Đoàn Cầm Thi -
«Une technique romanesque renvoie toujours à la métaphysique du romancier».
«Kỹ thuật của tiểu thuyết luôn liên quan đến tư tưởng triết học của tác giả».
J.P.Sartre, Situations I.
Không chỉ ở sự phong phú của các chủ đề - tình yêu tình bạn tình anh em, các lĩnh vực - tôn giáo chính trị kinh tế văn hóa, các tầng lớp xã hội - thị dân công chức lãnh đạo trí thức buôn lậu. Không chỉ ở chất ngổn ngang của dĩ vãng, hiện tại, tương lai. Không chỉ ở sự chồng chéo của những Hà Nội, Hải Phòng, Đồ Sơn, Sài Gòn, Huế, Berlin, Dresden, Ba Lan, Tiệp.
1. Tiểu thuyết của những cái «tôi»
Cơ hội của Chúa cuốn hút tôi trên hết bởi nghệ thuật của nó. Tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà là một lò thử nghiệm văn phong khổng lồ trong đó ta gặp lối kể chuyện ở ngôi thứ ba, thể loại tự sự ở ngôi thứ nhất, văn nhái, truyện lồng truyện, tiểu luận. Đặc biệt, bằng những hình thức rất khác nhau như đối thoại, độc thoại, nhật ký, thư, sáng tạo văn học, các nhân vật không ngừng lĩnh chiếm sân khấu Cơ hội của Chúa, gạt người-kể-chuyện[2] sang bên, để tự bày tỏ cái «tôi» của mình. Có thể nói trong tình yêu, tình bạn hay áp-phe họ đều hết mình, nhưng ngôn từ mới là lĩnh vực tác giả cho họ sống hăng say nhất. Để tỏ tình với Thủy, Bình viết liền ba lá thư đi hết trang này sang trang khác. Tuy không nhận lời, Thủy cũng đáp lại, và trong cuộc hẹn liền sau đó, hai nhân vật sẽ thay nhau nói cả buổi, người này tìm cách thuyết phục người kia. Từ Tiệp, Thủy viết cho Nhã những bức thư «dài đặc sít chữ hơn bốn trang giấy mỏng khổ rộng» (tr.456). Trong thời gian ở Đức, Tâm nhận được mười bẩy lá thư của Huyền. Những lời tâm sự của Nhã với Hoàng có thể kéo dài hàng trang. Các buổi tranh luận thi ca hay triết học nhiều vô kể, trong đó kẻ bình thường kiệm lời nhất cũng biến thành nhà hùng biện.
Nhưng điều tôi quan tâm nhất, đó là những trích đoạn tự sự hay nhật ký, đăng rải rác trong tiểu thuyết, của bốn nhân vật chính - Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy. Độ dài của chúng mỗi lần đều trên dưới hai mươi trang - tổng cộng lên đến gần hai trăm trang - và càng về cuối truyện, tần số xuất hiện càng lớn. Dường như đó là lý do tại sao tác giả ít chú ý đến hình thức các nhân vật, mà chỉ chăm chút những «chân dung nội tâm» này. Nếu như trước sau ta chỉ biết rằng Nhã là «một thiếu phụ xấp xỉ ba mươi. Vẻ đẹp đầy sắc sảo tri thức», ta lại được đọc đến sáu mươi trang viết của cô. Không cho độc giả thấy Tâm cao hay thấp, béo hay gầy, tóc tai quần áo ra sao, nhưng Nguyễn Việt Hà sẽ cho ta đọc liền hai mươi bảy trang tự sự của anh.
Việc những trích đoạn này nhằm mục đích gì? Cụ thể hơn: thử nghiệm của Nguyễn Việt Hà dẫn đến những hệ quả nghệ thuật nào cho tác phẩm của anh?
Viết nhật ký hay độc thoại nội tâm không là thói quen và nhu cầu của bất cứ ai. Nó chỉ có ở những người đạt đến một trình độ văn hóa nào đó, có ý thức về cá nhân, lại ưa tâm sự, không phải với người khác mà với chính bản thân. Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy, bốn nhân vật chính của Nguyễn Việt Hà, giữa những lo toan vật chất, đều ngoái lại phía sau gặng hỏi dĩ vãng nhưng cũng muốn hướng tới một cái gì khác, chưa hẳn là Lý Tưởng, có lẽ là một vẻ đẹp tinh thần. Những khoảnh khắc đó là những dấu lặng trong tâm hồn họ, những ốc đảo trong cuộc sống đời thường. Điều này dễ hiểu với Hoàng và Thủy, những type người «lãng mạn» đã đành. Nhưng nó lại có ở Tâm và Nhã, những con người của hành động, càng làm nổi rõ tính cách thật của hai nhân vật này.
