Bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh đã được dịch ra lần đầu tiên bởi Hoàng Văn Hòe và xuất bản ở miền Bắc trước năm 1970. Hiện bộ công trình có hệ thống mộc bản khắc in từ thời vua Tự Đức được lưu giữ tại Bảo tàng Bắc Ninh, mộc bản được làm từ gỗ thị, mỗi mặt ván có khoảng 16 dòng, mỗi dòng có 21 chữ, có tất cả 2209 mặt.
Bộ sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển, nội dung gồm:
1. Tập đầu: Có bài tựa, Phàm lệ mục lục và Y nghiệp phần chương nói về nghề y, thái độ tư cách, khái quát bộ sách và tập thơ Y Lí Thâu Nhàn.
2- Tập Nội Kinh Yếu Chỉ: nêu khái yếu về cuốn kinh điển Nội kinh.
3. Tập Y Gia Quan Miện: Khái niệm về Âm dương, Ngũ hành, quẻ số, can chi, mạch yếu.
4. Tập Y Hải Cầu Nguyên: Soạn những lời thiết yếu của các tiên hiền, chú giải kỹ để làm rõ những điều huyền bí.
5. Tập Huyền Tẫn Phát Vi: Nói rõ công dụng mở đầu của ‘Tiên thiên’, máy Âm dương, khiếu Thủy Hỏa và cách phân biệt chứng trạng, dùng thuốc.
6- Tập Khôn Hóa Thái Chân: gồm có công dụng nuôi sống của ‘Hậu thiên’ nguồn gốc của khí huyết, cách luận bệnh xử phương.
7- Tập Đạo Lưu Dự Vận: đem các ý nghĩ còn nghi hoặc, chưa rõ nghĩa trong các sách, cùng với những chỗ người xưa chưa nói đến để biện luận rõ ràng mà bổ sung vào những chỗ còn thiếu sót.
8. Tập Vận Khí Bí Điển: chọn lấy bài phú Chiêm Vận, phong giác của họ Vương và thiên Ngọc Lịch, ngũ hành, chia ra cách xem mây, xem gió, chủ vận, khách vận, chủ khí, khách khí, lập thành từng cách nghiệm đoán.
9. Tập Dược Phẩm Vậng Yếu: chọn lấy 150 vị thuốc thường dùng trong Bản thảo, chia làm 5 bộ để tiện tra khảo.
10- Tập Lĩnh Nam Bản Thảo: soạn các vị thuốc cây cỏ ở Lĩnh Nam (bao gồm Việt Nam và miền Nam Trung quốc), chia thành môn loại, chú thích tính chất, cách chữa, cách thu hái...
11- Tập Ngoại Cảm Thông Trị bàn về nước Nam ta không có bệnh thương hàn, mắc bệnh ngoại tà, đều là bệnh cảm mạo, tác giả không theo hình chứng lục kinh của Thương hàn luận nhưng Lãn Ông đã sáng chế ra 3 phương giải Biểu, 6 phương hòa Lý để chữa tất cả các bệnh ngoại cảm.
12- Tập Bách Bệnh Cơ Yếu: chọn lấy các bệnh, môn trong sách kinh điển, xét nguyên nhân, cơ chế bệnh, phân biệt chứng trạng hư thực, tiên lượng cách chữa, xử phương, dụng dược.
13. Tập Y Trung Quan Miện: soạn những điều hay mà tác giả đã lĩnh hội được ý nghĩa sâu sắc, những điểm cốt yếu.
14. Tập 'Phụ Đạo Xán Nhiên" chọn lọc trong các sách Phụ khoa những vấn đề về kinh nguyệt, đới hạ, thai, sản... lấy những điểm thiết thực cốt yếu, bỏ chỗ rườm rà… đồng thời bổ sung thêm những ý kiến của tác giả.
15. Tập "Tọa Thảo Lương Mô", tác giả thấy trong nhiều sách trước đó về Sản khoa viết rườm rà, được điều nọ, mất điều kia nên ông soạn, sắp xếp lại, bổ sung hoàn chỉnh hơn.
16. Tập Ấu Ấu Tu Tri: tác giả thấy trong nhiều sách Nhi khoa trước đó viết rời rạc, không thống nhất nên tác giả đã soạn lại, xét nguyên nhân cơ chế bệnh sinh, phân biệt chứng trạng cách chữa, xử phương làm chỗ cốt yếu và thêm phần tâm đắc.
