Câu Hỏi Được Trả Lời |
|
Tác giả | Patrick Ness |
Bộ sách | Hỗn Mang |
Thể loại | Giả tưởng |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 3041 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Patrick Ness Trần Nguyên Hỗn Mang Giả Tưởng Kinh Dị Trinh Thám Tiểu Thuyết Văn học Mỹ Văn học phương Tây |
Nguồn | @huyetleid0907 |
Câu Trả Lời được người dân đồn đại là gì?
Hoang mang, thỏa hiệp, nghi hoặc và bội phản, một tình bạn dường như bất khả, liệu niềm tin Todd và Viola dành cho nhau có còn bất diệt?
Và rồi, một ngày, những quả bom bắt đầu nổ...
Patrick Ness sinh năm 1971, là tác giả đoạt nhiều giải thưởng người Mỹ, hiện đang sinh sống ở Los Angeles. Ngoài 12 cuốn sách đã xuất bản, anh còn là nhà báo và nhà biên kịch, đã tham gia chuyển thể tác phẩm Quái vật ghé thăm của mình thành phim điện ảnh.
Câu hỏi được trả lời là tập thứ hai trong bộ sách Hỗn mang (Chaos Walking), ra mắt từ năm 2008 đến 2010. Tập cuối của bộ ba tác phẩm đã đem về cho anh Huân chương Carnegie năm 2011.
Tác phẩm khác của Patrick Ness được Nhã Nam xuất bản:
- Quái vật ghé thăm (Huân chương Carnegie năm 2012)
- Đừng bao giờ buông dao (Hỗn mang #1)
- Câu hỏi được trả lời (Hỗn Mang #2)
- Những con quỷ người (Hỗn mang #3)
Ghé thăm Patrick Ness tại: Instagram @Patricknessbooks
[KHI TRUYỆN CỔ TÍCH KẾT THÚC KHÔNG CÓ HẬU]
Review tiểu thuyết “Quái vật ghé thăm” của Patrick Ness
(Không có spoiler)
Khi nhìn thấy bìa của cuốn sách này, sẽ có bao nhiêu người nhầm lẫn tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi này thành một cuốn tiểu thuyết kinh dị, nhất là khi tên truyện còn là “Quái vật ghé thăm”? Khi được mình gợi ý cho cuốn sách này, nhiều đứa bạn của mình cũng đã có sai lầm như vậy.
Sự đặc biệt này của cuốn truyện chính là lý do tại sao mình đã quyết định nhấc nó ra khỏi giá sách của cửa tiệm: giữa vô vàn quyển sách thiếu nhi với các tông màu tươi sáng khác nhau nhằm chiếm đoạt sự chú ý của những cặp mắt trẻ thơ đi ngang qua, đột nhiên xuất hiện một quyển truyện tạo cho người xem một cảm giác u ám, lạc quẻ hẳn với sự trong sáng mà dãy sách thiếu nhi thường thể hiện ra.
Và quả nhiên, nó thật sự khác biệt so với những tác phẩm thiếu nhi khác mình đã từng đọc. Đây là một câu uyện về cái chết; về sự mất mát; về ranh giới mỏng manh giữa cái thiện và cái ác; về một cậu bé đã quá tuổi để là trẻ con, nhưng còn quá trẻ để thành người lớn.
I - Đôi Lời Về Tác Phẩm + Tóm Tắt
“Quái vật ghé thăm” là một cuốn tiểu thuyết thiếu nhi được viết bởi Patrick Ness và được Jim Kay vẽ minh họa. Jim Kay có lẽ là một cái tên quen thuộc với những người hâm mộ Harry Potter, bởi vì đây là người mà J.K. Rowling đã đích thân chọn để vẽ minh họa cho tiêu đề của bộ truyện nổi tiếng về cậu bé phù thủy ấy. Thực ra, “Quái vật ghé thăm” lúc đầu đáng ra phải được viết bởi bà Siobhan Dowd - cũng là một tác giả khác người Anh - do bà là người nảy ra ý tưởng cho cuốn truyện này, nhưng đáng tiếc thay, do bà đã thua cuộc trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư, vinh dự ấy đã được trao lại cho Patrick Ness. Tuy nhiên, chắc chắn rằng, Patrick đã không làm bà thất vọng do ngay sau khi được xuất bản, “Quái vật ghé thăm” đã giành được hai giải thưởng văn học Anh. Bởi vậy, nếu như nói Siobhan Dowd là người đã trồng rễ cho cuốn truyện này, thì Patrick chính là người đã nuôi lớn nó.
