DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Hoàng Hoa Thám (Bài Học Xương Máu Của 25 Năm Đấu Tranh)

Tác giả Văn Quang
Bộ sách 1000 eBook Việt Một thời vang bóng
Thể loại Lịch sử - Quân sự
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 1741
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Văn Quang Hoàng Hoa Thám Lịch Sử Lịch Sử Việt Nam
Nguồn tusachtiengviet.com
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

GIỚI THIỆU

HOÀNG-HOA-THÁM, anh-hùng dân-tộc 25 năm chống ngoại-bang xâm-lược.

Trước đây đã nhiều sách nói đến nhưng chưa tác-phẩm nào trình bày ra được những nét chính để giúp cho chúng ta một bài học về đoạn đời lịch-sử của ông.

Quyển HOÀNG-HOA-THÁM này của Văn-Quang do nhà xuất-bản Sống-Mới ấn-hành, tuy chưa đầy đủ lắm, phần vì tài liệu còn thiếu sót, mớ bị thực-dân xuyên-tạc, mớ bị thất lạc trong những ngày đen tối của dân-tộc vừa qua.

Song, với sự sưu tầm và nhận xét theo một quan-niệm mới, quyển sách nầy ra đời, tác-giả đã thành-công trên hai điểm thiết thực sau đây :

- Về phần lịch-sử, cho chúng ta được biết khá nhiều về tài-liệu xác thực.

- Về phần học-tập, đã đem lại cho chúng ta, một phần nào về những ý-nghĩa và tính quan-trọng, nói chung là những bài học xương máu trong cuộc chiến-đấu trường kỳ ròng-rã 25 năm của người anh-hùng dân-tộc ấy.

Chúng tôi nhận thấy là một tác-phẩm có ích và rất cần thiết ở trong giai đoạn lịch-sử nầy, vậy xin viết mấy lời trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc, đặc-biệt là với các bạn hiện đang theo việc gươm súng để phục vụ chính-nghĩa quốc-gia và hạnh-phúc dân-tộc.

Gia-Định, mùa mưa năm Đinh Dậu 1957

THÁI-BẠCH

***

I. Sơ lược thân-thế và sự-nghiệp Hoàng-Hoa-Thám

HOÀNG-HOA-THÁM tên thật là Trương-Văn-Thám, con của Trương-Văn-Vinh ở thôn Lang-Trung (Yên-Thế). Mẹ Thám (không rõ tên là gì) là người làng Ngọc-Cục, gần Lang Trung.

Năm 18 tuổi, Thám lấy vợ và sinh được một đứa con trai, tức Cả Trọng.

Năm 20 tuổi, Thám tình nguyện sung vào đoàn nghĩa-binh của lãnh-binh Bắc-Ninh Trần-Quang Soạn để chống Pháp.

Năm 23 tuổi, Thám theo cha nuôi là Ba Phúc đi Vân-Nam vận-động nghĩa-binh rồi sau đó lại về giúp việc cho Cai Kinh ở Lạng-Sơn. Thấy Thám là người có thiên-tài về quân-sự, Cai Kinh phong cho Thám làm Đốc-Binh. Từ ấy mọi người quen gọi Thám là Đề-Thám.

Ngày 6 tháng 7 năm 1888, Cai Kinh bị giết ở Lạng-Sơn, Đề-Thám liền tụ-tập nghĩa-quân đánh phá suốt vùng Võ-Giàng, Quế-Dương, Hiệp-Hòa, Việt-Yên, v.v… Quân Pháp hốt hoảng chống đỡ và treo giải-thưởng trong dân gian lấy đầu Thám cùng họa hình Thám dán khắp nơi.

Tháng Tư năm 1889, Đề-Thám tập-họp được hơn 500 tay súng và một số quân bạch-binh về tụ-tập ở làng Đình-Tảo thuộc Nhã-Nam làm lễ tế cờ, khao-binh, uống máu ăn thề, rồi chia quân ra lập đồn ải khắp vùng Phủ-Lạng-Thương, Vĩnh-Phúc-Yên, Thái-Nguyên, Bắc-Giang, lấy Yên-Thế làm căn-cứ địa kháng-chiến lâu dài.

Năm 1890, nghĩa-binh Đề-Thám bị quân Pháp tiến đánh vào tới đại bản-doanh phải rút lui và phân-tán vào rừng sâu, quân Pháp bị hại nặng.

