Kết cấu Ba ngày tại nhà mẹ tôi (Giải Goncourt 2005) thật đặc biệt. Thoạt tiên là sáu "chương" (từ đầu đến trang 160) tuy tác giả không ghi là chương mà chỉ đánh số từ 1 đến 6. Người kể chuyện xưng "tôi", tự giới thiệu mình là François Weyergraf, vợ là Delphine, hai con gái là Zoé và Woglinde. "Tôi" đã gần sáu mươi, đã xuất bản mười tiểu thuyết và dựng năm bộ phim. Mẹ "tôi" thì đã tám mươi tám tuổi. "Tôi" bắt tay vào một cuốn tiểu thuyết mới, "… tôi đã tìm ra nhan đề trước khi bắt đầu viết, đó là "Ba ngày tại nhà mẹ tôi". Tôi cần phải sáng tạo một nhân vật phụ nữ đã nhiều tuổi, một bà mẹ hư cấu, bà sẽ là mẹ của người kể chuyện chứ không phải mẹ tôi […] Trong tiểu thuyết của tôi, bà mẹ goá chồng" (Trois jours..., tr.75). "Tôi" chọn người kể chuyện là một nhà văn, như thế dễ viết hơn là chọn một kẻ sát nhân, một nhà phẫu thuật hay một bộ trưởng. "Người kể chuyện trong cuốn sách sắp tới của tôi đêm đêm giam mình trong một căn phòng để làm việc [...] Tôi chấp thuận cho phép ông ta thỉnh thoảng rời căn phòng […] Đi đây đi đó, làm tình, viết văn, thật là một tam vị nhất thể tuyệt vời!" (Trois jours..., tr.95, 99, 101). Nhưng rồi việc viết lách chậm như rùa. Vợ "tôi" hỏi: "Cuốn tiểu thuyết của anh đến đâu rồi?". Mẹ "tôi" sống ở Provence, miền Nam, lần gần đây nhất lên Paris, hỏi: "- Con đưa cho mẹ xem cuốn tiểu thuyết của con chứ? Nó đâu? - Bà muốn nói là bản thảo […] Tôi đã trả lời mẹ: - Con chưa viết xong được - Thế ít ra con đã bắt đầu viết chưa?” (Trois jours..., tr.156, 157).
Từ trang 163 đến trang 234, tiếp theo sáu "chương" ấy là trang bìa, trình bày hết cả trang, như một trang bìa thật, cuốn tiểu thuyết của "tôi", với đầy đủ tên tác giả là François Weyergraf, nhan đề cuốn tiểu thuyết là "Ba ngày tại nhà mẹ tôi"… Sau trang bìa là ba chương đã hoàn thành, ghi rõ chương 1, chương 2 và chương 3. Phương thức tự sự chuyển sang ngôi thứ ba, lời kể của người trần thuật: François Graffenberg là một nhà văn; ông đã gần sáu mươi tuổi, vợ là Daphné, hai con gái là Chloé và Sieglinde. Ông định viết một cuốn tiểu thuyết lấy nhan đề là "Ba ngày tại nhà mẹ tôi", nhân vật chính, người kể chuyện trong đó tên là François Weyerstein, cũng là một nhà văn, dự định viết "Ba ngày tại nhà mẹ tôi", nhưng mãi chưa xong vì những chuyện gặp gỡ, hẹn hò. Ông quyết định gác lại tất cả, về nhà mẹ ở mấy ngày để nghỉ ngơi đôi chút và hoàn thành tác phẩm.
Cuốn Ba ngày tại nhà mẹ tôi của François Weyergraf mới được ba chương và dừng ở đây. Ba mươi trang cuối (tr.235-263) tiểu thuyết Ba ngày tại nhà mẹ tôi của François Weyergans được đánh số 7, nối tiếp với 6 "chương" mở đầu tác phẩm và trở về với phương thức tự sự ở ngôi thứ nhất. "Tôi" được tin mẹ "tôi" ở Provence bị ngã chẳng ai biết, nên một mình nằm ngoài vườn, nay đang điều trị ở bệnh viện. "Tôi" liền về Provence. "Thế là tôi về sống ba ngày, ba ngày ấy tại nhà mẹ tôi. Tại nhà mẹ tôi mà không có mẹ tôi". Tiểu thuyết kết thúc bằng mấy dòng: "Tối nay tôi rất muốn gửi cho mẹ tôi một bản fax, tôi rất muốn viết báo tin cho mẹ là tôi vừa đặt dấu chấm hết cho quyển sách mà tôi đã quyết định hoàn thành, sau khi mẹ ngã, tôi về ở ba ngày tại nhà mẹ tôi” (Trois jours..., tr.255, 263).
