DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Yến Hội Và Phaedrus

Tác giả Plato
Bộ sách
Thể loại Triết Học
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 7307
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Platon Triết Học Triết Học Hy Lạp Tham Khảo Chuyên Ngành
Nguồn vinabook.com
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Từ khi được sáng tác lần lượt vào khoảng năm 385-380 TCN và 370 TCN, Yến hội và Phaedrus vẫn được coi là các triết phẩm gây nhiều ấn tượng mà Platon thực hiện trong sự nghiệp triết học của mình. 

Tác phẩm gồm 2 phần Yến hội và Phaedrus dành cho những ai quan tâm tới văn học – triết học Hy-La cổ đại. Nếu như Yến Hội dành cho những người tò mò muốn biết người xưa nhìn nhận ra sao về tình yêu, nhất là tình yêu đồng tính thì Phaedrus là triết phẩm phù hợp với bất kỳ ai muốn học hỏi thuật hùng biện từ các triết gia. 

Yến hội bao gồm các thảo luận về tình yêu của nhiều nhân vật, trong đó có Socrates, tại bữa tiệc mà kịch gia Agathon tổ chức – một lễ nghi sinh hoạt quen thuộc của lớp trí thức Hy Lạp cổ đại. 

Đối thoại đi từ nguồn gốc đến bản chất, sự cần thiết của Tình Yêu đối với con người, và hơn hết, vai trò của Tình Yêu trong sự tiến triển của thế giới tinh thần vươn đến thực tại cao nhất, hay còn gọi là Sự thật. Liệu Tình Yêu là sự hợp nhất trong thế giới cảm tính, hay là cái đưa đường chỉ lối để con người đi từ thế giới cảm tính sang thế giới lý tính – nơi chứa đựng Chân lý? Phải lèo lái thế nào để thần Tình Yêu trở thành phương tiện khai phá cái Đẹp tối cao thay vì đẩy con người lao xuống vực thẳm dục vọng?

Giới học giả Tây Âu đánh giá cao Yến hội về cả mặt văn chương lẫn mặt tư tưởng. Đối thoại kể mẩu chuyện khá sinh động và miêu tả chân dung Socrates rất chi tiết; hàm chứa biểu thị tuyệt vời về niềm tin thầm kín mà Platon mang trong lòng: cái không nhìn thấy là cái bất diệt và vĩnh viễn quan trọng.

Phaedrus kể cuộc chuyện trò phức tạp giữa Socrates và Phaedrus, chàng thanh niên cũng xuất hiện trong Yến hội. Phaedrus thường được các nhà nghiên cứu Platon xếp loại là đối thoại sáng tác giai đoạn hai trong số các sáng tác của triết gia, miêu tả những đặc điểm nổi bật của xã hội Athens thời xưa, cụ thể là việc giảng dạy và thực tập nghệ thuật hùng biện. 

ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA

“Yến hội đan xen khéo léo các quan điểm và ý tưởng khác nhau về bản chất của Tình Yêu: là phản ứng trước cái đẹp, sức mạnh siêu nhiên, động lực thúc đẩy hành động xã hội hay phương tiện giáo dục về mặt đạo đức.”

      – Penguin Books

“Yến hội của Platon cung cấp một loạt các chủ đề lôi cuốn cho việc luận bàn, nghiên cứu về các tác phẩm triết học kinh điển hiện thịnh hành.”

      – Pierre Destrée, Zina Giannopoulou 

“Platon được coi là người đặt nền móng cho truyền thống triết học phương Tây và Yến hội là một trong các triết phẩm hấp dẫn nhất của ông.”

      – Edward Skidelsky

“Phaedrus của Platon là một đối thoại đặc biệt giàu tính huyền thoại… một đối thoại siêu triết học.”

