DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Hiện Tượng Luận Về Hiện Sinh - Lê Thành Trị

Tác giả Lê Thành Trị
Bộ sách
Thể loại Triết Học
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook prc pdf epub azw3
Lượt xem 5941
Từ khóa eBook prc pdf epub azw3 full Lê Thành Trị Triết Học Hiện Sinh
Nguồn nhatbook.com
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Do Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá xuất bản vào cuối năm 1969, Hiện Tượng Luận về Hiện Sinh đáng lẽ phải kịp thời tái bản cách đây chừng ba năm hầu sớm tiếp tục đáp ứng đòi hỏi thịnh tình của quý độc giả. Lực bất tòng tâm, xin quý vị lượng thứ. Lần tái bản này, do Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên (Trung Tâm Học Liệu) hoan hỉ đảm trách. Chúng tôi kính xin Quý Bộ và Quý Trung Tâm nhận nơi đây lòng tri ân sâu xa của chúng tôi.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn một số độc giả đã hạ cố gởi đến cho chúng tôi nhiều chỉ giáo và nhận xét quý báu liên hệ đến nội dung và trình bày cuốn Biên khào này. Chúng tôi mong có dịp đề cao những nhận xét hoặc chỉ giáo ấy. Chúng tôi không sửa chữa hoặc thêm bớt gì trong nguyên văn đã xuất bản lần thứ nhất, ngoại trừ một số lỗi lầm ấn công. Riêng đối với Sinh viên Đại học Văn Khoa, cuốn biên khảo này luôn luôn sẽ là những tài liệu cần thiết và hữu ích.

Hiện Tượng Luận Về Hiện Sinh
NXB Bộ Giáo Dục 1974
Lê Thành Trị
458 Trang

***
Không có địch thì người lính chiến biết lấy gì mà tự lượng khả-năng và giá-trị của mình? Cho nên đời người, trong ý-nghĩa hiện-sinh của nó, là cả một tân thảm-kịch, bi-ai, đời người là một chiến-trường trong đó, thù địch không ai khác hơn là chính mình và đồng-loại của mình, những thù địch ấy không thể triệt-tiêu đựơc, mà chỉ có thể thuyết-phục, chiêu-hồi, cải-tạo và đem họ về với mình về với chính nghĩa, chỉ có con đường ấy và sách-lược ấy người mới có may mắn gặp lại tự-tình đích thực của mình. Con đường ấy là con đường “cải-cách hiện-sinh” của “người ta”.

Không riêng gì ở Việt-Nam mà hầu như khắp nơi trên thế-giới, hai chữ Hiện-sinh thường được hiểu như là một lối sống kỳ-dị, đam-mê, buông trôi, thác loạn, bất chấp dư-luận và đạo-đức. Một cách tổng-quát, bất luận nam hay nữ mà trong cách phục sức, đứng ngồi, trò truyện, đi lại và trao đổi tâm tình với nhau, tỏ ra tự-do phóng-túng, đều bị liệt vào loại hiện-sinh. Có người còn cho rằng hiện-sinh đang giựt gân kích-động-nhạc, đang điều-động tứ quái, đang nuôi-dưỡng Hip-py và Bi-tơn. Và dưới những bộ mặt ấy hiện-sinh đang bị đạo-đức và Truyền-thống dân-tộc ngó nhìn với những cặp mắt nghi-ngờ, khinh-miệt…

Ấy, người ta thường nhìn Hiện-sinh là như vậy. Nhưng nếu Hiện-sinh chỉ có thế thôi, thì dư-luận quả đã không mấy bất công đối với những tên tuổi đã trực-tiếp hay gián-tiếp khai-sinh ra phong-trào hiện-sinh, mà chúng tôi cũng đã không mấy được khuyến-khích cố-gắng để có thể gởi đến quý liệt vị cuốn lược-khảo này.

Thực vậy Hiện-sinh trước hết là một triết-lý. Triết-lý của những cá-nhân lỗi lạc ở thế-kỉ hai mươi đã từng suy-tư từ trong cuộc sống bản-thân cũng như của đồng loại, và đã biến triết-lý ấy thành một môn học, thành triết-học hiện đang chiếm một địa vị đáng kể trong lịch sử suy-tư nhân-loại.

