉ có Tâm giúp cho ta làm được mọi việc, kể cả việc Giác ngộ, nhưng biết gìn giữ nó hay không tất cả là tùy thuộc chúng ta. Tâm sẽ trở thành vô dụng nếu không được giữ gìn, trau chuốt.

Lúc ngồi Thiền, ta tập gạt bỏ ra khỏi Tâm những gì ta thấy không cần thiết, để chỉ giữ trong Tâm những điều ta muốn nghĩ đến. Khi đã thành thói quen, chúng ta có thể áp dụng phương pháp tu Thiền vào các sinh hoạt đời thường, để giúp ta dứt bỏ những tư tưởng không lành mạnh. Như thế, nhờ ngồi Thiền, ta có thể dứt bỏ chạy đuổi theo vọng tưởng trong sinh hoạt đời thường; ngược lại, việc chúng ta không chạy đuổi theo vọng tưởng trong đời sống giúp cho việc ngồi Thiền của ta dễ dàng hơn. Người có thể làm chủ tư tưởng mình, khiến Tâm chỉ nghĩ đến những gì mà họ muốn nghĩ được gọi là A-la-hán hay đấng Giác ngộ.

Đừng ngạc nhiên nếu không phải lúc nào ta cũng có thể dứt bỏ vọng tưởng. Thật dễ chịu khi ta có thể chỉ nghĩ đến những điều ta muốn nghĩ đến, vì như thế là ta đã làm chủ được Tâm của mình, hơn là Tâm làm chủ ta. Luôn chạy đuổi theo bất cứ tư tưởng nào dấy khởi lên trong Tâm, dù hạnh phúc hay đau khổ, là thói quen chúng ta cần từ bỏ khi ngồi Thiền.

Bước kế tiếp là tập luyện Tâm. Tâm không kiềm chế giống như những lượn sóng trồi lên trụt xuống, chạy lăng xăng từ chuyện này qua chuyện khác, không bao giờ có thể trụ yên một chỗ. Ai chẳng từng kinh nghiệm có khi đọc sách, đến cuối trang mới bỗng nhận ra không biết mình vừa đọc gì, phải đọc lại cả trang. Ta phải thúc đẩy, luyện tập để Tâm ở yên một chỗ, giống như ta phải thúc đẩy, vận động các bắp thịt, khi ta tập hít thở, tập tạ. Sự phát triển, tăng trưởng chỉ có thể có được từ sự tập luyện Tâm làm theo ý ta, đứng yên khi ta muốn nó đứng yên.

Sự luyện tập cũng giúp Tâm thêm vững mạnh vì Tâm đã được rèn luyện biết buông bỏ. Chúng ta không phải là A-la-hán, ai cũng chấp ngã. Chính cá nhân chủ nghĩa, thái độ “cái này của tôi, cái kia của anh” đã tạo nên bao vấn đề trên thế giới. Chúng ta xác định “bản ngã” của mình qua những gì ta suy nghĩ, qua sách báo, phim ảnh đã xem, đã đọc, hoặc sử dụng Tâm chỉ để làm những việc củng cố thêm cho cá nhân mình. Điều quan trọng nhất ta học được trong lúc ngồi Thiền là biết buông bỏ, không chạy đuổi theo vọng tưởng. Khi không còn ai suy tưởng, không còn có cái Ngã.

Lúc đầu, ta chỉ có thể buông bỏ được vọng tưởng trong khoảng thời gian ngắn, nhưng đó chỉ là bước đầu. Con đường tâm linh cuối cùng rồi cũng dẫn ta đến sự hoàn toàn buông xả. Không có gì ta cần phải đạt được hay bám víu vào. Những điều này đã được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng ta không có cách gì khác hơn để diễn tả. Đúng vậy, con đường tâm linh là con đường dẫn ta đến việc từ bỏ, buông xả tất cả những gì đã được ta tích lũy, chất chứa từ bấy lâu nay: Sự sở hữu, các thói quen, tư tưởng, thành kiến, các lối suy nghĩ theo khuôn mẫu. Tuy nhiên lúc ngồi Thiền, không phải dễ buông bỏ vọng Tâm, vì cái Tôi không dễ đầu hàng; cái Tôi sẽ cảm thấy lạc lõng khi không có suy tưởng. Tâm sẽ phản ứng ngay bằng cách kêu lên: “Việc gì đã xảy ra?” và rồi nếu không biết buông xả, Tâm ta lại chạy đuổi theo vọng tưởng.