Năm 1892, quân Pháp lại tiến đánh căn-cứ địa của Thám, lần này cả hai bên đều thiệt hại nặng. Quân Pháp bao vây chặt chẽ, nhưng nghĩa-binh cũng rút lui được vào rừng.

Thấy dẹp nghĩa-quân bằng quân-sự không xong, Pháp phối-hợp hành-quân với những công-tác chính-trị đặc-biệt. Lê-Hoan Tổng-đốc được cử ra đặc-biệt hành-động chia rẽ, ám-sát các cán-bộ nghĩa-quân và tuyên-truyền khủng-bố dân-chúng.

Năm 1893, Lê-Hoan dụ hàng Ba-Phúc, tổ-chức mưu-sát Đề-Thám, nhưng công-việc bại-lộ, bị Thám tương kế tựu kế mai phục đánh úp, quân Pháp và khố xanh bị hại nặng ở Hữu-Thuế, khoảng 15 tháng 5 năm 1894.

Nhờ tài thao-lược của vợ ba là Đặng-Thị-Nhu (em nuôi Thân-Văn-Luận tức Thống-Luận), người làng Vạn-Vân, Đề-Thám củng-cố lại lực-lượng và tháng 8 năm 1894, Đề-Thám cho xây đắp đồn, lũy khắp vùng Yên-Thế để phòng-thủ lâu dài. Một mặt lại sai Thống-Luận, Đốc Kế, Lĩnh-Túc, Đề-Huỳnh Đốc-Thu phối hợp với nghĩa-quân Bàng Kình đi tấn-công các trục giao-thông và đồn lẻ vùng Phủ-Lạng-Thương.

Pháp sai đại-tá Grimaud đi dẹp nhưng bị thiệt hại nặng ở Bố-Hạ, phải rút quân về.

Cũng trong khoảng thời-gian này (1894), Thám nhận thấy bạo-động chưa có lợi nên chủ hòa và nhờ trung-gian Giáo-sĩ Valesco điều đình với chính-phủ Bảo-hộ.

Tuy trá hàng nhưng Đề-Thám vẫn ngấm ngầm hoạt-động gây thêm lực-lượng và cơ-sở quân-sự. Mặt khác, Thám tổ-chức những trận đánh tiêu-hao những đồn bót lẻ tẻ trong suốt vùng biên-giới Việt-Hoa và cả trong trung-tâm thành-phố lớn :

- Ngày 23-3-1895, Thống-Luận đánh úp đồn Phả-Lại.

- Ngày 30-4-1895, Đốc Thu lẻn vào tận Bắc-Ninh trá làm lính khố đỏ giết chết 3 công-chức Pháp.

- Ngày 15-9-1895, tấn-công làng Phú-Liêm ở gần Phủ-Lạng-Thương.

Chính-phủ Bảo-hộ dò biết âm-mưu của Đề-Thám, nên quyết tâm triệt-hạ, sai một danh-tướng thời bấy giờ là Đại-tá Galliéni (chỉ-huy đạo-quân bộ binh thứ hai) đi dẹp. Lê-Hoan cũng mang quân theo trợ chiến. Quân Thám chống cự rất hăng, nhưng vì yếu thế nên phải rút khỏi khu căn-cứ địa và phân-tán thành từng toán nhỏ. Nghĩa-quân tản mát mất khá nhiều và tướng sĩ ra quy hàng ngày một thêm đông, làm giảm thanh-thế nghĩa-quân.

Năm 1897, Thám lại cầu hòa lần thứ hai, nhưng quân Pháp không chịu, cố truy-kích nghĩa-quân hòng tiêu-diệt nốt lực-lượng Cần-Vương. Sau vài trận đụng chạm mạnh bị thua thiệt lớn, Pháp phải nhận cho Thám cầu hòa và tháng 8 năm 1898, Thám được chính-thức công-nhận là chủ ấp Phồn-Xương.

Tuy bề ngoài làm ra vẻ trung-thành với Pháp, nhưng Đề-Thám, bề trong, vẫn ngấm ngầm hoạt-động. Một mặt phái cán-bộ vào tổ-chức những cơ-sở ở các đô-thành lớn như Hanoi, Hà-Đông, Phủ-Lạng, Bắc-Ninh, v.v…

Lần này Đề-Thám chủ-trương gây thế-lực và ảnh-hưởng trong lòng địch hơn là đánh úp những đồn lẻ tẻ và trục giao-thông bên ngoài, đảng Nghĩa-Hưng ra đời :

- Ngày 17-11-1907, vụ Cửa Nam ở Hanoi bị bại lộ.