Viết cuốn sách này, chúng tôi không có hoài vọng nào khác hơn là giúp một số người muốn tìm hiểu ý-nghĩa đích thực của triết-thuyết hiện-sinh. Triết-lý hiện-sinh có gì khác hơn những nếp sống hàng ngày đang phơi bày trước mắt chúng ta, hoặc những tâm-tình, tư-tưởng, uỷ-mị, ướt-át, bi-quan, phóng-túng, nhiều ít mô tả trong các ấn-phẩm Việt-Nam gần đây? Hiện-sinh như là triết-học có phải là một hệ-thống suy-tư toàn diện và nghiêm chỉnh chặt-chẽ khả-dĩ đáng cho ta lưu-ý và nghiên-cứu như những công trình văn hoá của nhân-loại không? Hiện-sinh có phải là một triết-lý có tính cách khoa học, mathesis universalis, khả-dĩ làm nòng cốt cho mọi suy-tư con người trong tương-lai, và giải-thích được giòng lịch-sử nhân-loại đã qua không? Độc giả có thể phán xét những giòng chữ sắp đọc đã có những tác dụng nào trong việc làm sáng tỏ những vấn-đề trên đây.

Dầu sao chúng tôi cũng muốn hy-vọng rằng từ ý-thức về các sắc thái đa tạp của triết thuyết hiện sinh, con người sẽ thấy rõ hơn thế nào là người đời và thế nào là đời người, với tất cả những kích thước khả-thể của mình, của nhân-loại, trong tương-quan sáng tạo với Thiên nhiên, và để nhờ đó con người sẽ bớt trừu-tượng hơn, bớt ảo tưởng hơn, bớt kiêu-căng, hung hăn hơn, hầu cùng với tha-nhân chung lưng đấu cật tái-tạo và kiện toàn một cuộc sống cộng-động cụ-thể hơn, khoan dung và cởi mở hơn, công-lý và thanh-bình hơn. Phải chăng trí nhân tác triết là như vậy?

Chỉ tiếc rằng tài-năng của người biên soạn đã không tương-ứng với hoài vọng trên. Thực vậy, ngồi đọc lại bản thảo trước khi đưa tới nhà in, chúng tôi không khỏi ái ngại cho việc làm của mình, khi thấy mình đã vô tình hay hữu ý bỏ qua nhiều điều khá quan yếu, đáng lẽ cần được đề-cập tới, dầu là một cách đại-cương, cũng như khi thấy mình chưa diễn-tả đúng mức mong muốn những gì mình đã viết ra. Vả lại mình là người phàm, các triết-gia là những nhân tài xuất chúng. Quod Jupiter, non bovi. Họ có thẩm quyền nói những gì mình không được nói hoặc không nói được. Thành ra nhiều lần chúng tôi tự hỏi không biết đã diễn tả đúng mức tư-tưởng và chủ trương của các triết-gia hiện-sinh chưa.

Trong cuốn này chúng tôi đã trình-bày Kierkegaard, Nietzsche, Jaspers, Sartre và Heidegger. Trong một cuốn khác chúng tôi sẽ đề cập tới Gabriel Marcel, Merleau Ponty, Albert Camus và Simone de Beauvoir, mặc dầu cũng như lần này, chỉ là một cách đại cương.

Chúng tôi chân thành cảm tạ thư-viện Goethe Institute thuộc toà Đại-sứ Liên bang Tây Đức đã cho phép chúng tôi sử-dụng một số tài-liệu, cảm ơn Phủ Quốc-Vụ-Khanh Đặc-Trách Văn-Hoá, trong chủ-trương dung-hợp và phổ-biến văn-hoá ngoại-quốc, đã chấp thuận in và xuất bản cuốn sách này, và chúng tôi quý mến lòng tốt của nhiều người bạn đồng nghiệp thuộc các viện Đại-học Việt-Nam đặc biệt Saigon và Đà-lạt, đã khuyến khích tôi trong việc biên soạn.
Mùa Hạ 1969
L.T.T
***

