Tác giả: Tân Di Ổ
Thể loại: Hiện đại, thực tế, ngược, nữ cường, nam thâm tình, HE
Độ dài: 82 chương+ 4 NT
Mấy ngày nay tôi đang bị nhiễm một cơn cảm cúm nặng, không phải nhiễm COVID19, mà là cảm cúm truyện của Tân Di Ổ. Tự dưng lại lôi hết truyện của Tân Di Ổ ra đọc đi đọc lại. Hết “Ánh trăng không hiểu lòng tôi”, lần này đến lượt “Cho anh nhìn về em”. Trong tất cả những truyện của Tân Di Ổ có lẽ tôi thích nội dung của truyện này nhất. Nếu như “Ánh trăng không hiểu lòng tôi” là một bộ phim đạt giải Cành Cọ Vàng ở liên hoan phim Cannes thì “Cho anh nhìn về em” lại là một bộ phim đạt tượng Oscars. So sánh như vậy không biết bạn đọc có hiểu không nhưng đối với tôi phim Cannes bao giờ cũng phản ánh thực tế một cách trần trụi và sử dụng nhiều hình ảnh trừu tượng, khó cắt nghĩa, trong khi phim Oscars thì mang nhiều tính nhân văn và luôn đề cao những giá trị về phẩm chất con người. Nói vậy không có nghĩa, đạt được cái này thì mất cái kia nhưng đó là cảm nhận chính của tôi khi đọc xong hai chuyện. Hồi mới đọc truyện Tân Di Ổ, tôi mê lắm bộ “Hoá ra anh vẫn ở đây” vì một anh Trình Tranh ương ngạnh, dễ thương, rõ ràng trong lòng chỉ muốn thu hút sự chú ý của cô nàng Tô Vận Cẩm nhút nhát, ít nói. Hình tượng như anh đúng là điển hình kiểu nhân vật “idol vườn trường”. Anh cũng có những thiếu sót của bản thân, không hoàn hảo nhưng tôi nghĩ người đọc ( kể cả bản thân tôi) thực sự ngó lơ bởi những cái đó không là gì đáng kể so với ưu điểm và sự si tình của anh. “Cho anh nhìn về em” đã đảo lộn tất cả những tình cảm đó. Tôi thấy mối quan hệ thời đi học giữa Hàn Thuật-Cát Niên và Tô Vận Cẩm-Trình Tranh khá tương đồng duy chỉ có điểm là Cát Niên không thích Hàn Thuật. Hai nam nhân vật đều đeo đuổi nữ chính theo kiểu ngoài mặt thì đáng ghét, nhưng trong lòng tương tư. Còn hai nữ chính thì lúc nào cũng lạnh nhạt, ngầm đẩy đối phương ra xa, một phần vì cảm thấy sự khác biệt về giai cấp và hoàn cảnh sống. Tuy vậy, Cát Niên rất khác với Tô Vận Cẩm. Thực sự, Cát Niên là một con người sinh ra đã rất hoạt bát, nhưng vì thiếu thốn tình cảm gia đình và áp lực “nhìn sắc mặt để làm việc” ngay từ nhỏ, cô càng lớn càng trở nên khép kín. Cô xây dựng một cuộc sống nội tâm cho riêng mình để trốn tránh hiện thực khắc nghiệt đó. Cô luôn cho rằng mình vẫn rất ổn, bố mẹ muốn sinh con trai đẩy cô cho người khác nuôi, sau này cô cũng quen dần, chẳng muốn buồn lòng về chuyện đó nữa. Nhưng rồi cô gặp Vu Vũ, hai con sâu bướm cùng cảnh ngộ, đều là những đứa trẻ thiếu thốn tình thương, một lòng hướng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh chính là ánh sáng ấm áp chói rọi vào cuộc sống khép kín của Cát Niên, thứ duy nhất khiến cô thực lòng khao khát. Một Cát Niên vốn đã quen dần với cô đơn, lần đầu tiên muốn được ở bên cạnh một ai đó.