- Ngày 27-6-1908, vụ đầu độc trại lính công-binh Pháp nửa chừng bị lộ. Kế-hoạch tấn-công Hanoi phải bỏ qua. Cán-bộ và đảng viên bị bắt bớ khủng-bố và Hội-đồng Đề-hình họp từ 29-6-1908 tới 27 tháng 11 năm 1908 để xử một vụ án Cách-mạng quan trọng nhất thời bấy giờ :

- 10 án tù từ 1 đến 5 năm.

- 4 án chung-thân.

- 26 án tội-đồ từ 5 đến 20 năm.

- 18 án tử-hình (6 người vắng mặt).

12 người bị xử là : Lang Seo, Đội Hổ, Đội Đàm, Cai Ngà, Cai Tốn,Tư Bình, Dương Bế, Đội Nhàn, Bếp Xuân, Cai Lê, Lái Vinh, Lái Hiên.

Sang năm 1909, Pháp muốn trừ hẳn Đề-Thám, huy-động lực-lượng rất mạnh đánh vào khu căn-cứ địa. Bị bao vây và tiến đánh khắp nơi, quân Thám tan-rã, tướng tá nghĩa-quân phần bị chết, phần ra hàng mất gần hết.

Cai Sơn đánh với Đại-úy Pagès ở Bố-Hạ, bị thua chạy vào rừng.

Cả Trọng đánh với Daufès và Bouchet ở Đền Vương bị một nghĩa quân bắn lầm mà chết trận.

Cả Huỳnh đánh với Poilevey ở Thanh-Nhâm rất hăng. Bộ tướng là Lãnh Thái và Lãnh Thuận tử trận, Huỳnh bị thương, rút về Nải Từ rồi cũng chết luôn tại đó.

Lý Thu, Đề Bào, Hai Huân ra hàng, thế là Thám bị cô-lập, chỉ còn cô Ba và Cả Dinh là người tâm phúc ở bên mình.

Tình thế ngày càng trở thành bất lợi cho Thám. Bị săn đuổi gắt gao, Thám phải ẩn trốn, di chuyển luôn luôn, không dám ở chỗ nào nhất định lâu dài. Cuộc sống thật là chật vật gian lao.

Nghĩa-quân dần dần mất cả tin-tưởng chủ tướng.

Tháng 10 năm 1909, Cả Dinh trúng kế Lê-Hoan ra hàng Pháp, mang theo cả võ-khí và 6 người tâm-phúc.

Tháng 11 năm ấy, cô Ba bị bắt với đứa con gái nhỏ (Hoàng-Thị-Thế).

Sau đó Cai Sơn lại làm phản, nghĩa-quân hoàn-toàn tan-rã, Đề-Thám ở đâu cũng không ai biết.

Kẻ nói Thám bị bộ-hạ Lương-Tam-Kỳ hạ sát, kẻ nói Thám chết già ở Lộc-Bình (Lạng-Sơn). Không ai biết rõ cái chết của Đề-Thám ra sao, nhưng một điều rõ nhứt là phong-trào Nghĩa-Hưng (con đẻ của phong-trào Cần-Vương) đã tan-rã hoàn-toàn.

Cuộc đời cách mạng của 25 năm đấu-tranh quyết-liệt với quân thù, Thám tuy không thành-công, cũng để gương sáng cho hậu thế noi theo.

Nhưng tại sao Đề-Thám thất-bại, tại sao phong trào Cần-Vương sụp đổ, tại chiến-thuật, chiến-lược quân-sự, tại khí-giới, tại tướng lãnh hay bị dân-chúng bỏ rơi ?

…Đó là phần chánh của cuốn sách này mà bạn đọc sẽ tìm thấy ở những trang sau…

1) Từ giao-thương đến những cuộc chiến-tranh xâm-lược

Những phát minh khoa học và kỹ nghệ ở Âu-Châu về thế kỷ thứ XIIX và đầu thế kỷ thứ XIX ngày càng tiến bộ mau lẹ, đưa đà sản xuất lên một mức độ rất cao.

Vấn đề thương-mại từ trong phạm-vi xứ sở được mở rộng ra ngoại quốc. Nhờ những tiến-bộ của hàng-hải thương-thuyền, vấn đề giao thương xuyên lục địa không còn là giấc mơ trong trí tưởng tượng của loài người…

Các công ty thương mại Âu-Châu đã tổ chức liên tiếp những cuộc khám phá, thăm thị trường Á-Châu. Qua đại dương, họ đã đặt chân lên Ấn-Độ, Nhật-Bản, Trung-Hoa, Việt-Nam, v.v… và họ đã thấy một thị trường khổng lồ.