Ý NGHĨA TỔNG QUÁT CỦA TRIẾT LÝ HIỆN SINH

1. Từ kinh nghiệm đến triết lý

Tư trào hiện sinh khởi sắc từ kinh nghiệm sống mãnh liệt của những thế hệ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Khoa học và kỹ thuật không ngừng cải tiến, hứa hẹn. Kinh tế phát triển. Tài chánh gia tăng theo nhịp điệu khám phá vàng bạc và các nguồn lợi ở thuộc địa. Riêng Đức quốc, sau trận giặc 1870, nhờ Bismark, đã trở nên một cường quốc số một ở Âu Châu về kinh tế và kỹ thuật. Nhưng đồng thời người ta thấy tình trạng bất an ngày càng gia tăng. Âu Châu chờ đợi một sự trả thù của người Đức. Đệ nhất thế chiến quả nhiên xảy đến và kết thúc. Hòa ước Versailles không biện hộ cho bên nào cả: dân tộc của Bismark vẫn cho là mình có lý, đồng minh cũng không quên dành lẽ phải về phía những kẻ sống bên này sông Rhin. Hòa ước Versailles là một tờ giấy vô nghĩa kết thúc bốn năm máu chảy thịt rơi của hàng triệu con người hy sinh cho tử thần và không cho một chính nghĩa nào cả. Nhưng điều làm cho chiến sĩ đau lòng hơn cả là trong hoàn cảnh chiến tranh như đệ nhất thế chiến, con người cơ hồ thấy mình biến thành con số vô danh hay những tấm thẻ vô hồn trong guồng máy chiến tranh. Thú tính hoặc cơ tính đã thay thế cho nhân tính. Kinh nghiệm đau buồn ấy G. Marcel đã ghi vội lại bằng những nét đậm sau đây:

“Tôi thấy mình bắt buộc phải chú ý đến những kẻ bị mất tích, và liên tục thấy rõ trong trí óc một trong những cảnh tượng ghê sợ nhất, đau thương nhất cho tâm trí, đó là sự xáo trộn mà mình đành phải đóng vai kẻ bàng quang, uất hận… Nhưng chưa hết. Tôi không thể nghi ngờ được nữa rằng việc tìm kiếm người mất tích đã khiến tôi suy nghĩ đến những điều kiện của mọi công cuộc điều tra, thẩm vấn, và từ đó một cách gián tiếp khiến tôi phân vân tự hỏi không biết có cách nào khác hơn là cứ theo thứ tự in sẵn mà hỏi và trả lời”[1].

Nói chung cơ cấu xã hội bị lung lay đến tận gốc rễ. Luật pháp, chính trị, chỉ là những trò múa rối, lừa đảo. Thậm chí luân lý, tôn giáo cơ hồ như không còn được kiêng nể. Xã hội bày ra quá nhiều thảm cảnh bi thương. Người ta mất hết tin tưởng. Như chiếc thuyền không lái, xã hội phó mặc cho những áp lực vô danh đưa đẩy, không định hướng. Người ta nghi ngờ hết mọi giá trị. Cuộc đời vì thế là một chán nản, buồn nôn, phi lý. Sau thế chiến, thanh niên không còn muốn nghĩ đến những gì nghiêm chỉnh, và đa số tìm thú vui buông trôi trụy lạc, bù lại những kìm hãm khe khắt, bó buộc vô nghĩa của những tháng ngày loạn ly.

Tại sao lại có tình trạng ấy? Đâu là nguyên nhân? Dĩ nhiên rằng chiến tranh gây ra tình trạng ấy. Nhưng tại sao lại chiến tranh? Tại sao chiến tranh gia tăng và mở rộng theo nhịp tiến phát của khoa học kỹ thuật? Tại sao, thay vì hoàn thiện hơn lên như thế kỷ ánh sáng và thế kỷ của ý thức hệ đã khẳng định, nhân loại càng ngày càng rơi vào hỗn loạn của chủ nghĩa bi quan hoài nghi?

Đó là những câu hỏi được đặt ra trong hoàn cảnh chiến tranh đầu thế kỷ 20. Sau đây là ý kiến của các triết gia hiện sinh:

