Cây Hợp Hoan - Ghi Chép Của Một Người Tù Không Án |
|
Tác giả | Trương Hiền Lượng |
Bộ sách | |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 625 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub full Trương Hiền Lượng Trần Đình Hiến Cách Mạng Văn Hóa Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội Hiện Thực Văn học phương Đông |
Nguồn | vnthuquan.net |
Cây Hợp Hoan - Ghi Chép Của Một Người Tù Không Án là cuốn tiểu thuyết được dịch từ tiếng Hoa: Cây Lục Hóa của Nhà xuất bản Tân Hoa văn trích, 1990.
Đây thực sự là ghi chép của một người tù không án (cũng là tên thứ hai của cuốn tiểu thuyết này), thừa thãi hài hước mà cũng tràn ngập cay đắng của một chàng trai trí thức thành phố về nông thôn lao động cải tạo để trở thành “phần tử tích cực” của xã hội.
Ở đây chàng trai đã gặp một thiếu nữ “tích cực” đến mức chưa lấy chồng đã sinh con, thậm chí còn không ai biết được bố của đứa trẻ là ai.
Tình yêu đến với họ, khởi nguồn từ sự “tích cực đói ăn” của chàng trai và sự “tích cực trợ cấp lương thực” bằng mọi giá của cô gái để chàng đủ sức mà “tích cực lãng mạn”...
Năm tháng trôi đi. Đất nước Trung Quốc ngày một phồn vinh, nhưng tình yêu của họ mãi mãi vẫn là câu chuyện buồn.
Trương Hiền Lượng sinh năm 1936 tại Nam Kinh, nguyên quán huyện Hu Di, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Ông là nhà văn nổi tiếng đương đại và cũng là một thương nhân thành đạt. Năm 1954, ông nghỉ học, cùng gia đình rời Bắc Kinh đến vùng Hạ Lan, Ninh Hạ và bắt đầu làm thơ. Năm 1957, do cho ra đời bài thơ Khúc hát Đại Phong, ông bị liệt vào danh sách phần tử phái hữu phản động, bị đày đi lao động khổ sai suốt 22 năm tại Trấn Bắc Bảo thuộc địa phận tỉnh Ninh Hạ, nằm ở hướng Tây-Bắc Trung Quốc. Ông đã viết tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà và Cây Hợp hoan trong thời gian này. Năm 1979, Trương Hiền Lượng được khôi phục lại danh dự. Năm 1980, ông quyết định trở lại sống trên mảnh đất mà ông đã lao động khổ sai 22 năm trước. Ông đầu tư xây dựng Trường quay miền Tây Trấn Bắc Bảo, Năm 1993, Trương Hiền Lượng đầu tư thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn trường quay miền tây Hoa Hạ. Đến nay, trường quay miền tây Trấn Bắc Bảo trực thuộc công ty đã trở thành điểm đến du lịch quan trọng của Ninh Hạ. Trương Hiền Lượng từng khái quát sự từng trải của ông như sau: viết văn là "bán" câu chuyện đau khổ, làm kinh doanh là "bán" cảm thụ hiu quạnh Trương Hiền Lượng được xếp là một trong 100 nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20. Tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà của ông cũng được xếp là một trong 100 tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất. Hiện tại ông chuyên tâm phát triển con đường kinh doanh của mình và tiếp tục sáng tác.
Tác phẩm tiêu biểu
Một nửa đàn ông là đàn bà Cây hợp hoan Làm quen với cái chết Linh hồn và thể xác Xi-ao Ơ Blác Cây Bồ đề Thời thanh xuân Phiền muộn, đó là trí tuệ...
Giải thưởng
Giải thường truyện ngắn xuất sắc nhấT Trung Quốc với 2 tác phẩm Linh hồn và thể xác và Xi-ao Ơ Blác Trương Hiền Lượng được xếp là một trong 100 nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20. Tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà cũng được xếp là một trong 100 tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất.
Vừa chẵn hai mươi năm trôi qua. Hai mươi năm, một phần năm thế kỷ! Đất nước và tôi đã thoát khỏi số phận đau thương, trả xong cái giá phải trả cho lịch sử. Vẫn là vào mùa xuân có tuyết, tôi cùng đồng chí phụ trách Sở văn hoá và xưởng phim, ngồi hai xe du lịch Toyota, đem theo bộ phim màu màn ảnh rộng dựng theo một truyện dài của tôi, về chiếu ở nông trường để cám ơn. Sau buổi chiếu phim, Giám đốc và Bí thư nông trường tiễn chúng tôi về nhà khách. Tôi hỏi ông đội trưởng Tạ ở đâu? Họ thậm chí không hề biết có một đội trưởng tên là Tạ. Họ đổi về đây năm 1978, có lẽ khi ấy bác Tạ không còn ở nông trường.