Song song với những tham vọng đất đai, nguyên liệu và nhân công của phường buôn, Giáo hộ Thiên Chúa Giáo cũng nhận thấy sự cần thiết phải bành trướng phạm vi ảnh hưởng của Hội-Thánh ra khắp năm châu. Thương thuyền và hàng hóa của phường buôn đã giúp ích rất nhiều cho Hội-Thánh thực hiện được sự nghiệp thiêng-liêng này.

Dân chúng Á-Châu nghèo nàn, lạc hậu, rên siết dưới chế độ vua, chúa không khỏi chóa mắt vì những hàng hóa mới lạ, những tiện nghi khoa học và lý thuyết bác ái hấp dẫn từ phương trời Âu đưa tới.

2) Nguyên-nhân sự suy sụp của Nam-Triều

Việt-Nam là một trong những quốc gia hậu tiến, tất nhiên cũng chịu chung một định luật với những nước Á-Châu khác.

Nam-Triều đứng trước thế lực ngoại bang ngày một lan tràn không khỏi lo ngại cho uy tín cổ truyền phong kiến, nên đã từ tiêu cực ngăn cản đến thẳng tay đàn áp. Thói thường kẻ cùng chung số phận, tất phải cùng chung hành động. Giáo sĩ và phường buôn đứng lên… phản-kháng Nam-Triều và yêu-cầu chính quốc can thiệp… Cuộc chiến tranh thuộc địa mở màn và phần thắng lịch-sử nhất thời đã nghiêng về phía ngoại bang.

Dưới triều Tự-Đức, phường buôn và giáo-sĩ Gia-Tô ngoại-quốc bị ngăn-cấm và khủng bố rất gay-gắt. Nước Pháp ỷ vào công dựng nghiệp cho nhà Nguyễn (?) kịch liệt phản-kháng rồi mượn cớ bảo-vệ kiều-dân, đem hạm-đội viễn-chinh mở một cuộc chiến-tranh trừng-phạt nhưng sự thật là xâm chiếm hẳn nước ta làm thuộc địa.

Đứng trước nguy-cơ mất nước, triều đình đã tỏ ra hoàn-toàn bất lực. Vua chỉ ham văn-chương, kẻ tả-hữu thì hủ bại, chia rẽ, tranh giành ảnh-hưởng. Dân gian đói rét loạn-lạc khắp nơi : giữa dân-chúng và vua, quan đã mất hết những sợi dây tình-cảm thiêng liêng trói chặt để tạo thành một thế kháng-chiến mạnh mẽ lâu dài.

Thời cuộc Trung-Hoa dưới đời Mãn-Thanh cũng đổ nát bét be, dân gian nổi lên vận-động lật đổ triều-đình, bát quốc liên-minh đánh phá suốt dọc bờ biển từ Nam chí Bắc. Các quốc-gia Á-Châu nói chung đã quá chán ghét chế-độ phong-kiến lỗi thời, vua chúa không còn ai trông cậy được vào ai để dựa dẫm cứu cánh cho nhau :

- Năm 1862, liên-quân Pháp – Y-Pha-Nho bắn phá cửa bể Đà-Nẵng.

- Năm 1867, mất lục-tỉnh miền Nam.

- Năm 1885, mất luôn miền Trung rồi miền Bắc.

Quan quân kháng-cự lẻ loi như cây mất gốc, vỡ chạy tán-loạn. Bè phái ngày càng chia rẽ, kẻ phế vua này, người lập vua khác, kẻ cầu ngoại-viện, kẻ chủ-trương bất hợp-tác… Một vài vị văn quan, võ tướng trung-quân ái-quốc trước cảnh giang-sơn đổ vỡ đành tự sát để giữ trọn tiết-nghĩa hiếu-trung. Vận-mạng Nam-Triều coi như đã được định-đoạt bởi một trào-lưu lịch-sử.

