Tình yêu thương vượt qua mọi hiểu biết của con người
Đôi khi chúng ta gặp được những bộ phim để lại dư âm trong ta suốt một thời gian dài. Đối với tôi, A river runs through it là một bộ phim như thế. Lấy bối cảnh thiên nhiên đẹp đẽ của tiểu bang Montana nước Mỹ vào đầu thế kỷ 20, bộ phim kể về gia đình Maclean, một gia đình tôn sùng sở thích câu cá như một tôn giáo. Người cha của gia đình ấy là một mục sư có hai cậu con trai, cậu con trai cả Norman thuận theo ý cha trở thành giảng viên, còn cậu con trai thứ Paul lại làm phóng viên cho một tờ báo địa phương, sống cuộc sống có phần nổi loạn. Thế rồi Paul không trả nổi những khoản nợ phát sinh do đánh bạc, anh bị đánh đến chết trên đường phố. Người cha roi vào nỗi đau tột cùng vì mất con, vào buổi thánh lễ ngày Chúa nhật, ông cầu nguyện cho con mình và nói với các tín đồ một câu đầy cảm xúc.
"Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách vẹn toàn."
Người cha mục sư không thể hiểu tại sao đứa con
trai thứ của mình lại sống ngang tàng như thế, nhưng điều này không có nghĩa là ông ngừng yêu thương Paul. Bộ phim đã gửi đến cho người xem một thông điệp, rằng tình yêu thương vượt xa khỏi phạm vi những điều mà con người có thể hiểu được bằng tri thức. Không phải chỉ khi nào cảm thấy vừa lòng hay hiểu thấu thì ta mới yêu thương lẫn nhau, cũng không phải khi không hiểu nhau nữa thì tình yêu cũng cạn. Tình yêu thương của người cha bắt nguồn ngay từ sự tồn tại của đứa con, dù không vừa lòng, không tán thành những hành động của con, tình yêu thương ấy vẫn không suy suyển. Như dòng chảy của con sông sâu, tình yêu thương luôn luôn chảy trong sâu thẳm trái tim mỗi người.
Ngẫm lại cuộc sống của chính mình, ta sẽ nhận thấy rất nhiều điều không hoàn hảo. Trước hết, chỉ nhìn vào bản thân mình thôi ta đã cảm nhận được nhiều thiếu sót rồi: lời nói và hành động mâu thuẫn với nhau, vụng về trong những mối quan hệ xã hội, chuyện học hành, công việc không suôn sẻ như ý muốn. Chưa kể đôi khi ta còn khiến người khác tổn thương, thậm chí còn làm những việc khiến bản thân cảm thấy tội lỗi và hối hận.
Và khi nhìn vào những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, ta cũng nhận thấy những điều không-hoàn-hảo tương tự như vậy. Con cái không nghe lời cha mẹ, cha mẹ không hiểu cho lối sống của con cái, những thói quen làm ta khó chịu của người bạn đời... Những người anh em nhiều tuổi luôn khiến ta lo lắng từ chuyện tiền bạc đến sức khỏe, những người bạn thân thiết gặp khó khăn không nỗ lực vượt qua mà chỉ than vãn phàn nàn... Đến một khoảnh khắc nào đó, bạn bỗng muốn rời xa họ. Mỗi ngày, khi theo dõi chương trình thời sự buổi sáng, ta sẽ thấy thế giới không ngừng xảy ra những sự kiện và sự cố bắt nguồn từ những mâu thuẫn, bất hòa.
Nhưng dù đang sống giữa thế gian đầy rẫy những điều không hoàn hảo, ta vẫn không thể ngừng yêu thương chính những điều không hoàn hảo ấy. Cuộc sống rất đáng để trân trọng, ta không thể phí hoài cuộc sống vào việc mỉa mai hay căm ghét thứ gì đó chỉ vì không thể hiểu được nó hoặc nó không vừa ý ta. Hơn nữa khi bắt đầu cầu nguyện hoặc tu hành, ta sẽ cảm nhận được rằng bên trong ta không chỉ tồn tại những thiếu sót mà còn có cả cái nhìn từ bi ấm áp dành cho những thiếu sót ấy. Trong bản thân mỗi người chúng ta luôn tồn tại ánh mắt ấm áp chan chứa yêu thương hằng dõi theo và chấp nhận chính bản thân mình, như người mẹ luôn dõi theo đứa con duy nhất của mình vậy.