Đọc Nhã, nhất là khi cô viết vào những mốc quan trọng trong cuộc đời, thường là dịp sinh nhật - «Mùa hè vừa rồi tôi tổ chức sinh nhật tròn ba mươi tuổi» (tr.81) hay bắt đầu một cuộc tình mới, - «Sáng tỏ tình với tôi vào một buổi chiều mưa đậm hạt» (tr.435), ta lặn sâu vào vực thẳm của tâm hồn này để hiểu những bất hạnh, phút chán chường, nỗi cô đơn và thèm khát hạnh phúc ở người đàn bà vẫn bị coi là «lý trí», «tự tin», «kiêu ngạo»: «Ba ngày tết năm nay tôi nằm ở nhà, chẳng đi dâu. Bạn bè quen có đến, tôi lấy cớ là mình ốm. Trần nhà trắng đục (...) Đến chiều mùng bốn tôi quyết định đi dancing (...) Tôi dắt xe ra cổng. Nép sát vào cổng sắt nhà tôi một cặp tình nhân đang hôn nhau. Tôi dắt xe vào. Tôi úp mặt xuống bàn và khóc khan. Năm nay tôi ba mươi mốt tuổi tây và ba mươi hai tuổi mụ» (tr.227).
Giống như những tác phẩm viết ở ngôi thứ nhất, Cơ hội của Chúa, qua nhật ký hay độc thoại của các nhân vật, đưa chúng ta đi thẳng vào thế giới bên trong mà không cần qua trung gian của người-kể-chuyện. Đây là một đoạn Thủy viết: «Tôi đã hai mươi mốt tuổi và còn hai tháng nữa tôi tốt nghiệp đại học. Tôi đã yêu ba năm, đã có nhiều hạnh phúc, đã có nhiều kỷ niệm. Tôi nhìn mọi sự chậm rãi hơn và đã có một vài điều hư vô quấy rầy trí óc (...) Tại sao liên miên những ngày tháng này tôi thấy trống rỗng» (tr.308). Hơn nữa, Nguyễn Việt Hà tôn trọng tối đa lời các nhân vật: nhật ký của Nhã chép lại y nguyên những mẩu thư của Thủy, để có hai cái «tôi» lồng vào nhau.
Tuy nhiên, lối kể chuyện này của Nguyễn Việt Hà khác xa với Thiên sứ hay Tướng về hưu, là những tác phẩm viết thuần tuý ở ngôi thứ nhất. Trước tiên ở văn phong: đó là những nét bút tự nhiên không mài giũa, đôi khi chỉ ghi lại một cảm xúc mờ nhạt, một tình cảm không rõ nét, trong khi Thiên sứ với một cái «tôi» chạy suốt tác phẩm, buộc phải khúc chiết, thuyết phục, được cấu trúc công phu. Sau đó ở nội dung: nhật ký hay tự sự bao giờ cũng xoáy vào cá nhân người viết, tự phân tích, tự tìm hiểu, phiêu lưu trong tâm hồn của chính mình, trong khi Tướng về hưu là lời của người con kể về người cha. Hơn nữa Cơ hội của Chúa là sự tồn tại song song của ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, như thế nó cho phép người ta nhìn ở những góc độ khác nhau. Đi từ «anh ấy», «chị ấy» sang «tôi», người đọc hóa thân vào nhân vật, sống cuộc sống của nhân vật và khám phá thế giới qua con mắt của nhân vật. Ngược lại, đi từ «tôi» sang «anh ấy», «chị ấy», ta bất ngờ đứng về phía người-kể-chuyện, thường chỉ dừng lại bên ngoài, để đánh giá nhân vật một cách khách quan hơn. Việc Cơ hội của Chúa chép lại nhật ký và độc thoại của bốn nhân vật khác nhau càng cho chúng ta một cái nhìn tinh tế, ít đơn điệu: một nhân vật sẽ được nhìn ở ba cấp độ khác nhau, để có những chân dung đa dạng, đôi khi trái ngược nhau. Đây là Hoàng qua con mắt người-kể-chuyện: «Hoàng ấn chuông ngôi nhà hai tầng...» (tr.41). Qua con mắt Thủy: «Ở anh có cái gì là lạ. một nét yếm thế của những kẻ duy tâm (...) Ở Hoàng thiếu dũng mãnh» (tr.152-163). Qua con mắt Tâm: «Tôi và anh trai nhiều sở thích khác biệt. Nhưng từ cấp I đến cấp III đối với riêng tôi Hoàng luôn là thần tượng. Đến tận giờ người tuyệt vời là thông minh và nhân hậu duy nhất tôi được gặp vẫn là Hoàng» (tr.294). Qua con mắt Nhã: «Sự hiện diện của Hoàng trên