Định-mệnh đã buộc nhân-dân Việt-Nam phải trải qua một thời nô-lệ, sống tàn-nhẫn nhất dưới thời-kỳ phồn-thịnh nhất của chế-độ thuộc-địa… 95 năm đã qua, ngót một thế-kỷ đấu-tranh quyết-liệt, biết bao chiến sĩ cách-mạng đã hy-sinh cho sự nghiệp cứu-quốc. Có người thành-công, nhưng cũng có những người thất-bại, hoặc vì yếu-đuối hoặc vì đi lệch dòng lịch-sử… Song thành hay bại, họ đều là những đứa con yêu của đất nước, những kẻ có công với hậu-thế, xứng đáng với tiền nhân ?

3) Bài học sỹ-tử Cần-Vương Hội

Sau khi triều-đình đã tan-vỡ, vua, quan chạy trốn, hoặc bị bắt cầm tù, một số trí-sĩ và võ-quan lẻ-tẻ, vẫn cố cầm-cự gây lại phong trào chống ngoại-xâm từ Nam chí Bắc. Vang dội nhất thời bấy giờ là phong-trào Duy-Tân của cụ Phan-Bội-Châu ở ngoại-quốc và cuộc kháng-chiến anh-dũng của nghĩa-quân Cần-Vương ở trong nước.

Trong số sỹ-tử Cần-Vương đã cầm-cự oanh-liệt nhất với quân Pháp trong khoảng thời-gian từ 1888 đến năm 1913 có Hoàng-Hoa-Thám là gây được một áp-lực tương-đối mạnh-mẽ suốt 25 năm đấu-tranh gian-khổ.

Nhưng phong-trào non-yếu, nghĩa-quân bị bao vây và đánh tan… Hoàng-Hoa-Thám chết, chấm dứt một thời oanh-liệt của sỹ-tử Cần-Vương.

Người dân Việt-Nam không mấy ai lại không biết tiếng Đề-Đốc Hoàng-Hoa-Thám với mệnh danh « con hùm Yên-Thế ». Không biết vô tình hay hữu ý người đời đã liệt nghĩa-quân và vị lãnh-tụ Cần-Vương sau cùng là hạng giặc cướp. Đã đành cổ-nhân thường có thói quen coi các bậc danh tướng như Hùm nên mới có câu Hổ oai tướng quân, Ngũ Hổ tướng, v.v… Song hổ chỉ là một con vật hung tợn, không thể có nhân-tính của một người, nhất lại là một người đánh giặc, cứu nước, gieo tự-do hạnh-phúc hơn là gây khủng-khiếp hãi hùng cho trăm họ.

Tuy nhiên, tiếng Hùm thiêng Yên-Thế cũng đã một phần nào được dựa vào ảnh-hưởng trực tiếp của phong-trào trong dân-chúng mà chúng tôi sẽ có dịp nhắc lại sau nầy. Nhưng dẫu sao đối với một vị anh hùng cứu quốc, sự nghiệp lẫy lừng như Đề-Thám mà dùng chữ Hùm phải chăng là đã mắc mưu tuyên truyền của giặc ?

Nếu nói rằng phong-trào Yên-Thế là tiêu biểu nhất của cuộc kháng-chiến Cần-Vương thì cuộc thất bại của phong trào ấy cũng là bài học tiêu biểu nhất cho hậu-thế :

- Một cuộc vận-động cách-mạng chống xâm lược phiến-diện, chỉ trông vào thực-lực quân-sự nhất thời không thể nào đi đến thắng-lợi. (Cái thất-bại ỷ vào ngoại-viện của cụ Sào-Nam tức Phan-Bội-Châu và thuyết canh tân của cụ Phan-Chu-Trinh lại hoàn-toàn trái ngược hẳn về nguyên-tắc với phong-trào Yên-Thế).

- Hoàng-Hoa-Thám là một nhà quân-sự có thiên-tài, nhưng thời-thế chẳng chiều lòng hay vì lý-do chính-trị mà phải chịu thất-bại… trước quân thù hay trước sự lãnh-đạm gần như trung lập của quảng-đại quần-chúng thời bấy giờ ?

Tình-hình càng ngày càng đen tối, bất-lợi hết sức cho chủ-trương quân-sự thuần-túy, các cuộc khởi nghĩa kế-tiếp nhau tan-rã gần hết.

Năm 1887, Trần-Bá-Lộc đánh tan nghĩa-quân Bình-Định và Phú Yên. Thủ-lãnh Mai-Xuân-Trường bị bắt, đem đi hành hình.

Cụ Phan-Đình-Phùng thất bại liên-tiếp chạy về Hà-Tĩnh rồi mất năm 1895.

