Tên eBook: Catalonia Tình yêu của tôi (full prc, pdf, epub)
Tác giả: George Orwell
Người Dịch: Phạm Nguyên Trường
Công ty phát hành: Alphabooks
Trọng lượng vận chuyển: 380 g
Kích thước: 14 x 20.5 cm
Năm xuất bản: 7/2013
Nguồn: Phạm Nguyên Trường
Bìa sách Catalonia Tình yêu của tôi |
Một trong những cuốn sách du ký hay nhất mọi thời đại!
Catalonia - Tình Yêu Của Tôi kể về giai đoạn nội chiến ở Tây Ban Nha (1936-1939) mà George Orwell từng tham gia, trong đó có những trang viết vô cùng xúc động nói về tình đồng chí, đồng đội giữa những người dân quân đang phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn về vật chất. Họ xem nhau như những người bạn, những người anh em cùng chung lý tưởng, mà trên hết là tinh thần cách mạng quân bình giữa những sỹ quan và binh sỹ, không có sự phân biệt đẳng cấp, đối xử bất bình đẳng. Chính nó đã tạo cho George Orwell suy nghĩ về một xã hội tốt đẹp, một xã hội phi giai cấp mà trước đây ông chưa từng biết đến.
Cũng thông qua tác phẩm này, Orwell muốn gửi gắm đến đọc giả phần nào tính cách của con người và của thiên nhiên Tây Ban Nha, với những đoạn văn làm cho người đọc xúc động, chan chứa tình yêu đối với miền đất đầy đau thương này.
Catalonia - Tình Yêu Của Tôi là tác phẩm đứng thứ 3 trong bảng tổng sắp 100 tác phẩm non-fiction hay nhất thế kỉ XX do tờ National Review bình chọn, còn nhà xuất bản Random House thì xếp nó ở vị trí thứ 42. Nó cũng cho ta thấy một hình ảnh George Orwell hoàn toàn khác với một Orwell - tác giả của Trại súc vật (tải eBook) và 1984 (tải eBook).
Nghiên cứu thế kỉ XX mà không đọc cuốn sách này là một thiếu sót lớn. - Nhà bình luận Arthur Herman.
Mời các bạn đón đọc Catalonia - Tình yêu của Tôi của tác giả George Orwell.
[Review Sách] Catalonia – Tình Yêu Của Tôi
Ngố như mình mới thật buồn cười, bảo là thích George Orwell nhưng lại chưa từng nghe đến “Catalonia – Tình yêu của tôi” (Homage to Catalonia, Phạm Nguyên Trường dịch, Alpha Books & NXB Lao Động) cho đến khi cầm trên tay cuốn sách được tặngấy. Cuốn sách được viết khi tác giả vừa trở về từ cuộc nội chiến Tây Ban Nha và “nhận được một bài học đắt giá: nó dạy tôi rằng bộ máy tuyên truyền của chế độ toàn trị dễ dàng lèo lái dư luận ở những nước dân chủ đến mức nào.”[1] Có thể coi Catalonia là một trong những động lực để George Orwell viết hai tác phẩm lớn sau này của ông là “Trại Súc Vật” (Animal Farm) và “1984” (Nineteen Eighty-Four), nhằm nhận diện chủ nghĩa Stalin nói riêng cũng như chủ nghĩa toàn trị nói chung.
Không ẩn dụ như Trại Súc Vật, cũng không hư cấu theo kiểu 1984, Catalonia là một hồi ký chiến tranh với những sự kiện thật và con người thật. Khi mà cuộc nội chiến Tây Ban Nha có quá nhiều thông tin và ý kiến trái chiều lẫn “lèo lái dư luận”, tác giả không ngừng lặp đi lặp lại cảnh báo của ông với người đọc, rằng “hãy thận trọng trước thái độ thiên vị, sai lầm và xuyên tạc không thể nào tránh khỏi của tôi vì tôi chỉ nhìn thấy một phần của sự kiện mà thôi.” Thái độ đó thực sự rất đáng quý, nếu đặt trong bối cảnh “tất cả các tài liệu tuyên tuyền, tất cả những tiếng gào thét và dối trá, tất cả lòng thù hận đều do những kẻ ngồi tít ở hậu phương bịa đặt ra.”
Catalonia (hay Catalunya trong tiếng Catalan, Cataluña trong tiếng TBN) là một vùng tự trị của TBN. Phía Nam giáp với Valencia, cũng là một vùng tự trị. Cả hai đều được công nhận là một quốc gia, nếu không rõ chi tiết này sẽ rất dễ bị rối về các vùng, lãnh thổ khi đọc tác phẩm. Thủ phủ của Catalonia là Barcelona, thành phố lớn thứ hai của TBN (sau Madrid), một trong những địa danh xuất hiện nhiều trong tác phẩm.