cõi đời này đối với tôi là một điều kỳ dị. Nếu thật đúng ra cậu ta phải chết yểu. Tôi chưa bao giờ thấy Hoàng dối trá» (tr.458). Qua con mắt của chính Hoàng: «Người tôi lem nhem một nỗi buồn chán. Tôi loay hoay và tôi làm phiền nhiều người. Tại sao lại thế» (tr.430). Đây là Nhã nhìn Thủy ở hai thời điểm khác nhau: «Tôi trông Thủy cũng dễ mến, có vài nét phù phiếm (...) nông nổi» (tr.75), «Ở trong sâu, Thủy có tố chất của người kinh doanh. Thời gian sẽ cho thêm bản lĩnh. Có lẽ nửa năm nữa cô bé sẽ có chút tiền và chắc chắn sẽ hết dịu dàng» (tr.457). Còn đây là Thủy nhìn Nhã cũng ở hai khung cảnh khác nhau: «Một thiếu phụ rất đẹp trông kiêu căng» (tr.155), «Hồi tôi với Hoàng giận nhau, anh lấy cớ đi công tác bỏ đi xa. Sốt ruột tuần ba lần, tôi đến chơi với Nhã và chị an ủi tôi rất nhiều» (tr.156). Để thấy tính xảo diệu trong lối kể chuyện của Nguyễn Việt Hà, cần nhớ rằng trong Tướng về hưu, ta chỉ được nhìn ông tướng qua mắt con trai - một con mắt chân thành, yêu thương nhưng đôi lần giễu cợt - mà không bao giờ được nghe ông thổ lộ riêng những suy nghĩ hay tình cảm thầm kín của mình.
Bốn nhân vật xưng «tôi» tạo nên những cặp vừa tương đồng vừa đối lập. Như những cái gương họ soi vào nhau, người này phản chiếu và soi rọi người kia. Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy: một cặp nam và một cặp nữ, bốn thanh niên trong cuộc sống đô thị Việt Nam những ngày «mở cửa». Hoàng và Tâm: hai người đàn ông, hai anh em, hai tính cách - Tâm quyết đoán Hoàng lưỡng lự, Tâm hành động Hoàng suy ngẫm. Nhã và Thủy: hai người đàn bà, hai vẻ đẹp, hai sắc thái, một lão luyện một trong trắng, nhưng cả hai đều liên tiếp thất bại trong tình yêu. Thủy và Hoàng: hai kẻ yêu nhau nhưng không hạnh phúc bên nhau, người con gái muốn «đạt đến chân lý một cách minh bạch khúc chiết» (tr.214), trong khi người con trai nhìn mọi sự với con mắt hoài nghi. Hoàng và Nhã: một đàn ông và một đàn bà, cả hai cùng tôn thờ tình bạn nhưng nhất quyết không đi đến tình yêu. Nhã và Tâm: hai con thiêu thân trong cuộc chạy đua theo đồng tiền, cùng coi Hoàng là thần tượng, cùng say mê áp-phe, nhưng người đàn bà thích buôn lậu còn người đàn ông mộng làm giầu chân chính. Bốn số phận độc đáo. Bốn trái tim mãnh liệt. Bốn cuộc vỡ mộng. Cần thấy rằng chỉ có họ, những tâm hồn nhậy cảm, sâu kín nhưng bối rối giữa cuộc đời, mới có đặc quyền bày tỏ cái «tôi» của mình. Lâm, Bình, Sáng, không ghi nhật ký, không độc thoại nội tâm: đời sống tinh thần của họ không làm tác giả chú ý, có lẽ nó không có gì phức tạp hay bất ngờ. Những bức thư của Bình không thành thật, chúng chỉ nằm trong chiến lược thu phục Thủy. Chỉ xem Bình hiện ra như một «phiên bản các tài tử nam đóng vai chính trong những phim lãng mạn Hồng Kông. Trắng trẻo. Sống mũi thẳng rất hợp với kính Tây Đức» (tr.13), người đọc đủ đoán được những gì có thể xảy ra ở bên trong của cái bề ngoài này. Với Nguyễn Việt Hà, cách thể hiện Bình rõ nhất là cho anh ta vào vai một vở kịch tồi với «Chàng», «Nàng» và «vài ba phiên bản của Picasso và Henry Matisse». Đặc biệt Sáng, một thanh niên «con nhà», đầy quyền lực, tri thức và tiền bạc, chỉ được kể qua nhật ký của Hoàng và Nhã. Cuộc tồn tại văn học của anh ta cũng rất ngắn: xuất hiện muộn trong tác phẩm, Sáng nhanh chóng ra khỏi trái tim Nhã với chiếc mặt nạ cầm tay.