Sau đó, Nguyễn-Tán-Thuật bị bại ở Bãi-Sậy phải trốn sang Trung-Quốc (1897).

Dư đảng Cần-Vương chỉ còn lại có một mình Hoàng-Hoa-Thám. Nhưng chẳng bao lâu cũng bị dẹp tan…

Phong-trào Cần-Vương là một bài học đấu-tranh lâu dài và gian-khổ, tuy thất-bại nhưng tiếng vang vẫn còn dư-âm trong lòng mỗi một người dân Việt-Nam thiết-tha với sự-nghiệp giải-phóng, thành-khẩn với tiền-đồ dân-tộc…

Những ai đã từng được đặt chân lên khắp vùng Yên-Thế, mắt nhìn những di-tích còn lại của thời xưa, mà chẳng bùi-ngùi xúc-động. Mặc cảm kích-thích mãnh-liệt như thúc-giục… phải làm một cái gì… một việc gì… khó nói cho hết được nên lời.

Kẻ hậu-sinh cũng bỗng-nhiên cảm thấy mình có trách-nhiệm không noi theo cũng phải tìm tòi, suy-ngẫm những nguyên-nhân thành bại của ông, cha !

4) Những căn-nguyên và trạng-thái của cuộc chiến-tranh Việt-Pháp từ 1862 đến 1913

Như trên đã nói, cuộc chiến-tranh Việt-Pháp khởi sự hoàn-toàn do Đế-quốc Pháp muốn xâm-chiếm hẳn nước ta làm thuộc địa. Triều-đình và sĩ-phu nước ta chủ-trương chống lại và cuộc chiến-tranh bùng nổ.

Tính-chất cuộc chiến-tranh giữa Việt-Nam và Pháp rõ ràng là một cuộc chiến-tranh nhược-tiểu dân-tộc chống đế-quốc hùng-mạnh xâm-lược. Chính-nghĩa tất nhiên về phần nước ta. Nhưng cũng không nên quên nếu không biết giương cao ngọn-cờ chính-nghĩa thì cũng rất dễ bị địch lợi dụng : Nước ta ở dưới một chế-độ phong-kiến đang suy tàn. Địch là một Đế-quốc đang thời kỳ phát-triển với bao cám dỗ bề ngoài. Pháp ỷ vào sức mạnh súng ống tối-tân và bạn đồng-minh tư-bản Y-Pha-Nhon Hòa-Lan, Bồ-Đào-Nha, chủ-trương đánh mau thắng mau. Ý muốn của Pháp là tiêu-diệt toàn-bộ chủ-lực của ta, chiếm các đô-thị lớn, các trục giao-thông và cửa bể. Sau đó mới càn-quét một lượt những khu kháng-chiến lẻ-tẻ còn sót lại.

Quân ta tuy đông, nhưng súng ống thô-sơ, lòng dân và vua, quan chia rẽ, triều-đình lại chủ-trương trận-địa chiến và cố-thủ thành-trì, nên lực-lượng bị tiêu-diệt thảm-thương từ Nam chí Bắc.

Trạng-thái cuộc chiến-tranh giữa ta và Pháp ở thời-kỳ quan quân (vua và quan cầm binh), là trạng-thái của một cuộc chiến-tranh nặng tính-chất trận-địa chiến. Thế yếu, lại đánh mặt đối mặt tất nhiên phải thua… và kết-quả là vua quan chạy trốn, thành-quách tan-hoang…

Pháp đã hoàn-toàn làm chủ được tình-thế, nhưng chưa hẳn đã được cùng bọn tôi tớ toạ hưởng miếng mồi ngon.

Sĩ-phu trong nước nổi dậy phát-động một phong-trào phò vua, cứu nước, lấy hang sâu rừng rậm làm căn-cứ địa chiêu binh luyện mã.

Biết thế yếu không thể công-khai đánh với kẻ thù, nghĩa-quân áp-dụng một chiến-thuật mới… chiến-thuật du-kích : trà trộn với dân, ẩn-hiện bất thường, thoắt đánh thoắt lui làm cho quân Pháp vỡ-mật bay hồn…

Trạng-thái cuộc chiến-tranh giữa Việt-Nam và Pháp ở thời-kỳ này đã chuyển sang một hình-thức khác : hình-thức chiến-tranh du-kích chống trận địa chiến. Chiến-thuật du-kích là một hình-thức đấu-tranh gay-go và gian-khổ nhưng lại rất thích-ứng cho những quốc-gia nhỏ yếu chống những quốc-gia hùng-mạnh.