Làm thế nào để bắt Tâm ở yên một chỗ là góp phần vào việc phát triển “bắp thịt” của Tâm, tạo cho Tâm thêm sức mạnh và quyền lực. Giáo lý của Đức Phật rất thâm thúy, cao siêu và chỉ có những Tâm thâm thúy, cao siêu mới có thể lĩnh hội đầy đủ những lời dạy của Ngài. Vì thế, chúng ta cần luyện Tâm thêm vững mạnh.

Một thân thể cường tráng có thể chịu đựng được tất cả những gì ta bắt nó phải chịu đựng. Một Tâm vững mạnh cũng giống như thế. Tâm vững mạnh có thể chịu đựng sự nhàm chán, căng thẳng, tuyệt vọng hay đau khổ - vì Tâm không bám víu vào những gì nó không thích. Thường xuyên thực tập Thiền định là một cách để luyện Tâm.

Là một bộ phận vô giá, tuyệt vời nhất trên đời, Tâm hơn tất cả mọi thứ cần phải được chăm sóc. Vậy mà ta đã không ngừng nghĩ suy, tính toán từ lúc còn ấu thơ và từ bao nhiêu lượng kiếp trước. Suốt ngày chúng ta suy nghĩ, suốt đêm chúng ta mộng mị. Chẳng có phút giây nào ngưng nghỉ. Chúng ta có thể nghỉ hè, đi thư giãn. Nhưng thực ra cái gì thư giãn? Chính là cơ thể được thư giãn. Nó đi lên núi, xuống biển, du lịch chân trời, góc biển, nhưng còn Tâm thì sao? Thay vì suy nghĩ những chuyện phải làm ở nhà, nó bận rộn thâu nhận những âm thanh, cảnh quang, mùi vị mới lạ. Tâm ta chẳng hề được nghỉ ngơi, nó chỉ thay đổi công tác thôi.

Nếu cơ thể chúng ta không được nghỉ ngơi một đêm, nó khó mà làm việc ngày hôm sau. Tâm ta cũng cần nghỉ ngơi, nhưng không phải bằng giấc ngủ. Tâm chỉ có thể được nghỉ ngơi khi nó ngừng mọi suy nghĩ và chỉ cảm nhận. Ta có thể ví Tâm như một màn ảnh trắng, trên đó các phim ảnh được liên tục chiếu lên, không bao giờ ngưng nghỉ. Vì cuốn phim - tư tưởng - liên tục chiếu, người ta quên mất còn có tấm màn hình ở đằng sau.

Nếu chúng ta có thể tạm ngưng cuốn phim lúc tham Thiền, chúng ta sẽ cảm nhận được sự tĩnh lặng thường hằng của Tâm. Đó là giây phút tuyệt vời. Giây phút hạnh phúc không thể kiếm tìm ở đâu, qua bất cứ phương tiện nào. Niềm hạnh phúc tuyệt vời, không phụ thuộc vào bất cứ điều kiện bên ngoài nào, trừ thực tập Thiền. Không phải tùy thuộc vào món ngon, thời tiết tốt, bạn quý, người đồng cảm, sự hỗ trợ tinh thần hay của cải vật chất. Tất cả những thứ đó đều không thể tùy thuộc vào, vì chúng luôn thay đổi. Chỉ có bản tâm, chính niệm – chính niệm mới đúng là không bỏ rơi chúng ta nếu ta tiếp tục thực hành Thiền.

Khi tiếng động trong Tâm tạm dừng, không chỉ có sự im lặng mà còn có cả cảm giác hài hòa. Tâm cuối cùng được nghỉ ngơi. Nó đã tìm được đến nhà. Ta sẽ đau khổ biết bao nếu không có cái nhà che chở xác thân. Tâm cũng thế. Giây phút bình an, tĩnh lặng đó là “ngôi nhà” của Tâm. Nó trở về nhà nghỉ ngơi giống như sau một ngày làm việc, chúng ta trở về nhà, ngả người lên chiếc ghế êm ả hay nằm xuống giuờng để thân nghỉ ngơi. Tâm bây giờ cũng thế, được nghỉ ngơi, không phải suy nghĩ. Vọng tưởng là đau khổ, cho dù chúng ta nghĩ về bất cứ thứ gì. Vì có sự chuyển động là có va chạm. Tất cả những gì chuyển động sẽ sinh ra va chạm, cọ xát, khổ đau.

