Người lạ trong nhà mở ra bằng một cái kết, nhưng mọi chuyện lại không chấm dứt ở đó. Quá khứ đã qua và hiện tại vừa thành quá khứ chỉ mở màn cho một bi kịch không hồi kết, dai dẳng và ám ảnh hơn, bi kịch của cuộc sống hiện đại có thể liên quan đến bất kỳ ai trong mỗi chúng ta.
Lấy cảm hứng từ một vụ sát hại trẻ em có thật ở New York năm 2013, tác giả bằng văn phong sắc sảo cùng những quan sát tinh tế đã "bắt" được căn bệnh xã hội hiện đại: Làm như thế nào để có thể vừa phát triển sự nghiệp, vừa nuôi dạy con cái?
Chia sẻ trong buổi ra mắt sách ngày 26/9 tại Trung tâm văn hóa Pháp, giảng viên Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng "cuốn sách đặt ra nhiều vấn đề rất gần gũi với phụ nữ Việt Nam".
Nhân vật người vợ Myriam sau khoảng thời gian ở nhà chăm hai đứa con toàn thời gian muốn bắt đầu lại công việc của mình. Để có thời gian cho công việc, đôi vợ chồng tuyển người giúp việc giúp họ trông giữ con cái. Dường như họ chọn được một người giúp việc hoàn hảo.
Louise - người vú em lần đầu tiên đến nhà đã biết làm thân với hai đứa trẻ, chị còn làm thêm không tính tiền rồi dần giúp đỡ gia đình nhiều công việc khác. Với sự giúp đỡ của vú em, công việc của hai vợ chồng thăng tiến, tình yêu của họ cũng được sưởi ấm. Người giúp việc xa lạ trở thành người không thể thiếu trong đời sống của họ.
Nhưng rồi dưới vỏ bọc cuộc sống hoàn hảo trong gia đình dần dần hiện ra nhiều rắc rối. Gia đình của Miryam không hiểu tại sao Louise không đòi thêm tiền hay sẵn sàng làm thêm giờ. Chị cũng không bao giờ tiết lộ đời sống cá nhân bất ổn của bản thân với một đứa con sinh ngoài giá thú đã bỏ đi cùng thời gian bị đánh đập bởi người chồng cũ.
Những gì Louise giấu diếm chỉ được phơi bày khi vụ án đã xảy ra và một nữ cảnh sát lần lại sợi dây nối kết cuộc sống của chị với những người có liên quan.
"Vấn đề câu chuyện không phải người giúp việc can thiệp như thế nào vào cuộc sống của chúng ta mà là câu chuyện của những người phụ nữ nói riêng và con người nói chung tìm chỗ đứng trong xã hội" - cô Hoàng Ánh nhận xét.
Cách Louise tìm chỗ đứng trong xã hội là mong người chủ coi chị như người trong nhà nhưng không có ai chấp nhận điều đó, mặc dù chị rất tận tụy với họ. Chính nỗi cô đơn, chính việc không ai yêu thương, không ai thấu hiểu dẫn đến hành động tuyệt vọng của người vú em là giết hai đứa trẻ rồi tự sát.
Câu chuyện là tiếng chuông cảnh tỉnh để mọi người quan tâm đến nhau hơn. Chúng ta nên nhận thấy rằng nỗi khổ về miếng cơm manh áo không phải là tất cả. Đừng để người đang sống bên cạnh mình ngoài mặt thì bình thường nhưng trong lòng cảm thấy vô cùng đau khổ vì không được lắng nghe, thấu hiểu.
Với câu hỏi "cuộc sống hiện đại, trả giá thế nào là hợp lý?", cô Hoàng Ánh cho rằng chúng ta không thể có một lời giải về sự cân bằng. Mỗi người có một cuộc sống khác nhau, và chỉ họ mới biết điều gì giúp họ cân bằng sự nghiệp lẫn cuộc sống gia đình. "Bí quyết của tôi là tự tìm ra bí quyết của mình" -cô Hoàng Ánh nhấn mạnh.
Với cô giáo Nguyễn Thanh Nguyệt, Người lạ trong nhà là tác phẩm đặc biệt. Tác phẩm xoay quanh trục chính là hai người phụ nữ: Myriam và Louise với những mâu thuẫn ngấm ngầm cùng sự gắn kết, phụ thuộc chặt chẽ. Chính sự tinh tế trong mối quan hệ giữa hai nhân vật là nét đặc sắc trong tác phẩm mang đậm nét trinh thám này.
Tác phẩm có văn phong đậm chất thơ, tuy vậy những khoảng cách tâm lý, góc khuất tâm hồn đều được tác giả mô tả bằng ngòi bút sắc nét. Nhịp điệu trong sách là nhịp điệu kể chuyện không có hồi kết với một tiến trình đi từ bề mặt rồi cắt lớp nó để nhận ra những vấn đề bất ổn đằng sau đó.
Lối kể chuyện thông minh và am hiểu xã hội đã giúp Người lạ trong nhà trở thành câu chuyện tiêu biểu của dòng tiểu thuyết tàn khốc đầy xót xa cùng Những cô hầu gái của Jean Gennet (1947), Nghi lễ của Claude Chabrol (1995).
Tác giả Leila Slimani (sinh năm 1981) là nhà báo, nhà văn người Pháp gốc Maroc. Năm 2014, cô xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay Khu vườn của yêu tinh được lọt vào danh sách chung khảo của giải Flore.
Cuốn tiểu thuyết Người lạ trong nhà dành giải Goncourt 2016 - một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất nước Pháp.
Thanh Nhàn - Zing.vn