Nghĩa-quân Cần-Vương đã áp-dụng chiến-thuật du-kích như thế nào và tại sao họ thất-bại ? Muốn đi đến một kết-luận khách-quan và đúng-đắn không gì bằng mở lại trang sử 90 năm qua… 90 năm đầy máu và nước mắt !

5) Khu căn-cứ địa Yên-Thế « Trai Cầu Vồng Yên-Thế »

Câu dân-ca cổ-truyền đã giới-thiệu một phần nào tầm quan-trọng của khu Yên-Thế thời bấy giờ. Người con trai Yên-Thế đã dựa vào địa-thế của vùng này mà tung-hoành phỉ-trí một thời, cho đến nay, non sông vẫn còn lưu-truyền câu ca « …Trai Cầu Vồng Yên-Thế ! »

Yên-Thế là một vùng thuộc Trung-Châu Bắc-Việt, cách Hà-Nội chừng 50 cây số về phía Tây-Bắc. Khu Yên-Thế nằm lọt giữa dải núi đá Cai Kinh (Lạng-Sơn – Bắc-Giang) và dẫy núi trùng trùng điệp điệp miền thượng-lưu sông Cầu và sông Thương.

Vùng Yên-Thế thượng hay Thượng-Yên là những rừng rậm cao từ 100 đến 150 thước. Vùng Hạ-Yên là cảnh đồng bằng, ruộng xanh bát-ngát, làng-mạc đông-đúc, cây cối xanh um, lác đác vài ngọn đồi cao không quá 50 thước.

Cảnh Yên-Thế khác hẳn cái bằng phẳng tầm thường của đồng bằng mà cũng không giống cái hùng-vĩ của núi rừng Thượng-du.

Rừng Yên-Thế không cao nhưng rậm-rạp, cây-cối, lau lách, tre nứa chằng chịt đan thành những hàng rào dày đặc, bóng nắng không mấy chỗ lọt tới đất.

Trong một năm có đến 8 tháng rừng Yên-Thế ẩm-ướt, ngột-ngạt như địa-ngục ở trần-gian. Vắt, muỗi, rắn, rết, chỗ nào cũng có, sẵn-sàng gieo bệnh hoạn, chết chóc cho bất cứ ai qua lại. Miền Thượng-Yên quả thực là một vùng đất chết cho đoàn quân viễn-chinh Pháp quen sống trong tiện-nghi khoa-học đầy đủ ở đô-thị.

Phía Đông Yên-Thế giáp Lạng-Sơn, phía Tây giáp Bắc-Kạn – Thái-Nguyên, phía Nam giáp Bắc-Giang – Đáp-Cầu Bắc-Ninh, phía Bắc liền với Thất-Khê và Cao-Bằng là một vùng hiểm trở, vách núi cheo-leo, thác ghềnh quanh co, có đường thông suốt qua địa-giới Trung-Hoa như màng nhện.

Tóm lại, ta có thể nói rằng Yên-Thế là một căn cứ địa vô cùng thuận-lợi cho sự hoạt-động của Nghĩa-quân về cả hai mặt : Công và Thủ.

Đặc-điểm về mặt quân-sự của Yên-Thế là : Hiểm trở, và Thông suốt.

Trong sáu địa-hình binh-pháp thì Yên-Thế có đến hai đặc-điểm mà lại là hai điểm lợi-hại nhất.

Năm Tự-Đức thứ 36 tức là năm 1882, dương-lịch, Cai Kinh phái Ba Phúc (cha nuôi Đề-Thám) đến Yên-Thế tổ-chức vùng này thành căn-cứ địa thứ 3 sau… Lũng-Lạt (Cai Kinh) và Kẻ-Thượng (Ba-Kỳ).

Ba-Phúc được Đề-Thám giúp rất đắc-lực, chẳng bao lâu Yên-Thế đã trở thành một căn-cứ khu quan-trọng vào bực nhất thời bấy giờ.

Nghĩa-quân có thể uy-hiếp trực-tiếp thường-xuyên vùng Trung-Châu, đồng bằng và con đường xe lửa Hà-Nội – Lạng-Sơn, mạch máu giao-thông chiến-lược nối liền đồng bằng với thượng du Bắc-Việt.

