Một cô gái trẻ quyết định năm nay không về nhà ăn Tết bằng cách thông thường nữa. Nhà cô cách trường 3.395km.
Và từ mùa đông
Bắc Kinh cóng buốt về mùa xuân
Hà Nội ẩm ướt, dưới cái lạnh âm độ C, mưa tuyết và sương mù dày đặc, cô đạp xe dọc theo những đường nội hạt, đường vành đai, đường quốc lộ, đường đồi núi cheo leo, đêm tối ngủ nhờ dưới mái nhà của những con người hào hiệp hoặc trong một nhà trọ tồi tàn. Có ít nhiều gian nan, có vài lần hung hiểm, có đôi bận chực nản chí, nhưng cô sẽ quên ngay khi chuyện vừa qua. Chân cô guồng rất nhanh nhưng đôi mắt và trái tim cô thả chậm, để cảm nhận bao con người, bao câu chuyện, bao cuộc đời và quan trọng nhất là bao tấm lòng...
"Tôi đã gặp gỡ, phỏng vấn Xu để viết cuốn sách này trong hơn một năm. Chúng tôi đã gặp nhau khi tôi vẫn còn làm việc ở một toà soạn, khi tôi thực sự rất thoải mái về tinh thần và tiền bạc, chúng tôi tiếp tục gặp nhau khi tôi bỏ việc và gặp khó khăn về tài chính, khi tôi gặp thất bại trong chuyện tình cảm… Tôi viết cuốn sách này khi ở ngồi trên ô tô từ Bắc vào Nam, viết trên máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, viết ở Yangon, ở Phnom Penh, ở Bangkok, ở Singapore… Tôi viết vì cảm thấy đây là một câu chuyện cần phải được kể lại, và có lẽ tôi chính là người được chọn để kể lại. Tôi viết vì một lý do cá nhân khác, vì cảm thấy việc tiếp tục viết khiến tôi được truyền cảm hứng và có đủ sức mạnh bước tiếp."
(Đinh Phương Linh)
***
Có một trang Facebook rất nổi tiếng tên là Humans of New York. Có tới hơn 13 triệu người đăng ký theo dõi thường xuyên trang này, và mỗi bức ảnh mà trang đưa lên thường có vài trăm nghìn lượt like. Trang này có nội dung gì? Thật ngạc nhiên, nó đơn giản là đi chụp những bức ảnh mà thường là, chân dung của mọi người. Bất kỳ ai. Kèm với câu chuyện về họ, của họ. Hóa ra, không mảy may diêm dúa, chúng ta rất quan tâm tới những câu chuyện của con người.
Tôi có một niềm hứng khởi bất tận ở việc trò chuyện với con người. Trong mỗi vùng đất tôi qua, mỗi chuyến xe ôm tôi vẫy, mỗi quán bún tôi ăn, mỗi hàng trà đá tôi ngồi, tôi đều cố gắng bắt chuyện. Khi đó, tôi luôn nghĩ, đây là lần đầu tiên nhưng cũng chắc là lần cuối cùng tôi có dịp trò chuyện với con người này. Và họ sẽ làm đầy thêm cái lọ vốn sống nhỏ bé của tôi, với câu chuyện của họ. Thường thì những cuộc trò chuyện ấy rất cởi mở và thú vị. Con người không khép kín như ta vẫn tưởng. Nhu cầu giao tiếp, chia sẻ của mọi người là rất lớn. Thậm chí tôi nghĩ, có thể đó là sự khát thèm.
Trên thế giới phổ biến từ lâu một tổ chức có tên là Couchsurfing. Họ kết nối với nhau qua Internet, và trao đổi với nhau qua website thông tin về các vùng đất, về kinh nghiệm đi phượt, về thời tiết ở khắp nơi và những khuyến cáo cho những khách du lịch thiếu thông tin. Nhưng trên hết, họ thành lập một cộng đồng những người sẵn sàng cho người khác ở nhờ nhà miễn phí. Theo cách đó, có những người đi qua nhiều quốc gia một cách rất tiết kiệm.
