Quyển sách Chỉ Nam Thiền Tập Dành Cho Người Trẻ được xem như kim chỉ nam cho người trẻ, giúp người trẻ sống vui tươi, hạnh phúc, biết cách tháo gỡ phiền muôn, thoát ra ngoài tình trạng khó khăn. Khi tâm mình lo lắng hoặc phiền muôn, tư duy của mình thường không được chính xác và mình có thể đi đến những quyết định mà sau này có thể hối tiếc. Thiền tập giúp cho mình lắng xuống, để có đủ thảnh thơi và sáng suốt . Trong cuốn sách nhỏ này, Thầy đã hướng dẫn cho bạn trẻ từ những bước cơ bản nhất, tập trung vào ý niệm của sự tồn tại, tập thở, buông thư toàn thân...
***
Sách Chỉ Nam Thiền Tập này là để dành cho những người trẻ. Sách được lấy từ trang nhà Làng Mai xuống. Có thể sách còn dài hơn, nhưng chúng tôi, ban biên tập trang nhà Làng Mai muốn in những gì đã có để cống hiến ngay cho bạn trẻ. Thầy chúng tôi viết Chỉ Nam Thiền Tập cho người trẻ, viết từ từ. Thầy không dùng máy vi tính để viết. Thầy luôn luôn viết tay. Có những chữ không rõ tôi phải đoán. Mỗi khi Thầy viết được vài chương Thầy đưa cho tôi để đánh máy và đưa lên trang nhà. Người trẻ viết thơ về Làng Mai rất nhiều chia sẻ những khó khăn buồn vui của mình, và Thầy chúng tôi căn cứ trên những thao thức ấy để viết sách Chỉ Nam Thiền Tập cho sát với căn cơ người trẻ. Có một lần ngồi trên võng cạnh bờ suối nội viện Phương Khê, Thầy hỏi tôi: các con muốn Thầy viết tiếp gì cho Chỉ Nam Thiền Tập? Ngồi dưới đất bên chân Thầy, tôi thưa: nhiều người trẻ thấy như mất hướng, lạc lõng không biết đi về đâu. Xin Thầy chỉ cho một con đường. Sau đó Thầy đã viết mấy chương về nhà thương gia Cấp Cô Độc và cho thấy ông Cấp Cô Độc có một con đường lý tưởng, một con đường tâm linh, và điều này mang đến cho ông và gia đình ông rất nhiều hạnh phúc.
Trang nhà Làng Mai do một số các sư chú sư cô trẻ tuổi phụ trách, điều này cắt nghĩa tại sao trang nhà Làng Mai có vẻ trẻ trung, bồng bột và có khi hơi náo nhiệt. Chúng tôi có tất cả sáu người: sư cô Uyên Nghiêm, sư cô Bội Nghiêm, tôi (Kỳ Nghiêm) và các sư chú Pháp Cầu, Pháp Tuyên, Pháp Hoạt. Các thầy và các sư cô lớn ở Làng Mai cho phép chúng tôi tự ý điều hành trang nhà, các vị chỉ đứng phía sau làm cố vấn mà thôi. Có điều gì khó phải giải quyết, chúng tôi cầu cứu tới liệt vị. Được niềm tin cậy của các anh chị lớn, chúng tôi rất có hạnh phúc trong khi làm trang nhà Làng Mai. Có khi chúng tôi dại dột làm những lỗi lầm khá lớn, nhưng các thầy và các sư cô không bao giờ la rầy quở mắng, mà chỉ nhẹ nhàng chỉ bảo thôi.
Trang nhà có mục Bạn Trẻ. Thầy chúng tôi luôn luôn muốn giữ liên lạc ưu ái với bạn trẻ. Thầy muốn bạn trẻ viết thơ về chia sẻ và hứa sẽ chuyện trò với bạn trẻ, như thầy đã từng làm trong hơn nửa thế kỷ qua. Thầy viết:
“Mỗi khi đi thiền hành về, tôi thường có ý viết để nói chuyện với những người bạn trẻ. Ngày xưa tôi đã từng là người trẻ tuổi. Tôi đã có những thao thức, những khổ đau, những tìm kiếm. Tôi biết hôm nay, anh (hay chị cũng thế) cũng đang có những thao thức, những khổ đau, những tìm kiếm. Có rất nhiều đề tài để mình nói chuyện với nhau. Nhưng tôi muốn anh đề nghị đề tài. Đề tài lấy từ những thao thức, khổ đau và tìm kiếm của chính mình.
Bạn đang có khó khăn với bố mẹ trong việc truyền thông? Bạn đang bị người yêu giận hờn? Bạn có những giây phút mệt mỏi, chán chường? Bạn chưa được một ai thực sự ngồi lắng nghe bạn? Bạn đi học, nhưng học không vô? Bạn đang đi tìm một phương pháp giúp cho tâm hồn an ổn lại?
Các bạn viết điện thư về đi. Các thầy và các sư cô phụ trách trang nhà Làng Mai sẽ góp lại và chuyện trò cùng tôi. Tôi sẽ tùy theo ý kiến các bạn mà mở ra những cuộc đàm luận đối thoại. Từ năm sáu chục năm nay, tôi chưa từng đánh mất liên lạc với tuổi trẻ. Tôi đã viết nhiều cho người trẻ đọc.