Tuy còn nhiều thiếu sót, nhưng tôi đã tập họp lại trong cuốn sách này những ghi chép và suy nghĩ của mình mỗi khi ngắm nhìn bản thân và thế giới bằng cái nhìn từ bi ấy. Ngoài ra, thông qua những buổi thỉnh giảng như chương trình Hòa nhạc chữa lành trái tim, tôi cũng có cơ hội gặp gỡ nhiều người, họ đã đem lại những bài học lớn và trở thành cảm hứng viết cho tôi. Trong số những trăn trở mà họ đưa ra trong buổi giảng, có những câu hỏi rất cụ thể và nghiêm túc, mà dù có tới vài tấm bằng tiến sĩ tâm lý học tôi cũng không thể nào giải đáp dễ dàng. Từng người từng người đều là những người thầy đưa tôi đến với con đường trí tuệ, đồng thời họ cũng là hiện thân của lòng từ bi giúp tôi luôn rộng mở trái tim mình. Mong sao những dòng chữ nhỏ bé của tôi có thể đem đến cho độc giả dũng khí, giúp họ chữa lành vết thương lòng và dành ra cho riêng mình khoảng thời gian để yêu bản thân hơn đồng thời nhận ra được bản chất thực sự của tình yêu thương. Mong sao cuốn sách này sẽ trở thành bàn tay giữ lấy bạn khi bạn rơi vào tuyệt vọng, sẽ trở thành khoảng lặng để bạn tạm dừng chân giữa những hỗn độn ồn ào.
Tại Trường học chữa lành trái tim, Insadong, Seoul
Đại đức Hae Min
***
Thượng tọa Tiến sĩ Hae min sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc, xuất gia tu học theo Thiền phái Tào Khê (Jogye-jong). Sau khi hoàn thành bằng Thạc sĩ Tôn giáo học đối chiếu ở Đại học Havard và Tiến sĩ Tôn giáo học ở Đại học Princeton, ngài ở lại Hoa Kỳ tham gia giảng dạy về Tôn giáo học ở trường Đại học Hampshire, Massachusetts.Khi còn nhỏ, bạn có thường được khen là hiền lành? Bạn có phải là đứa trẻ không bao giờ cãi lời cha mẹ hoặc thầy cô, gặp chuyện khó khăn cũng cố gắng chịu đựng mà không than phiền tiếng nào? Rồi bây giờ, khi đã trưởng thành, bạn có luôn chịu trách nhiệm và hết mình với công việc được giao cũng như luôn cố gắng để không làm ảnh hưởng đến người khác? Bạn có phải là người dù gặp phải kẻ gây khó dễ cho mình, dù bị đối xử bất công vẫn suy nghĩ rằng chỉ cần mình chịu đựng là được nên cứ thế im lặng cho qua mọi chuyện? Và bạn có phải là người không thể nói lên những điều khiến người khác khó chịu hay làm họ tổn thương?
Càng những người "hiền lành" như vậy lại càng dễ mắc bệnh trầm cảm hay chứng rối loạn hoảng sợ, cũng như các bệnh về tâm lý khác nảy sinh giữa những mối quan hệ trong gia đình hoặc nơi làm việc. Điểm chung của những người hiền lành này là cách nói chuyện từ tốn, thái độ nhã nhặn và rất biết nhường nhịn người khác. Cho dù bản thân cũng có điều muốn làm hay có lối suy nghĩ khác đi chăng nữa, họ vẫn luôn sẵn sàng chiều theo ý đối phương. Không chỉ một hai lần tôi chứng kiến và cảm thấy đáng tiếc cho những người hiền lành như vậy, sao ông trời lại vô tâm ban cho họ cõi lòng nhiều khổ tâm đến thế.
Thực ra hồi còn nhỏ tôi cũng là một đứa trẻ hướng nội và dễ bảo nên rất hay được khen ngoan. Tôi đã tưởng rằng làm một cậu con trai hiền lành không khiến cha mẹ phiền lòng, một học trò ngoan ngoãn luôn nghe lời thầy cô là việc tốt. Thế nhưng khi sang Mỹ học, lần đầu tiên tôi nhận ra rằng chỉ biết sống hiền lành thôi thì không ổn. Khi làm bài tập nhóm với những người thông minh và cá tính, tôi thường bị đùn đẩy cho phần mà ai cũng tránh. Tôi luôn cho qua, vì nghĩ rằng chuyện đó cũng không có gì là không tốt, nhưng những tình huống tương tự cứ lặp đi lặp lại khiến tôi căng thẳng vô cùng. Và chỉ một mình tôi khốn khổ bởi điều này. Khi tôi kể chuyện này cho một đàn anh thân thiết người Mỹ, anh đã khuyên tôi rằng:
"Hãy trở thành một người hiền lành với chính bản thân mình trước khi hiền lành với người khác!"