Không phải ai cũng cho ở nhờ được. Mỗi thông tin về người cho ở nhờ đều được kiểm chứng kỹ càng. Các chủ nhà được chính những du khách ở nhờ bình chọn, đánh giá, xếp hạng. Những chủ nhà hiếu khách và cư xử tốt sẽ được đối xử tương tự nếu một lúc nào đó đi du lịch và ở nhờ thành viên khác của Couchsurfing.
Tất nhiên, dù thế nào, chốt lại vẫn là vấn đề lòng tin. Ở con người.
Tôi mới đọc xong một cuốn sách, đúng hơn là một bản thảo, về hành trình của một cô sinh viên Việt Nam, hành trình bằng xe đạp, theo kiểu mà người Trung Quốc gọi là “thiên lý độc hành”.
Cô gái nhỏ bé trong cuốn sách này làm giàu vốn sống của mình theo cách rộng và dài hơn tôi rất nhiều. Cô ấy đạp xe vượt qua hơn 3.000 km, từ Bắc Kinh về Hà Nội. Đấy, để kể lại cả hành trình ấy, có thể vắn tắt vậy thôi: “đạp xe từ Bắc Kinh về Hà Nội”. Nhưng đó thực sự là một hành trình mà người ta có thể gọi là “chuyến đi của cuộc đời”.
Tôi không đếm cuốn sách có bao nhiêu chương.
Tôi không tính bao nhiêu địa danh cô gái đã đi qua.
Tôi không tính bao nhiêu người cô ấy đã gặp, bao nhiêu ngôi nhà cô ấy đã ngủ nhờ.
Ngay từ chương đầu tiên, khi biết cuốn sách viết về cái gì, tôi chỉ phập phồng một mối lo âu: Sẽ có một điều xấu xảy ra với cô ấy dọc đường.
Bởi vì cô gái này chọn cách di chuyển bằng xe đạp.
Bởi vì cô gái này chọn cách ngủ nhờ nhà rất nhiều người, ngay cả ở những nơi hẻo lánh rừng xanh núi đỏ.
Bởi vì cô gái này thực hiện chuyến đi một mình, với tất cả những bất trắc mà chính cô ấy cũng không hề có kinh nghiệm đối phó.
Sự phập phồng lo lắng ấy hành hạ tôi đến tận những trang cuối cùng. Để rồi...
Để rồi tôi phải đọc lại cuốn sách một lần nữa, với một tâm thế khác. Khi tôi đã hiểu thực sự cuốn sách này viết về cái gì, và nó chuyển tải thông điệp gì.
Tôi cần phải gác lại nỗi lo sợ, sự bất tín vào lòng tốt, vào sự tử tế của con người.
Chỉ khi đó, tôi mới có thể thích thú thực sự với từng bữa sáng có món bánh bao nước, có quẩy và sữa đậu nành, với từng con dốc đầy đá dăm có thể chọc thủng cả lốp xe đạp địa hình, với từng ngôi nhà mở rộng cửa đón tiếp một người xa lạ, ngay cả khi chủ nhà cũng đang chật vật với cuộc mưu sinh.
Che Guevara từng nói: “Hạnh phúc không nằm ở đích đến, nó nằm trên từng chặng đường đi”. Điều đó tuyệt đối đúng.
Còn có gái nhỏ trong cuốn sách này thì nói: “Tôi biết, góp một phần lớn vào việc hoàn thành hành trình này của tôi là những cuộc gặp gỡ, những lời động viên giúp tôi tăng thêm tinh thần. Những người tôi gặp trên đường nói rất nhiều với tôi, ví dụ họ muốn được như tôi, họ muốn có thời gian, họ muốn được điên một lần trong đời... Tôi có cảm giác sự giúp đỡ chân thành mà tôi nhận được giống như một lời gửi gắm những mong muốn của mọi người vào tôi. ” Lời ấy cũng đúng.
Những khát vọng tuổi trẻ nhiều khi chỉ đơn giản dồn trong một cuộc bốc đồng. Một cái mím môi quyết định, và thế là ta thấy mình lăn trên đường. Lăn như một hòn đá, để thấy mình đang sống, đang còn mạnh mẽ trong từng cú va tóe lửa. Đang không bị phủ rêu như cối đá an toàn nơi góc sân.
Và để có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, rồi lại tin ở con người.
Nhà báo Phạm Gia Hiên
Mời các bạn đón đọc
Đường Về Nhà của tác giả
Đinh Phương Linh.