Nhà văn có thật François Weyergans viết cuốn tiểu thuyết với nhân vật trung tâm là nhà văn hư cấu François Weyergraf (tạm gọi là cuốn A); nhà văn hư cấu này lại viết cuốn tiểu thuyết với nhân vật trung tâm hư cấu là François Graffenberg cũng là một nhà văn (tạm gọi là cuốn B). Đến lượt François Graffenberg lại viết cuốn tiểu thuyết với người kể chuyện là François Weyerstein vẫn là một nhà văn (tạm gọi là cuốn C) và nhà văn ấy đang loay hoay viết "Ba ngày tại nhà mẹ tôi" (tạm gọi là cuốn D). Các tiểu thuyết ấy đều lấy cùng một nhan đề và triển khai cùng một nội dung. Một dạng tiểu thuyết trong tiểu thuyết và theo kỹ thuật "lồng gương" đến mấy tầng. Hai cuốn C và D mới chỉ là những dự định. Cuốn B của François Weyergraf đã xong được ba chương, Cuốn A, tiểu thuyết "có thật" của tác giả "có thật" François Weyergans thì gồm bảy "chương" đánh số từ 1 đến 7 và cả ba chương chen ngang của tác giả cuốn B kia.
Xét về một phương diện khác, cuốn D mới chỉ được nhắc đến, chưa có tên nhân vật và cũng chưa biết là theo phương thức tự sự nào. Cuốn C theo phương thức tự sự ở ngôi thứ nhất, căn cứ vào câu: "Người kể chuyện trong tiểu thuyết của ông (tức François Graffenberg - P.V.T thêm) tên là Weyerstein" (Trois jours..., tr.201). Cuốn B theo phương thức tự sự ở ngôi thứ ba. Đọc cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh, “thật sự" của F. Weyergans, ngôn từ kể chuyện dường như cũng luân phiên thay đổi theo kiểu "lồng gương", từ ngôi thứ nhất (cuốn A) ở 7 “chương”, sang người trần thuật ở ba chương (cuốn B) và sẽ lại trở về với ngôi thứ nhất (cuốn C)...
Một cuốn tiểu thuyết về sáng tác tiểu thuyết của một nhà văn có dự định trong đầu mà cứ trì hoãn mãi viết không xong. Cái gọi là cốt truyện theo nghĩa truyền thống hầu như chẳng có. Ba ngày tại nhà mẹ tôi lôi cuốn hứng thú của bạn đọc về phía kỹ thuật biến hoá chủ thể tự sự trong tác phẩm. Ngoài ra, có những dấu hiệu khiến ai cũng phải băn khoăn: các nhân vật nhà văn trong tác phẩm đều có tên là François như tác giả, còn các họ Weyergraf, Graffenberg, Weyerstein đều na ná dắt dây nhau và gợi nghĩ đến Weyergans. Cũng có mối liên hệ tương tự giữa tên vợ (Delphine - Daphné) và tên hai con gái (Zoé - Chloé; Woglinde - Sieglinde) của Weyergraf và Graffenberg. Dù sao, đó vẫn chỉ là những nhân vật hư cấu; các chủ thể xưng "tôi" và người trần thuật trong tác phẩm vẫn không thể đồng nhất với nhà văn. Trong tiểu thuyết này, chủ thể "tôi" có đầy đủ cả họ tên, tuổi tác, lại có vẻ gắn với những mối quan hệ xã hội, vợ con, mẹ, tình nhân, nhà xuất bản... Nhưng các tên họ dắt dây nhau, nhoà vào nhau, các sự kiện lại rất mờ nhạt, cả cuốn tiểu thuyết chỉ quanh quẩn ý chính là mãi chẳng hoàn thành. Thật không dễ dàng hình dung để phân tích "tôi" như một nhân vật theo lối mòn trước đây..."
GS. Phùng Văn Tửu
Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội
***
François Weyergans sinh năm 1941 ở Bỉ, mẹ là người Pháp và bố là người Bỉ, nhưng chủ yếu sống ở Paris. Ông xuất thân là một nhà làm phim, tốt nghiệp IDHEC (Trường Điện ảnh quốc gia), đạo diễn cuốn phim ăn khách một thời Je t'aime, tu danses (Anh yêu em, còn em thì nhảy múa).
Dầu vậy, Weyergans được thiên hạ biết tiếng nhiều nhờ sự nghiệp văn chương hơn là nhờ mấy tác phẩm điện ảnh lẻ tẻ.
Ông bắt đầu nổi danh với tư cách là nhà văn vào năm 1973 qua cuốn Le pitre (Thằng hề). Trong số các tác phẩm đáng chú ý khác của ông còn có Le radeau de la Méduse (Chiếc bè Méduse), La vie d'un bébé (Hài nhi), Je suis écruvain (Tôi viết văn), La démence d'un boxeur (Võ sĩ điên rồ, giải Renaudot 1992), Franz et François (Franz và François).
