Những suy luận phá án một cách tài tình tới bất ngờ cho đến khi chân tướng xuất hiện, làm nên một câu chuyện hấp dẫn. Hồ Sơ số 113 thực sự là một tác phẩm trinh thám kinh điển hàng đầu, sánh ngang với những siêu phẩm như Sherlock Holmes của Conan Doyle hay Mười người da đen nhỏ của Agatha Christie. Với những độc giả yêu truyện trinh thám thực thụ, thì đơn giản đây là một trong những tác phẩm không thể bị bỏ qua.
Bối cảnh câu chuyện, Paris hoa lệ thế kỷ XIX. Câu chuyện bắt đầu từ một vụ trộm bí ẩn, kẻ trộm đã lấy đi một khoản tiền lớn từ két sắt “bất khả xâm phạm” của nhà băng André Fauvel. Chiếc két vẫn còn nguyên vẹn, không hề có dấu hiệu bị kẻ gian đột nhập, cậy phá, không một manh mối điều tra ngoài một vết xước nhỏ…
Một mô típ khá quen thuộc đối với những tác phẩm trinh thám. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Hồ sơ số 113 của Emile Gaboriau vẫn xứng đáng là một trong những tác phẩm trinh thám cổ điển nổi bật, vì cuốn sách ra đời từ rất lâu, có thể xem như là tác phẩm mở màn cho dòng tiểu thuyết trinh thám Pháp…
Vụ án không manh mối, mọi tình nghi tập trung vào hai người giữ chìa khóa của két sắt - Ông chủ ngân hàng André Fauvel và anh chàng thủ quỹ Prosper. Nhưng vụ việc liệu có thể đơn giản như vậy? Liệu còn có người thứ ba? Cho đến khi vị thanh tra “thiên tài” Lecoq vào cuộc.
Bằng tài năng điều tra và suy luận siêu phàm, thanh tra Lecoq đã từng bước vén bức màn bí ẩn đằng sau vụ trộm, đưa người đọc vào những cung bậc cảm xúc khác nhau: lúc căng thẳng hồi hộp qua từng tình tiết được hé lộ; lúc thương xót, cảm thông, lúc lại phẫn nộ, căm giận trước sự lừa dối, bạo lực…
Một thám tử Lecoq trẻ tuổi, mạnh mẽ có phần nào đó giống mẫu cảnh sát hiện đại. Lecoq có một xuất thân bí ẩn (theo tác giả giới thiệu là có quá khứ bất hảo nhưng đã hoàn lương), hành tung xuất quỷ nhập thần. Ông không ngại hóa trang đi khắp mọi ngóc ngách của thành phố Paris để điều tra vụ án. Lecoq cũng không tuân thủ luật pháp một cách cứng nhắc mà đã tìm ra cách giải quyết hợp tình, hợp lý nhất làm người đọc hài lòng.
Một điểm cộng của tác phẩm này chính là nghiệp vụ điều tra trong truyện được Gaboriau miêu tả khá tỉ mỉ và chi tiết, từ việc lấy dấu vết ở hiện trường, thẩm vấn nghi can, điều tra vụ án… Tất cả như những thước phim quay chậm, dưới nhiều góc độ.
Điều này khiến cho độc giả rất dễ theo dõi tình tiết phá án của truyện. Nhiều nhà nghiên cứu gọi kiểu truyện của Gaboriau là ''trinh thám tư pháp''. Đây cũng chính là nét khác biệt của tiểu thuyết trinh thám của ông với tiểu thuyết của Conan Doyle hay Agatha Chiristie, khi phá án chủ yếu dựa trên suy luận logic thuần túy.
Vụ án được phá giải là khi bức màn quá khứ được vén ra. Bạo lực, lừa dối, huynh đệ tương tàn, những trao đổi sai trái, những sinh mạng bị đánh cắp, những tội lỗi trong quá khứ dần được hé lộ. Một câu chuyện tình giống với Romeo và Juliet: tình yêu bị ngăn cản bởi gia đình và địa vị xã hội. Trong đó có cả những tình tiết xấu xa, có cả sự bí ẩn, cả yếu tố thơ mộng tình tứ của những mối tình mang đậm chất Pháp.
Valentine de La Verberie và André Fauvel có cuộc sống hôn nhân gia đình đáng ngưỡng mộ: Không một cuộc cãi vã nào và có 2 đứa con trai tài năng. Nhưng đằng sau cuộc hôn nhân tưởng chừng là mĩ mãn và hạnh phúc đó, bà bá tước Valentine lại mang trong mình một bí mật: đứa con riêng của bà và Gaston de Clameran - anh chàng người yêu hào hoa vượt chuẩn mực xã hội nhưng không môn đăng hậu đối với bà.
Có một đứa con ngoài giá thú là một hành vi mất đạo đức rất nghiêm trọng trong thế kỷ 19 và có thể bị trừng phạt. Vì danh dự gia đình, vì cuộc hôn nhân, bà Valentine đã buộc phải từ bỏ đứa con của mình. Cũng chính từ tình yêu và sai lầm tuổi trẻ này đã dẫn đến hàng loạt những âm mưu, tội ác sau này.