Không chỉ các nhân vật mà các sự việc trong Cơ hội của Chúa cũng được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Các thông tin đến từ người-kể-chuyện hay độc thoại, nhật ký các nhân vật sẽ bổ sung nhau, đối chiếu nhau. Buổi gặp gỡ tình cờ trong quán rượu ngày mới quen chỉ được Thủy tả trong vài hàng, sẽ được Hoàng kể trong nhiều trang. Cuộc tỏ tình cũng được kể hai lần: lời của Hoàng - «Tôi ngẩng lên. Thủy nhìn. Ánh mắt trong suốt của em hay của tôi. Tất cả chúng sinh trở nên rực rỡ và từ từ tan ra» (tr.119), lời của Thủy - «Tôi khe khẽ ngẩng đầu, người lạnh toát. Đó là Hoàng (...) Mọi cái quay tròn (...) Hoàng chăm chú đọc. Mái tóc phủ loà xoà buồn bã quanh trán. Vâng, tôi yêu anh, có gì là xấu hổ. Tôi muốn nói một điều gì đó với anh. Tôi bình tĩnh xé vở để nguyên cả tờ đúp viết. «Anh Hoàng, chúng ta có thể nói chuyện như người lớn được không». Hoàng ngước nhìn tôi. Mắt anh đẹp lạ lùng. Anh viết ba chữ rất lớn «Anh yêu em» (tr.151). Nếu cuộc đương đầu giữa Nhã và Lâm vào buổi tối khi người tình phản bội trở về, chỉ được tóm tắt trong mấy chữ: «Cuộc hội đàm giữa hai người dài 14 phút» (tr.51), sẽ được Nhã tả chi tiết ở hai chục trang sau đó, kèm những dòng cảm xúc lẫn lộn khinh bỉ, thù hận và nuối tiếc kỷ niệm: «Tôi nhìn anh ta. Khuôn mặt nhiều lần đã làm nhói buốt giấc mơ của tôi (...) - Em hút thuốc hơi nhiều...» (tr.70). Tương tự, cuộc hội ngộ của Hoàng và Tâm sau năm năm xa cách diễn ra ngay lúc mở đầu tiểu thuyết, nhưng phải đợi gần ba trăm trang sau, ta mới hình dung ra Hoàng hôm đó qua giọng kể của Tâm: «Hoàng trông hơi xanh và gầy. Áo vét tông kiểu cổ nhưng sạch và phẳng phiu» (tr.293). Bằng cách này, Nguyễn Việt Hà phá bỏ lối diễn đạt thời gian đơn chiều thường có trong các tác phẩm viết theo truyền thống.
Mặt khác, trong Cơ hội của Chúa, quá khứ được tái hiện lại không theo trình tự trước/sau, mà hoàn toàn theo trí tưởng tượng chủ quan của nhân vật. Trong dòng tự sự của Thủy, ký ức và hiện tại miên man chảy, không một từ nối, không một lời chuyển tiếp. Thực tế một quan bar ở Hải Phòng đột ngột đứng giữa hai kỷ niệm về Hoàng ở hai thời điểm khác nhau: «Không có chuyện gì tôi trách Hoàng cả đặc biệt là chuyện tiền nong. Nhưng cứ kéo dài như vậy mãi ư hả anh, anh của em. Gã trai ở bàn bên cạnh mạnh dạn đi sang mời tôi nhảy. Duy nhất một lần Hoàng có rủ tôi ra vũ trường. Sàn nhảy ấy là bạn của Hoàng đấu thầu» (tr.316). Tùy theo nội dung của độc thoại mà tác giả quyết định chiều thời gian. Tự sự của Tâm hừng hực hy vọng và dự kiến tương lai vì vậy được kể phần lớn trong chiều thuận: những năm ở Đức (tr.208), cuộc trở về (tr.292), xây nhà (tr.297), gặp lại người con gái mà anh sẽ cưới (tr.297), mở công ty (tr.306). Ngược lại, tự sự của Hoàng, nhất là trích đoạn thứ hai, ngập trong buồn chán, nên nói chung theo chiều nghịch ở đó ngày tháng cứ lùi dần: hôm Thủy lặng lẽ bỏ đi (tr.385), lần cuối cùng Hoàng nhìn thấy cô (tr.402), lần gặp áp cuối (tr.418).