Năm 2005 này, ông cùng lúc cho ra mắt hai cuốn Trois jours chez ma mère vừa trúng giải Goncourt và cuốn Salomé (Salomé, tác phẩm đầu tay, khởi thảo năm 1968).
Tác phẩm đoạt giải:
"Có thể rồi một ngày nào đó tôi cũng sẽ trách mình, không phải vì ít trò chuyện với mẹ, bởi hầu như chiều nào tôi cũng nói chuyện qua điện thoại với bà, mà là vì ít đến thăm bà, nhất là mấy năm sau này. Đã thượng thọ, vậy mà người mẹ yêu quý của tôi vẫn còn tỏ ra rạch ròi hơn tôi nhiều. Trong điện thoại, bà không ngớt tóm gọn tình thế: "Tóm lại, mẹ thật ít có dịp trông thấy con trên đời"".
Chính vì vậy mà, thay mặt tác giả, nhân vật François Weyergraf mong muốn được "ba ngày về với mẹ" cho phải đạo làm con.
Đây là một cuốn tiểu thuyết có cấu trúc phức tạp. Người kể chuyện François Weyergraf "bịa" ra một tác giả tên là François Graffenberg, ông Graffenberg này lại "bịa" ra một nhân vật là François Weyerstein; mỗi François lại truyền cho François khác cái xung năng sáng tạo của mình.
Ngay từ đầu, độc giả đã gặp lại nhân vật có họ na ná với họ Weyergans trong cuốn Franz et François xuất bản 8 năm trước. François Weyergraf là nhà làm phim và nhà văn (hệt như tác giả), 60 tuổi, luôn luôn thao thức, trăn trở, bất an trong lòng, nhưng rất ư uyên bác, chẳng khác gì nhà văn Bỉ danh tiếng Franz Weyergans, cha của tác giả.
Nếu như qua Franz et François, tác giả đã tỏ lời vừa kính phục vừa ganh ghét cha mình, thì cuốn Trois jours chez ma mère như một bức thư bày tỏ tình cảm gửi tới mẹ già.
Mẹ và con
Bà nay 91 rồi, nhưng vẫn minh mẫn và còn sung sức. Qua điện thoại, bà không ngớt thăm hỏi, chăm sóc đứa con trai ở tuổi 60 như nó còn bé dại. Bà dặn nó phải viết nhiều hơn, bớt hút thuốc, không thì phổi bị thủng lỗ chỗ. Một nhân vật kỳ diệu.
Nhớ tới thời bà... chưa già, vừa góa chồng là bà cặp kê ngay với một ông láng giềng chủ một xí nghiệp có vợ con. Bà cũng chẳng ngại la cà trong các quán bar, nhảy nhót với những kẻ lạ mặt. Vóc dáng, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của bà lúc nào cũng trẻ trung, sống động, khiến cho nhiều người tưởng bà với con mình là vợ chồng chung gối với nhau.
Thế nên Francois Weyergraf/Weyergans hết mực yêu quý, tôn sùng mẹ mình. Chúng ta nghe rõ đằng sau chữ "maman" (má, mẹ, u...) mỗi khi tác giả thốt lên trên trang giấy từng cung bậc rung động của ngòi bút.
Ông khao khát được ôm mẹ vào lòng, về ở với mẹ dầu chỉ "ba ngày" vậy mà cứ mải miết bận rộn. Lại nữa, cứ mong mang về dâng tặng mẹ cuốn sách viết về cuộc đời của bà, nhưng vì nó vẫn còn trong trứng nước nên tác giả ngần ngại không dám bước chân. Mà cũng có thể vì tác giả e rằng một khi đã phơi bày cuộc đời của mẹ mình trên trang sách, biết đâu bà lại chẳng bất thần trút hơi thở cuối cùng.
Rốt cuộc, "ba ngày về với mẹ" chỉ là một giấc mơ.
Mượn cớ
Hay chỉ là cái cớ cho phép tác giả nhẩn nha "tùy bút" trên 270 trang sách, một cách hấp dẫn, lôi cuốn, nhờ ở một văn phong điêu luyện, nhưng không kiểu cách. Thành quả của bảy năm ròng miệt mài với ngôn từ, chữ nghĩa, với tư duy, suy luận.
Viện Hàn lâm Goncourt đã đúng đắn khi trao tặng Goncourt, giải quan trọng nhất của văn học tiếng Pháp, cho tác phẩm Trois jours chez ma mère của Francois Weyergans. Trong số các nhà văn từng đoạt giải này có Marcel Proust, Simone de Beauvoir, Marguerite Duras...
TRẦN THIỆN ĐẠO (Paris)
Mời các bạn đón đọc
Ba Ngày Ở Nhà Mẹ của tác giả
Francois Weyergans.