Tập sách này là một trong gần bảy trăm bộ sách mà Osho bàn về tất cả những thánh nhân đông tây, kim cổ. Trong tập sách này Ngài bàn về Bát Nhã Tâm Kinh, một bộ kinh nồng cốt nhất của Phật Giáo. Bạn sẽ thấy lối trình bày rất đơn giản nhưng rất uyên thâm. Bạn sẽ thấy nhiều hạt kim cương vô giá trong đó. Và Ngài cho chúng ta nhiều lý do để hãnh diện và tự tin với di sản tâm linh của mình. Xin nêu ra một vài thí dụ:
1. Ngài đã phá vỡ lý luận hình thức của Aristotle. Luận lý này không đủ để diễn tả kinh nghiệm tâm linh. Theo Ngài thì nguyên tắc đồng nhất (principle of identity) chỉ là một sự lập lại không cần thiết, còn hai nguyên tắc tương phản (contradiction) và triệt tam (excluded middle) thì không thể dùng để diễn tả thực tại; ngay cả Vật Lý học hiện đại cũng đã bác bỏ hai nguyên tắc này.
2. Ngài dùng hệ thống bảy luân xa của triết học Ấn Độ, hiện đang ăn khách nhất ở Âu Tây, để giải thích Tâm Kinh. Đây là một lối giải thích độc đáo và vô cùng mới lạ.
3. Ngài bàn về những đỉnh cao của Tâm Kinh qua việc so sánh với những trường phái tâm lý học hiện đại của Pavlov, B.F Skinner, Freud, Adler, Jung và Assaggoli.
4. Ngài bàn về những bế tắc của những ông tổ của triết học Hiện Sinh như Soren Kieerkergaard, Martin Heidgger, Jean-Paul Sartre khi họ nói về chân không. Theo Ngài thì Chân Không của Phật Giáo mới là giải đáp cho những rối ren của đời sống con người.
5. Ngài làm sáng tỏ cái cốt lõi, cái tinh túy nhất của Phật Giáo – Chân Không – trong những lời nhẹ nhàng, thi vị, và rất dễ hiểu. Ngài khẳng định với chúng ta là Chân Không chính là chỗ trú ẩn an toàn nhất mà chúng ta phải tìm đến; đó chính là vương quốc của chúng ta, và chúng ta chỉ cần đòi lại chủ quyền ấy.
6. Ngài dùng biện chứng pháp của Heraclitus và Hegel để hóa giải một cách tài tình những khúc mắc của chân lý tối cao, “Sắc tức thị không. Không tức thị sắc.”
7. Ngài bàn về câu đại thần chú của Tâm Kinh một cách rất thú vị với những khái niệm mới nhất rút ra từ Vật Lý học hiện đại, huyền học Ki Tô Giáo, và bộ kinh Yoga của Patạnali. Có lẽ Ngài là người duy nhất đã giải thích như vậy.
8. Và trong tập sách này Ngài cho chúng ta một khoa học để giải trừ bản ngã khi Ngài bàn về ba trạng thái của tâm thức, và bảy cánh cửa mà qua đó bản ngã đi vào.
9. Quan trọng hơn, theo thiển ý của người dịch, là Ngài bàn về hai loại tự do: Tự do khỏi cái ta và tự do của cái ta. Nếu bạn không đọc một bộ kinh nào khác trong kho tàng kinh điển mênh mông của Phật Giáo, mà chỉ nhớ và hiểu hai điều này thì cũng quá đủ. Chân lý sẽ giải phóng bạn.
9.1. Tự do khỏi cái ta: khi bạn chứng nghiệm chân lý thì bạn biến mất trong một đại dương tâm thức; tất cả cá nhân tính của bạn biến mất; bạn hòa làm một với đại thể. Sự biến mất ấy Osho gọi là tự do khỏi cái ta; Phật gọi là vô ngã (anatta); Long Thọ gọi là Chân Không. Đó là ba lối phát biểu khác nhau về cùng một kinh nghiệm tâm linh.
9.2. Tự do của cái ta: gồm những loại tự do khác nhau như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, v.v… Cái ta được tự do nhưng cái ta vẫn còn. Và được tự do nên bạn phải chọn lựa, và bạn trở nên lẫn lộn khi có quá nhiều cái để lựa chọn, và không biết phải chọn cái nào. Khi bạn chọn lựa trong sự lẫn lộn thì có thể bị sai lầm. Điều đó đưa đến trách nhiệm. Trách nhiệm ấy đưa đến điều mà Kieerkergaard gọi là run rẩy, run vì sợ trách nhiệm. Chính vì lý do ấy mà Jean-Paul Sartre viết, “Con người bị kết án phải được tự do.” (Man is condemmed to be free). Lý do là cái ta được tự do nhưng vẫn còn. Nếu cái ta không còn thì ai ở đó mà run rẩy? Còn ai ở đó để bị kết án? Còn ai ở đó mà lựa chọn trong lẫn lộn?
Riêng đối với những độc giả không quen với những hệ tư tưởng đương thời của tây phương và Ấn Độ thì tập sách này có vẻ ‘tùm lum’ quá. Lý do là vì Osho phải tiếp xúc với đủ loại người như đã nói ở trên, và Ngài phải nói với họ bằng chính ngôn ngữ của họ. Để giúp độc giả nào muốn tìm hiểu thêm, người dịch đã chú thích những tên tuổi và những hệ thống tư tưởng mà Osho nhắc đến trong tập sách này. Nhầm lẫn trong những chú thích đó là lỗi của người dịch, không phải của Osho. Và đối với quý Phật tử thì khi Osho dùng từ “Thượng Đế” trong tập sách này, không có nghĩa là Ngài dùng từ đó theo nghĩa của Ki Tô Giáo. Lý do là những người đến nghe Ngài phần đông là tín đồ hoặc của Ki Tô Giáo, Do Thái Giáo, và Ấn Độ Giáo. Cho nên Ngài phải dùng ngôn ngữ của họ mà nói với họ.
Vạn Sơn, California, ngày 11 tháng 12, 2003
Nhân ngày sinh nhật thứ 72 của Osho.