Trong câu chuyện của Hồ sơ số 113, luôn có những kẻ lừa đảo, như Louis de Clameran, Raoul de Lagors - những kẻ cố gắng tận dụng kẽ hở để kiếm lợi. Louis de Clameran được miêu tả là một người không bao giờ yêu cha và anh trai mình. Anh ta là một người lính tồi, sống như một kẻ lừa đảo, biết tất cả những tệ nạn cũng như đã lãng phí tài sản của gia đình mình.
Chính vì thế, Louis mới nghĩ ra cách để chiếm đoạt gia sản của nhà Fauvel và cả người anh trai Gaston de Clameran bằng cách để Raoul mạo danh đứa con ngoài giá thú của bà Valentine.
Mặc dù đến cuối cùng Louis de Clameran không bị Pháp luật buộc tội do hành động sai trái của mình gây ra (trộm ngân hàng) nhưng lại bị trừng phạt bằng cách không thể lấy được người con gái duy nhất mà hắn yêu và hóa điên.
Nhân vật Louis de Clameran được xây dựng như một hình thức để trừng phạt Valentine Fauvel, trừng phạt vì những bồng bột của tình yêu tuổi trẻ, về việc bà đã từ bỏ đứa con rơi của mình và những lời nói dối trong suốt mấy chục năm qua…
Gaboriau không quá đặt trong tâm vào câu hỏi ''Hung thủ là ai?'' mà đi sâu vào bản chất vụ án và tái hiện lại quá trình dẫn đến tội ác của hung thủ. Như vụ án trộm két này, đến 3/4 truyện hung thủ đã lộ diện và đoạn cuối độc giả chủ yếu theo dõi Lecoq tìm cách vạch mặt hắn.
Chính vì thế, mặc dù thuộc thể loại trinh thám cổ điển nhưng ở tác phẩm này vẫn thể hiện rõ sự logic trong quá trình phá án. Đến cuối cùng, dù không thể đưa hung thủ ra ánh sáng pháp luật nhưng đây vẫn là một cuốn tiểu thuyết đáng để đọc.
Là truyện trinh thám nhưng Hồ sơ số 113 vẫn chịu ảnh hưởng bởi trào lưu văn học lãng mạn Pháp. Đằng sau thế giới hào nhoáng với những quý tộc luôn thể hiện sự tinh tế, khéo léo, đài các và sang trọng là những mặt tối của xã hội: định kiến giai cấp, xã hội kim tiền, những dối trá và lừa lọc… Nhưng trên hết, tác phẩm này đề cao tình yêu và sự bao dung.
Là nhân vật phải chịu nhiều dằn vặt và đau đớn nhất truyện nhưng Valentine de La Verberie lại là người đàn bà may mắn khi có hai người đàn ông yêu thương hết mực. Đầu tiên, là mối tình đầu Gaston de Clameran, thứ tình yêu của tuổi trẻ đầy say mê.
Vì tình yêu Valentine de La Verberie sẵn sàng vượt lên những định kiến xã hội, những rào cản gia đình và Gaston de Clameran, dù đã hàng chục năm trôi qua, dù người mà chàng yêu đã phản bội lời thề vẫn vượt đại dương xa xôi để trở về với hi vọng được gặp lại nàng Valentine dưới gốc lê năm nào.
Tình yêu thứ hai là André Fauvel người chồng giàu có và tốt bụng, người đã che chở và cho bà tình yêu cũng như là chỗ dựa trong suốt những năm qua. Người đàn ông ấy có tấm lòng bao dung, nhân hậu và sẵn sàng tha thứ cho mọi tội lỗi của người vợ trong quá khứ vì trái tim ông muốn thế cũng như những năm tháng hạnh phúc họ sống bên nhau.
Bên cạnh chuyện tình ngang trái của vị nữ bá tước này, người đọc cũng cần quan tâm tới tứ giác tình yêu của Gypsy - Madeleine - Prosper - Caldas. Thông qua tứ giác tình yêu này tác giả muốn gửi đến thông điệp tình yêu của tuổi trẻ cần sự chung thủy, bao dung và cả sự dũng cảm. Cuối cùng những người yêu nhau sẽ quay trở về với nhau.
Ngoài ra, giữa dòng xoáy của sự lừa dối, sự trung thành của Madeleine đối với người bác Valentine de La Verberie như một điểm sáng của câu chuyện. Cô gái Madeleine có thể hi sinh tình yêu, hạnh phúc cá nhân, gia sản của mình của mình chỉ vì muốn giữ danh dự cho người bác gái đã nuôi nấng mình như con ruột.
Tác giả đã hoàn toàn thành công khi gieo vào lòng người đọc những hoài nghi, sợ hãi về một xã hội mà ở đó huynh đệ tương tàn, bạo lực và lừa dối nhưng sau tất cả, cũng chính ông đã trao gửi một thông điệp đầy cảm thông và bao dung đến kỳ lạ trong tác phẩm của mình:
Tình yêu và sự bao dung có thể vượt lên trên tội ác và rào cản của xã hội. Với những độc giả yêu truyện trinh thám thực thụ, thì Hồ sơ 113 là một trong những tác phẩm không thể bị bỏ qua.
Trần Phương - Zing.vn