DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tập truyện ngắn Hong Tay Khói Lạnh của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.

“Giống như mấy bộ phim hậu tận thế (cũng là giả tưởng buồn hiu): bề mặt trái đất không còn sự sống, không màu xanh, chỉ bụi xám chì phủ lớp đất bạc như muối hầm. Và nắng, thứ nắng lửa tận diệt mọi sinh vật nào đối đầu trực diện với nó, bằng sức nóng hủy diệt.”

Một thế giới mới đồng dạng cả tin, đầy những thứ giả tạo đẹp đẽ, nơi người ta đánh mất dần cá tính, sự hoài nghi, rung cảm, mất luôn cả bóng mình. Những con người không bóng, thì cô độc nào hơn?

Độc lập nhưng lại kết nối với nhau bởi nơi chốn giả lập và chủ điểm về nỗi cô độc trong tinh thần, các câu chuyện trong "Hong tay khói lạnh", một lần nữa, lại cho thấy tài năng, sức tưởng tượng, sự nhạy cảm và đồng cảm hiếm có của Nguyễn Ngọc Tư trước tâm trạng chung của con người giữa những biến động lớn của đời sống.
 

‘Hong Tay Khói Lạnh’ hay lời thì thầm của những khổ đau

Review bởi Linh Phạm.

 

“Má! Yêu Má!” 

Ba chữ tưởng chừng vô hại, thậm chí là dễ thương trong nhiều ngữ cảnh. Nhưng khi chị Nguyễn Ngọc Tư dùng ba chữ ấy để kết thúc một chương trong cuốn tản văn Hong Tay Khói Lạnh, chúng như thụi vào bụng tôi cái đau khổ của sự mất mát.

Hong Tay Khói Lạnh là tác phẩm mới nhất trong ngót nghét 30 tựa sách của Nguyễn Ngọc Tư. Chị đã từng đoạt những giải thưởng danh giá cả trong nước lẫn quốc tế với những tác phẩm nổi tiếng như Ngọn Đèn Không Tắt và Cánh Đồng Bất Tận. Ấy vậy mà trên những bìa sách của chị, ít nhất là những cuốn tôi có, đoạn giới thiệu tác giả chỉ vỏn vẹn mấy dòng: “Sinh năm 1976. Hiện sống và viết tại Cà Mau.”

Hong Tay Khói Lạnh là tập tản văn ghi lại những câu chuyện của chị. Vẫn biết là những câu chuyện của chị Tư thường buồn. Nhưng trong những tập tản văn trước, đó là cái buồn man mác, nhẹ nhàng, vừa đủ để người ta cùng gặm nhấm, đồng cảm. Đến cuốn sách này, xuất bản năm ngoái khi đại dịch hãy còn hoành hành, nỗi buồn đã hóa thành tuyệt vọng. Cứ đi hết một chương là tôi lại tự hỏi: Chị, chị có ổn không?

Bản thân tôi vốn thích những thứ lạc quan nên cũng phải cố gắng lắm mới đọc hết cuốn sách. Dù vậy nhưng tôi vẫn biết rằng kiểu gì mình cũng phải đọc hết chứ không bỏ dở, đọc xong rồi còn muốn viết về nó nữa. Một phần vì tôi mê văn của chị Tư đã lâu, mê cái ngòi bút tinh tế và chân thực với không một chữ thừa. Đây, như cách mà chị bắt đầu chương “Việc nhà”:

Vô số động từ nằm giữa các dấu phẩy, các liên từ hoặc nhịu lẫn vào nhau đến không phân biệt nổi, và chị không biết khi nào thì chúng mới thôi tuôn ra. Theo thời gian, một số từ mới sinh sôi, rồi sao chép nhau xếp hàng vào mớ từ cũ. Tràn ra ngoài trang giấy, khó mà căn chỉnh chúng vào cột. Lổm nhổm khắp nơi, chúng mải mướt, nếu không phải nước thì là mồ hôi.