Thời gian trong Cơ hội của Chúa vì vậy tan ra từng mảnh, hết dừng, lại lùi, rồi tiến, cứ thế trong một điệu quay vô tận. Không gian cũng chỉ là những địa điểm xếp cạnh nhau mà không theo một quy luật nào hết. Đi từ nhật ký này sang nhật ký khác, độc giả như lạc vào mê cung. Cuộc sống, theo Nguyễn Việt Hà, không phải là một sợi dây thẳng tắp hay sự tiếp diễn của các sự kiện theo luật nhân quả, mà là tập hợp những mảng vỡ, những khoảng trống, những âm hưởng. Các nhân vật của anh tạo cảm giác không làm chủ bản thân lẫn tình huống: cách diễn đạt ở ngôi thứ nhất dẫn đến những cái nhìn giới hạn, họ chỉ kể cho ta nghe những gì trực tiếp chứng kiến hay nghe nói. Có rất nhiều thông tin độc giả được biết nhưng vẫn là bí mật đối với nhân vật: Hoàng không bao giờ được đọc những lá thư Bình gửi cho Thủy hay những nỗi niềm của Thủy sau khi bỏ anh ra đi. Nếu «kỹ thuật của tiểu thuyết luôn liên quan đến tư tưởng của tác giả» như Sartre nhận định, những cái nhìn mang dấu ấn chủ quan của những cái «tôi» khác nhau trong Cơ hội của Chúa cho phép Nguyễn Việt Hà thể hiện một thế giới không thuần nhất mà muôn hình vạn trạng, không khép mà mở, không xác thực mà đầy bí hiểm, bất ổn, hoài nghi - «Chân lý là khái niệm cực đoan. Một khái niệm rỗng, đúng với người này và sai với người kia. Chân lý tuyệt đối nằm ở đâu» (tr.214). Và đó chính là chiều hướng chung của triết học hiện đại, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của Einstein qua thuyết tương đối.
2. Khi nhân vật là nhà văn
Hoàng có lẽ là nhân vật được tác giả ưu ái nhất: Hoàng có mặt ở cảnh đầu và cảnh cuối, những cuộc trùng phùng - với em trai và bạn gái - đầy xúc động. Rất nhiều khi cái nhìn của người-kể-chuyện trùng với cái nhìn của Hoàng. Những trang mở đầu khi Hoàng ra đón Tâm tại sân bay chúng minh điều đó: «Hoàng uống lơ đãng nhìn, người ngồi cạnh xoay lại. Một trung niên mặc áo đại cán, cổ áo cáu bẩn (...) Ông ta đứng lên, hóa ra hơi lùn, lon ton chạy về phía đầu hành lang» (tr.6). Tương tự, những bức họa hấp dẫn, sắc sảo, dài hàng chục trang về Hải Phòng và Sài Gòn được tả bằng giọng của người-kể-chuyện nhưng qua con mắt của Hoàng: «Hoàng đến Hải Phòng vào khoáng chín giờ (...) Hải Phòng là thành phố trẻ, nó loay hoay đương lớn (...) Các thiếu nữ trông thô, nói giọng hơi đục...» (tr.194), «Bầu trời Sài Gòn thoáng cao và ít mây, về chiều nắng nhạt nhanh (...) Hoàng đi bộ từ Bưu điện thành phố» (tr.242).
Về cuộc sống nội tâm, Hoàng cũng là một sáng tạo lớn của Nguyễn Việt Hà. Thay vì hành động, Hoàng uống rượu, chiêm nghiệm và lặng lẽ ngắm nhìn thế giới xung quanh. Hoàng thu hút ta vì những ám ảnh, trực cảm tôn giáo của anh, nhất là tính ngờ vực: tín đồ của Jésus, nhưng Hoàng luôn hoài nghi về Thiên chúa giáo, đồng thời anh tìm hiểu Thiền giáo, Phật giáo. Bế tắc cùng quẫn không bao giờ dứt, Hoàng khác một số nhân vật của Nguyễn Việt Hà, Vọng trong Mãi không tới núi[3] chẳng hạn - những kẻ tìm thấy trong tôn giáo nơi ẩn náu giữa cuộc đời trần tục. Không hoang mang, không mộng mị nhờ quan niệm thực dụng và duy vật đó, họ đến với đạo bằng một niềm tin vững chắc, mù quáng. Nhưng Hoàng không vậy. Ở anh dường như tri thức vẫn thắng đức tin: «Ở mức độ nào đó tôi là người đọc sách. Có những thông điệp của Thiên Chúa tôi đòi thực chứng» (tr.407).