Giây phút chúng ta thư giãn, nghỉ ngơi, Tâm tăng thêm sức mạnh và an lạc vì nó biết nó có thể trở về nhà bất cứ lúc nào. Sự an lạc chúng ta tìm thấy được khi ngồi Thiền sẽ ở trong ta suốt ngày, cả trong những sinh hoạt đời thường ta cũng tìm thấy nó. Tâm an lạc, vì Tâm biết rằng không có gì cản trở nó trở về nhà, tìm sự tĩnh lặng, hài hòa.

Đó là những lý do chính để giải thích tại sao cuộc sống của ta sẽ không bao giờ đầy đủ nếu không có Thiền. Những lạc thú bên ngoài mà cuộc đời mang đến cho ta không thể so sánh được với niềm vui nội tâm. Sự buông thả, không bám víu giúp chúng ta hiểu rằng “cái Tôi” luôn đòi hỏi, do đó Tâm luôn đòi suy tưởng. Khi ta ngưng mọi ham muốn, ta không cần phải suy nghĩ, vọng tưởng. Khi chúng ta ngưng đòi hỏi, tất cả mọi sự thất vọng, đau khổ đều biến mất. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải tu tập Thiền.

Trước hết chúng ta phải chú trọng đến hơi thở ra, hơi thở vào nơi mũi. Hơi thở là gió, nên khi gió vào hay ra, ta đều cảm thấy. Cảm giác đó giúp chúng ta chú tâm ở nơi mũi. Việc làm đó lúc đầu khó tránh khỏi khó khăn.

Hơi thở là mạng sống của chúng ta, vì thế còn gì thích hợp hơn là dùng hơi thở để Thiền quán: Ta sống nhờ hơi thở, không thể tách rời khỏi nó giây phút nào. Vậy mà ít khi ta nghĩ đến nó. Ta quên khuấy nó, cho đến khi ta mất nó, nghẹt thở, chết đuối hay chết ngạt. Lúc đó ta mới thấy hơi thở quan trọng biết bao. Nhưng khi hơi thở còn ở với chúng ta, ta chẳng bao giờ nhớ tới, dầu hơi thở là sự sống còn của ta, là báu vật quí nhất của tất cả chúng ta. Hơi thở còn trực tiếp hỗ trợ cho Tâm. Khi ta xúc động hay vội vã, hơi thở trở nên gấp rút. Khi Tâm ta thanh tịnh, tĩnh lặng, hơi thở nhẹ nhàng, thanh thoát. Khi hơi thở trở nên mong manh đến nỗi khó tìm thấy là khi chúng ta ở trong trạng thái Thiền định. Tập chú trọng vào hơi thở là phương pháp giúp chúng ta đạt đến trạng thái đó. Thở là một hành động vừa tự nhiên vừa có thể được kiểm soát. Ta có thể làm cho hơi thở sâu, dài hay ngắn hay ngưng lại giây lát.

Có nhiều cách để chú tâm vào hơi thở. Ta có thể theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra khi ta chú tâm đến nó. Muốn thực tập phương cách này, không cần phải thay đổi cách thở mà chỉ im lặng theo dõi nó vào ra, hoặc tập chú tâm bằng cách kết hợp hơi thở với tụng niệm, thí dụ “Nam mô”. Nam khi hít vào, mô khi thở ra.

Ta cũng có thể đếm một khi hít vào, một khi thở ra, hai khi hít vào, hai khi thở ra. Không đếm dưới năm, không đếm quá mười. Khi đếm đến mười, lại bắt đầu trở lại một. Khi Tâm lang thang, bắt đầu đếm lại một. Lúc bắt đầu, nếu bạn không bao giờ đếm quá hai, đừng nản lòng. Hãy kiên trì thực tập.

Tất cả Tâm đều giống nhau. Bạn không cần phải nghĩ: “Tôi không thể tập Thiền. Thiền không thích hợp với tôi”. Nhưng “tôi” ở đây là ai? Nó chỉ là một Tâm không kiềm chế so với Tâm đã được kiềm chế. Một vận động viên có tập luyện sẽ chạy nhanh, chạy giỏi hơn người không tập. Thế thôi. Nếu không có sự cố gắng tập luyện, không thể bảo rằng: “Tôi vô dụng. Tôi không thể chạy nhanh”.