Nhiều khi chúng ta phải học cách buông tay
Tôi rất thích Cát Niên. Truyện của Tân Di Ổ bao giờ cũng xoay quanh những mảnh đời éo le, những bi kịch nghiệt ngã, nhưng trong truyện này, nếu nói Cát Niên là người cứu rỗi tất cả những tâm hồn đáng thương đó tôi nghĩ cũng không quá. Cô tinh tường thông hiểu lí lẽ cuộc đời, kiên cường bảo vệ người mình yêu nhưng cũng bình tĩnh chấp nhận số phận. Cô không phải là thánh nhân nhưng cô hiểu rằng con người dù tốt hay xấu nhiều khi không phải do bản thân mình lựa chọn. Thay vì ôm nỗi hận với ai đó, chi bằng quên nó đi và sống tiếp một cách tĩnh lặng trong thế giới của mình. Cô tha thứ cho những người đã tổn thương mình như Trần Khiết Khiết, Hàn Thuật. Kể cả Thích Kiến Anh, nữ tù nhân tàn bạo đã đày đoạ cuộc sống của Cát Niên và Bình Phượng, ngay lúc gần đất xa trời, trước một Cát Niên hờ hững không thù hằn, không kiềm được mà bật khóc nức nở, quay lại bản chất thiện lương trước lúc bị dòng đời xô đẩy. Quay trở lại nhân vật Hàn Thuật, tôi phải công nhận rằng tôi vô cùng cảm động bởi anh. Tân Di Ổ kể lại thời niên thiếu của Cát Niên làm tôi mê mẩn, phát sốt vì nhân vật này. Tất cả những đặc điểm của Trình Tranh, Hàn Thuật đều có nhưng tính cách hay nóng giận kiêu căng làm Hàn Thuật trẻ con, ấu trĩ trở nên đáng yêu hơn rất nhiều. Thứ tình cảm anh dành cho Cát Niên thời đi học trong sáng vô cùng cho đến lúc anh cưỡng ép cô. Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết cảm thấy thế nào về hành động đó. Cát Niên vốn trước đã bị lão Lâm Hằng Quý giở trò đê tiện, nay lại một lần nữa bị Hàn Thuật đè lên. Cho dù anh si tình là vậy, thật lòng đến vậy nhưng Cát Niên không hề yêu anh, cô không hề đồng ý để anh làm vậy. Nếu cô có một chút nào rung động trước sự đeo đuổi của anh thì cho đến giờ phút đó, mọi thứ đã bị dập tắt. Hàn Thuật đã sai rồi. Hành động của anh không thể chấp nhận được. Tôi không biết Tân Di Ổ, có dụng ý gì trong chi tiết này. Liệu chị có thầm chỉ trích mô tuýp “cường thủ hào đoạt” của ngôn tình không. Nhưng tôi chỉ biết rằng tình cảm của mình dành cho Hàn Thuật cũng nguội đi phân nửa. Anh sinh ra trong một gia đình có thế lực, chưa bao giờ thiếu thốn thứ gì, tình yêu thương, vật chất và bạn bè nên anh cũng tự cho rằng mình có quyền chạm vào Cát Niên rồi sau này anh sẽ là người có thể đền bù cho những tổn thất của cô. Đây là bài học vấp ngã đau nhất của Hàn Thuật để một con người được bảo bọc, kiêu căng như anh sáng mắt ra. Tôi cũng không biết có nên tha thứ cho Hàn Thuật cho đến lúc anh chọn cách buông tay. Anh nhận ra rằng, mình thực sự chưa chắc là người có thể khiến cô hạnh phúc. Nếu như cô muốn đi cùng Đường Nghiệp thì hãy để cô đi vậy. Cát Niên có lẽ cũng đã bị cảm động bởi hành động đó và phải chăng lần đầu tiên trong truyện tha thứ cho mọi lỗi lầm của anh? Cát Niên cuối cùng cũng để cho hình bóng của Vu Vũ được yên nghỉ. Vu Vũ khi chết giờ đã được ở bên cạnh con gái Phi Minh chứ không ở nơi cánh đồng hoang vu nữa. Và nếu anh có sống, vị trí của anh cũng nên ở bên Trần Khiết Khiết và Phi Minh, một gia đình hạnh phúc. Dù thế nào, Cát Niên cũng không ở trong hình ảnh tươi đẹp đó. Những thứ ảo mộng, kì vọng mà cô dệt lên cho mình và Vu Vũ liệu có phải là một sự cố chấp, không thực? Cái chân thật nhất rốt cuộc lại là cô nấu cho Hàn Thuật một bát mì, mỉm cười nhìn anh ngấu nghiến ăn hết nó. Hoá ra, hạnh phúc cũng chỉ đơn giản đến vậy. Giống như Trần Khiết Khiết từng nói:
Cát Niên, niềm vui không khó vậy đâu, khi anh ấy nằm ngủ bên cạnh, hãy tự nói với mình, giả như anh ấy cũng chết rồi, giả như anh ấy cũng không tỉnh dậy nữa, cứ nghĩ như vậy rồi nhận ra mình cũng sẽ buồn – hoá ra kiếp này không chỉ có một người có thể khiến mình buồn đến vậy, may sao, anh ấy vẫn có thể tỉnh lại. Đến lúc đó cậu sẽ nhận ra, thật vậy, một đời dài là thế, cần chút niềm vui và an ủi hoàn toàn không khó thế đâu.
