Cái dũng của thánh nhân – Là những tính cách, khí chất mà mỗi người cần có để có thể bình thản trước những tác động từ ngoại giới. Những tính cách và khí chất đã được người xưa kiểm chứng và vượt thời gian qua ngàn đời sau vẫn vậy. Trong thế giới hiện đại, có nhiều điều tác động tới đời sống làm chúng ta dao động, không yên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể làm được như người xưa, bằng cách rèn luyện những tính cách và khí chất của người xưa.
“Cái dũng của thánh nhân” là một cuốn sách kỹ năng sống để rèn luyện lên những đức tính tốt như: tư đức, công hạnh, điềm đạm, khí lực, tinh thần trách nhiệm,… Những tính cách giúp mỗi người có cuộc sống thành đạt và bình yên.
Con người có những loại đức hạnh nào?
Tác giả phân loại đức hạnh con người thành hai loại là “tư đức” và “công hạnh”.
Tư đức là những tính cách riêng của mỗi người, như: Nhẫn nại, can đảm, quả quyết, điềm đạm.
Công hạnh là những tính tốt của cá nhân đối với mọi người xung quanh, như: cha me, anh chị em, vợ chồng, hàng xóm, bạn bè, chủng tộc, và nhân loại.
Để nói về các đức hạnh trên tác giả đã trình bày qua các chương như sau:
Điềm đạm là tư đức quan trọng bậc nhất mà mỗi cá nhân cần có:
Theo tác giả thì “điềm đạm” là tư đức quan trọng bậc nhất mà mỗi cá nhân cần có. Điềm đạm là sự bình thản trước ngoại giới, là kiếm chế được cảm xúc, là không cho thế giới bên ngoài tác động tới mình. Nói ngắn gọn hơn, người điềm đạm là người chủ động và làm chủ được cảm xúc, dục vọng, ý chí của mình.
Khí lực quan trọng hơn sức mạnh cơ bắp:
Khí lực được tác giả ví là xăng dầu, thể chất là cái xe cơ giới, thần minh là người lái xe. Khí lực là sợi dây liên kết giữa thần mình và thể xác, nếu thiếu đi khí lực thì thần minh không thể nào điểu khiển được thể xác.
Để nâng cao khí lực, tác giả đề ra hai phương pháp là luyện tập khí công và dưỡng khí. Trong sách chỉ nói tới cách dưỡng khí.
Cách dưỡng khí tốt nhất là hạn chế náo động, cần có thái độ và cử chỉ điềm tĩnh, cư xử với mọi người xung quanh lễ độ, không để hoàn cảnh tác động xấu lên mình và biết cách điều tiết bản thân.
Ngoài ra tác giả còn đề cập và diễn giải về các tính cách như: tinh thần độc lập, trách nhiệm, thuật ám thị, không nói sai, trí tưởng tượng và kết thúc cuốn sách là phần “cách phán đoán về sự đời” và phần phụ lục.
Với văn phong của một học giả uyên bác và lời văn nhẹ nhàng bạn đọc sẽ dễ dàng tiếp thu nội dung của cuốn sách. Vikwi thiết nghĩ đây là một cuốn sách cần có trong tủ sách gia đình, mỗi người nên đọc kỹ và đọc nhiều lần. Đặc biệt là các bạn học sinh và sinh viên nên đọc sớm để có thể tự rèn luyện chính mình, việc này sẽ rất hữu ích cho bản thân người đọc.
***
Quyển sách này tôi viết nó ra đã trên mười năm, trong hồi “gió bụi mịt mờ”... Tôi không bao giờ dám nghĩ nó có thể xuất bản được trong khi nhân loại đang sống phập phổng bên miệng núi lửa, nó lăm le bùng nổ không biết giờ phút nào: Lòng tham dục của con người đã đến cực độ... Bởi vậy, bàn đến “cái dũng của thánh nhân” lúc này không khéo lại đi làm cái chuyện nghịch đời.
Thế mà hôm nay, “cái dũng của thánh nhân” lại còn được một tiếng dội thâm sâu nơi tâm hồn một vài bạn như ông Phạm Văn Tươi, thật đã làm sống lại nơi lòng tôi một đôi hy vọng. Cái cao vọng của tôi chỉ gây được nơi lòng các bạn sự ngưỡng mộ những cái gì hay đẹp thôi. Được bao nhiêu đó cũng đã là đủ lắm rồi.
Trong cái đời bẩn chật nghèo nàn của tinh thần ta, ta không có chút quyền gì thỉnh thoảng phóng tầm con mắt ta xa hơn và cao hơn nữa hay sao? Người ta sẽ bảo: “Cái dũng của thánh nhân chỉ là Mộng”. Vâng! Một cái mộng, và là một cái mộng tuyệt đẹp như muôn vàn mộng khác. Người ta há đã chẳng bảo: “Đẹp như Mộng”? Vậy chứ lý tưởng là gì, nếu không phải là Mộng? Ngày nào trên thế gian này con người hết đeo đuổi theo một cái mộng gì, ngày ấy cuộc tiến hóa của loài người cũng sẽ dứt hẳn, mà đời sống của mỗi một người trong chúng ta cũng đến lạt lẽo vô vị như nước ốc. Miễn là mộng của ta đừng phải là ảo mộng thì thôi. Nhưng nếu ‘Cái dũng của Thánh nhân” đã có những người trước ta họ thành tựu rồi, thời sao có thể gọl là ảo mộng được, trong khi ta cũng là Người như họ?
Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN, Sài thành, ngày 13 tháng 8 năm 1951