      – Annie Larivée, Đại học Carleton

***

#Review YẾN HỘI & PHAEDRUS - Ái tình đích thực chỉ có thể được thấu hiểu bởi một vị kiệt xuất triết gia?
???? Mua sách: http://bit.ly/2OlHrqp
Tình yêu, giới tính và bản năng - ba chủ đề mang tính chất kinh điển, đã được các tác phẩm văn học trên toàn thế giới khai thác không ngừng nghỉ, nhưng đồng thời vẫn chưa bao giờ vắng bóng trong những mối quan tâm thường trực của nhân loại.
Trong hai cuộc đối thoại kinh điển “Sumpósion” (Yến hội) và “Phaedrus”, được thuật lại bởi triết gia Hy lạp cổ đại lừng danh Platon, ba chủ để ấy đã được bàn luận hết sức ấn tượng, dưới hình thức hai cuộc bàn luận về “Êrôs” – “Thứ tình yêu bắt nguồn từ sự thèm muốn thể xác, song có khả năng vượt qua nguồn gốc trần tục để vươn tới đỉnh cao nhập định.”
#Cuộc_đối_thoại_thứ_nhất - “Sumpósion”, hay “Yến hội”, là một cuộc đối thoại xoay quanh chủ đề cái đẹp, với sự tham gia của nhiều học giả lừng danh của thành Athens cổ đại. Bối cảnh của “Yến hội” là một bữa tiệc rượu Hy Lạp cổ đại, cả chủ tiệc lẫn khách mời đều là đàn ông, nâng ly, thưởng rượu và đàm đạo nhằm thắt chặt tình thân trong giới quý tộc, đồng thời giúp đỡ các quý tộc trẻ tuổi, non dại hơn được khai tâm từ những vị học giả đứng tuổi, gạo cội.
“Toàn cảnh tạo thành không gian riêng biệt, khép kín, trong đó tửu khách chú ý lẫn nhau, chia sẻ nguồn vui qua ly rượu, câu chuyện, khúc nhạc và nhục cảm thầm kín. Cảm giác gợi tình do nữ nô lệ trong vai kỹ nữ, đôi khi do nam nô lệ trong vai bồi tửu tạo nên; họ sắm vai khêu gợi trong buổi tiệc rượu song dường như chỉ lả lướt bề ngoài hơn là thực sự gợi tình bên trong …”
#Cuộc_đối_thoại_thứ_hai, được đặt theo tên của chàng thanh niên được Socrates quý mến - “Phaedrus”, có bối cảnh là một khoảng trời ngoại ô sáng rỡ với bãi cỏ xanh tươi, bóng mát trải rộng dưới tán cây tiêu huyền, hương thơm cánh đồng hoa trinh nữ và nước sông trôi êm đềm.
“Phaedrus” thiên nhiều hơn về việc làm thế nào để sáng tạo ra một diễn từ lôi cuốn, tuy nhiên cũng ẩn chứa nhiều chi tiết gợi cảm phần nào phản ánh quan niệm của người Hy Lạp cổ đại về tình yêu. Trong số các quan niệm đó, có lẽ quan trọng nhất là quan niệm về những mối quan hệ đồng tính luyến ái giữa một nam giới lớn tuổi – được gọi là người yêu – và một nam thanh niên non trẻ - gọi tên là người tình.
Người Hy Lạp cổ đại cho rằng, việc hợp nhất giữa đàn ông và đàn bà chỉ có thể “giúp con người tồn tại lâu dài trong cái đẹp và cái tốt của thế giới cảm tính. Còn sáng tạo, chỉ có thể được thực hiện qua giao tiếp giữa đàn ông với nhau, giúp con người tìm thấy tình trạng bất tử chân thực hiện hữu không phải trong thế giới cảm tính mà trong thế giới lý tính.”
Còn sáu nhân vật phát biểu trong “Yến hội”, bao gồm Phaedrus, Agathon, Pausanias, Eryximachus, Aristophanes, và Socrates, sẽ lần lượt đưa ra những lời ngợi ca của họ đối với Êrôs, qua đó sẽ làm vui thích quý độc giả bởi những mẩu chuyện thần thoại, cũng như những tranh cãi đời thực xoay quanh vị thần của tình yêu – tình ái này.
Tại sao con người lại luôn luôn sốt sắng đi tìm “nửa kia” của đời mình?
Đồn rằng, từ thuở hồng hoang, con người có hình dạng tròn như quả trứng, được cấu thành từ hai nửa: nam nam, nữ nữ, hoặc nửa nam nửa nữ. Loài người khi ấy, cái gì cũng có gấp đôi: có bốn tay, bốn chân, hai mặt đối diện nhau, và hai giới tính. Một ngày nọ, loài người từ thuở hồng hoang ấy học đòi muốn lật đổ thần linh. Để trừng phạt, thần Zeus đã quyết định chẻ con người làm đôi. Sự trừng phạt này đã dẫn loài người tới chỗ mất mát: nửa này lúc nào cũng cố gắng đi tìm nửa kia. Êrôs chính là thứ duy nhất có thể lấp đầy sự mất mát từ thuở đó: bằng tình yêu và tình dục, hai nửa của con người có thể tìm thấy nhau, ôm nhau và hợp nhất, đồng thời có thể tạo ra kết tinh của tình yêu – những đứa con – đồng thời cũng phục vụ cho việc phát triển nòi giống tương lai.
Tại sao chúng ta khuyến khích người yêu theo đuổi người tình, đồng thời thôi thúc người tình lảng tránh khi người yêu tiếp cận? Vì đó là phép thử cho chúng ta biết người yêu của mình thuộc loại nào: nhún nhường trước tiền bạc, run sợ trước hiểm nguy, hay lóa mắt trước quyền hành?
Tại sao nhân loại chúng ta ca ngợi tình yêu, nhưng lại không ngợi ca những kẻ lụy tình? Thế nào mới là một tình yêu đích thực? Thích chỉ đàn ông/ đàn bà, hay thích cả đàn ông lẫn đàn bà? Thích cả tâm hồn lẫn thể xác, hay chỉ thích tâm hồn, hoặc thể xác? Thích cung cách thực hiện hành vi tình dục, thích bản thân việc thực hiện hành vi tình dục, hay quy phục trước cả hai thứ đó? …
Về tình yêu và cái đẹp, có thể nói rằng, về đại khái và tổng quát thì ai cũng có thể nói, nhưng để bàn luận chuyên sâu thì chúng ta chỉ có thể kiếm tìm giữa những học giả và vở sách. Các bạn hãy thử tìm đọc và tự khám phá xem, liệu quan niệm cổ xưa của Socrates, rằng có phải niềm đam mê đích thực chỉ có thể được thấu hiểu bởi một vị kiệt xuất triết gia không?
“Yến hội và Phaedrus” là một tác phẩm ẩn chứa lời giải đáp cho câu hỏi đó, với cách diễn đạt nên thơ, cùng những cấu trúc uyển chuyển tựa như một câu chuyện thường nhật được thuật lại dưới ngòi bút tài hoa của nhà triết học – sử gia Platon.
- Trương Huyền Linh

***

GIỚI THIỆU

HIỆN TƯỢNG TÌNH YÊU GỢI DỤC (Erôs), thứ tình yêu bắt nguồn từ sự thèm muốn thể xác, song có khả năng vượt qua nguồn gốc trần tục để vươn tới đỉnh cao nhập định, đi từ tâm lý theo con đường tâm linh đến tôn giáo, được Platon bàn tới trong hai đối thoại hết sức ấn tượng Sumpósion và Phaedrus. Đối thoại thứ nhất bàn về tình yêu, đối thoại thứ hai nói về cái đẹp. Phaedrus là danh từ riêng chỉ tên người cụ thể thời đó; Sumpósion là danh từ chung chỉ lối Sống đặc biệt thuở ấy, tiếng Pháp dịch là le banquet, tiếng Anh là the symposium, tiếng Việt là Yến hội hay yến ẩm,hiểu nôm na là tiệc rượu sau bữa ăn chiều. Hai đối thoại này bàn tới nguồn gốc trần thế và đỉnh cao xuất thần của tình yêu nhập hóa.

