Kahlil Gibran (1883-1931) là một nghệ sĩ, nhà thơ và nhà văn Liban. Nhà tiên tri là tác phẩm nổi tiếng nhất của Gibran, cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều người, và đồng thời cũng là lý do chính giúp ông trở thành một trong ba tác giả có tác phẩm bán chạy nhất trong thơ ca thế giới. Ước tính, Nhà tiên tri đã bán được hàng chục triệu bản trên toàn thế giới, được dịch sang khoảng 50 ngôn ngữ.
Cho đến nay, chỉ riêng ở Mỹ, Nhà tiên tri đã bán được hơn 9 triệu bản - tức là mỗi thập kỷ bán được một triệu bản, lượng bán ra tương đối ổn định từ lần đầu xuất bản năm 1923. Sức hút của Nhà tiên tri ngày càng lớn dần, năm 1935, tác phẩm này đã bán được 12.000 bản, nhưng đến năm 1962 doanh số đã tăng gần gấp 10 lần, lên đến 111 nghìn bản. Trong bốn năm tiếp theo, con số này đã tăng gấp đôi, lên đến 240 nghìn bản.
Hai tác phẩm của Kahlil Gibran. |
Phong trào phản văn hóa trong những năm 1960 và sự trỗi dậy của triết học và văn học thời đại mới rõ ràng có tác dụng tích cực đến doanh thu của cuốn sách này. Người ta ước tính rằng trung bình, mỗi tuần có 5.000 cuốn Nhà tiên tri được chuyển tới tay độc giả trên toàn thế giới. Đó quả là những con số trong mơ với hầu hết nhà thơ đông tây kim cổ.
Tại sao độc giả trên toàn thế giới lại không ngừng yêu thích Nhà tiên tri suốt chín thập kỷ? Có lẽ bởi vì trong tất cả chúng ta, từ bản thân mỗi người và trong cuộc hiệp quần với tha nhân đều phát sinh các vấn đề và ai cũng mong mỏi tìm ra những cách giải quyết tối ưu. Trong Nhà tiên tri, nhà thông thái Almustapha, “chân dung tâm linh” của nhà thơ đã đề cập lần lượt các vấn đề này và đề xuất những “giải pháp” bằng cách biểu đạt thi ca nhuốm đầy tình người ấm áp và hương vị triết lý.
Nhà tiên tri bao gồm 26 bài giảng về đa dạng các chủ đề: hôn nhân, con cái, cái đẹp, cái thiện, cái ác... của vị “ngôn sứ” trong khi ông chờ đợi để ra khơi về cố hương sau khi trải qua hàng chục năm lưu vong. Tác phẩm này là một kết hợp tuyệt vời của thi ca và truyền thuyết thần bí, đã được đại chúng đón nhận không ngờ.
Cuốn sách đặc biệt được đánh giá cao bởi những người khao khát một thông điệp tâm linh nào đó nhưng không hẳn đi theo một đường hướng tôn giáo nào. Gibran được nuôi dạy trong gia đình Công giáo, bản thân ông thường xuyên nhắc đến “Thượng đế” nhưng chúng ta không thể đánh đồng Thượng đế của ông với bất cứ Thượng đế trong bất cứ tôn giáo nào - nhà thơ không chấp nhận bất cứ “giáo điều” hoặc “tông phái” nào. Ông chỉ tự nhận mình là một kẻ yêu và nhiệt thành với sự sống.
Nhà tiên tri đến nay vẫn tiếp tục được phổ biến và đón đọc. Vào năm 2014, Nhà tiên tri được chuyển thể thành phim hoạt hình do Salma Hayek sản xuất. Nhiều đoạn trích trong tác phẩm thậm chí còn được xướng lên trong các dịp lễ, các đám cưới hay đám tang hoặc được in ấn trong các thiệp chúc mừng...
Nhà văn Kahlil Gibran. |
Có thể lật mở một trang bất kỳ trong cuốn sách và thấy trong đó tuôn trào những dòng chảy minh triết thiêng liêng. Kahlil Gibran rõ ràng đã tinh lọc được những gì tốt đẹp nhất của Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo. Những dòng văn xuôi tựa như thi ca của ông tuôn chảy tinh tế, một cách biểu lộ tư tưởng sâu sắc và đẹp đẽ. Có lẽ tính dễ đọc và những chân lý sâu sắc nhưng chỉ mặc những chiếc áo ngôn từ giản đơn đã khiến Nhà tiên tri không được giới hàn lâm đánh giá cao. Nhưng chúng ta, với tư cách là những độc giả bình thường dễ dàng nhận thấy sức mạnh của ngôn từ Gibran.
Nhà văn Châu Diên, người đã góp một bản dịch hay cho Nhà tiên tri, đã chỉ ra trong tác phẩm này có sự hiện hữu một “tôn giáo mới”, “thứ tôn giáo của con người văn hóa cao, của văn minh đích thực, xuất hiện khi con người sống hồn nhiên với chính mình và sống hồn nhiên với kẻ khác… Một niềm tin tôn giáo như thế chắc chắn sẽ là thuộc tính sắp tới của con người trong thế giới văn minh đích thực, không sống sượng”.
Có lẽ, mỗi chúng ta sẽ tự soi thấy gương mặt tinh thần của mình trong mảnh đất màu mỡ cho tư duy, chiêm nghiệm này.