Lịch Sử Triết Học Ấn Độ - Kinh Văn Của Các Trường Phái Triết Học Ấn Độ |
|
Tác giả | Doãn Chính |
Bộ sách | |
Thể loại | Lịch sử - Quân sự |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 76 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Doãn Chính Vũ Quang Hà Châu Văn Ninh Nguyễn Anh Thường Biên Khảo Lịch Sử Triết Học Ấn Độ Triết Học Ấn Độ |
Nguồn | |
Trong phần cuối (phần 5) cuốn sách “Yoga thực hành” của Desmond Dunne do dịch giả Võ Lang dịch (Xuất bản bởi nhà Khai Trí năm 1968), có viết:
“Các tư tưởng gia là những người đầu tiên đã khám phá và triển nở siêu-hình học; tất cả triết lý tân thời tây phương đều dựa trên quan niệm của họ. Aristote, triết gia Hy lạp (384 - 322 trước Thiên Chúa) là cha đẻ ở Âu châu về cách thức diễn tả tư tưởng. Đến thời đại Cicéron (106-43 trước Thiên Chúa) những công trình của Aristote đã bị lãng quên từ lâu, lại được khám phá ra và trao phó cho Andronicus de Rhodes để xuất bản.
Vì các lý thuyết của Aristote rất trừu tượng, không thể nào xếp loại được, nên A. de Rhodes đành phải đặt cho các lý thuyết ấy một nhan đề: "Ta Meta Ta Physica" nghĩa là: "Bản bổ sung cho môn Vật lý".
Các người Hy Lạp tin tưởng rằng họ khôn ngoan là do sự phù hộ của các Thần thánh ở núi Olympe. Nhưng sự thực đã chứng minh rằng một phần lớn các điều khôn ngoan đó, trước cuộc chinh phục của vua Alexandre , đã do các du khách từ Ấn Độ đem tới, và do các người đi theo đoàn quân chiến thắng. Đấy là điểm giải thích sự tương quan liên hệ giữa học thuyết Yoga với các đại tư tưởng gia thời xa xưa.”
Để thưởng thức sự minh triết của người Ấn Độ, qua các bản Kinh Văn được trích dịch dưới đây xin quý vị lưu ý: Những ghi chú có chữ ( ND ) phía trước là của các ghi chú của tác giả - dịch giả. Còn có chữ (NE) phía trước là ghi chú của người làm ebook thêm vào.
***
Đây là cuốn sách giới thiệu về các bản văn của triết học Ấn Độ. Sách chia làm hai phần. Phần một trình bày tư tưởng triết lý tôn giáo Ấn Độ trong thời kỳ Anh hùng ca qua việc giới thiệu ba tác phẩm chính là “Luật Manu”, “Artha-Satra” và “Bhagavad-gita”. Phần thứ hai trình bày tư tưởng triết học của ba trường phái không chính thống là Càrvaka, Jainism, Buddhism và sáu trường phái chính thống là Nyaya, Vaisèsika, Sàmkhya, Yoga, Pùrva Mimànsa, Vedànta. Trước mỗi tác phẩm triết học, các tác giả đều có phần giới thiệu khái quát, giúp người đọc có một cái nhìn hệ thống về các trường phái triết học Ấn Độ.Những nhà tư tưởng Ấn Độ xem triết học như là một thứ cần thiết cần phải được trau dồi để hiểu rằng phải sống như thế nào là tốt nhất. Giống như các nền triết học khác, triết học Ấn Độ cũng hướng đến chân lý vì chân lý giúp con người hướng thiện. Theo truyền thống, những triết gia Ấn Độ thường giải thích ở đầu tác phẩm của họ làm thế nào tác phẩm đó có thể giúp cho mục đích của con người. (puruṣārtha). Những nhà tư tưởng Brahmin tập trung vào niềm tin rằng có một trật tự cơ bản thuần nhất phổ biến và có mặt khắp mọi nơi. Nhiều cố gắng của các trường phái khác nhau tập trung giải thích trật tự này. Tất cả các hiện tượng xảy ra trong tự nhiên, số phận, các biến cố đều xuất phát từ trật tự này. Điều này được nói đến sớm nhất trong Rig Veda, nói về Brahman như là thế lực tạo ra trật tự đó.
