Hedayat thụ hưởng một nền giáo dục phương Tây ngay khi kết thúc bậc tiểu học tại quê nhà. Ông sớm đã được tiếp xúc và ham thích nghiên cứu văn học phương Tây, đặc biệt ngưỡng mộ văn chương của Kafka. Hơn thế, văn hóa truyền thống Ba Tư với những truyền thuyết, hình tượng bí ẩn đầy tính bùa chú mê hoặc cũng khiến ông say mê nghiên cứu. Bởi thế, ngay từ những sáng tác đầu tiên, tác phẩm của Hedayat đã có sự kết hợp vô cùng nhuần nhuyễn giữa văn hóa Ba Tư và kỹ thuật viết hiện đại của phương Tây.
Nếu buộc phải chia cuốn tiểu thuyết thành một cấu trúc mạch lạc, Con cú mú có thể được chia thành hai phần. Phần đầu tiên là sự tái hiện giấc mơ, những hình ảnh, biểu tượng, và vùng không gian hoàn toàn hiện lên như một ảo ảnh kỳ quái, hoang tưởng.Tiểu thuyết ngắnCon cú mù kể câu chuyện về một người đàn ông tự nhốt mình trong một căn phòng khép kín, mang hình hài giống như quan tài, và chìm đắm trong những cơn hoang tưởng, về sự chết chóc, chia rẽ, u mê và cô độc.
Ở đây, sự xuất hiện của cô gái thanh cao, đẹp đẽ, với cái chết của cô được miêu tả bằng những ngôn ngữ đầy sức quyến rũ, mê đắm, để rồi đi đến tận cùng, là cái chết của cô, nồng đượm giữa nghĩa địa tăm tối cô đơn. Cô là hiện thân cho vẻ đẹp tuyệt mỹ mà cả đời nhân vật Tôi ám ảnh, khao khát và đeo đuổi.
Bước ra khỏi vùng mê cùng đầy nỗi cô độc, cực khoái trong hoan lạc của chết chóc, đau thương và rã rời ấy, người đọc sẽ lạc vào một mê cung khác của bủa vây bạo lực, toan tính, âm mưu, xấu xí. Hình ảnh người vợ đàng điếm mà Tôi gọi là “con chó”, người đàn bà có thể ngủ với tất cả đàn ông trừ chồng mình, tiếng cười quái dị của lão đồ tể chuyên mổ lợn, trộn lẫn vào nhau, làm lan tỏa ra một thứ mùi nồng nặc bẩn thỉu, ám ảnh như mùi những xác chết vừa mới đem chôn ở nghĩa địa.
Dù có thể vạch ra một lằn ranh cho Con cú mù, nhưng kỳ thực, tiểu thuyết này đã tạo ra một mê cung cô độc, thâm u và tăm tối, phủ bóng đêm lên mọi ranh giới không, thời gian, giữa ác mộng và thực tại, giữa u mê hoang tưởng và tỉnh táo. Tất cả câu chuyện chỉ được nhìn nhận bằng như biểu tượng máng tính chỉ dẫn, trong đó hình ảnh con cú mù và nghĩa địa là hai hình ảnh thực sự khiến độc giả ấn tượng sâu sắc.
Con cú được hiểu là một hình ảnh mang tính biểu tượng của văn hóa vùng Trung Cận Đông. “Văn hóa truyền thống Ả rập – Ba Tư hình dung con cú là loài chim đơn độc, mang điềm gở cho loài người, sống trong hoang tàn và bóng tối.” (Nhật Chiêu). Ám ảnh tăm tối về đời sống về sự tồn tại và bản thể cũng như sự tách biệt cô độc với thế gian đã khiến cho nhân vật nhốt mình trong quan tài, phản tỉnh với chính bản thân.
Con cú mù ấy cũng làm bừng lên một vùng không gian nghĩa địa u ám bao trùm cả cuốn tiểu thuyết. Nghĩa địa là điểm đến cuối cùng của nhân vật Tôi, kẻ xa lạ cô độc giữa đời sống, là nơi tỏa ra một thứ mùi hắc ám đầy mê hoặc. Và hơn hết, nghĩa địa, nằm chênh chao giữa các lằn ranh, cứ lờ lững, bủa vây con người.
Cuốn tiểu thuyết đã dựng nên một thế giới đầy ảo giác, bóng tối và cái chết, với những lớp lang suy tưởng, mà ở đó, con người, hoàn toàn là kẻ xa lạ và cô độc. Nhưng sự cô độc và cái chết cũng giống như hiện thân của một hưởng thụ đầy khoái lạc, mà Hedayat đã dụng công tạo nên.
Nhà văn Sadeq Hedayat. Ảnh: T.L
Con cú mù được nhà nghiên cứu Homa Katouzian gọi là tiểu thuyết “tâm lý viễn tưởng”, mà ở đó những hình tượng cấu thành nên câu chuyện đều mang lại cùng một trạng thái siêu hình không thể nào tách rời. Tất cả những yếu tố, những mê cung tam giác, những âm thanh, hình ảnh và độc thoại của nhân vật Tôi đều có mục đích tạo lập một vùng không gian đáng sợ, tách biệt với tất thảy đời sống. Đây là không gian của sự kiếm tìm, theo đuổi, cưỡng bức và khuất phục cái chết. Đó là dấu ấn của sự cô độc tuyệt đỉnh, trong mê đắm, mộng du và hoan lạc.
Hedayat ba mươi ba tuổi khi ông tự xuất bản Con cú mù lần đầu tiên ở Ấn Độ. Hiện thân ban đầu của tác phẩm là năm mươi bản sao của văn bản viết tay được phân phối lưu thông giữa những người bạn. Cuốn tiểu thuyết hoàn toàn bị cấm đoán ở Iran, cho đến năm 1941, được in từng phần nhỏ trên tạp chí văn học của Iran. Và chỉ đến năm 1993, tác phẩm được xuất bản tại Iran, nhưng tiếp tục bị kiểm duyệt và bị cấm tại Hội chợ sách quốc tế lần thứ 18 tại Tehran (2005), và cuối cùng bị thu lại quyền xuất bản ở Iran vào năm 2006.
Dầu vậy, vượt qua khỏi những cấm đoán của các nhà cầm quyền trong một xã hội hà khắc,Con cú mù vẫn luôn được xem là một “trái cấm” đầy quyến rũ mà bất kể ai biết đến cũng đều say sưa thưởng thức. Độc giả bị mê hoặc bởi Ctác phẩm ngay từ lúc chưa hề hiểu về những điều mà tác giả đã dày công xây dựng. Một vùng không gian tiêu cực đậm đặc sự cô độc, cực đoạn và yếm thế, tất nhiên sẽ tạo thành sức hút, bởi tâm lý ham mê tìm hiểu, chinh phục những điều quái dị và bí ẩn của con người.
Phong Linh - Zing.vn