Luôn đứng trước «sự đã rồi», Hoàng để mọi việc và mọi người quyết định thay mình. Trong khi gần như bất cứ ai cũng có quyền định đoạt cuộc sống của mình, Hoàng bất lực trước cả ý định tự tử - «Tôi là một tín đồ cơ đốc giáo và giáo lý không cho phép tôi tự hủy hoại» (tr.406). Cứ như vậy, Hoàng tham dự vào những thất bại của đời mình, chấp nhận hiện tại và không dự tính tương lai. Lột tả tinh tế và sâu sắc tính cách nhân vật, được viết với tiết tấu và ngữ điệu rất riêng của Nguyễn Việt Hà, lời suy ngẫm của Hoàng ở gần cuối tiểu thuyết là một trong những tứ văn đẹp nhất trong Cơ hội của Chúa - «Mai cậu định làm gì, ừ nhỉ, mai tôi phải làm gì. Tôi vẩn vơ đi bộ trên vỉa hè ngân ngấn những vệt nước của trận mưa vừa tạnh. Đã nhiều lần tôi không biết ngày mai sẽ làm gì» (tr.430). Nhân vật phản-anh-hùng lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, Hoàng của Nguyễn Việt Hà đánh dấu đỉnh cao của một nền văn học thời bình. Hoàng còn là biểu tượng của một thẩm mỹ mới, không kém dũng cảm trong khi phần lớn độc giả Việt quá quen với các nhân vật văn học, dù ác hay thiện, đều phải có hành động và mục đích rõ ràng: ngay Chí Phèo của Nam Cao, ở nấc thang cuối của xã hội, sống cuộc đời dở người dở ngợm, còn có ham muốn báo thù. Trong khi Tâm, Nhã, Thủy chắc chắn sẽ đi tìm khát vọng mới sau những cú sốc đầu tiên, Hoàng lại tiếp tục một cuộc sống mãi mãi là dang dở, không tốt không xấu, không bi quan không lạc quan, một cuộc sống như nó vốn thế.
Nguyễn Việt Hà còn cho Hoàng đi xa nhất, so với các nhân vật khác, trong lĩnh vực viết: không chỉ độc thoại, Hoàng còn là nhà văn. Và đó cũng là nơi duy nhất Hoàng không thất bại, cứ như thể những thua thiệt trong tình yêu là điều kiện thành công trong nghệ thuật. Rõ ràng văn học đã góp phần đào sâu thêm khoảng cách giữa Hoàng và Thủy, là điều mà cặp tình nhân này không chia sẻ được với nhau. «- Anh có viết truyện ngắn à. - Lâu rồi. - Sao anh không đưa em xem. - Em chẳng thích đâu (...) - Anh không yêu em», Thủy viết trong nhật ký trước khi kết luận: «Tự nhiên tôi buồn bực. Lúc ấy tôi không hiểu nhưng về sau thì tôi biết. Hoàng chưa hoàn toàn là của tôi, chưa bao giờ. Ban nhạc tiếp tục chơi. Mặt Hoàng không rõ nét. Xa xôi. Lờ mờ» (tr.323). Cơ hội của Chúa dành nhiều trang để đăng lại bản thảo hai truyện ngắn, trong đó bằng giọng điệu lúc thì hài hước châm chọc, lúc lại «dịu dàng và có hậu», Hoàng phác thảo chân dung các triết gia - Trang Tử, Huệ Tử, Tuệ Trung Thượng Sĩ. Dường như qua hai tác phẩm của Hoàng, Nguyễn Việt Hà muốn mở rộng những quan điểm rất riêng của anh về tôn giáo, về mối quan hệ của người trí thức với thế sự và cuộc đời. Qua Nhã, Lâm, Thủy, chúng ta được biết thêm về số phận các sáng tác của anh. Trước hết, Hoàng thường viết - và viết tay - vào những lúc «chán», «buồn đến nỗi không uống được cả rượu», sau đó bỏ xó hoặc đốt đi, nhưng đôi khi gửi đăng. Nhã là người đánh máy lại - tập truyện ngắn đầu tiên của Hoàng «chừng mười hai cái», là do Nhã nhặt lại từ các «tuần báo». Người đọc còn hay rằng truyện ngắn duy nhất Nhã thích được giải «truyện ngắn hay trong tháng» của báo Sông Hương, Hoàng lấy bút danh Phương Nhã.
