“Từ Hà Bắc tới Trường An, trên những trục đường cổ, đao hỏng kích gãy và hài cốt nằm rải rác khắp nơi. Thi thoảng còn xuất hiện chó hoang tha xương người chạy dọc ven đường, nhe nanh trợn tròn cặp mắt đỏ au. Đôi khi chúng bám theo cả những người đi đường, răng nghiến ken két. Đưa mắt nhìn quanh chỉ thấy thôn xóm hoang tàn, cỏ dại mọc tràn lan, cùng vài vết máu khô bám trên những vách tường đổ nát thê lương trong gió.”
“Tiếng đàn văn vẳng, trong núi như có người chết sống lại, lấy da người làm trống, lấy xương người làm dùi, gõ nhịp trống thần bí xa xăm. Lại có lân quang từ hài cốt hóa thành lửa ma trơi lấp lánh, múa lượn dưới ánh trăng.”
***
Bộ sách 81 Án Tây Du gồm có:
***
[Review] 81 án Tây Du – Đại Đường Phạm Thiên Kí
DECEMBER 29, 2019
HA LAM
Tên: 81 án Tây Du – Đại Đường Phạm Thiên ký.
Tác giả: Trần Tiệm.
Thể loại: trinh thám
Đây là quyển thứ ba trong chuỗi “81 án Tây Du” của tác giả Trần Tiệm. Trong tập này, Đường Tăng khi ấy đã trải qua mười hai năm học tập ở chùa Na Lan Đà, trở thành một đại tăng đức cao vọng trọng ở Tây Vực. Những vụ án cuốn ngài vào lần này còn rắc rối hơn cả trước đây, liên quan tới sự tồn vong của nhiều quốc gia ở cả Tây Vực và Đại Đường.
Đọc hết cuốn sách, mình mở lại trang đầu để tìm lại một số thông tin, bỗng cảm thấy như vừa trải qua một kiếp người, thật thật ảo ảo, mộng tưởng và hồi ức đan xen vào nhau. Như Đường Tăng nói với Giới Nhật Vương:
“Thưa bệ hạ, bần tăng không bao giờ so sánh thật với giả”.
“Sao?”, Giới Nhật Vương hỏi: “Vậy nên so sánh thật với thứ gì?”.
“Ảo!” Huyền Trang nói: “Phật gia nói thật chính là không điên đảo, không hư vọng, không thể bàn cãi, chí lí vĩnh hằng. Nhưng vĩnh hằng này trên thực tế cũng nằm trong sinh diệt vô thường, vạn vật như bong bóng. Đó chính là ảo. Thật và ảo là sự khác nhau của các tầng lớp sinh mệnh. Bệ hạ hãy xem tổ kiến dưới gốc cây sa la kia”.
Giới Nhật Vương nhìn lại, bên cạnh sân khấu kịch, dưới gốc cây sa la quả nhiên có một tổ kiến.
“Kiến chúa ngồi trên vương toạ nhìn kiến thợ trong vương quốc vất vả bận rộn nuôi dưỡng nó, nó đương nhiên cho rằng đây là chân thật chứ không phải hư ảo” Huyền Trang cười nói: “Nếu có ngày nó luân hồi vãng sinh thành người, đứng dưới gốc cây nhìn tổ kiến này, nhìn kiến chúa trên vương toạ và nhớ lại kiếp trước, vậy đó là chân tướng hay là ảo giác?”
Quyển sách thứ ba này không làm mình thất vọng. Với lối kế chuyện mang đầy Phật pháp như hai quyển đầu, cùng màu sắc li kì hoang đường nhưng được lí giải cặn kẽ, tác giả đã nói về sự sống và cái chết, tình yêu và sự luân hồi nghiệp quả kiếp trước kiếp này một cách thuần thục tài tình.
Một điểm mình nhận thấy ở ba quyển là quyển nào cũng có tình yêu chân thành sâu sắc đến chết đi sống lại giữa đôi trai tài gái sắc nhưng bị chia tách. Ờm, chỉ là điều mình nhận thấy thôi, không có ý gì khác hết.