Cuốn truyện kể về Conor, một cậu bé mới có vỏn vẹn 13 tuổi, vậy mà đã phải đối mặt với bao phong ba bão táp của cuộc đời: bố mẹ cậu đã ly dị khi cậu còn nhỏ tuổi, thế nên hiện tại cậu đang ở với mẹ; không những vậy, cậu còn là nạn nhân của hiện tượng bắt nạt học đường; thế nhưng, tất cả những khó khăn ấy không là gì so với khó khăn mà cậu hiện tại đang phải trải qua, đó là việc mẹ cậu đã bị mắc bệnh ung thư - đây là thử thách chính mà cậu phải vượt qua. Mặc dù vậy, Conor vẫn luôn giữ chặt lấy niềm tin rằng mẹ cậu sẽ khỏi bệnh. Đây là một điều mà chắc hẳn một vài người sẽ nghĩ là tích cực, bởi vì “niềm tin là phân nửa của mọi sự chữa lành”, nhưng người đọc rồi có thể sớm thấy rằng niềm tin của Conor là quá mù quáng: thâm tâm cậu cố gắng gạt bỏ hết mọi khả năng khác có thể xảy ra, bao gồm cả trường hợp tệ nhất là mẹ cậu sẽ mất. Cậu nổi giận với bất cứ ai nói trái lại với điều mà cậu tin tưởng, đồng thời gần như quên đi mất một sự thật quan trọng nhất của cuộc đời:
Không phải câu chuyện nào cũng kết thúc có hậu.
Và cuối cùng, sự ngoan cố của cậu đã đánh thức một con quái vật.
Nhưng đây không phải là con quái vật mà ta vẫn thường thấy trong văn học: nó không đến để đòi lấy mạng sống của bất kỳ ai, nó cũng không đến để đòi lấy thứ vật chất nào - không, nó đến để đòi lấy một thứ đáng sợ hơn thế.
Nó đến để đòi lấy sự thực.
II - Sự Khác Biệt Của Tác Phẩm Và Ấn Tượng Đối Với Tác Phẩm
“Không phải lúc nào cũng có người tốt. Cả kẻ xấu cũng vậy. Phần lớn mọi người đều ở đâu đó giữa hai thái cực ấy.” - Trích “Quái vật ghé thăm”
Bạn hãy thử nhớ lại những mẩu truyện thiếu nhi mà bạn đã được đọc hoặc được người khác kể cho bạn xem, có bao nhiêu truyện trong đó phân biệt rạch ròi giữa đúng và sai, giữa cái thiện và cái ác, giữa người hùng và kẻ gian? Đó là chủ đề thường thấy nhất ở những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì hiếm có ai mà không muốn con cái mình lớn lên thành một người tốt. Những mẩu truyện như vậy sẽ giúp trẻ con có được cái nhìn cơ bản về điều gì là tốt và điều gì là xấu, nhưng nếu không cẩn thận, những tác phẩm như vậy có thể sẽ khiến cho những đứa trẻ ấy có một niềm tin sai lầm rằng con người, nếu không thiện thì chỉ có ác, trong khi thật ra, con người phức tạp hơn như vậy: trong chúng ta, chẳng có ai là thiện hoàn toàn hay ác hoàn toàn cả. Không có ai màu trắng hoàn toàn, cũng chẳng có ai màu đen hoàn toàn, hầu hết chúng ta đều là màu xám, đều là những con người đang cố gắng hoàn thiện mình hơn ngày qua ngày. Thêm nữa, những mẩu truyện đó, chúng có giải thích tại sao điều này là xấu, điều này lại là tốt không? Chỉ khi thực sự hiểu được ý nghĩa đằng sau, chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa đầy đủ của một hành động nào đó.
“Quái vật ghé thăm” không phải là một tác phẩm đại trà như vậy, do nó đào sâu vào những góc tăm tối nhất của một con người. Các cuốn truyện thiếu nhi khác, nếu như có nhắc tới mặt tối ấy, nhiều trong số chúng sẽ ngay lập tức nói rằng rằng điều này là xấu, là không nên. Tuy nhiên, đó không phải là bài học mà Patrick Ness muốn người đọc rút ra sau khi đọc tác phẩm của ông. Ông muốn chúng ta nhận ra những suy nghĩ, những thứ “xấu xa” ấy là những điều hoàn toàn bình thường, là những thứ hình thành nên một con người, nhưng điều đó không có nghĩa là ta phải sống chung với chúng. Ông khuyến khích người đọc chấp nhận sự tồn tại của mặt xấu đó, sau đó dần dần tìm cách loại bỏ nó ra khỏi cuộc đời. Làm như vậy, chúng ta không chỉ đang giúp bản thân chúng ta không thôi, mà chúng ta còn học được thêm cách thông cảm cho hành động của chính những người xung quanh mình. Chúng ta thường đánh giá chính mình thông qua những suy nghĩ của mình, bằng những gì mình tin tưởng, trong khi đối với người ngoài, chúng ta lại hay đánh giá bằng những hành động của họ. Tác phẩm đặt ra một thử thách đối với người đọc: hãy thử đổi góc nhìn, tìm hiểu những ý nghĩa đằng sau hành động của người khác và đánh giá họ bằng cách xem xét chúng, và khi bạn đã làm vậy rồi, hãy nhìn lại và nhận thấy sự thay đổi trong cách đối nhân xử thế của chính mình.