Cuộc Nội chiến Tây Ban Nha là cuộc xung đột lớn giữa hai phe: Phe Quốc Gia với thủ lĩnh là tướng Francisco Franco, nhận được trợ lực từ nước láng giềng Bồ Đào Nha và các cường quốc phát xít Châu Âu là Ý và Đức; và Phe Cộng Hoà, nhận được sự hỗ trợ của Liên Xô và Mexico. Phe Quốc Gia tuyên bố đây là cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa vô chính phủ, trong khi Phe Cộng hòa tuyên bố cuộc chiến là sự đọ sức giữa “bạo quyền và dân chủ”, giữa “chủ nghĩa phát xít và tự do”. George Orwell chiến đấu dưới màu áo P.O.U.M. (đảng Công nhân thống nhất Mác-xít) thuộc phe Cộng Hoà, với niềm tin tưởng như rất nhiều thanh niên nước ngoài, những người theo đuổi cải cách và những người cách mạng gia nhập Lữ đoàn quốc tế, rằng TBN là tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít.[2]
Chính vì được hun đúc từ không khí cách mạng và vô sản trong những ngày tháng ấy, nhìn thấy tận mắt cuộc thanh trừng giữa nội bộ những người anh em cộng sản, “George Orwell từ một nhân chứng ngây thơ đã có trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc về cuộc đấu tranh mang danh nghĩa “nội chiến” ở Tây Ban Nha.”[3] Ông bừng tỉnh và vỡ mộng về huyền thoại Liên Xô,
Cuốn sách mở đầu bằng hình ảnh người lính Italiano – “nhân vật điển hình thời đó” đầy ẩn dụ. Mạnh mẽ, rắn rỏi nhưng xun xoe và ít học, “nét mặt anh ta thể hiện cả tính bộc trực lẫn thói hung ác.” Đây phải chăng là điều mà tác giả muốn nói về cuộc nội chiến này: những gì thể hiện ra bên ngoài không hẳn là thực tế đang diễn ra? Nên đôi lúc, dưới ngòi bút của Orwell, cuộc nội chiến trông như một trò chơi thật buồn cười:
“những chàng trai trẻ , những người được ném ra trận trong vài ngày tới, lại không được dạy cách sử dụng một khẩu súng trường hay rút chốt lựu đạn.”
Mình đọc tác phẩm cũng một phần háo hức muốn xem cái phũ khi lý tưởng bị sụp đổ của tác giả sẽ diễn ra như thế nào. Chỉ sau vài tháng, tình hình Barcelona thay đổi 180 độ: tinh thần cách mạng tiêu tan, tầng lớp tư sản vốn ẩn mình giả vô sản trong những ngày đầu nay trở lại như cũ, khoảng cách giàu nghèo ngày càng trầm trọng hơn, người ta thôi gọi “bạn” là tú (anh) hay camarada (đồng chí), thay vào đó là señor (ngài) hay usted (ông). Hệ thống tuyên truyền chỉ toàn lừa đảo và định hướng, chính phủ tuyên bố P.O.U.M. là tổ chức phát xít trá hình và bao trùm là nỗi sợ hãi, ngờ vực và hận thù. Mình trộm nghĩ chính từ những trải nghiệm về nỗi ngờ vực trong những ngày này đã trở thành tư liệu để tác giả dựng nên cái không khí hết sức ngột ngạt trong 1984, nơi mà nhờ cái lực lượng mang tên Cảnh Sát Tư Tưởng đã khiến sự nghi kỵ lẫn nhau trở thành mối tương quan chính giữa người với người.
George Orwell cũng như các đồng đội P.O.U.M. phải khổ sở tìm cách trốn chạy khi đảng mình bị chính phủ tuyên bố là bè lũ phát xít. Hàng loạt con người bỏ lại tương lai, bỏ lại quốc gia mình để đến TBN, chiến đấu vì lý tưởng chống phát xít, nay chỉ vì sự thanh trừng nội bộ lẫn nhau giữa các đảng phái, cộng với sự che mắt dư luận quốc tế của hệ thống tuyên truyền, đã trở thành những kẻ trốn chạy hoặc bị bỏ tù mà không cần lệnh bắt lẫn công tố. “Họ đã trả công bằng cách tống anh vào tù.” Những người lính ấy có lẽ sẽ không bao giờ được xét xử. Mình chợt nhớ tới con ngựa già ngu trung Chiến Sĩ trong Trại Súc Vật. Kết cục của nó cũng nghẹn ngào và bi thảm như thế.
Mình khá ấn tượng với đoạn tác giả miêu tả lúc ông bị trúng đạn theo một cách rất slow-motion. Khung cảnh xung quanh lúc ánh chớp ấy loé lên lần lượt xoay theo góc quay của đôi mắt ông khi ngã xuống, sau đó sự hỗn loạn và lo lắng của binh sĩ xung quanh vây lại trước mắt tác giả. Rất điện ảnh. Hoặc một số cảnh về những trận mưa bao trùm cả không gian Barcelona, giống như những cánh đồng cứt mà Tim O’Brien miêu tả trong Những Thứ Họ Mang, nó thật, và nó ảm ảnh.
Năm rồi đầy thoả mãn khi được đọc “Những Thứ Họ Mang,” và giờ là “Catalonia – Tình Yêu Của Tôi” này. Cả hai đều để lại ấn tượng sâu sắc với mình. Nếu bạn nào có ý định đọc George Orwell, mình xin đề xuất thứ tự đọc là Trại Súc Vật, Catalonia và 1984. Không vì lý do gì đặc biệt lắm, chỉ là mình thấy nên như thế
[1] Lời Tựa của tác giả trong tác phẩm Trại Súc Vật
[2] wikipedia
[3] Review của Trần Quốc Tân, báo sgtt.vn giới thiệu ngày 8/8/2013