Huyết Chiến Bạch Đằng |
|
Tác giả | Hoàng Quốc Hải |
Bộ sách | Bão táp Triều Trần |
Thể loại | Lịch sử - Quân sự |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 mp3 |
Lượt xem | 11777 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 mp3 Sách Nói Audio full Hoàng Quốc Hải BEE Radio Bão táp Triều Trần Tiểu thuyết Lịch sử Văn học Việt Nam Văn học phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
Bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” là bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ nhất mà một nhà văn đương đại của Việt Nam viết ra. Qua hơn sáu nghìn trang tiểu thuyết, Hoàng Quốc Hải đã phục dựng rất sinh động bốn trăm năm tồn tại của hai thời đại hào hùng nhất, vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc ta.
Đây là cuốn thứ tư trong bộ Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Tác phẩm viết về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba của dân tộc ta, với mấu chốt là chiến thắng Bạch Đằng, bắt và giết được toàn bộ chỉ huy thủy quân giặc. Một chiến thắng thể hiện tài trí của Trần Hưng Đạo đã tính toán được các yếu tố tự nhiên chuẩn xác để bẫy giặc đúng thời điểm cần thiết.Trọn bộ Bão Táp Triều Trần gồm có:
- Bão táp Cung Đình
- Đuổi quân Mông Thát
- Thăng Long Nổi Giận
- Huyết Chiến Bạch Đằng
- Huyền Trân Công Chúa
- Vương Triều Sụp Đổ
Các triều đại phong kiến trong lịch sử không hiểu vì sao luôn có một sự cuốn hút đặc biệt đối với mình, mình vì thế rất thích xem phim cổ trang. Lúc xem mình thường google tìm hiểu các sự kiện được ghi chép trong lịch sử, nhờ thế vừa học hỏi được nhiều điều lại vừa thỏa mãn trí tò mò của bản thân. Mình đã luôn mong ước được xem một bộ phim cổ trang Việt Nam hùng tráng, cho đến khi mình tìm được bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải thì cái mong ước ấy cũng được thỏa mãn đến tận tám chín mươi phần trăm.
Bộ tiểu thuyết này đúng như tên gọi của nó, với nội dung xoay quanh triều đại nhà Trần với ba lần chiến thắng quân Mông – Nguyên xâm lược. Ban đầu bộ thuyết gồm bốn quyển, sau tác giả viết thêm hai quyển, vậy là toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc từ năm 1225 khi Trần Thủ Độ buộc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh cho đến năm 1400 khi Hồ Quý Ly truất ngôi vua Trần được gói gọn lại trong sáu quyển sách dưới đây.
Một là Bão táp cung đình. Quyển sách nói về sự mở đầu của nhà Trần trước tình cảnh đất nước nội chiến hỗn loạn, nhân dân đói khát, vua quan nhà Lý bất lực và giặc ngoại xâm Mông – Nguyên chực chờ thôn tính Đại Việt. Trần Thủ Độ thâu tóm được thiên hạ vào tay dòng họ Trần rồi từ đó chấn hưng đất nước. Quyển sách kết thúc ở sự kiện đám cưới của Thiên Thành công chúa – cô ruột của Trần Quốc Tuấn.
Hai là Đuổi quân Mông Thát. Phần này mở đầu bằng sự kiện Trần Quốc Tuấn cướp hôn để cưới cô ruột của mình, rồi xoay quanh cuộc chiến chống quân Mông Nguyên lần một (1257) của Trần Thủ Độ và vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh).
Ba là Thăng Long nổi giận. Đây là cuốn sách mô tả lại giai đoạn gây cấn nhất trong lịch sử nhà Trần, giai đoạn chống quân Mông – Nguyên lần thứ hai (1285). Trong đó, Trần Quốc Tuấn được ví như một vị tướng nhà trời giúp dân tộc Đại Việt giữ vững bờ cõi, sát cánh cùng thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, cùng công lao không được lịch sử ghi nhận của An Tư công chúa – con gái vua Trần Thái Tông.
Bốn là Huyết chiến Bạch Đằng. Cuốn này tiếp nối Thăng Long nổi giận khi kể về cuộc chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ ba của nhà Trần (1288). Chỉ sau ba năm mà giặc lại kéo đến giữa tình cảnh đất nước chưa kịp hồi phục và tài điều binh khiển tướng của Trần Hưng Đạo giúp đất nước chiến thắng thêm một lần nữa.