Về nội dung, Sumpósion là bản tường thuật các phát biểu hoặc diễn từ về tình yêu gợi dục trình bày trong buổi Yến hội, còn Phaedrus là cuộc chuyện trò bàn về nghệ thuật diễn ngôn bao gồm nhiều loại phát biểu về tình yêu nhục dục. Cả hai đều mang đậm nội dung triết lý cũng như phẩm chất văn chương, Cả hai cung cấp chứng cứ hiển nhiên để bàn luận về triết học Platon một cách tổng quát, vì chúng trình bày cụ thể nhiều chủ đề chính yếu trong trứ tác của triết gia. Cả hai cũng cung cấp cứ liệu thích hợp để tìm hiểu vấn đề nên đọc đối thoại của Platon như thế nào, bởi cả hai đều chứa đựng nhiều dáng vẻ khiến giới tư tưởng Tây Âu tranh luận: đối thoại như thế thuộc thể loại văn chương nào?

Dẫu vậy, hai đối thoại ấy cũng khác nhau đáng kể. Sumpósion kể một số diễn từ ca ngợi tình yêu tại buổi Yến hội. Phát biểu trải dài từ pha trò lỗ mãng, nói năng tục tĩu qua lý thuyết trình bày rành mạch, tới suy tư triết lý cao siêu; đối thoại bao gồm khá nhiều chi tiết về nhân vật phát biểu cùng phản ứng của họ tại buổi sinh hoạt đặc biệt. Còn Phaedrus ghi lại cuộc chuyện trò giữa Socrates và chàng thanh niên Phaedrus. Sau khi gặp nhau sánh vai tản bộ tới nơi yên tĩnh ở ngoại ô thành phố, nghỉ ngơi trên bãi cỏ xanh tươi, dưới tán cây tiêu huyền, bên dàn hoa trinh nữ, cạnh dòng sông êm đềm, hai người đọc diễn từ của Lysias, diễn giả lừng danh đương thời, nội dung nhằm thu hút cậu thiếu niên mới lớn. Socrates đưa ra hai diễn từ hoàn toàn khác biệt, chủ đề tương tự, ngõ hầu thay thế. Sau đó, ông và Phaedrus bàn luận những yếu tố cần thiết để cấu thành một diễn từ lôi cuốn. Độc giả sẽ bắt gặp khá nhiều chi tiết miêu tả phản ứng của nhân vật cùng khung cảnh gợi cảm diễn ra trước mắt hai người. Tuy nhiên, Phaedrus nghiêng nhiều về việc làm thế nào để hình thành và diễn giải huyền thoại.

Nhưng thế nào là Sumpósion? Dịch là “Yến hội” không sai, song chưa hẳn đúng. Sumpósion là sinh hoạt do cá nhân tổ chức tại nhà riêng hay viên chức tổ chức tại công sở. Tiệc rượu Hy Lạp phản ánh đặc tính nam giới chế ngự đời sống xã hội, sinh hoạt tách biệt giữa nam giới với nữ giới. Tiệc rượu Hy Lạp cũng phản ánh lễ nghi trong đời sống xã hội, ngay cả trong phạm vi ta gọi là riêng tư hoặc bình thường. Chủ và khách đều là đàn ông; tiệc rượu diễn ra trong phòng riêng. Ở Hy Lạp thời xưa (thế kỷ VIII - VI TCN), tiệc rượu dường như là sinh hoạt quan trọng nhằm thắt chặt tình thân trong giới quý tộc, thành phần chủ chốt trong thành quốc thời đó. Thanh thiếu niên đóng vai bồi rượu nhanh nhảu, ngoan ngoãn, vui vẻ hầu hạ khách khứa nhằm đón nhận lời khuyên có tính đức độ và ánh nhìn mang đầy vẻ yêu đương của người cùng giới. Qua sinh hoạt như thế họ được khai tâm, chỉ bảo để mai này cất bước đi vào cuộc sống xã hội nam giới. Cuối thế kỷ V TCN, thời gian diễn ra đối thoại của Platon, tiệc rượu vẫn là sinh hoạt đặc thù được thành phần quý tộc tiêu khiển với nhau, dù lúc này Athens về mặt thể chế đã là thành quốc dân chủ. Người tham dự gồm toàn đàn ông, thiếu niên không hiện diện nữa, thay vào đó là nam nô lệ và nữ nô lệ, cả hai giữ vai phục vụ và chiêu đãi. Khác với tiệc rượu ngày nay, tiệc rượu ngày xưa nặng vẻ nghi lễ; giữa bữa ăn và tiệc rượu cách nhau khá lâu, thời gian là mấy tiếng đồng hồ. Sau bữa ăn, thực khách rửa tay, choàng hoa, thoa dầu và nghỉ ngơi. Tiệc rượu bắt đầu, khách khứa nếm vang nguyên chất, rảy một chút xuống đất làm lễ, sau đó cất lời đồng ca dâng hiến thần linh. Vang pha với nước, tỉ lệ năm phần nước hai phần vang, nồng độ như bia ngày nay. Một người được bầu làm thủ lĩnh. Tham khảo ý kiến tửu khách, thủ lĩnh quyết định số độ sẽ pha, số liễn sẽ hòa, số ly sẽ uống và lượng thức ăn sẽ dùng, Đêm xuống, cuộc vui bắt đầu. Nó kéo dài đến tảng sáng hôm sau. Tiệc rượu diễn ra trong căn phòng vuông vắn gọi là andrôn. Bên trong đặt một số ghế dài có thể gấp lại, phần ngắn để dựa, phần dài để nằm, số lượng từ bảy đến 11 chiếc. Khách ngả lưng trên ghế, tay trái tựa gối chống cằm, tay phải với đồ ăn thức uống để trên chiếc bàn thấp trước mặt. Ghế kê theo hình vuông, trước cửa ra vào bỏ trống. Sắp xếp như thế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyên trò, ca hát theo đường vòng hay đi chéo căn phòng, Đón rượu, ca hát, phát biểu đi đường vòng thường từ trái qua phải. Phòng không cửa sổ, thay vào là các bức tranh vẽ treo trên tường; hình trang trí được vẽ trên liễn hoặc ly thường là cảnh trí Yến hội hoặc gặp gỡ ngỏ tình. Toàn cảnh tạo thành không gian riêng biệt, khép kín, trong đó tửu khách chú ý lẫn nhau, chia sẻ nguồn vui qua ly rượu, câu chuyện, khúc nhạc và nhục cảm thầm kín. Cảm giác gợi tình do nữ nô lệ trong vai kỹ nữ, đôi khi do nam nô lệ trong vai bồi tửu tạo nên; họ sắm vai khêu gợi trong buổi tiệc rượu song dường như chỉ lả lướt bề ngoài hơn là thực sự gợi tình bên trong.