Ngoài ra, cuốn tiểu thuyết này còn có thể được coi là một lá thư cảm kích gửi tới những tác phẩm văn học khác, những tác phẩm đã có sức mạnh thay đổi cuộc đời của hàng vạn con người. “Quái vật ghé thăm” cho người đọc thấy một phần sức mạnh, một phần tác động mà văn học có lên đời sống hằng ngày của mỗi con người.
“Các câu chuyện là những sinh vật hoang dã, con quái vật bảo. Khi ngươi để chúng thoát ra, ai mà biết được chúng có thể tàn phá những gì?” - Trích “Quái vật ghé thăm”
Cậu bé Conor trong truyện đã phải tự ép mình trở thành người lớn: vì người mẹ ốm, cậu phải là người chăm lo chính cho mọi công việc trong nhà. Vai trò giữa cậu và mẹ như bị đảo lộn: cậu là người chăm sóc, còn mẹ cậu trở thành người được chăm sóc. Không có ai dạy bảo cậu, không có ai có khả năng dắt cậu vượt qua khỏi ngọn núi khó khăn chồng chất khó khăn mà cậu đang phải tự mình leo lúc ấy. Xuyên suốt cốt truyện của tiểu thuyết, thứ duy nhất nâng đỡ Conor, giúp cậu từ từ tháo gỡ những mâu thuẫn bủa vây xung quanh cậu là những câu chuyện mà con quái vật cậu gọi kể cho cậu. Conor nhìn thấy hoàn cảnh của cậu ở trong ba câu chuyện đó mặc dù chúng kể về những con người không hề liên quan tới cậu, và nhờ đó, cậu nhận ra điều mà cậu nên làm. Chắc hẳn rằng sẽ có không ít người đồng cảm được với Conor ở điểm này. Nhiều người trong chúng ta đều có một mẩu truyện hay một cuốn tiểu thuyết nào đó mà ta cảm thấy tâm đắc nhất do chúng ta nhận thấy hình ảnh của chính mình trong đó, mặc dù khi nhìn thoạt qua, người ngoài sẽ chẳng thể nào thấy được sự tương đồng giữa chúng ta và cuốn truyện ấy: chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, làm sao mà ta lại có thể cảm thấy đồng cảm với những nhân vật trong những tác phẩm được viết từ thế kỉ 19 hoặc 20, hay thậm chí là lâu hơn nữa cơ chứ? Ấy vậy mà, chúng ta biết rõ rằng, điều đó là hoàn toàn có thể. Đó là một trong những điều kỳ diệu của văn chương.
III - Lời Kết
Mình còn muốn nói thêm nhiều nữa về cuốn tiểu thuyết này (như là về con quái vật, về sự tài tình của tác giả khi thể hiện nội tâm của Conor,...), nhưng thật khó để không tiết lộ những chi tiết quan trọng trong cốt truyện nếu mà phân tích thêm nữa, mà mình lại muốn mọi người tự tìm đọc để thấy được vẻ đẹp của tác phẩm này. Mình chỉ có thể nói thêm là, “Quái vật ghé thăm” là một trong những tác phẩm mà mình yêu quý nhất, đến mức mình đã mua thêm hẳn bản bìa cứng viết bằng tiếng Anh về để đọc lại. Đây là một câu chuyện cổ tích đời thường mà mình nghĩ tất cả mọi người nên đọc, người lớn hay trẻ con đi chăng nữa, vì mình nghĩ chúng ta đều sẽ rút ra được điều gì đó từ nó. Tất nhiên rằng mỗi người sẽ có một cảm nhận cho riêng mình, nhưng mình xin phép tặng cho tác phẩm này năm sao do nó là một trong số hiếm tác phẩm đã chạm được tới tâm hồn của mình.
--------------------------------
Tác giả: Ngân Hà Nguyễn