Chị chẳng cần nói việc nhà là những việc gì nhưng chỉ đọc vậy thôi là đã thấy mệt lắm rồi. Chị cũng là một người kể chuyện điêu luyện. Chỉ cần mấy câu thôi mà chị có thể xây dựng những tình cảnh éo le mà kết thúc thường không có hậu. Và cuốn Hong Tay Khói Lạnh lại đầy rẫy, đúng hơn là chỉ có, những câu chuyện như vậy. Như một người mới nhận tin mình sắp làm mẹ chẳng hạn:

Cùng lúc, chị biết mình có khối u chín muồi trong phổi và một đứa con vừa tượng hình. Ở bệnh viện nói chị hãy bỏ đứa con, nếu được sống lâu hơn. “Mẹ chọn con,” chị nói ở trong buồng vệ sinh bệnh viện, khi áp tay vào bụng.

Trong cuốn sách mỏng, cứ vài ba trang thì cái chết lại hiện lên một lần, nhưng không phải lúc nào cũng với đau thương. Nhiều nhân vật của chị Tư đón chào tử thần như một người quen, một sự giải thoát. Như cụ bà nằm im trên sàn nhà vệ sinh, miệng chẳng buồn kêu cứu dù đứa con trai đang ngồi phòng bên:

“Cây lược giắt trên miệng ống [bàn chải], mới một tuần đã nhớt thứ bợn keo vuốt tóc của thằng Bảo, và tuýp kem đánh răng không đậy nắp, đốm kem phía trên miệng khô quánh queo. Tật đụng đâu bày bừa ra đó, Bảo di truyền sang cả đứa nhỏ. Cái bản sao nọ cũng biết rải vỏ kẹo khắp nhà, cơm rơi bánh rớt suốt đường đôi chân gầy gò ấy đi qua.

“Mình thiệt là quá ớn chuyện đi thu dọn cho tụi nó rồi,” bà nghĩ, trong lúc chờ đám sương khỏa lên gương mặt phẳng lặng của mình.

Tôi bị cuốn theo cuốn sách cũng bởi vì chị Tư giúp tôi định nghĩa lại tản văn là gì. Trước đây tôi nghĩ nó là một thứ ghi lại những gì người viết trải nghiệm trong cuộc sống, nhưng chị đã khai sáng tôi rằng ảo tưởng cũng có thể là tản văn. Nửa đầu cuốn sách, tiêu đề “giả tưởng sau tận thế,” chị đưa người đọc xuống Ngầm — một thế giới mà con người chui vào lòng đất để tránh cái nắng chết chóc của mặt trời.

Trong Ngầm cũng có nắng, và mặt trời. Hết thảy đều được tái tạo sống động, y như thật… Mưa nắng được lập trình sẵn từ đầu năm, trước khi trình lên Hội đồng Ngầm, và làm sao cho không năm nào giống năm nào.

Và ở trong cái Ngầm ấy còn gì nữa ngoài những câu chuyện buồn thiu. Nào là những người nghèo sống trong xó xỉnh, nào là những cảnh tan đàn xẻ nghé, nào là những cái chết. Thế giới giả tưởng nhưng tôi ngờ những cái buồn là thật, là do chị lắng nghe ngoài đời rồi chắt chiu vào lòng, để rồi nặn lên từng con chữ, từng nỗi đau một.

Đến cuối sách, chị Tư hiện lên với những lời bộc bạch cá nhân. Không còn ẩn sau câu chuyện của một bà già từ con hay một cậu trai đang trốn chạy, chị chia sẻ, với tư cách là một người viết, về những “lời thì thầm”:

Chẳng có gì để dứt tôi ra khỏi lời thì thầm, khi tôi chơi trong vườn với các con mình, đưa chúng tới trường, khi ngồi trong buổi tiệc đông người… Âm thanh đó chỉ ngưng khi tôi viết ra xong câu chuyện của mình, để lại trong tôi không cơn trống rỗng. Thật may, có quá nhiều câu chuyện đang xếp hàng chờ được kể, và cũng chừng ấy lời thì thầm còn chờ để vẳng bên tôi…

“Hãy kể câu chuyện này ra, bởi bạn là nhà văn, đó là việc bạn phải làm, duy nhất. Và đó là thứ duy nhất làm nên một thế đứng kiêu hãnh, cho người viết.”

Đặt cuốn sách xuống, đọng lại trong tâm tôi không phải là những khổ đau, mà là những lời thì thầm. Lời văn của chị Tư đặt ra cho tôi một mẫu mực để noi theo và rèn luyện. Và những câu chuyện của chị cũng truyền cảm hứng để tôi tự xây dựng một thế giới giả tưởng — việc mà tôi chưa bao giờ làm — rồi truyền vào đó những câu chuyện của riêng mình.