Yến hội trong đối thoại của Platon biểu hiện nét sinh hoạt xã hội ấy. Nhưng thủ lĩnh Eryximachus lại dứt khoát cho kỹ nữ tạm nghỉ trong đêm Yến hội mặc dù gia chủ hiếu khách Agathon sốt sắng cung cấp. Việc ấy cho thấy Yến hội có tính trí tuệ, sinh hoạt khác thường với một loạt diễn từ về bản chất tình yêu, đồng thời dọn đường mở lối cho diễn từ về tình yêu đồng tính. Không khí đặc sánh mùi vị triết lý trong phát biểu của Socrates loãng dần khi Alcibiades say khướt cùng đám đệ tử lưu linh quá chén loạng choạng bước theo thiếu nữ thổi sáo ùn ùn như nước chảy đi vào. Phá tan quy ước thông thường của Yến hội, không những thế còn tự bầu mình làm thủ lĩnh, Alcibiades uống tiếp và bảo đoàn tùy tùng làm theo. Rồi Alcibiades lại phá tan quy ước khi lớn tiếng ca ngợi Socrates, và thay vì ca ngợi thần Tình Yêu, ông lại dốc lòng nói về tình dục, mặc dù thực chất là nhằm biểu lộ tình trạng vắng bóng tình dục giữa họ.

Muốn thưởng thức trọn vẹn hai đối thoại, độc giả cần để ý nhiều đến vấn đề liên hệ. Điểm chính yếu độc giả đừng quên là hai đối thoại này, cũng như mọi đối thoại của Platon, đều là sáng tác hư cấu. Khung cảnh, nhân vật phần nào dính dáng tới lịch sử, qua đó độc giả hiểu thái độ cùng lối sống của giới quý tộc Athens thế kỷ V và IV TCN, song độc giả không nên cho rằng hai áng văn này là bản tường trình sự việc và đối thoại cụ thể mà do người khác hình dung, không phải Platon (ngay cả diễn từ được bảo là của Lysias trong Phaedrus). Đặc biệt vấn đề sau đây lại càng khiến độc giả thấy nội dung kỳ cục, phản tự nhiên đối với văn hóa ta ngày trước cũng như ngày nay, và có thể nói đối với đa phần văn hóa thế giới xưa và nay. Đó là tình trạng đồng tính luyến ái, đàn ông yêu đàn ông, đàn ông làm tình với đàn ông. Đó không phải tình yêu nam nữ như mọi nơi quan niệm. Thể hiện quan điểm khác biệt, đối thoại diễn tả bản chất và ý nghĩa của tình yêu, với quan niệm tình yêu luôn ở hình thái giữa hai người cùng phái. Quan hệ đồng tính luyến ái được những người trong đối thoại mặc nhiên chấp nhận. Mô hình thông thường là người đàn ông lớn tuổi (người kia) tìm cách thiết lập quan hệ thân thiết với cậu thiếu niên (người này); người này trở thành protégé của người kia, người kia giữ vai trò che chở, hỗ trợ người này; sáng kiến khởi sự cuộc tình thường do người kia chủ xướng, dẫu thế người này nên và cần kín đáo, đừng vội vã bày tỏ cảm tình hoặc bán rẻ lòng mình kẻo mang tiếng và có thể mang tội. Người kia là chủ thể, người này là đối tượng; người kia là người định yêu, người này là người được yêu; người kia là người yêu, người này là người tình; tiếng Hy Lạp gọi người kia là erastès, người này là erômenos, tiếng Pháp dịch là l’aimé và l’aimant, tiếng Anh dịch là thepursuer và the pursued hay the lovervà the loved. Bởi thế, lợi ích đến từ mối quan hệ này hoàn toàn khác biệt đối với hai bên: lợi ích xã hội và giáo dục đối với thiếu niên, còn thú vui tình dục và cảm giác giao du đối với người lớn tuổi. Kiểu quan hệ như thế được miêu tả trong đối thoại như lối sống bình thường của người dân Athens cổ xưa, ít nhất là giới quý tộc. Việc thể hiện tình yêu đồng tính của người Hy Lạp thời đó còn được coi như sự thỏa mãn ước muốn cao nhất của con người, còn tình yêu khác giới giữa nam và nữ chỉ là phương tiện sinh con đẻ cái. Độc giả phải chấp nhận thực tế này không chút thành kiến, coi đó như sinh hoạt tự nhiên mà không khó chịu nếu muốn hiểu nghĩa của từ “Erôs” được người Hy Lạp sử dụng.