Đếm hơi thở, niệm chú, chú tâm vào hơi thở ở nơi mũi hay theo dõi hơi thở ra vào. Hãy thử xem phương pháp nào thích hợp với bạn, rồi giữ lấy phương pháp đó. Nếu bạn có thể tập chú tâm, bằng cách theo dõi hơi thở phồng lên xẹp xuống ở bụng thì cứ làm như thế. Chân xếp như thế nào để bạn có thể ngồi lâu. Lưng thẳng nhưng không gồng. Vai, bụng và cổ cũng phải thư giãn, mềm. Khi bạn ngồi bị ngã chúi, hãy ngồi thẳng lại. Đầu cũng phải giữ thẳng. Ngồi chúi, đầu gục xuống dễ làm ta buồn ngủ hơn là tĩnh Tâm. Khi ngồi Thiền, chúng ta cần phải hoàn toàn tỉnh thức.

Bạn sẽ thấy rằng không phải lúc nào Tâm cũng trụ vào hơi thở, dù bạn tập bằng phương pháp nào: niệm chú, đếm một-một, hai-hai hay chú tâm vào hơi thở ở mũi hay theo dõi hơi thở vào ra. Tâm vẫn lăng xăng, trừ khi bạn đã từng tập ngồi Thiền một thời gian dài. Vọng tưởng - cuốn phim - vẫn còn đó. Chỉ có cách là tập gọi tên các vọng tưởng, nhưng nếu gặp khó khăn, có thể đơn giản hóa bằng cách gọi chung chung như “tư tưởng”, “hồi ức”, “lầm lẫn”, “dự tính” hay “nhảm nhí”. Không quan trọng. Vì ngay lúc ta đặt cho vọng tưởng một cái tên, đó là lúc ta đã tách ta ra khỏi nó. Nếu không, bạn không phải là ngồi Thiền mà là ngồi suy nghĩ và bạn sẽ hoàn toàn bị dẫn dắt, lôi cuốn theo các suy tưởng của mình. Bạn sẽ lo cho con mèo bị nhốt ngoài cửa, lo không biết mấy đứa nhỏ ngủ chưa... Bất cứ gì thì bạn cũng đang lo nghĩ, dĩ nhiên Tâm bạn sẽ tự bào chữa rằng: “Nhưng tôi cần phải biết những điều đó chứ”. Khi tọa Thiền, bạn không cần biết về vấn đề gì cả. Cuộc đời vẫn cứ tuần tự trôi đi, không cần đến sự lo lắng của chúng ta. Mỗi giây phút, nó đến rồi đi.

Khi vọng tưởng dấy lên, hãy nhìn thẳng vào nó, đặt tên cho nó. Đúng, sai không thành vấn đề. Một khi vọng tưởng đã được đặt tên, có nghĩa là ta có thể buông bỏ nó. Dần dần thói quen này sẽ được chúng ta áp dụng vào mọi phút giây tỉnh thức. Nhờ thế khi có những tư tưởng không trong sáng, ta có thể buông bỏ chúng. Bạn sẽ tập chỉ nghĩ đến điều mình muốn nghĩ và khi làm được như thế, bạn sẽ không bao giờ thấy khổ đau nữa. Chỉ có kẻ khờ mới tự nguyện đau khổ.

Đặt tên cho các tư tưởng, đó là cách giúp ta nhận biết vọng tưởng trong đời sống hàng ngày, nhưng khi ngồi Thiền, ta gọi đó là sự tỉnh thức. Đó là cách thực tập Chanh niệm. Đức Phật nói: “Tỉnh thức là phương pháp duy nhất để giải thoát con nguời, giúp họ tránh thất vọng, bước vào con đường Giác ngộ, thoát khỏi khổ đau”. Biết rằng: “Tôi đang suy nghĩ. Tôi đang lơ đễng. Lo lắng. Bứt rứt. Mơ mộng về tương lai. Mong ước...”. Chỉ nhận biết, rồi trở về với hơi thở. Nếu bạn có hàng ngàn vọng tưởng, thì hãy nhận biết chúng hàng ngàn lần. Nhận biết sự dấy khởi của vọng tưởng và nội dung của chúng. Đấy là nền tảng của sự tỉnh thức một cách chủ động, con đường duy nhất đưa đến giải thoát - nếu ta thực sự thực hành chúng.