Khoảnh khắc đó, tôi cảm giác như mình bị ai đó đánh thật mạnh vào gáy. Trước đó tôi đã sống mà luôn lo lắng không biết người khác sẽ nghĩ gì về mình. Tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ tới việc lo lắng, yêu thương chính bản thân mình cả.
Sống hiền lành là như vậy đấy. Khi chúng ta gọi một người nào đó là hiền lành, nghĩa là chúng ta đang nói về một người không nhấn mạnh chủ kiến của mình và luôn nghe theo yêu cầu của người khác. Cho dù rõ ràng cũng có điều muốn nói, muốn làm nhưng họ hiếm khi thể hiện ra mà luôn thuận theo ý kiến, chủ trương của người khác. Người luôn nghe lời người khác như vậy dĩ nhiên là một người dễ chịu, một người tốt, một người hiền lành. Tóm lại, dường như chúng ta luôn gọi những người không thể hiện hoặc đè nén nhu cầu của bản thân vì người khác là người "hiền lành".
Tuy không thể khẳng định một trăm phần trăm nhưng khi trò chuyện với những người "hiền lành" mắc bệnh tâm lý như trầm cảm ta có thể nhận thấy vài khuynh hướng chung trong mối quan hệ giữa họ với cha mẹ hoặc những người dưỡng dục họ. Ví dụ, trong số họ có nhiều người lớn lên dưới sự nuôi dưỡng của một ông bố gia trưởng hoặc một bà mẹ nghiêm khắc. Hay một ví dụ khác, có những ngưòi lớn lên với nhiều anh chị em, không được cha mẹ quan tâm nên luôn có xu hướng làm mọi thứ cha mẹ muốn để được công nhận. Một số trường hợp khác, vì mối quan hệ của cha mẹ không được tốt hay hoàn cảnh gia đình khó khăn nên người con nghĩ rằng ít nhất mình cũng phải biết nghe lời để cha mẹ bớt nhọc nhằn.
Nhưng vấn đề là, khi ta sống mà quá cố gắng chiều theo yêu cầu của người khác, ta sẽ bỏ bê những cảm xúc và nguyện vọng của chính mình. Nếu không xem trọng mà lơ đi những gì mình đang cảm nhận thì khi trưởng thành ta sẽ không biết mình muốn làm gì, bản thân mình là ai. Hơn nữa khi bị đối xử bất công hay gặp những người làm ta khốn đốn, ta sẽ không thể giải tỏa nỗi oan ức hay phẫn nộ mà mình đang cảm nhận, những cảm xúc đáng lẽ phải bộc lộ với đối phương lại bị dồn nén bên trong ta và dần dần sẽ công kích chính bản thân ta. Và ta không khỏi tự hỏi "Tại sao mình cứ như một kẻ ngốc, không biết nói chuyện thẳng thắn cũng không biết nổi giận với người khác?"
Đầu tiên, bạn cần ghi nhớ điều này. Những cảm xúc mà ta đang cảm nhận không phải là những thứ vụn vặt có thể làm lơ, ngược lại chúng vô cùng quan trọng và luôn cần được quan tâm tới. Hon nữa, những cảm xúc đó sẽ không biến mất dễ dàng cho dù ta có đè nén hay lờ chúng đi. Rất nhiều vấn đề về tâm lý nảy sinh bắt nguồn từ thói quen tự đè nén cảm xúc khiến năng lượng của những cảm xúc bị đè nén không được giải phóng khỏi tâm trí một cách lành mạnh. Cảm xúc cũng giống như dòng nước, nếu không chảy thoát được sẽ ứ đọng lại một chỗ và bốc mùi khó chịu.
Bây giờ vẫn chưa quá muộn. Từ bây giờ bạn hãy học cách lắng nghe tiếng nói của chính mình để biết mình muốn gì, trước khi hành động theo kỳ vọng của người khác. Nếu người khác có yêu cầu bạn làm cái này, cái kia nhưng bạn cảm thấy mình không muốn làm thì nhất định đừng làm để tránh cảm giác tự ti và thu mình lại sau này. Hãy luôn cố gắng thể hiện cảm xúc của mình cho đối phương hiểu. Đừng lo sợ rằng nói thật cảm xúc của mình sẽ khiến đối phương ghét mình hay khiến mối quan hệ giữa mình và họ sẽ trở nên bất tiện. Cũng rất có thể đối phương vì không biết được cảm nhận của bạn nên mới đưa ra những yêu cầu đó.