Sáng tác vào khoảng các năm 385 - 380 TCN, từ đó đến nay, Yến hộivẫn được coi là triết phẩm gây nhiều ấn tượng mà Platon để lại trong sự nghiệp triết học. Đối thoại xây dựng trên mấy diễn từ về Erôs, thần Tình Yêu, hay Tình Yêu, trình bày trong buổi tiệc mà kịch gia Agathon (450 - 400 TCN) khoản đãi bạn bè thân thiết tại nhà riêng nhân dịp ngài đạt giải cao trong cuộc tuyển chọn bi kịch do thành quốc Athens tổ chức. (Theo lịch sử, cuộc tuyển chọn thực sự diễn ra vào năm 416 TCN.) Diễn biến do một người tên là Apollodorus kể lại cho người bạn không thấy nêu tên nghe ít lâu sau cuộc tuyển chọn. Một số nhân vật là những người tiếng tăm thực sự. Ngoài Socrates (469 - 399 TCN), có kịch gia hài hước Aristophanes (448 - 385 TCN) nổi tiếng thời ấy với các sáng tác đến nay vẫn còn lưu truyền, cụ thể là The clouds (Đám mây) và The Brogs (Bầy ếch). Thêm vào đó là một nhân vật đặc biệt: Thời Platon, không ai không biết hay xa lạ với cái tên Alcibiades (?450 - 404 TCN) cùng sự nghiệp hứa hẹn lẫy lừng, từng có thời điểm giao du thân mật với Socrates. Thời gian diễn ra Yến hội, Alcibiades mới chớm 30 tuổi, là một thanh niên đẹp trai, tài hoa và giàu có. Năm 415 TCN, tức năm kế sau tiệc rượu được tổ chức ở nhà Agathon, Alcibiades được chọn làm tướng chỉ huy đoàn quân đi chiếm đảo Sicile. Cuộc viễn chinh thất bại thảm hại; thất bại này kéo theo thất bại khác thảm hại hơn; những thất bại hoàn toàn bất ngờ. Athens thua Sparta trong cuộc chiến tranh Peloponnese kéo dài khá lâu. Đêm trước ngày xuất quân, nhiều tượng thần Hermes ở khắp nơi trong thành phố được dân chúng đặt trước cửa nhà để tỏ lòng tôn kính, đồng thời hy vọng sự che chở bình yên, bỗng dưng bị đập nát. Cảnh tượng đó khiến họ phẫn nộ. Nhiều người quy tội đó cho Alcibiades chứ không ai khác. Khi hay tin nếu trở về Athens sẽ bị tử hình vì báng bổ thần linh, chàng bèn bỏ sang Sparta, trợ giúp thành quốc này đánh bại Athens. Tuy nhiên, vài năm sau, chàng lại được Athens đón tiếp như người hùng chứ không phải kẻ phản quốc, mặc dù có nhóm thù ghét chàng, và cuối cùng chàng đã bị ám sát. Viết về bi kịch, Agathon cũng nổi tiếng, dẫu sáng tác của ông đã bị thất truyền. Sau thành tích vẻ vang khiến có lý do tổ chức Yến hội ăn mừng với bạn bè, kịch gia rời Athens đi Macedonia tới triều đình của vị quân vương độc tài Archelaus. Eryximachus là y sĩ nổi tiếng đương thời bị cáo buộc như Phaedrus âm mưu đập tượng, hành tung ngông cuồng đã gán cho Alcibiades. Người còn lại không phải nhân vật lịch sử. Tuy thế, không thể bỏ qua nhân vật mang tên Pausanias, nhân vật tương tự xuất hiện trong Symposium của Xenophon*. Người đời sau không có chứng cứ rõ rệt về cuộc đời của các nhân vật tên là Diotima, Aristodemus và Apollodorus, mặc dù Apollodorus xuất hiện trong Apologia (Biện giải) như bạn chí thiết sẵn sàng bỏ tiền nộp phạt cứu mạng Socrates, và trong Phaedo như bạn tâm giao chuyện trò lần cuối với tử tội Socrates.*

Về hình thức, Yến hội gồm sáu diễn từ do Aristodemus kể và bảy độc thoại. Tuần tự là Phaedrus (178a-180c), Pausanias (180c-185c), Eryximachus (185e-188e), Aristophanes (189a-193d), Agathon (194e-197e), Socrates (201d-212c), và Alcibiades (215a-222b). Sáu nhân vật sau đây lần lượt phát biểu: Phaedrus, Agathon, Pausanias, Eryximachus, Aristophanes, và Socrates nhân danh Diotima. Sáu diễn từ về Erôs, thần Tình Yêu, có thể được xếp thành ba cặp, trong đó diễn từ này trái nghịch với diễn từ kia, ý tưởng đối chọi nhau chan chát.