17. Tập 'Mộng Trung Giác Đậu: trình bày đầy đủ các kiến thức về bệnh Đậu... và bổ sung thêm kinh nghiệm đặc sắc phong phú.
18. Tập Ma Chẩn Chuẩn Thằng: soạn các phương pháp và kinh nghiệm tâm đắc trong điều trị bệnh sởi.
19. Tập 'Tâm Đắc Thần Phương: trong khi lâm lâm sàng, tác giả đã hết sức suy nghĩ chọn ra nhiều phương thuốc thần diệu trong Phùng Thị Cẩm Nang.
20. Tập "Hiệu Phỏng Tân Phương: trong khi lâm sàng tác giả đã hết sức suy nghĩ lập ra nhiều phương thuốc đáp ứng với tình thế khó khăn.
21. Tập Bách Gia Trân Tàng: tiếp thu bí phương của ông ngoại truyền lại cùng thu thập các phương thuốc quý, chữa được nhiều trường hợp khó.
22. Tập Hành Giản Trân Nhu: chọn lấy các bài thuốc có những vị thuốc Nam, thuốc Bắc thông thường, dễ kiếm, tiện dùng.
23. Tập Y Phương Hải Hội: tập hợp soạn các thang tễ, hoàn tễ trong các sách, rườm rà thì giảm đi, thiếu thì bổ sung thêm.
24. Tập Y Án, Dương Án: Tập hợp tâm đắc suy nghĩ về những trường hợp nguy nan mà chữa thành công.
25. Tập Y Án, Âm Án: tập hợp những bệnh án bệnh nặng, khó, tình thế tuyệt vọng dù cố hết sức mà không kết quả để rút kinh nghiệm.
26. Tập Truyền Tâm Bí Chỉ hoặc còn gọi là Châu Ngọc Cách Ngôn, biện luận rõ ràng đầy đủ những nghĩa lý sâu xa trong sách, những chỗ tinh hoa của y thuật.
27. Tập Vĩ. (cuối) là cuốn Thượng Kinh Ký Sự, thuật lại cuộc lên kinh thành chữa bệnh cho Chúa Trịnh. Chỉ với giá trị sử học, văn học của cuốn ký sự này đã làm cho sự nghiệp văn hóa của Hải Thượng Lãn ông nổi danh không kém gì sự nghiệp y học của tác giả.
Về sau đă thu thập được hết 2 cuốn là Nữ Công Thắng Lãm và Vệ Sinh Yếu Quyết.
28. Tập của Pho Sách Bách Khoa Thư về Đông y "Lãn ông tâm lĩnh" là 28 viên ngọc quý, 28 vị sao (nhị thập bát tú) của bầu trời Y học phương Đông.
***
Lê Hữu Trác vốn có tên cúng cơm là Huân, biểu tự Cận Như, bút hiệu Quế Hiên, Thảo Am, Lãn Ông, biệt hiệu cậu Chiêu Bảy, cuộc đời ông phần nhiề gắn bó với ở quê mẹ thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Ông là con thứ bảy của tiến sĩ Lê Hữu Mưu và phu nhân Bùi Thị Thưởng.
Tuy chịu ảnh hưởng của y học Trung Hoa nhất là Phùng Thị nhưng Lãn Ông đã có óc sáng tạo vận dụng y lí hợp với hoàn cảnh khí hậu và thể chất của người Việt Nam và đã sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh, như ở các cuốn Lĩnh Nam Bản Thảo, Bách Gia Trân Tàng và Hành Giản Trân Nhu. Nhận định về Lĩnh Nam không có thương hàn, Lãn Ông đã lập ra nhiều phương thang mới ghi ở cuốn Ngoại Cảm Thông Trị. Đặc biệt trong 2 cuốn Dương Án và Âm Án, ghi lại những y án và phân tích về những bệnh đã chữa khỏi hoặc không chữa được. Cuốn Châu Ngọc Cách Ngôn để lại cho chúng ta những điều căn dặn rất bổ ích về chẩn đoán trị liệu và những sai lầm tai hại cần tránh.
Thân thế và sự nghiệp của Lãn Ông đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với giới Đông y Việt Nam cả về mặt đạo đức và chuyên môn.
Mời các bạn đón đọc
Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh của tác giả
Lê Hữu Trác.