Ý tưởng về ṛta, dịch là "lẽ phải", "trật tự của vũ trụ và xã hội" hay "nguyên lý của thế giới khách quan" cũng đóng vai trò quan trọng. Triết học Ấn Độ khác với triết học phương Tây trong cách tiếp cận cơ bản. Triết học Ấn Độ không chỉ dựa trên lý luận, giống như trong triết học phương Tây, mà còn dựa trên sự thức tỉnh (darshana) có nghĩa là sự đối mặt cá nhân với sự thật tuyệt đối. Không cần biết là các trường phái của triết học Ấn Độ có tin vào Thượng đế hay không, họ đều có chung khái niệm về sự đối mặt với sự thật qua một thực hành nào đó.
Trong giai đoạn hiện đại, trường phái quan trọng nhất của triết học Ấn Độ là vedanta, mà trường phái này lại được chia làm ba cách tìm hiểu cùng một sự thật, đó là dvaita, visisthadvaita và advaita. Trong khi những khái niệm này có vẻ khác nhau và đôi khi là mâu thuẫn nhau, chúng tượng trưng cho ba giai đoạn khác nhau của nhận thức của con người.
***
Trong các nền triết học của phương Đông, thì tư tưởng triết lý đạo đức nhân sinh của triết học Ấn Độ có ảnh hưởng khá sâu rộng trong đời sống tinh thần, văn hóa Việt Nam. Vì thế, nghiên cứu tìm hiểu nền văn hóa Ấn Độ nói chung và tư tưởng triết lý tôn giáo Ấn Độ nói riêng trên cơ sở tiếp thu có phê phán những tính hoa của nó có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực trong việc bảo tồn phát phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, như tinh thần nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.
Để giúp cho sinh viên, nghiên cứu sinh các ngành Triết học, Văn hóa học, Đông phương học, Văn học và bạn đọc quan tâm đến triết học tôn giáo Ấn Độ có thêm tài liệu tham khảo, Nhà Xuất Bản Đại học quốc gia Hà Nội cho xuất bản cuốn sách giới thiệu về các bản văn của triết học tôn giáo Ấn Độ, do Tiến sĩ Doãn Chính, Trưởng Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chủ trì biên soạn; với sự tham gia của Tiến sĩ Vũ Quang Hà, Phó trưởng Khoa Xã hội học, Trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; cử nhân Châu Văn Ninh, Nghiên cứu viên, Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia) và Cử nhân Nguyễn Anh Thường, Giảng viên Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc giữ thành phố Hồ Chí Minh.
Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ được chia làm hai phần. Phần thứ nhất, trình bày tư tưởng triết lý tôn giáo Ấn Độ trong thời kỷ Anh hùng ca qua việc dịch và giới thiệu ba tác phẩm chính là Luật Manu , luận văn chính trị Artha - Sastra và Bhagavad - gita . Phần thứ hai, trình bày, giới thiệu tư tưởng triết học của ba trường phái thuộc hệ thống không chính thống là Càrvaka , Jainism , Buddhism và tư tưởng của sáu trường phái thuộc hệ thống chính thống là Nyaya , Vaisèsika , Sàmkhya , Yoga , Pùrva Mimànsa , và Vedànta .
Trong mỗi tác phẩm triết học, mỗi trường phái tư tưởng trước khi biên dịch nội dung bản văn, các tác giả đều giới thiệu khái quát về chúng, giúp người đọc có một cái nhìn hệ thống về các trường phái triết học Ấn Độ. Do vậy, hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho những ai quan tâm đến vấn đề này. Cá thể nói đây là bộ sách đầu tiên ở Việt Nam trình bày, giới thiệu một cách hệ thống và tương đối đầy đủ bản văn của các trường phái triết học tôn giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, do tính chất sâu sắc, thâm trầm và phức tạp của triết lý tôn giáo Ấn Độ, nên việc nghiên cứu nền triết học này là công việc hết sức khó khăn và sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Nhà xuất bản và các tác giả rất mong sự góp ý, chỉ giáo của tất cả bạn đọc.
Nhà Xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội trân trọng giới thiệu bộ sách với bạn đọc!
NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC QUốC GIA HÀ NỘI