Khi những người khác đều ăn mì tương đen nhưng bạn muốn ăn cơm rang, hãy đường hoàng nói "Tôi muốn ăn cơm rang." Trở thành người tốt đối xử tử tế với người khác là một việc tốt, nhưng trước hết ta có nghĩa vụ phải trân trọng chính mình.
—ooOoo—
Biết cách nói lên điều mình muốn mà không cảm thấy khó khăn
Là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, cũng như việc biết lái xe vậy.
Nếu không có kỹ năng ấy, bất mãn sẽ liên tục chất chồng Rồi bùng nổ như núi lửa phun trào, phá hủy các mối quan hệ ta đang có.
—ooOoo—
Bạn có từng cảm thấy tủi thân và tự hỏi
Mình phải một mình giúp người khác đến bao giờ nữa?
Nếu có, đừng cố nén cảm xúc vào trong mà hãy nói ra thành lòi
"Một mình tôi không làm được, bạn giúp tôi được chứ?" Tập thể hiện cảm xúc từng chút từng chút một, bạn sẽ dần khá hơn rất nhiều.
—ooOoo—
Khi ai đó nhờ vả điều gì
Đừng quên rằng bạn luôn có quyền lựa chọn từ chối
"Xin lỗi, nhưng việc này hơi khó."
Bạn không có nghĩa vụ phải nhận lời nhờ vả của tất cả mọi người, nhất là những nhờ vả quá sức, để khiến chính mình phải khổ sở.
Nếu vì bạn không giúp mà mối quan hệ giữa bạn và người đó trở nên xa cách
Thì ngay từ đầu đó đã không phải là mối nhân duyên tốt rồi.
Khi đi máy bay, ta vẫn thường được hướng dẫn rằng trong trường hợp khẩn cấp
Ta cần đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước khi đeo cho trẻ em đi cùng.
Tương tự, chăm lo cho bản thân mình trước
Hoàn toàn không phải là một hành động ích kỷ.
Bản thân mình phải hạnh phúc thì mới có thể làm cho những người xung quanh hạnh phúc.
—ooOoo—
Khi bạn tự biết trân trọng bản thân,
Thế gian cũng sẽ bắt đầu trân trọng bạn.
—ooOoo—
Hãy trở thành một người tốt đối với chính bản thân mình. Giống như khi yêu ai đó, bạn luôn muốn được ở bên họ Ngày hôm nay hãy dành thời gian ở bên "bản thân" cũng rất xứng đáng được bạn yêu thương.
Hãy mua cho mình món ăn ngon, cho mình đi xem một bộ phim hay,
Và đưa mình đến một nơi phong cảnh đẹp.
Hãy dành công sức cho bản thân như khi bạn dành công sức cho những người bạn yêu thương.
Bạn thân mến
Chính nhờ tự cảm thấy mình còn nhiều điều thiếu sót
Nên bạn mới có thể rộng lòng hiểu cho người khác,
Và biết nỗ lực hơn vì những thiếu sót đó
Để rồi cuối cùng chạm đến thành công.
Chúng ta, đừng ghét bỏ những gì mình còn thiếu sót
Mà hãy một lần nhìn nhận chúng với sự biết ơn.
—ooOoo—
Dù bản thân có nhược điểm cũng không sao.
Làm sao chúng ta luôn giữ cuộc đời mình sạch sẽ như một con hạc trắng được?
Trong cuộc sống nhiều khi ta không tránh khỏi để lại những vết sẹo trên cơ thể, tâm hồn, và cả trong những mối quan hệ.
Thay vì một cuộc sống không vết nhơ vì không làm gì cả do lo sợ gây ra lỗi lầm
Hãy chọn cuộc sống mà bạn có thể trưởng thành giữa những thất bại và tổn thương.
Và hãy nói thật lớn với bản thân đang nỗ lực của mình rằng
"Tôi, yêu bạn rất rất nhiều."
Ai cũng có một nỗi niềm trong lòng
Không thể dễ dàng bày tỏ với người khác.
Nỗi đau vì chuyện gia đình, cảm giác tự ti luôn giấu kín, một căn bệnh không thể tiết lộ,
Hay sự tổn thương trong những mối quan hệ, một trách nhiệm nặng nề không thể né tránh
Nhưng chính sức nặng của nỗi niềm đó sẽ giúp ta không hành động ngông cuồng mà luôn khiêm tốn,
Hiểu người khác hôn và luôn cố gắng sống đẹp hơn mỗi ngày.
Con người ta, vẻ bề ngoài không phải là tất cả.
—ooOoo—
Chắc hẳn có những lúc bạn cảm thấy ghen tị
Khi nhìn thấy hình ảnh vui vẻ của bạn bè đăng trên mạng xã hội?