Tình yêu không bằng sự lựa chọn
Xuyên suốt trong rất nhiều truyện của Tân Di Ổ, có thể thấy tình yêu thật sự là một thứ rất phức tạp. Những câu hỏi như “Liệu XX có yêu YY?”, “Đó có phải là tình yêu?” được lặp đi lặp lại vô số lần. Trong “Cho anh nhìn về em”, mọi người cũng tự hỏi, Vu Vũ có bao giờ yêu Cát Niên? Hay Cát Niên liệu có yêu Hàn Thuật? Nhưng cho dù yêu hay không yêu, tất cả những nhân vật của Tân Di Ổ đều đưa ra những lựa chọn cuối cùng. Vu Vũ yêu hay không yêu Cát Niên thật sự đã chọn đưa Trần Khiết Khiết đi khỏi chứ không phải Cát Niên. Cát Niên yêu hay không yêu Hàn Thuật, cuối cùng cũng chọn ở lại với anh chứ không đi theo Đường Nghiệp hay một mình ôm hình bóng của Vu Vũ. Họ đã đưa ra những lựa chọn của chính mình, với mong ước tìm được niềm vui và hạnh phúc. Nếu như tất cả bọn họ đều hạnh phúc sau khi đưa ra lựa chọn của mình thì yêu hay không yêu liệu có còn ý nghĩa? Tình yêu có lẽ chỉ như một thứ ảo mộng, kì vọng thời niên thiếu mà khi con người ta lớn lên trưởng thành rồi mới nhận ra rằng nó đôi lúc mãi mãi không phải là hiện thực. Giống như ánh trăng miền sơn cước của Hướng Viễn, tấm rèm cửa của Phương Đăng, hay cậy lựu cây tì bà của Cát Niên, tình yêu luôn luôn đẹp đẽ nhưng khi họ trưởng thành, chỉ còn là những kí ức xa vời mà thôi. Và cuộc sống thì còn dài và luôn tiếp diễn. Hạnh phúc mới là thứ chân thực nhất.
PS: Nội dung truyện thật sự rất hấp dẫn, những cuộc hội thoại hóm hỉnh cùng cách hành văn nhẹ nhàng của Tân Di Ổ giảm bớt sự bi kịch của truyện đi rất nhiều khiến người đọc thấy bớt nặng nề. Tính cách của Cát Niên dù ít nói bình lặng nhưng mỗi lần cô mở miệng lại phát ngôn ra những câu rất độc, rất thú vị thể hiện một cuộc sống nội tâm phong phú. Hàn Thuật dù vô cùng đáng trách nhưng tôi vẫn không kiềm được rung động trước những hành động của anh. Truyện tuy dài nhưng vì quá hấp dẫn nên tôi đọc hết rất nhanh. Có lẽ phần đầu hơi chậm vì người đọc vẫn chưa hiểu có chuyện gì xảy ra. Cho đến đoạn Cát Niên hồi tưởng lại quá khứ mới bắt đầu thú vị. Tân Di Ổ để lại nhiều chi tiết mập mờ trong truyện. Phương Chí Hoà hình như cũng thầm thích Cát Niên như Hàn Thuật. Cát Niên và Hàn Thuật thật sự đã có một đứa con và lúc Cát Niên bị Thích Kiến Anh bạo hành trong tù đã cướp đi sinh mạng của đứa trẻ. Vậy nên cô mới có một bát hương trong nhà mà cô thờ cúng qua loa nhưng năm nào cũng làm. Tuy nhiên, chị không vạch trần hết chân tướng của những chuyện đó. Để người đọc phải suy nghĩ có lẽ sẽ tốt hơn chăng? Nói chung, tôi đánh giá rất cao “Cho anh nhìn về em”, bạn nào không đồng ý xin mời giữ ý kiến cho bản thân hehehe.