Chủ đề văn học sẽ tiếp tục ám ảnh Nguyễn Việt Hà, và được anh theo đuổi trong tác phẩm gần đây, Khải huyền muộn (2003) [4], lần này nhân vật chính là một cuốn tiểu thuyết đang viết dở. Ngay từ đầu, một người con gái xưng «tôi», không có tên, cựu á hậu, tự giới thiệu sẽ vào vai nữ chính của cuốn tiểu thuyết, trong đó cô được gọi là Cẩm My và có người tình là Vũ. Từ đó, câu chuyện trở nên cực kỳ phức tạp, vì hư cấu lại được lồng trong hư cấu: rất nhiều khi độc giả không phân định được thật hay giả, đây là nhân vật của Khải huyền muộn hay Cẩm My của cuốn tiểu thuyết đang viết - ví dụ khi Nguyễn Việt Hà cho Cẩm My trò chuyện với Vũ về nhân vật nhà văn: «Vũ nằm sấp cạnh tôi. Cả một bãi cát hoang mang trắng (...) Vũ chăm chú đọc cuốn tiểu thuyết của nhà văn tặng tôi (...) - Ông nhà văn này đã già chưa. - Trẻ lắm, bằng đúng tuổi anh». Đặc biệt, Nguyễn Việt Hà xây dựng thành công một mối quan hệ cực kỳ tế nhị, nhưng bình đẳng và nhiều đồng cảm, giữa nhà văn và người mẫu của mình - từ «người mẫu» ở đây được dùng trong hai nghĩa vì Cẩm My còn là người mẫu thời trang chuyên nghiệp. Mặt khác, nhân vật hoàn toàn ý thức được bản chất hai mặt của ngôn từ: cái «tôi» cho phép cô bộc lộ một tâm hồn quá thường xuyên bị che đậy «dưới những vỏ quần áo khác nhau», nhưng lại có thể bị bóp méo dưới «cái vỏ ngôn ngữ». Xen giữa những dòng tự sự của «tôi» là cuộc đối thoại triền miên giữa «nhà văn» và «nhân vật»: «Chúng tôi thỏa thuận sẽ không tách lời của nhau. Tôi nghĩ thế nào tôi sẽ nói như vậy. Và anh, viết những cái ấy thành như thế nào, là chuyện của anh. Tôi chấp nhận sự hiện diện của tôi qua giọng kể của anh».
Xây dựng một nhân vật-nhà văn dường như là điểm chung của nhiều tiểu thuyết Việt gần đây, báo hiệu một hiện tượng của văn học Việt Nam đương đại. Đầu tiên phải kể đến Nỗi buồn chiến tranh (1991)[5]. Giống như chàng Marcel của Proust trong Đi tìm thời gian đã mất, chính trong cuộc lần về quá khứ mà Kiên của Bảo Ninh tìm thấy «thiên mệnh» văn học của mình: ra khỏi chiến tranh, bị ám ảnh bởi những kỷ niệm đau thương, Kiên trở thành nhà văn và dự định viết tiểu thuyết đầu tay kể về cuộc chiến như chính anh đã sống - Kiên quết định kể hết, cả những «khoảng khuất khúc mà trí nhớ do dự mỗi khi buộc lòng phải chạm đến». Nhờ vậy, chúng ta tham dự vào những khoảnh khắc tuyệt vời của sáng tạo với nhiều phút «thần hứng», thúc bách, thăng hoa, nhưng không ít ngờ vực và nhiều băn khoăn, chậm chí đau đớn, một tâm trạng mà Bảo Ninh gọi là «mấp mé bờ vực». Dấn sâu vào tiểu thuyết, người đọc giật mình nhận ra rằng «những trang viết» mà Kiên trăn trở chính là cuốn sách mà họ đang có trong tay, Nỗi buồn chiến tranh, và câu hỏi: «Kiên có phải là Bảo Ninh?» là một tất yếu.
Giáo sĩ (2002) của Trần Vũ[6] tưởng tượng hai mối tình của Tuyết của Đời mưa gió với hai tác giả của cô - Khái Hưng và Nhất Linh. Lẫn lộn giữa những lời tỏ tình và những trận mây mưa là rất nhiều cuộc tranh cãi quyết liệt giữa Tuyết với hai gương mặt hàng đầu của Tự lực văn đoàn: «- Anh đối xử với đàn bà một cách khốn nạn ! (...) - Cô chỉ là luận đề của tôi, cô không có quyền gì hết để đòi hỏi. Tôi cho cô đi làm điếm là may, để cho cô có một nghề sinh sống, hay cô muốn đi theo Việt Minh? Từ nay trở đi cô đừng tìm tôi nữa, tôi đã xong luận đề của mình. Tôi không có bổn phận gì đối với cô. Thôi cô về đi». Với Giáo sĩ, người đọc khám phá ra mối ràng bộc vô hình, huyền bí, phức tạp giữa tác giả và tác phẩm, giữa tác phẩm và người thưởng thức. «Thứ tình yêu đầu đời của nữ sinh với thầy giáo, của một cô gái với phụ thân, của một cô em với anh trai, và của cả nhân vật nữ với tác giả. Thứ tình cảm tuyệt đẹp của mọi tình cảm gộp lại gọi là tình yêu»: Trần Vũ viết như vậy về mối tình của Tuyết với Nhất Linh.