Nhưng đừng ghen tị quá nhiều.
Một trong những sai lầm thường gặp nhất của chúng ta Là so sánh hình ảnh bên ngoài của bạn bè với hình ảnh bên trong của chính mình.
Chúng ta đâu biết nội tâm của người kia thế nào?
Chưa biết chừng người ấy cũng đang nhìn vẻ bề ngoài của bạn mà ghen tị nhiều lắm đấy.
Có bao giờ bạn cảm thấy tự ti vì người anh họ luôn giỏi giang hơn mình?
Sẽ luôn có một người anh họ học giỏi hơn bạn, theo học một trường đại học danh giá hơn trường bạn và làm ở công ty tốt hơn công ty bạn.
Thế nhưng vốn dĩ phải chờ đến khi nhắm mắt xuôi tay ta mới biết được hết giá trị của cuộc đời.
Chuyện học hành, trường lớp, nơi làm việc có thể là những thước đo khiến bạn ghen tị lúc này
Nhưng khi bạn có tuổi, những thứ ấy sẽ chẳng còn to tát nữa.
Ai biết hài lòng và sống cuộc sống của chính mình, đó mới là người chiến thắng.
—ooOoo—
Con người ta thiếu sức hút không phải vì những điểm yếu, những điều họ cảm thấy mình thua kém người khác, Mà chính là vì khi cảm thấy thua kém người khác, họ sẽ tự xấu hổ về bản thân, và điều đó làm mất đi sức hút của họ. Nếu bạn tự tin và cảm thấy thoải mái với bản thân mình, thì những điểm yếu ấy sẽ chẳng phải điều gì to tát đáng bận tâm.
Sự tự tin chính là sức hút của bạn đấy.
"Không nhất thiết phải là người giỏi nhất. Là hạng hai, hạng ba thì đã sao?
Tôi vui khi thấy mình luôn nỗ lực thế này.
Tôi sẽ yêu thương bản thân mình nhiều hơn nữa."
Hãy luôn tự nói với mình như thế.
—ooOoo—
Nếu bạn liên tục bận tâm về những điều người khác chê bai
Thì bạn sẽ tự thu mình lại và dần dần không thể làm bất cứ việc gì nữa.
Đó chính là điều họ muốn thấy ở bạn.
Đừng giao chìa khóa cuộc đời mình cho những người chê bai bạn.
Mỗi khi nghe thấy tiếng họ, bạn hãy nói thật to rằng "Hãy xem ai mới là người đúng! Nhờ có các người, tôi sẽ càng cố gắng hơn nữa!"
—ooOoo—
"Tại sao tôi phải hủy hoại cuộc sống của chính mình
Chỉ vì lời chê bai từ những người không biết rõ về tôi?"
- Hong Seok Cheon
Khi những lời đàm tiếu về bạn hiện lên trong tâm trí
Nếu bạn tin vào những lời ấy
Thì từ giây phút đó chúng sẽ bắt đầu chi phối bạn.
Chỉ vì những lời đó xuất hiện trong tâm trí bạn không có nghĩa chúng đều là sự thật.
Đừng quên rằng chúng không phải là suy nghĩ của bạn, và đừng để bị chi phối bởi chúng.
—ooOoo—
Khi bạn nghe thấy bên trong mình cất lên tiếng nói "Ngưoi vốn dĩ có biết vẽ bao giờ đâu"
Thì lúc đó bạn nhất định phải vẽ nhiều hơn nữa.
Tiếng nói đó sẽ im lặng ngay thôi.
- Vincent van Gogh
—ooOoo—
Chúng ta được yêu thương không phải vì chúng ta làm tốt điều gì đó.
Chỉ riêng sự tồn tại của chúng ta thôi cũng đã đáng được yêu thương rồi.
Hãy tự coi trọng và biết yêu thương chính bản thân mình. Có chút thiếu sót, có chút lỗi lầm cũng không sao.
Cho dù ta không hoàn hảo theo những quy chuẩn, những thước đo của thế gian
Sự tồn tại của chúng ta đã là thứ có giá trị và đáng được yêu thương rồi.
Khi đến Ấn Độ, bạn sẽ thấy người ta chào nhau bằng câu "Namaste."
Thật ra "Namaste" là một câu nói có ý nghĩa rất đẹp và sâu sắc.
"Điều thiêng liêng bên trong tôi
Xin được cúi đầu chào điều thiêng liêng bên trong bạn."
Bản thân mỗi người chúng ta
Đã là sự tồn tại vĩ đại và thiêng liêng hơn chúng ta nghĩ, rất nhiều.