Cơ thể của chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu vì phải ngồi trong một tư thế không quen thuộc và nhất là vì ta bắt nó phải ngồi yên. Thân không bao giờ thích phải ở yên một chỗ dù chỉ trong thời gian ngắn. Ngay như khi nằm trên chiếc giường êm ái, thoải mái, Thân cũng lăn trở suốt đêm. Thân muốn di chuyển để thoát khỏi sự khó chịu, nên dù ta đang ngủ, Thân vẫn chuyển động. Cũng thế, khi chúng ta ngồi Thiền, sự khó chịu dấy lên. Thay vì lập tức nghe theo Thân, thay đổi thế ngồi như ta vẫn thường làm, thường phản ứng khi đau đớn, khó chịu dấy lên, hãy nhận biết nó. Quan sát cảm giác khó chịu từ đâu tới. Có phải vì sự tiếp xúc với gối, sàn nhà hay với chân kia. Từ sự tiếp xúc sinh ra cảm giác. Từ cảm giác dẫn đến hành động. (Đây cũng chính là vòng luân hồi luẩn quẩn của chúng ta. Chính phản ứng của chúng ta đối với các cảm giác đưa chúng ta đến luân hồi sinh tử).

Chỉ có ba loại cảm giác: dễ chịu, trung tính, khó chịu. Ngồi Thiền gây cảm giác khó chịu nên Tâm lên tiếng: “Á, cảm giác khó chịu, đau đớn quá. Tôi không chịu nổi, tôi muốn thoát ra khỏi cảm giác này”. Chúng ta sống, phản ứng như thế mỗi ngày, từ sáng đến tối, đều như thế. Bất cứ điều gì làm chúng ta khó chịu, chúng ta chạy trốn, xua đuổi hay cố gắng thay đổi các nguyên nhân bên ngoài chúng ta. Bằng mọi cách chúng ta xua đuổi khổ đau. Nhưng sẽ không có cách gì làm được, trừ khi chúng ta dứt bỏ được lòng ham muốn. Bất cứ điều gì ta làm cho Thân, xoay chuyển chiều nào rồi nó cũng sẽ khó chịu, vì sự thoải mái không thể kéo dài.

Hãy quan sát vòng luẩn quẩn đó: tiếp xúc, cảm giác, phản ứng. “Tôi cảm thấy đau. Tôi muốn chạy khỏi chỗ này”. Nhưng thay vì chạy trốn, hãy đặt hết cả sự chú tâm vào nơi đang bị đau đớn, để cảm nhận sự thay đổi của nó. Bạn sẽ thấy cảm giác đau đớn hoặc là di chuyển đến nơi khác hoặc là thay đổi cường độ. Cảm giác đó không là một khối đông đặc, nó di chuyển, nó đổi thay.

Hãy nhớ rõ rằng, cơ thể ta không chỉ có sự đau đớn, mà nó đang đau đớn. Chỉ có như thế ta mới hiểu sự thật về những đau đớn của con người. Không phải là thỉnh thoảng cơ thể ta mới bị đau đớn, khó chịu mà nó luôn luôn đau đớn, khó chịu. Nó không thể nằm hay ngồi yên mà không cảm thấy khó chịu. Hãy nhận biết tính Vô thường đó. Hãy nhận biết tính chất khổ đau đã được ươm mầm trong cơ thể con người. Hãy nhận biết là cảm giác chúng tự đến, không có lời mời của chúng ta. Vậy tại sao gọi chúng là “của tôi”? Hãy nhận biết chúng từ các cảm giác khó chịu này, rồi thì chuyển đổi nếu cần, không phải là ngay lập tức. Chỉ chuyển đổi sau khi chúng ta đã quan sát tại sao cần làm vậy. Chuyển đổi nhẹ nhàng, đầy chính niệm để không làm phiền đến người chung quanh. Cứ ngồi nguyên một chỗ cắn răng chịu đựng và tự nhủ: “Tôi sẽ ngồi nguyên bằng mọi giá. Tôi không chịu đựng nổi nữa nhưng tôi vẫn cố chịu”, không đem lại lợi lộc gì cho sự ngồi Thiền của chúng ta. Đó là một phản ứng sai lầm không khác gì sự đầu hàng nhanh chóng. Một đằng là chạy đuổi theo sự thoải mái, đằng khác là sự bám víu vào khổ đau. Chúng chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Cách tốt nhất là làm sao để hiểu rõ nội tâm, hiểu rõ hành động của ta và như thế mới thật sự mang lại kết quả. Hãy tiếp xúc với tư tưởng và cảm giác khi chúng dấy khởi. Quan sát tính cách Vô thường của chúng. Chúng đến, rồi chúng đi. Vậy tại sao ta nhận chúng là mình? Ta có mời chúng không? Chắc chắn là không. Ta chỉ có ý định ngồi Thiền thôi phải không? Vậy tại sao Tâm ta đầy những vọng tưởng? Chúng có phải là ta không? Chúng có phải là sự khổ đau không?

