Tanizaki Junichirō (1886 - 1965) là một thiên tài văn chương với một văn nghiệp đồ sộ. Ông là người kể chuyện có duyên nhất trong số những cây viết tiền chiến, nội dung các tác phẩm của ông phần nhiều khai thác cảnh sống đồi trụy của xã hội cũ đang suy tàn và địa ngục của đời sống nội tâm.
Văn chương Tanizaki vừa thâm trầm, cổ kính, vừa bóng bẩy, diễm tình, vừa đồi phế, bệnh hoạn nhưng không kém phần tinh tế. Làm như ta quy tụ được tài hoa của cả Marquis de Sade, Paolo Pasolini, Marcel Proust, Guy de Maupassant, Nguyễn Tuân, Edgar Allan Poe... trong cùng một con người vậy.
Tác phẩm của của ông thường gặp phải sự chống đối. Trong thời chiến, một số tác phẩm ông dịch hay viết đều bị cấm công bố vì cho là phạm thượng khi quân đối với hoàng gia hay thờ ơ với nỗ lực trong chiến tranh của toàn quốc. Thời hậu chiến, ông chuyển sang viết về cuộc sống tình dục thì lập tực bị kết tội viết truyện dâm ô. Trên hơn nửa thế kỷ đi tìm cái đẹp, ông chỉ tìm thấy “cái đẹp có vấn đề”.
Trong con người ông, cái đẹp cũng là niềm hoan lạc vật chất, trong ẩm thực, trong tính dục. Ông vừa là kẻ háu ăn (gourmand) vừa là nhà sành ăn (gourmet). Con người ông sinh ra là đã lang chạ, ba lần lấy vợ, ngoại tình với em gái của vợ, lắm người yêu, thích ở nhà đẹp, dọn nhà trên bốn chục lần.
Vì bản tính tham lam nên không bao giờ ở yên một chỗ, yêu một người, nhưng cũng là người sùng bái cái đẹp phụ nữ, họ, ông coi như những nữ thần. Là một thành phần của Pan No Kai (Mục Dương Hội) bên cạnh các hội viên như nhà viết kịch Osanai Kaoru, họa sĩ Ishii Hakutei, các nhà văn Nagai Kafuu, Takamura Kōtarō, Kinoshita Mokutarō, Yoshii Isamu… ông sống cuộc đời buông thả cũng như thần Pan trong thần thoại Hy Lạp, nửa người nửa thú, đi chăn dê, chỉ thích rượu, âm nhạc và gái đẹp.
Không như Akutagawa tự sát thời trẻ, Kawabata tự sát lúc về già, Tanizaki muốn sống cho trọn cuộc đời mình. Ý hướng muốn sống cũng thể hiện qua tính dục, một bằng chứng hùng hồn của sự sống. Ông đóng vai trò của người phản kháng, chống lại đạo đức phong kiến, giải phóng tính dục, tiến gần đối với chủ nghĩa tự nhiên, khai thác cái đẹp trái chiều. Không ngờ ông đã đi đúng hướng bởi vì xã hội “trường thọ” và “hồi xuân” của chúng ta cũng đang ra sức tìm hiểu vấn đề này.
Thế nhưng không phải vì đưa những đề tài cấm kỵ lên mặt giấy mà ông trở thành một nhà văn lớn. Không có nó, ông đã vĩ đại rồi. Tài hoa của ông thể hiện rõ qua Tuyển tập truyện ngắn Tanizaki với những tác phẩm được coi là đặc sắc nhất : Xâm mình, Kỳ lân, Vương quốc nhỏ, Trăng Tây Hồ, Bí mật, Bàn chân Fumiko, Sắn dây núi Yoshino, Người cắt lau, Con mèo, Shōzō và hai người đàn bà, Mộng phù kiều.
Trong tập truyện này ta lại gặp cái đặc sắc của Tanizaki - cốt truyện hấp dẫn, cái đẹp kỳ lạ, trái chiều mà đầy mị hoặc. Mô típ người phụ nữ được sùng bái nhưng vô tình và tàn ngược đối với kẻ yêu mình trong Chữ Vạn nay lại có trong Xâm mình và Người cắt lau nhưng với những câu chuyện mang màu sắc hoàn toàn khác biệt.
Sắn dây núi Yoshino và Mộng phù kiều thì lại phảng phất phức cảm ái mẫu. Con mèo, Shōzō và hai người đàn bà mang tới một thế giới huyền ảo, nơi con mèo cái Lily đầy ma lực mới là kẻ chiến thắng trong cuộc tranh chấp tình yêu.
Trong Bàn chân của Fumiko, Tanizaki lại chuyên chú vào khía cạnh nghệ thuật của hiện tượng tâm lý bái vật và mỹ hóa nó một cách tài hoa, trang nhã. Tanizaki tả một người đàn ông chỉ mong được Fumiko dẫm lên mặt trước khi chết để cảm thấy mình đã hưởng một hạnh phúc tột cùng, nhưng không có lấy một thoáng khinh ghét nhục thể như thái độ của nhà văn vào thời đại của Nagai Kafuu mà là một sự đồng tình và ca ngợi thân xác, qua đó khai triển rộng ra một thế giới đam mê cái đẹp.
Với Kỳ lân, ông cho thấy một thánh nhân như Khổng Tử, vì là đàn ông nên đã bị nàng Nam Tử, một “ác nữ”, khuất phục và kết luận là cái đức không thắng nổi sắc đẹp. Bí mật khắc họa “những khoái cảm nhẹ nhàng yên ả” của dối trá. Một thế giới đảo điên là bức tranh trong Vương quốc nhỏ vẽ nên. Còn Trăng Tây Hồ lại là một tùy bút về hấp lực của trăng đối với nước, sự thu hút của mặt nước đối với người phụ nữ bệnh hoạn, sự đồng hoá người phụ nữ với vầng trăng.
Từng truyện là một mảnh vá nhỏ sặc sỡ với những họa tiết riêng biệt, hợp lại thành một tấm thổ cẩm (patchwork) muôn màu. Trên tấm vải đó, Tanizaki đã dệt nên miền sâu thẳm phong kín của địa ngục nội tâm con người muôn thuở, họa lại một thế giới đảo điên với những ám ảnh dục vọng cuồng si.
Thế nhưng đâu là lý do khiến Tanizaki có khuynh hướng phơi bày những mảng tối trong tâm hồn? Ông cố ý nói lên sự tuyệt vọng trong tình yêu của con người, khiến cho ngoại giới bao la chỉ còn ngưng tụ lại trong một vật thể cỏn con? Hay là ông muốn mượn cuộc sống trụy lạc làm nơi ẩn náu để chống đối xã hội ngụy thiện và công thức đương thời?
Nguyễn Nam Trân - Zing.vn