Với Phaedrus và Agathon thì chỉ có một Erôs. Trong khi Phaedrus chủ trương Erôs là vị thần già nhất, thì Agathon khẳng định Erôs là vị thần trẻ nhất trong các thần. Ngược lại, Pausanias và Eryximachus chủ trương có hai Erôs tương ứng với hai Aphrodite, nữ thần tình yêu thiên thể Ourania*và nữ thần tình yêu trần tục Pándêmos. Trong khi Pausanias chỉ để ý đến hậu quả của tình trạng nhị nguyên đối với trường hợp con người, thì Eryximachus lại trải rộng việc tìm hiểu tới toàn thể sinh vật. Aristophanes và Socrates lại đặt vấn đề ở mức độ khác. Với Aristophanes, Erôs là vị thần duy nhất có thể giúp con người thực hiện thứ mà họ hướng tới: kết hợp với một nửa còn lại đã bị thần Zeus chẻ làm hai. Socrates nhắc lại lời Diotima, một phụ nữ xa lạ từ thành phố Mantinea, rằng Erôs không phải thần linh mà là anh linh, được giao phó chức năng trung gian, giúp con người gửi khát vọng hướng tới cái Đẹp, cái Tốt mà con người muốn sở hữu vĩnh viễn qua phương tiện truyền giống theo thân xác và tâm hồn tới thần linh. Phaedrus viện dẫn Hesiod, Parmenides và Akousilaos. Vì già nhất nên Erôs là vị thần đem lại lợi ích lớn nhất và là vị thần có tư cách và quyền lực đưa con người tới chỗ đạt được giá trị và hạnh phúc khi sống cũng như khi chết, dù là người định yêu (người yêu) hay người được yêu (người tình). Về phần mình, Agathon giữ quan điểm Erôs là vị thần trẻ nhất, tế nhị và bất thường, song cũng công bằng, tiết độ và can đảm; nhờ đó, vị thần ấy đem lại lợi ích cho mọi người.

Pausanias không ngần ngại đưa ra định đề: mọi người đều biết nếu không có Aphrodite sẽ không có Erôs. Bởi có hai Aphrodite, một Aphrodite thiên thể sinh ra từ tinh trùng của Ouranos chảy xuống đại dương (Hesiod, Theogony (Thần phổ), 178-206) và một Aphrodite trần tục là ái nữ của Zeus và Dione [xem Homer, Iliad, Omega Plus Books, 2018, tr. 223], nên phải phân biệt hai Erôs. Thoát thai từ Aphrodite trần thế, sự ra đời hàm ý có nguyên lý nam và nguyên lý nữ tham dự, Erôs biểu thị ba nét đặc biệt: thích cả đàn ông lẫn đàn bà; thích cả thể xác lẫn tâm hồn; thích cả việc thực hiện lẫn cung cách thực hiện hành vi tình dục. Đổi lại, thoát thai từ Aphrodite thiên thể, già nua nhất trong các vị thần, sự ra đời chỉ do nguyên lý nam, Erôs này biểu thị ba nét đặc biệt đối nghịch với ba nét kể trên: đặc biệt thích đàn ông; thích tâm hồn, không thích thể xác; thích cung cách hơn bản thân việc thực hiện hành vi tình dục. Với Aristophanes và Socrates, diễn từ về Erôs đổi chiều rõ rệt. Trong khi bốn diễn từ trước thâm nhập vào lối diễn giải, biến đổi nhận định của huyền thoại về Erôs, thì phát biểu của Aristophanes và Socrates lại dẫn độc giả đi vào một địa hạt tôn giáo khác hẳn. Không những hậu cảnh huyền thoại, mà cả tính văn chương trong diễn từ của Aristophanes cũng trội hơn các diễn từ khác trong Yến hội. Thay vì miêu tả bản chất Erôs rồi chứng minh lợi ích xuất phát từ bản chất đó, Aristophanes trình bày khả năng của thần linh, riêng mình có thể khắc phục nỗi bất hạnh đó, và việc chữa trị này thể hiện hạnh phúc cực kỳ lớn lao đối với loài người. Muốn làm vậy, kịch gia miêu tả trạng thái trước kia của loài người và cho thấy nguồn gốc bất hạnh đã hành hạ họ. Ngày xưa, loài người chia làm ba loại bản chất: nam, nữ, vừa nam vừa nữ. Con người có hình dạng như quả trứng, mỗi thứ trong mỗi loại vừa kể đều gấp đôi; có bốn tay, bốn chân, hai mặt đối diện nhau, và nhất là hai giới, cái thực sự cấu thành phần phía sau của con người. Trong trường hợp người nam, hai giới đó đều là đực; trong trường hợp người nữ, hai giới đó đều là cái; và trong trường hợp người lưỡng tính, một giới là đực, một giới là cái. Mặt khác, dáng vẻ hình tròn cho thấy nguồn gốc của sinh vật: đực là con của Mặt Trời; cái là con của Trái Đất; lưỡng tính là con của Mặt Trăng - giới này ở vị trí trung gian giữa Mặt Trời và Trái Đất mà khi liên hệ tới Mặt Trời, giới này là một loại của Trái Đất, còn khi liên hệ với Trái Đất, giới này là một loại của Mặt Trời. Bắt chước anh em Khổng Lồ Ephialtes và Otos bắc thang lên trời bắt giữ thần linh, con người nổi loạn chống lại thần linh. Vì thế, muốn trừng phạt mà không tận diệt, Zeus quyết định chẻ con người làm đôi. Làm xong, Zeus chỉ định Apollo săn sóc vết thương cho con người và lỗ rốn chính là cái sẹo do đường cắt tạo thành. Sự trừng phạt này đưa loài người tới chỗ mất mát. Do vậy, liên tục và hăng hái, nửa này cố gắng tìm kiếm nửa kia. Zeus lại phải ra tay chuyển các bộ phận nhận biết giới tính của mỗi nửa lên phía trước. Phẫu thuật lần này giúp con người có thể thỉnh thoảng kết hợp tình dục, giúp con người tìm lại nửa phần chia lìa, đồng thời giúp con người để ý chuyện khác, nhất là chuyện sinh sống và sinh đẻ.