Đêm khuya, tôi nhẹ nhàng ra khỏi cái nhà khách rất tiện nghi. Ánh trăng mờ ảo, đêm lạnh như băng. Tôi một mình đi bộ đến đội Một.
Tuyết trắng, vẫn là cái tuyết trắng phau ấy phủ lên đội Một mà tôi từng ở. Từ chuồng dê vọng lại tiếng chó sủa, ngoài ra, đêm yên lặng như trong mơ. Tôi đứng lặng bên cầu, chuyện cũ như mây dồn khói toả, từ bên kia đầu cầu cuồn cuộn xô tới. Bên tai tôi vọng lại tiếng hát của Hoa, điệu hoàn toàn"Hoa" sao mà thanh thoát, trong sáng, uyển chuyển và sâu lắng…
Kim Sơn, Ngân Sơn, Bát Bảo Sơn
Cho gỗ đàn hương lát ván sàn
Muốn rẽ duyên ta thì hẵng đợi
Sông Hoàng mười hai khúc, nước khan!
Rõ ràng tôi trông thấy cô tươi cười đi tới. Cô đi mà như bay, mặt tuyết không hề in vết chân. Cô vẫn đẹp, vẫn khoẻ mạnh, vẫn nét mặt rạng rỡ như thế. Đến trước mặt tôi cô cười khúc khích. Ôi, tôi quen thuộc biết bao tiếng cười ấy - bảo tôi "Dù dao chém rơi đầu, còn cái thân em vẫn theo anh!"
…Nhưng đêm vẫn yên tĩnh, tuyết vẫn trắng toát một màu. Ngoài tôi ra, bốn phía không có ai, không một tiếng động…Giọt nước mắt lặng lẽ ứa ra từ cặp mắt từ lâu đã ráo hoảnh của tôi, nó trào ra từ chiều sâu của ký ức, như rỉ ra từ lòng giếng cạn. Vậy, con người ta không nên vứt bỏ quá khứ, mất đi quá khứ cũng là mất đi bản thân mình! Tôi đã trải qua cuộc sống gian nan ở nơi này, nhưng cũng chính ở đây tôi bắt đầu nhận thức được cái đẹp của cuộc sống!
Tháng Sáu năm 1983, tôi tham dự một cuộc họp quan trọng của nước Cộng hoà tại thủ đô Bắc Kinh. Quân nhạc cử bài quốc ca hùng tráng. Tôi, các đồng chí lãnh đạo nhà nước và Đảng, các nhân sĩ có ảnh hưởng đến từ mọi miền đất nước, đều đứng nghiêm. Lúc này những hình ảnh quen thuộc lướt qua trong đầu, tôi nghĩ, bài quốc ca trang nghiêm không chỉ dành cho các chí sĩ gần thế kỷ nay phấn đấu cho sự sống còn của dân tộc và phồn vinh của đất nước, không chỉ dành cho lớp cách mạng tiền bối phấn đấu để dựng nên nước Cộng hoà, không chỉ dành cho các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ và sự tôn nghiêm của đất nước…Bản nhạc hùng tráng đó còn dành cho những con người lao động bình thường, sau ngày thành lập nước đã tự giác hoặc không tự giác gắn bó chặt chẽ với nước Cộng hoà, với Đảng, đã ủng hộ Đảng bằng sức chịu đựng và tinh thần khắc khổ, để cuối cùng tìm ra con đường đúng đắn. Họ chính là những CÂY XANH mọc khắp mọi miền đất nước, vỏ thôi nhám, nhưng lá thì xanh mướt! chính họ đã tô điểm cho Trung Quốc ngày thêm đẹp.
Còn tôi - một trí thức xuất thân từ gia đình tư sản, từng hấp thụ văn hoá phong kiến và tư sản, hôm nay đảm đương sứ mệnh lịch sử chấn hưng Trung Hoa, cùng bàn bạc với lãnh đạo nhà nước và Đảng về những vấn đề của đất nước, tôi không bao giờ quên người lao động chân tay. Chính họ đã cho tôi sức mạnh vật chất và tinh thần khi linh hồn tôi đã kề bên vực thẳm, giúp tôi tìm chân lý qua sách của Marx. Và những người như Mã Anh Hoa, đội trưởng Tạ, anh Hỉ, tuy không còn quan hệ với tôi, nhưng tấm lòng trong sáng và dấu vân tay đẹp như viên kim cương của người lao động chân tay ấy, đã thấm vào dòng máu của tôi, là nhân tố biến tôi thành con người mới.