2. Bất lực của khoa học chủ nghĩa

Song song với phát triển của khoa học nhất là ở thế kỷ 19, một tư trào xuất hiện, chủ trương rằng khoa học là vạn năng, giải đáp tất cả vấn đề nhân sinh, và không có gì huyền nhiệm trong vũ trụ. Dưới ánh sáng dẫn đạo của khoa học và kỹ thuật, nhất định con người sẽ được thỏa mãn về mọi phương diện, tinh thần cũng như vật chất. Lý trí khoa học là chiếc đũa thần khai mở kiến thức cho người và nhờ khả năng bất tận của nó, sẽ đem dần nhân loại đến hạnh phúc. Đó là khoa học duy lý chủ nghĩa, có thể nói rằng bắt đầu khởi sắc với Condorcet (trong cuốn Esquisse d’un tableau historique de l’esprit humain, 1794). Tư trào ấy đã gây được một niềm tin tưởng trong dân gian: người ta ngưỡng mộ khoa học và nhìn nhận đó là thần cứu tinh của nhân loại. Auguste Comte tưởng như muốn chấm dứt lịch sử nhân loại ở giai đoạn này của đế quốc khoa học.

Nhưng lịch sử đã chứng minh ngược lại. Chiến tranh 1870, thế chiến 1914 và, giữa hai cuộc chiến tranh đó, nhiều cuộc tranh chấp nóng, lạnh khác giữa các quốc gia hoặc giai tầng xã hội, cộng với những suy đồi tinh thần khác, cho thấy rằng sự phát triển xã hội không đồng nhịp, nhiều khi còn ngược chiều, với sự tiến tới của khoa học. Những biện pháp của lý trí không đem lại sự cải thiện nhân sinh. Nói khác đi lý trí khoa học không đồng điệu với lý trí nhân loại. Có một dị biệt giữa thiên nhiên và con người. Sự lạc quan trong phạm vi nhiên học không thể mở rộng cho phạm vi nhân học. Người không thể giản lược thành lý trí, kém hơn nữa, lý trí thực nghiệm.

Người ta có thể chấp nhận và chứng minh khoa học giải phóng con người. Nhưng đó là một giải phóng riêng phần, giới hạn. Tham vọng của duy lý thực nghiệm chủ nghĩa là hệ thức hóa con người toàn diện, và do đó đã thất bại. Mặt khác, lý trí không hẳn cố định như thế kỷ 18, 19 tin tưởng. Lý trí ấy đã đúc ra một chân lý cứng nhắc, thiên kiến và hẹp hòi, không linh động ứng đáp với sự thay đổi của thời cuộc.

Sự nứt rạn của lý trí khoa học cũng không mấy chờ đợi để gieo nghi ngờ trên quyền binh của nó. Những năm cuối thế kỷ 19, khoa học rơi dần vào một cuộc khủng hoảng còn kéo dài mãi đến ngày nay. Khủng hoảng nền tảng. Thuyết Quan-ta của Planck[2], thuyết Tương đối của Einstein, thuyết Bất-xác[3] của Heisenberg… tất cả đều nói lên sự phi lý của lý trí thực nghiệm. Không thể loại bỏ sự hiện diện của con người khỏi mọi công trình nghiên cứu khoa học. Chủ quan tính là một yếu tố cấu tạo nên sự kiện khách quan khoa học. Lý trí khoa học bị lịch sử tố cáo nhược điểm, bị những người đại diện tên tuổi của nó miệt thị và sửa sai. Lý do chính yếu là vì lý trí ấy đã nhìn con người như một hiện tượng vật lý không hơn không kém, nghĩa là đã không thấy vai trò của con người trong việc thẩm định mọi giá trị. Phải trở về với con người và lý tính của chủ thể nhận thức khoa học.

3. Khủng hoảng triết lý

Như thế nghĩa là sự hiểu biết khoa học không phải là ưu tiên luân lý đối với mọi kiến thức khác. Khoa học không phải là thủy và chung của nhận thức. Trái lại, kiến thức khoa học vốn đã dựa trên những tiền kiến đúc sẵn của người. Những tiền kiến ấy bản chất như thế nào?

Trong toàn bộ, triết học từ Platon đến Hegel vốn dựa vào uy quyền của lý trí, lấy lý trí làm tiêu chuẩn duy nhất trong việc tìm hiểu và giải thích vũ trụ, nhân sinh. Đối tượng của Triết học là khả tri. Đối tượng ấy là thực tại khách quan. Thực tại khách quan là thực tại lý tính, khách quan và lý tính là hai từ ngữ liên giao. Những gì không có lý tính (Platon, Aristoteles) không phải là đối tượng triết học. Vũ trụ, Thượng đế, Linh hồn, v.v… là những thực tại khách quan vì có lý tính.