Socrates làm ra vẻ nhắc lại lời Diotima, ca ngợi tình yêu (Erôs) mở đường đi vào thế giới mới, thế giới lý tính; thực tại không đồng nhất nữa, nó biểu thị mức độ trong đó cảm tính và lý tính tiêu biểu như hai cực đối nghịch song bổ túc. Bàn luận với Agathon, Socrates đưa ra ba nhận xét cơ bản. Thứ nhất, tình yêu luôn luôn trong tương quan với cái gì đó, vì luôn luôn là yêu cái gì. Thứ hai, đối tượng ấy là cái đẹp không thể tách khỏi cái tốt. Thứ ba, trong trường hợp tình yêu hàm ý sự thèm muốn giả định đối tượng vắng mặt, thì tình yêu phải đau khổ vì thiếu cái đẹp và cái tốt. Theo Socrates, ba đặc tính vừa kể biểu thị bản chất Erôs. Đó cũng là điều mà Diotima đã giảng giải. Khi đau khổ vì thiếu cái đẹp, cái tốt, Erôs thấy mình không còn là một vị thần vốn đẹp và tốt nữa. Nguồn gốc của Erôs - con của thần (Poros - hiện thân của mưu mẹo, kế sách, con trai của Métis - Khổng Lồ thế hệ thứ hai) và người (Penia - hiện thân của sự nghèo khó và túng quẫn) - giải thích cá tính Erôs. Từ người mẹ Penia, thừa hưởng tình trạng thiếu cái đẹp và cái tốt khiến Erôs đau khổ. Trái lại, từ người cha Poros, Erôs mang khát vọng hướng tới cái đẹp và cái tốt vốn chỉ có thể trở thành sở hữu vĩnh viễn qua việc sinh sản bằng thể xác và sáng tạo bằng tâm hồn. Sinh sản, thực hiện qua việc hợp nhất giữa đàn ông và đàn bà, giúp con người tồn tại lâu dài trong cái đẹp và cái tốt của thế giới cảm tính. Còn sáng tạo, chỉ có thể thực hiện qua giao tiếp giữa đàn ông với nhau, giúp con người tìm thấy tình trạng bất tử chân thực hiện hữu không phải trong thế giới cảm tính mà trong thế giới lý tính. Từ thế giới cảm tính sang thế giới lý tính, Erôs có thể biến sự ra đi thành hiện thực vào cuối quá trình tựa như cuộc khai tâm nhập pháp. Đó là nghi lễ bí truyền. Bởi thế, Socrates đối nghịch với Aristophanes như Mặt Trăng với Mặt Trời. Với Aristophanes, sức mạnh của Erôs là ở chỗ hợp nhất trong thế giới cảm tính; qua hợp nhất, Erôs thực hiện việc tìm kiếm nửa này ghép vào nửa kia. Socrates cho rằng Erôs đưa con người đi từ thế giới cảm tính sang thế giới lý tính mà ở đó biểu thị thực tại chân thực.

Bao quanh và kết nối các diễn từ là các ý kiến của Apollodorus đưa ra trao đổi, phản biện, nhận định, góp phần không nhỏ vào đối thoại.

Về nội dung, chủ đề bao trùm Yến hội dĩ nhiên là bản chất Erôs, nghĩa là bản chất tình yêu. Platon đi sâu vào chủ đề qua mấy diễn từ; nhưng do bất đồng quan điểm với nhau nên các diễn giả đưa ra những nhận định hầu như khác biệt. Qua đây, Platon muốn xác định bản chất tình yêu và bản chất con người.

Có sự khác biệt đáng kể giữa năm người phát biểu đầu tiên, song qua Agathon, một số điểm trình bày dường như lại tạo điều kiện để hai diễn giả sau cùng là Socrates và Alcibiades lên tiếng. Thoạt đầu, ai cũng hiểu Erôs là thèm muốn tình dục, điều đó hiển nhiên, thèm muốn như thế sẽ đưa tới hệ quả khác biệt và diễn ra dưới các hình thức khác biệt, trong đó, thèm muốn này khá hơn thèm muốn kia. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng Erôs có ý nghĩa lớn lao hơn thèm muốn tình dục, thèm muốn tình dục chỉ là biểu hiện giới hạn của cái sâu xa gấp bội. Eryximachus liên hệ Erôs với sự vận hành cơ bản của vũ trụ, Aristophanes liên hệ Erôs với nhu cầu chủ yếu của con người, nếu hoàn thành thì đó là chìa khóa mở cửa đi vào ngôi nhà hạnh phúc. Diễn tả Erôs như chìa khóa đối với con người và vũ trụ, khuynh hướng đạt cao điểm trong nhân định của Diotima được Socrates thuật lại. Đến đây, Erôs được nhìn nhận như phương tiện để cụ thể hóa khả năng tiềm ẩn cao nhất của con người trong việc hoàn tất sự hiểu biết về nguyên tắc tối hậu của cái đẹp, đó là mục đích tối hậu của Erôs. Đến đây xuất hiện cuộc đời thực sự thích hợp với con người. Nhưng Platon quan niệm cuộc đời đó như thế nào? Vấn đề này khiến giới học giả Tây Âu suy ngẫm bấy lâu, thế hệ nối tiếp thế hệ đưa ý kiến, song diễn giải thường mâu thuẫn, kết luận kém thuyết phục.