***

Review sách Hong tay khói lạnh - Nguyễn Ngọc Tư

Giang

Mua sách của Tư từ hồi trước Tết, mà tận hôm nay mới đọc xong, không phải vì lười, mà vì làm mất cuốn đầu, hồi lang thang ở sân bay tháng trước thì vào mua lại để lên máy bay đọc. 
Mình đọc Tư như mình đọc Haruki Murakami, bảo là fan cũng không hẳn vì nhiều lúc sách ra cả năm mới mua, nhưng bảo là không quan tâm thì hơi bất công với độc giả trung thành như mình, mình đều dành cho 2 người một sự quan tâm nhất định, trong lứa tuổi cấp 3 hỗn loạn và mơ hồ với tất cả mọi thứ trên đời thì 2 người là 2 tác giả đã giúp mình khẳng định tình yêu văn chương (một lần nữa) - giúp nó làm cái neo vững vàng cho mình sống đến ngày hôm nay (và ngày mai nếu mình đủ may mắn). 
Mình đồ rằng cuốn mới nhất này chắc không bán chạy như những cuốn trước đó, nhưng với mình, mình thích cuốn này, thích và cổ vũ Tư trong âm thầm vì đã bước thêm một bước chắc chắn nữa trên sự nghiệp của Tư nói riêng và thế giới nghệ thuật khắc nghiệt nói chung. 
Tư vẫn là Tư thôi, sẽ vẫn bắt gặp trong sách những thổ ngữ miền Tây, những câu cú gọn lỏn, chỏng chơ, những chủ đề về một miền đất miệt nhiều sông nhiều vườn và nhiều nỗi buồn lẩn khuất trong chái bếp vườn sau - cái duyên riêng này Tư chiếm lĩnh độc quyền rồi, mình không nghĩ sẽ có một tác giả nào khác có thể thay thế trong tương lai gần. 
Nhưng điều mình thích là Tư đã vượt qua chính mình, dấn thân vào những chủ đề góc cạnh hơn, thực tế hơn và mài dũa ngòi bút của mình để những tản văn không còn mênh mang nỗi niềm phương ngữ nữa. Sách chia ra làm 2 phần, 1 phần Tư viết chùm truyện ngắn dưới một chủ đề lớn là thế giới trong tương lai nơi con người không thề sống trên bề mặt trái đất nữa mà phải xuống một nơi ngầm trong lòng đất, phần còn lại là các câu chuyện ngắn đến cực ngắn, về chủ đề linh tinh lang tang. 
Một số đoạn trích dưới đây là những đoạn mình thấy thích thú, và đều nằm ở phần 2, vì phần 2 mình đọc sách mà như mình đọc được Tư vậy, đâu đó cũng như mình đọc chính mình
Về cảm giác lúc mình ngủ và mắc kẹt trong chính giấc ngủ của mình, không phải ai cũng tả lại được khoảnh khắc một cách chân thật và giàu liên kết như vậy, Tư đã viết ra dùm cái cảm giác vô cùng riêng tư và tận cùng của sự đơn độc, làm sao thoát ra được cơn mơ của chính mình? 
“Mình phải về, bằng mọi cách phải về. Ý thức chuyện đó càng mạnh, thì không khí tuyệt vọng càng đậm đặc, sắc cạnh. Có thể cảm thấy được chúng va nhau trong tuỷ, trong buồng phổi mỗi khi hít thở. 
Chiêm bao tuyệt đối không quá khứ, không lý do, chúng là một lát cắt, một phân đoạn bất ngờ. Vì vậy mà chiêm bao đáng sợ. Những kiến thức, khả năng suy luận, kềm chế đều vô nghĩa trong mơ. Nó vô lý hiển nhiên đến mức không tồn tại câu hỏi tại sao. Nhân vật tôi mà tôi đang nhìn thấy đang hoảng loạn vì không có cách nào trở về, giống như một người tình dậy trong quan tài đã đóng nắp. Tối thẫm, chật cứng, ngộp thở. Mặc định sẵn là tôi cần về, nhất định phải về, nhưng không có cách nào thoát khỏi, trừ phi thức giấc.”. 