Đi tìm nhân vật(2002) của Tạ Duy Anh[7] cho «tôi» - nhân vật chính, nhà báo - tình cờ gặp Bân - một nhà văn đang viết cuốn tiểu thuyết cũng mang tên «Đi tìm nhân vật», trong đó nhân vật chính ngẫu nhiên cũng có cùng đặc điểm và hành động như «tôi». Với Bân, nghiệp bút nghiên «là một kiểu bị đẩy đến sự lựa chọn đau đớn (...) như một cách tự giải thoát mình». Và thật bất ngờ khi nhân vật nhà văn thú nhận với người mẫu của mình: «Tôi bắt đầu rối tung rồi đây (...) Anh khiến tôi phải suy xét lại những ý đồ định đưa vào cuốn sách (...) Chính anh cho tôi ý nghĩ rằng cuộc tìm kiếm của tôi mới chỉ bắt đầu». Nếu cuộc gặp này có ảnh hưởng đến người sáng tác, nó cũng là một bước ngoặt trong cuộc sống của «tôi»: cùng với Bân, anh quay trở lại làng quê xưa, để đối mặt với quá khứ đã từng rũ bỏ và chạy trốn trong nhiều năm.
Made in Vietnam (2003) của Thuận [8] nói đến quan hệ giữa nhân vật chính - Phượng, nhà báo - với một người là tác giả của một tiểu thuyết cũng có tựa đề là «Made in Vietnam» trong đó Phượng cũng là nhân vật chính. Khác với các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà hay Tạ Duy Anh, quan hệ của họ hời hợt, thờ ơ: họ chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại và fax, và thường thì người này quên mất người kia là ai. Và đó chính là mục tiêu và khai phá lớn nhất của Thuận: tránh phân tích tâm lý nhân vật, không tả tình tả cảnh. Cả tác phẩm được viết với một giọng văn sắc sảo, hài hước, pha đôi chút khinh bạc và đặc biệt «rất Hà Nội». Mọi sự càng rối tung lên khi cuối cuốn sách, tác giả tuyên bố: «Tất cả những nhân vật tham gia Made in Vietnam đều có thật», và «cám ơn bạn bè, người quen và không quen đã tình nguyện ở lại ba tháng trong câu chuyện này», trong đó có «Phạm Thị Hoài, nhà văn, vai tác giả của Made in Vietnam».
Gần đây nhất, Thoạt kỳ thủy (2004) của Nguyễn Bình Phương chép lại trong phần cuối, di cảo truyện ngắn «Và cỏ» của một nhân vật là nhà văn Phùng đã chết. Con người của cô đơn, gốc thành thị nhưng chấp nhận cuộc sống nơi dân dã, Phùng suốt đời viết văn mong tìm kiếm vinh quang. Với cùng hoạ tiết trăng và mơ, cùng một nhân vật "bà điên" với bài ca về cỏ trắng và con chim nâu, «Và cỏ» có thể coi là âm vang của Thoạt kỳ thủy, tiểu thuyết mà chúng ta đang đọc, là tiếp nối những suy tư của Nguyễn Bình Phương về sự gần gũi giữa sáng tạo văn học với mơ và điên. Nhưng không bao giờ Nguyễn Bình Phương tìm cách lý tưởng hóa nhân vật của mình. Ngược lại, Phùng được vẽ với nhiều trào lộng, và đó chính là cái mới của Thoạt kỳ thủy. Khi Hiền chạy đến với ông sau thất vọng của đêm tân hôn cùng Tính, tác giả sẽ để Phùng lực bất tòng tâm: «Hiền đổ ra phản. Ông Phùng loay hoay một lúc không sao lên được bèn ngửa mặt than: - Tôi già rồi! Hiền ngơ ngác mặc lại quần áo, trên đường về bước hẫng liên tục»[9].
Như vậy, các tác giả đã chứng tỏ một khả năng tưởng tượng phi thường, cho văn học thành một nghệ thuật tung hỏa mù, đánh lộn sòng, biến hóa khôn lường. Dường như với họ, trước khi là một nhu cầu, một nhiệm vụ, một giải thoát, một thách thức, viết là một cuộc chơi, một trò ảo thuật, đôi khi là một màn hài kịch. Cũng là lần đầu tiên, «hậu trường» của sáng tạo văn học được hé mở cho độc giả, hiện ra còn kỳ thú hơn cả chính cốt truyện đang đọc - dù có là tình yêu, chiến tranh, tôn giáo hay điều tra vụ án...
Đó là khi văn học viết về văn học.
Paris, tháng 6 năm 2004