Tư tưởng nhân loại trong vấn đề lý trí, từ sau Descartes chia làm hai ngả. Một tiến về hướng khoa học thực nghiệm, và lý tính sẽ đồng nhất với lý tính khoa học. Con đường rẽ thứ hai đưa đến việc Hegel tuyệt đối hóa lý trí trong cố gắng quy tất cả về lý tính. Vũ trụ, theo nguyên tắc, là khả tri và khả lý. Quan điểm thứ hai này gặp duy lý khoa học ở điểm cả hai đều tôn thờ lý trí như thần độc nhất, nhưng khác nhau ở chỗ lý của Hegel thuộc thứ hạng thuần lý, và lý của khoa học thuộc thứ hạng thực nghiệm hay toán học.

Lý tính khoa học thất bại như đã nói. Lý tính duy tâm cũng không thành công. Thực vậy, thực tại không thiết yếu là khách quan. Thực tại còn là chủ quan, hiểu theo nghĩa của chủ thể nhận thức và các hoạt động của chủ thể ấy. Nói rộng ra, người là một thực thể từ chối mọi cố gắng vật hóa bản chất của mình. Vì người không phải là một đồ vật hay một hiện tượng vật lý đồng hạng với các sự vật khác. Người là chủ thể của lý tính khoa học cũng như triết học. Lý tính dưới mọi hình thức nhằm ngoại vật chứ không vật hóa được chủ thể của mình. Trong mọi động tác nhận thức, toàn thể người được quan niệm như là thực sự hiện diện.

Lý trí chỉ là một động tác hay một thái độ nhận thức. Lý trí tự nó chỉ là một “khả năng” thuần túy. Không chất liệu, lý trí muôn đời trống rỗng, nghèo nàn. Đó là nói theo lý thuyết. Trong thực tế, người được cấu tạo bằng kinh nghiệm tiền luân lý, kinh nghiệm sống. Do đó, không làm gì có bàu trăng (Tabula rasa) của nội tâm như Locke nói, hay biểu ngữ ấy phải được hiểu theo nghĩa thuần túy luân lý của nó. Và, cũng do đó, có một ưu tiên hiện sinh của kinh nghiệm sống. Hoài nghi của Descartes không những chỉ có tính cách phương pháp mà hơn nữa chỉ là giả tạo. Hoài nghi là việc của tư tưởng, nhưng trước tư tưởng, con người Descartes đã sống bao nhiêu kinh nghiệm về sự hiện hữu của mình. Có một tiền giả định của hoài nghi Descartes. Công việc của triết gia là phải tìm đến ngọn nguồn, cho nên phải khai thác, phân tách, liên hệ hiện sinh trước khi bàn đến liên hệ suy luận, vì suy luận không thể có trên hư vô, mà chỉ có thể có trên những sự kiện. Những sự kiện tiền luân lý là gì? Đó là cảm giác, cảm xúc, v.v… tất cả những gì thuộc đời sống tình cảm. Mặt khác, cảm giác hoặc tình cảm, cũng là những động tác nhận thức, nhiều khi còn thâm thúy, hữu hiệu và đích thực hơn nhận thức lý trí, và lý trí không làm sao hiểu được. Nhưng nói đến cuộc sống cảm giác hay tình cảm, không thể không nói đến vai trò và ý nghĩa của thân thể. Thân thể hiện diện và là nền tảng của mọi nhận thức. Người ta không thể vật hóa một thân thể sống động của một chủ thể hoạt động trong thân thể ấy. Đó là vấn đề tự thân, một trong những mục quan trọng của triết lý hiện sinh. Người trước hết là thân thể.

Triết lý cổ điển như bị ngoại giới thôi miên, cứ tưởng rằng giá trị luân lý nằm ngay trong ngoại vật và định hướng cho mọi phán đoán. Không, mọi đánh giá phải được quy chiếu vào người và lấy người làm khởi điểm. Một cách tổng quát, người là trọng tâm của triết lý vì hai lý do:

Người là nguồn gốc của mọi thẩm giá, và là giá trị cao cả nhất trong vạn vật.

Người đóng vai trò quyết định trong mọi nhận thức.

Mời các bạn đón đọc Hiện Tượng Luận Về Hiện Sinh của tác giả Lê Thành Trị.

may-doc-sach

thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000