Vô thường, khổ đau, vô ngã là ba đặc tính bao trùm vạn vật. Trừ khi ta nhận biết chúng từ trong tâm thức của ta, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu Đức Phật nói gì. Thiền là phương pháp giúp ta hiểu ra điều ấy. Thiền là hành động. Còn lại tất cả chỉ là ngôn từ.

***

Review (Đánh Giá) Sách Thiền tập Vô Ngã Vô Ưu - Thiền Quán Về Phật Giáo của tác giả Ayya Khema

Sách Thiền tập Vô Ngã Vô Ưu - Thiền Quán Về Phật Giáo của tác giả Ayya Khema là một cuốn sách hướng dẫn thực hành thiền quán theo Phật giáo. Cuốn sách được viết theo lối văn giản dị, dễ hiểu, phù hợp với tất cả mọi người, kể cả những người mới bắt đầu tìm hiểu về thiền.

Cuốn sách bắt đầu bằng việc giải thích tầm quan trọng của thiền trong cuộc sống con người. Thiền giúp chúng ta sống trong hiện tại, buông bỏ quá khứ và lo lắng cho tương lai, phát triển trí tuệ và tâm hồn.

Tiếp theo, cuốn sách giới thiệu các phương pháp thiền quán cơ bản, bao gồm:

  • Thiền định: Tập trung chú ý vào một đối tượng duy nhất, chẳng hạn như hơi thở, một điểm trên cơ thể, hay một câu thần chú.
  • Thiền quán: Quan sát các hiện tượng trong tâm thức, chẳng hạn như suy nghĩ, cảm xúc, và cảm giác.
  • Thiền hành: Thiền khi đi bộ, chú ý đến từng bước chân và hơi thở.

Cuốn sách cũng cung cấp những lời khuyên thực tế để giúp người đọc thực hành thiền hiệu quả hơn. Ví dụ, tác giả khuyên người đọc nên chọn một nơi yên tĩnh để thiền, mặc quần áo thoải mái, và ngồi ở tư thế thoải mái. Ngoài ra, người đọc cũng nên kiên trì thực hành thiền hàng ngày, kể cả khi cảm thấy khó khăn.

Cuốn sách Thiền tập Vô Ngã Vô Ưu - Thiền Quán Về Phật Giáo là một tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về thiền và thực hành thiền trong cuộc sống.

Một số điểm nổi bật của cuốn sách:

  • Cuốn sách được viết theo lối văn giản dị, dễ hiểu, phù hợp với tất cả mọi người.
  • Cuốn sách cung cấp những kiến thức cơ bản về thiền, bao gồm các phương pháp thiền và những lời khuyên thực tế để giúp người đọc thực hành thiền hiệu quả hơn.
  • Cuốn sách mang đến cho người đọc những hiểu biết sâu sắc về thiền và những lợi ích của thiền đối với cuộc sống.

Đánh giá chung:

Cuốn sách Thiền tập Vô Ngã Vô Ưu - Thiền Quán Về Phật Giáo là một cuốn sách đáng đọc cho những ai muốn tìm hiểu về thiền và thực hành thiền trong cuộc sống.

Mời các bạn mượn đọc sách Vô Ngã Vô Ưu - Thiền Quán Về Phật Giáo của tác giả Ayya Khema.

Giá bìa 85.000

Giá bán

68.000

Giá bìa 85.000

Giá bán

68.000