Nhờ ở địa-thế hiểm-trở, từ 1886 trở đi, nghĩa-quân đã lớn mạnh và khởi đánh khắp vùng Bắc-Ninh-Giang và Vĩnh-Phúc-Yên, làm cho các đồn quân chiếm đóng Pháp phải luôn luôn đặt trong tình-trạng báo-động. Nghĩa-quân xây đắp rất nhiều chiến lũy trong rừng sâu và mở rộng tầm hoạt-động đến tận Đáp-Cầu là nơi tập-trung các đồn binh quan-trọng của Pháp.

6) Đường lối chủ-trương kháng-chiến của Nghĩa-quân

Không thấy một cuốn sách nào nói rõ về đường lối chủ-trương kháng-chiến của Nghĩa-quân Cần-Vương về mặt chính-trị, quân-sự, kinh-tế, xã-hội, v.v… cho nên cũng khó bàn về vấn-đề này một cách tỉ-mỉ và có hệ-thống hẳn hoi.

Ngoài mục-đích đánh Pháp và tôn quân của phong-trào do danh-nghĩa « Cần-Vương » nêu lên một cách quá tổng-quát, người ta chỉ thấy những tài liệu thuật lại các trận đánh lớn ở vùng này, vùng nọ, thân thế các vị anh hùng và những gương hy-sinh đẫm máu.

Lãnh trách-nhiệm lịch-sử trong một giai-đoạn mà một chế-độ lỗi thời đang chết (phong-kiến) nhường bước cho một chế-độ đang thời phồn-thịnh (tư bản) không thể không có một đường lối chủ-trương thích-ứng.

Lịch-sử là định luật tiến-hóa của xã-hội mà trào-lưu là động-cơ thúc-đẩy. Thích-ứng với trào lưu thì tồn-tại, trái lại thì hư mất. Nhìn lại quá trình biến-diễn của phong-trào Cần-Vương, đặc-biệt là phong-trào Yên-Thế, kẻ hậu-sinh đã thất-vọng khi đi tìm hiểu những đường lối chủ-trương cụ-thể của ông cha…

Thời-gian chỉ còn lưu lại một vài dấu tích phai mờ trên dải rừng Yên-Thế, một vài cuốn sách mơ hồ xuyên-tạc, đôi ba lời truyền khẩu vô căn-cứ, vô trách-nhiệm…

Đại-khái người ta chỉ biết nghĩa-quân đã có một vài liên-lạc với Triều-đình Mãn-Thanh, qua sự trung-gian của vài viên « bại tướng » kiêm « thổ » phỉ Lưu-Vĩnh-Phúc, Lương-Tam-Kỳ, Lục-A-Sung, v.v…

Những bạn đồng-minh bất đắc dĩ này đã làm hại cho phong-trào không ít. Họ mượn cớ giúp ta đánh Pháp để tự-do qua lại biên-giới, cướp bóc dân-gian và… đầu hàng phản bội.

Về mặt vận-động tuyên-truyền và tổ-chức, hoàn-toàn không thấy sách nào nói đến một cách xác-thực và có hệ-thống. Song, căn-cứ vào những câu truyền tụng « Con Hùm Yên-Thế », ám-chỉ vị lãnh-tụ Hoàng-Hoa-Thám và thái-độ của dân-chúng khi tiếp xúc với nghĩa-quân, nói chung đều sợ hãi hơn là yêu mến thân-mật, ta cũng có thể đoán được một phần nào chính-sách tuyên-truyền vận-động quần-chúng thời bấy giờ đã lấy sức mạnh mà lôi kéo nhiều hơn là thuyết-phục, lôi kéo.

Công-tác chính-trị và kinh-tế, xã-hội gần như bị bỏ rơi hẳn.

Riêng về mặt quân-sự thì hoàn-toàn thích-ứng với hoàn-cảnh và có nhiều kế-hoạch táo bạo. Song cũng có những chủ-trương quá sớm gây đổ vỡ từng bộ phận, ảnh-hưởng rất nguy-hiểm đến sự mất còn của toàn bộ mà chúng tôi sẽ bàn đến ở những phần sau…

Tóm lại, về mặt đường lối chủ-trương kháng-chiến, vì đã quá thiên về quân-sự, nên cuộc đấu-tranh trở thành phiến-diện, cô-lập, không thu-hút lại được đại-đa-số dân-chúng tham-gia làm hậu-thuẫn. Kết-quả là phong-trào bị đàn áp rồi tan rã…

Mời các bạn đón đọc Hoàng Hoa Thám (Bài Học Xương Máu Của 25 Năm Đấu Tranh) của tác giả Văn Quang.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000