Nếu tôi đi dạy xa, các thầy các sư cô Làng Mai sẽ thay tôi nói chuyện với các bạn.”
Các bạn trẻ viết thư về rất nhiều, và chúng tôi cũng mời nhiều thầy và nhiều sư cô lớn giúp chúng tôi trả lời những thắc mắc ấy của bạn trẻ. Thầy tuy ít trả lời trực tiếp, nhưng thầy đã đọc tất cả các lá thư ấy, và căn cứ trên đó, đã viết Chỉ Nam Thiền tập. Thầy cũng thường tham khảo ý kiến chúng tôi để viết cho thích hợp với căn cơ của người trẻ.
Ngày xưa, trong những năm 60 Thầy đã viết Nói Với Tuổi Hai Mươi. Sau đó hai mươi năm, Thầy đã viết Tương Lai Văn Hóa Việt Nam, (nói chuyện với thằng Cu và con Hĩm) cũng là để nói với người trẻ. Sau đó, Thầy lại viết Nói Với Người Xuất Gia Trẻ, Hạnh Phúc - Mộng và Thực, rồi đến Tuổi Trẻ, Tình Yêu và Lý Tưởng (2005). Bây giờ đây Chỉ Nam Thiền Tập cũng là viết cho người trẻ. Thầy thường nói: trong cuộc đời của tôi, tôi chưa bao giờ đánh mất liên lạc với người trẻ. Và Thầy viết để chia sẻ kinh nghiệm và sự thực tập của Thầy với người trẻ. Thầy viết cho tuổi trẻ rất đơn giản, rất thực tế. Chỉ Nam Thiền Tập không phải là một cuốn sách giải trí. Nó là kim chỉ nam cho người trẻ, giúp người trẻ sống vui tươi, hạnh phúc, biết cách tháo gỡ phiền muộn, thoát ra ngoài những tình trạng hệ lụy, tái lập được truyền thông và thương yêu. Tôi nghĩ các bạn trẻ không nên đọc ngấu nghiến sách này, mà chỉ nên đọc mỗi lần một chương, suy nghĩ cho chí chắn, và tìm cách áp dụng vào đời sống, trong vòng một vài tháng bạn đã có thể thay đổi được cả cuộc đời của bạn.
Chân Kỳ Nghiêm
(trong ban biên tập Trang Nhà Làng Mai)
Thân gởi các bạn trẻ, Khi tâm mình lo lắng hoặc phiền giận, tư duy của mình thường không được chính xác và mình có thể đi đến những quyết định mà sau này mình hối tiếc. Thiền tập giúp cho mình lắng xuống, để mình có đủ thảnh thơi và sáng suốt. Vì vậy Tôi xin mời các bạn mỗi ngày thực tập theo những chỉ dẫn mà Tôi hiến tặng sau đây trong tập “Thiền tập Chỉ Nam – dành cho người trẻ”. Có điều gì chưa rõ trong khi đọc hoặc thực tập, xin bạn cứ hỏi.
***
Loại thực phẩm thứ ba là Tư niệm thực, tức là mong ước và hoài bão sâu sắc nhất của mỗi chúng ta.
Những ai yêu nước, thương nòi, có chí hướng giúp đời, muốn làm lành mạnh xã hội, muốn chuyển hóa những bất công và nghèo đói trong xã hội, muốn chuyển hóa hận thù, bạo động và đóng góp vào công trình xây dựng một nếp sống xã hội có hiểu biết, có thương yêu và tha thứ… những người ấy đang có một nguồn tư niệm thực lành mạnh và nẻo về của họ là nẻo về của một vị bồ tát. Họ không chạy theo sắc dục, danh vọng, quyền hành và tiền bạc. Họ có một lý tưởng cao đẹp. Ngày xưa Siddhartha cũng có một lý tưởng cao đẹp như thế: tu tập để chuyển hóa khổ đau nội tâm, để đạt tới giải thoát và giác ngộ, để độ đời. Ước muốn ấy là một nguồn tư niệm thực có khả năng nuôi dưỡng một vị bồ tát lớn. Bạn phải ngồi lại và xét xem mong ước và hoài bão sâu sắc nhất của bạn là gì. Nếu đó là ước muốn chạy theo sắc dục, danh vọng, quyền hành và tiền bạc, thì bạn đang có một nguồn tư niệm thực độc hại, nó đang thúc đẩy bạn đi về những nẻo khổ đau. Nhìn cho thất kỹ, ta sẽ thấy có rất nhiều người đã và đang tàn phá thân tâm của họ trên con đường chạy theo dục lạc. Có khi ta bị tư niệm thực của ta đánh lừa: ta đang chạy theo danh vọng, quyền hành, tiền bạc và sắc dục mà ta lại tự bào chửa là ta đang có một lý tưởng cao đẹp. Bạn phải tự hỏi lòng thật kỹ. Nếu có một chí hướng cao đẹp thì dù nếp sống vật chất của bạn có đạm bạc bạn vẫn có hạnh phúc rất lớn. Có những người đầy danh vọng, quyền hành và tiền bạc nhưng họ rất cô đơn và khổ đau, trong nhiều trường hợp họ đã tự kết liễu đời họ. Bạn chỉ cần quán sát cho kỹ là có thể thấy được điều ấy.
Mời các bạn đón đọc Chỉ Nam Thiền Tập Dành Cho Người Trẻ của tác giả Thích Nhất Hạnh.