(Mơ xấu) 
Với đứa đôi khi tắc tị vì thiếu vốn từ như mình thì vẫn hay ngưỡng mộ nhà văn chỉ vì họ xài từ “đã” quá, Tư trong sách lần này đã quá lão luyện trong cuộc chơi ngôn từ và câu cú, làm “thoả mãn” mình 
“Miêu tả trọn tháng Tư chỉ gói gọn trong một từ Nắng. Mà không, là lửa. Ngay từ bình minh còn chưa vóc dáng, lửa đã hung bạo kéo tới chiếm đóng đến tận cuối chiều. Vào lúc ánh sáng tiếc nuối tắt đi, hơi nóng mặt trời vẫn tham lam ngoạm vào ban tối, lây nhiễm đêm đen mượt cái nọc độc nhớp nháp của ngày. Những ngày này, đến ý nghĩ cũng không bay nhảy linh hoạt được. Thế giới xỉu đi như một lá cờ không gió” 

(Sau cùng là tro) 
“May những từ quan trọng nhất vẫn ở đó. /Học hỏi/ vẫn cái vẻ nghiêm nghị muôn thuở ở ngay trang đầu tiên, một động từ ráo riết, khiến mình chẳng bao giờ được yên khi đọc, xem phim, lội mạng. Lúc nào cũng là cuộc kiếm tìm, cả khi thư giãn. Nghe nhạc mà đầu cũng chong lên sao chỉ một bài hát mươi câu thôi người ta phơi bày hết không khí bải hoải của một cuộc chiến, hoặc một cuộc tình, mình làm được điều đó với văn chương không? Giống như /Kỷ Luật/, với vẻ ngoài khắc khổ, khô khòng, /Học hỏi/ luôn nổi khùng với mình mỗi khi mình biếng lười, buông thả.

(Từ điển cá nhân) 
Đoạn trích cuối là đoạn hơi “mô phạm”, và mang tính tuyên ngôn, nhắc nhở của riêng Tư cho Tư, nhưng nó lại là cái kết khá đẹp cho sách, lại thêm một lần khen cho biên tập, và dĩ nhiên, cho Tư, mong Tư sẽ lại ra sách, lâu cũng được, nhưng sẽ là một dấu mốc khác cho Tư, và cho độc giả, cho mình. 
“Hãy kể câu chuyện này, nó là của bạn. Một khi lời thì thầm cất tiếng, tôi không còn bối rối bởi những tiếng ồn ã chung quanh. Những hứa hẹn và doạ dẫm. Tán thưởng và ghét bỏ. Ảo tưởng và mặc cảm. Yêu thương và đố kỵ. Chúng có thể vang động, gây choáng váng vào một vài giây phút nào đó, rồi lời thì thầm kia về lại với tôi, chỉ để nói hãy viết câu chuyện thuộc về tôi. Nó xua sợ hãi, và làm tôi quên mất những cái bóng vĩ đại trên đầu mình. Hãy kể câu chuyện này ra, bởi bạn là nhà văn, đó là việc bạn phải làm, duy nhất. Và đó là thứ duy nhất làm nên một thế đứng kiêu hãnh, cho người viết. 
Tôi tin người ta luôn có những câu chuyện giống nhau, cùng sỡ hữu một vốn từ nghĩ gần như nhau, nhưng mỗi người sẽ có một cách kế của riêng mình, từ cách chạm vào đời sống, cách người ta đặt tấm gương đón nhận những hình ảnh phản chiếu của đời sống ấy, tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn, và tinh tế. Và tôi cũng tin có hàng triệu câu chuyện được viết ra dưới vòm trời này, chúng lẩn khuất đâu đó ở những xứ sở xa xôi, với những người đọc ít ỏi của mình, trong những tiểu vùng ngôn ngữ, nhưng chúng vẫn ở đó, không chờ đợi được tưởng thưởng hay vỗ về, chúng ở đó vì người viết chúng không thể và không muốn quay lưng lại với lời thì thầm: “Bạn hãy kể câu chuyện này ra, nó sinh ra là dành cho bạn, không phải sao?” 


(Từ những lời thì thầm).

Mời các bạn tải đọc sách Hong Tay Khói Lạnh của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.

 

Giá bìa 120.000

Giá bán

80.000

Tiết kiệm
40.000 (30%)
Giá bìa 120.000

Giá bán

80.000

Tiết kiệm
40.000 (30%)