Bố cục đối thoại khá phức tạp. Đó là chuyện trò kể lại chuyện trò, đôi khi chuyện trò này lại gồm cả tường thuật về chuyện trò kia. Sau đối thoại mở đầu giữa Apollodorus và một người vô danh, toàn bộ đối thoại là lời kể của Apollodorus.

Mỗi người trong bữa tiệc nhân dịp họp mặt hãn hữu đều đồng ý đưa ra diễn từ ca ngợi tình yêu, hoặc chính xác hơn, đề cao Erôs, thần Tình Yêu mà người La Mã gọi là Cupid. Diễn từ mang hình thức hùng biện (hình thức đã trở thành tiêu chuẩn) ca ngợi trong Yến hội rõ ràng đi theo một khuôn mẫu đã định: (1) gốc gác hoặc gia hệ chủ thể; (2) phẩm chất tốt đẹp như thân thể cường tráng, diện mạo tuấn tú; (3) đức độ như thông minh, công bằng, can đảm, cư xử tao nhã; (4) thói quen và lối sống; so sánh những thành quả chủ thể đạt được với người khác. Phát biểu cũng cho thấy hình thức liên hệ giữa thần linh và tín hữu là hình thức tương hỗ. Diễn giả ngỏ lời ca ngợi Erôs là hình thức biểu thị sùng kính tôn thờ hoặc lợi ích qua lại mà tín hữu đón nhận từ thần linh.

Phaedrus kể cuộc chuyện trò phức tạp giữa Socrates và Phaedrus, chàng thanh niên cũng xuất hiện trong Yến hội. Đối thoại gồm ba diễn từ, một của Lysias, nhà hùng biện lừng danh, do Phaedrus đọc, hai của Socrates đáp lời nhân dịp bàn chuyện sáng tạo văn chương. Diễn từ của Lysias và diễn từ thứ nhất của Socrates đề cao lợi ích khi thiết lập quan hệ với người không yêu hơn là người yêu. Diễn từ thứ hai của Socrates ca ngợi ưu điểm của người yêu. Sau ba diễn từ là bàn luận dài dòng về nghệ thuật sáng tác diễn từ. Phaedrus thường được các nhà nghiên cứu Platon xếp loại là đối thoại sáng tác giai đoạn hai trong số các sáng tác của triết gia.

Phaedrus đặt cuộc chuyện trò diễn ra vào khoảng các năm 410 - 405 TCN, miêu tả Socrates lớn tuổi, Phaedrus trẻ tuổi song không còn là thiếu niên. Lysias là diễn giả lừng danh thành quốc Athens cổ đại; phát biểu của ông giữ vai trò chủ yếu trong đối thoại. Nhiều diễn từ của ông còn lưu truyền đến ngày nay. Tuy nhiên, không ai biết diễn từ được cho là của ông trong đối thoại là do ông viết hay Platon mượn bút pháp để viết ra - một điều gây tranh luận mà kết quả chưa rõ ràng. Phaedrus nhắc tới nhiều nhân vật nổi tiếng thành quốc Athens thời đó. Đặc biệt phần cuối nhắc tới Isocrates, người cùng thời với Platon, biện sư* lừng danh trong hàng ngũ biện sư giảng dạy nghệ thuật hùng biện, phê bình gay gắt Platon và Socrates như những người ảo tưởng, không thực tế, đi mây về gió. Trong đối thoại cũng ám chỉ khá nhiều về thần linh, đồng thời kể lại không ít huyền thoại.

Theo cách đặc biệt, Phaedrus miêu tả những đặc điểm nổi bật của xã hội Athens thời xưa, cụ thể là việc giảng dạy và thực tập nghệ thuật hùng biện. Nếu đọc Apologia của Platon, độc giả sẽ thấy luật pháp thành quốc được quyết định bởi một bồi thẩm đoàn đông đảo. Phiên tòa xét xử Socrates gồm 500 bồi thẩm. Hơn thế, hội đồng nhân dân có quyền hành lớn lao và thường giữ vai trò quyết định tối hậu đối với mọi việc trong cộng đồng. Trong xã hội như thế, khả năng nói năng thuyết phục là chìa khóa giúp bị cáo thoát khỏi vòng lao lý, nên người hướng dẫn và giảng dạy nghệ thuật này được đề cao và trả ơn hậu hĩnh. Một số thầy dạy cùng một số đề tài giảng dạy được đề cập trong đối thoại.

Bố cục của Phaedrus khá đơn giản: Gặp nhau chào hỏi qua loa, hai người quyết định đi đến một nơi yên tĩnh ngoài thành phố nghỉ ngơi rồi đọc diễn từ của Lysias. Lắng nghe xong xuôi, Socrates đưa ra hai diễn từ của ông. Sau đó hai người bàn luận khá lâu về nghệ thuật hùng biện và sáng tác diễn từ. Đối thoại gồm:

1. Nhập đề: 227a-230e

2. Diễn từ về tình yêu: 230e-257b

Diễn từ của Lysias: 230e-234c

Diễn từ thứ nhất của Socrates: 237a-241a

Diễn từ thứ hai của Socrates: 243e-257b

3. Nghệ thuật trước tác diễn từ: 257b-278b

4. Kết luận: 278b-279c

ĐỖ KHÁNH HOAN

Mời bạn đón đọc Yến Hội Và Phaedrus của tác giả Plato.

Giá bìa 135.000   

Giá bán

108.000 

Giá bìa 135.000   

Giá bán

108.000