Murder in Mesopotamia là một tiểu thuyết hình sự của nhà văn Agatha Christie được nhà sách Collins Crime Club xuất bản lần đầu tại Anh ngày 6 tháng 7 năm 1936.
Lấy bối cảnh là một công trường khảo cổ nằm tại Iraq, tiểu thuyết nói về hai vụ án mạng bí ẩn với nhân vật chính là thám tử người Bỉ Hercule Poirot.
Qua lời giới thiệu của bác sĩ Giles Reilly, nữ y tá người Anh Amy Leatheran được chuyên gia khảo cổ người Mỹ là Tiến sĩ Leidner mời tới nơi ông đang tiến hành khai quật ở Tell Yarimjah, Hassanieh, Iraq với nhiệm vụ là chăm sóc người vợ của ông, bà Louise Leidner.
Đoàn khảo cổ của Tiến sĩ Leidner có tổng cộng 10 thành viên, ngoài cô Johnson cùng chuyên gia kiến trúc Richard Carey vốn là đồng sự lâu năm của Tiến sĩ Leidner, sống tại Tell Yarimjah còn có chuyên gia khảo cổ Mercado cùng vợ, Cha Lavigny, một chuyên gia văn tự cổ người Pháp cùng ba thành viên trẻ tuổi Coleman, một thanh niên Anh hoạt bát nhiều chuyện, Reiter, thợ ảnh người Mỹ của đoàn khảo cổ và Emmott, một người ít nói trái ngược hẳn với Coleman. Bệnh nhân của y tá Leatheran, bà Louise Leidner, là một phụ nữ có vẻ ngoài quyến rũ cùng cử chỉ lịch thiệp, dễ mến, tuy vậy theo mọi người trong đoàn khảo cổ thì bà bị mắc chứng hoang tưởng khi thường xuyên nghĩ ra những hình ảnh khủng khiếp hoặc bịa chuyện mình bị mưu sát, Louise Leidner cũng bị nhiều người cho là nguyên nhân của không khí căng thẳng ở Tell Yarimjah.
Tới Tell Yarimjah làm việc chưa được bao lâu thì Amy Leatheran đã phải chứng kiến cái chết bất ngờ của bà Louise Leidner. Đúng như những lo sợ từ lâu của Louise, bà bị giết chết ngay tại phòng bằng một cú đánh duy nhất, người đầu tiên phát hiện ra xác Louise là chồng bà, Tiến sĩ Leidner. Ngay lập tức thám tử Hercule Poirot được mời tới điều tra vụ án. Chưa kịp phát hiện ra hung thủ thì đoàn khảo cổ đã phải chứng kiến cái chết thứ hai của cô Johnson sau khi cô này không rõ do vô tình hay cố ý đã uống nguyên một cốc axit trong lúc đang ngủ. Trước lúc chết Johnson chỉ kịp trăng trối với Amy Leatheran hai từ: “Cửa sổ”. Từ lời trăng trối của cô Johnson cùng những suy luận của mình, Poirot cuối cùng đã tìm được hung thủ không ai ngờ tới của cả hai vụ án mạng, đó là Tiến sĩ Leidner, người mặc dù rất yêu vợ nhưng vẫn tìm cách giết cô sau khi Louise Leidner tỏ tình ý với người cộng sự Carey.
***
Những sự việc kể trong chuyện này xẩy ra cách đây đã bốn năm, và tôi thấy nó cần được thuật lại một cách thật trung thực, khách quan. Thiên hạ đồn thổi rất nhiều chuyện vô lý chung quanh vấn đề này; báo chí Mỹ hồi ấy cũng tung ra nhiều thông tin sai lạc.
Tốt nhất là bản tường thuật này nên do một người trong cuộc viết, một người mà ta không thể nghi ngờ là có thiên kiến với ai. Tôi liền khuyên cô Leatheran nên đảm nhận trách nhiệm này. Theo tôi, cô đúng là người có thể làm tròn nhiệm vụ. Cô có kiến thức chuyên môn tốt, lại không hề quen biết trước các thành viên của đoàn khảo cổ trường đại học Pitlstown hoạt động tại Iraq. Thông minh và có óc quan sát, cô là một nhân chứng rất quý, ở ngay tại chỗ.
Cô Leatheran ngần ngại mãi mới chịu nhận lời, và đến khi viết xong, phải hối thúc mãi cô mới đưa tôi xem bản thảo. Sau này tôi mới biết sự do dự ấy một phần là do trong đó có một số chỗ cô đã nhận xét về Sheila, con gái tôi. Tôi vội làm cô yên tâm ngay: thật vậy, thời nay, bố mẹ thường quá nuông chiều con cái, và con cái thì không ngại chỉ trích bố mẹ. Mặt khác, cô rất khiêm tốn khi nói về văn phong của mình, cô yêu cầu tôi sửa giùm những sai sót về chính tả và ngữ pháp. Nhưng tôi đã không chữa một chữ nào. Theo tôi, cô Leatheran viết rất có hồn, có bản sắc. Chương này, cô gọi trống không nhà thám tử người Bỉ là “Poirot”, chương sau lại viết “Ông Poirot”, sự thay đổi ấy là rất hay, hàm chứa ý nghĩa. Đó là vì dù sao, cô cũng được giáo dục một cách cặn kẽ (thật vậy, chớ quên là các nữ y tá ở nước Anh luôn tuân thủ nghiêm túc nội quy).
Tôi chỉ tự cho phép mình một điều duy nhất, là viết chương mở đầu, dựa vào bức thư mà một cô bạn của Leatheran vui lòng chuyển cho tôi. Thư này sẽ giúp bạn đọc có một ý niệm về tính cách của tác giả thiên truyện này.
***
Mời các bạn đón đọc
Vụ Án Mạng Ở Vùng Mesopotamie của tác giả
Agatha Christie.