Năm là Huyền Trân công chúa. Quyển này viết về cuộc hôn nhân nổi tiếng của công chúa Huyền Trân (con gái vua Trân Nhân Tông) với vua nước Chiêm Thành lúc bấy giờ là Chế Mân cho đến cái chết của vị vua này. Phần này cũng có nói đến việc vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, rồi vào núi Yên Tử coi sóc dòng Thiền Trúc Lâm do ông sáng lập.
Sáu là Vương triều sụp đổ. Quyển sách cuối cùng này viết về giai đoạn suy thoái triền miên của nhà Trần (1341-1400) khi các vua Trần kẻ thì ăn chơi sa đọa, người thì bất tài chỉ biết nghe lời gian thần, còn người tài đức thì không được trọng dụng. Quyển sách kết thúc khi vị gian hùng Hồ Quý Ly lên ngôi vua và lập ra nhà Hồ.
Về mặt kiến thức lịch sử thì bộ Bão táp triều Trần đã mang đến cho mình rất nhiều điều mới mẻ mà mình chưa từng để tâm để biết đến. Ví như vị Thái sư Trần Thủ Độ ở giai đoạn buộc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh cũng chỉ mới là một người thanh niên ba mươi tuổi chứ không phải một ông già râu tóc bạc phơ, trải đời đủ nhiều đế tính toán được những bước đi như thần như thánh. Chàng thanh niên Trần Thủ Độ khi đó cũng phải hao tâm tổn sức, trằn trọc thâu đêm, rồi tìm đến các bậc quân sư để suy tính cho nước nhà. Một con người có tội với nhà Lý, nhưng lại có công với đất nước, nhân dân. Giả dụ như Trần Thủ Độ không lập ra nhà Trần, thì sức đâu mà cả nước chống lại được sự xâm lược của quân Mông – Nguyên ở giai đoạn Hốt-tất-liệt thôn tính gần cả hết Châu Á và một phần Châu Âu? Trần Thủ Độ cũng là một người suy tính cho đất nước chứ không tư lợi cá nhân, vì nếu mưu cầu quyền lực thì chính ông đã lên ngôi vua chứ không tới lượt Trần Cảnh. Nhưng cũng chính con người này lại ép em cướp vợ của anh (Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh cưới vợ của anh ruột Trần Liễu là Thuận Thiên công chúa lúc này đang có mang để đảm bảo có người nối dỗi cho nhà Trần) – một sự kiện đi ngược luân thường, đạo lý. Không ca tụng các vị anh hùng lịch sử lên đến tận trời mây, cũng không dìm kẻ ác xuống đường cùng tăm tối, là một điều mình cực kỳ yêu thích ở Bão táp triều Trần.
Việc ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên quả là một điều hy hữu trong lịch sử thế giới, nhưng cách viết của những quyến sách lịch sử làm mình cứ ngỡ Đại Việt thời đó hùng mạnh nhất thiên hạ. Cho đến khi Bão táp triều Trần giúp mình gỡ bỏ được cái suy nghĩ phi lý đó ra khỏi đầu. Vị tướng nhà trời Trần Hưng Đạo cũng đã phải hao tâm tổn sức suy tính cho đất nước, đi từng nước cờ chậm rãi chắc tay, biết dùng người tài vào đúng chỗ, biết bỏ qua hiềm khích cá nhân (Trần Quốc Tuấn là con trai Trần Liễu, trước lúc chết Trần Liễu có hối lại con trai phải dành lại ngôi vua cho dòng trưởng) mà đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu thì mới có chiến thắng. Vua và dân vừa phải nhún nhường trước giặc vừa phải đồng lòng dốc sức từ già đến trẻ thì mới có chiến thắng. Các chiến thắng này là lấy thua để thắng, là lấy yếu khắc mạnh, là biết mình biết ta, chứ nào phải đâu hùng mạnh là thắng.
Một điều nữa mà mình vô cùng yêu thích khi đọc Bão táp triều Trần đó là luật nhân quả được thể hiện rõ rệt trong tiến trình lịch sử. Nhà Trần truất ngôi nhà Lý thế nào, bức tử con cháu nhà Lý thế nào thì nhà Hồ làm y như thế với con cháu nhà Trần. Rồi Trần Thủ Độ vì biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân nên mới xây dựng được cơ đồ nhà Trần vững mạnh trong vòng 175 năm. Còn Hồ Quý Ly vì tư lợi cá nhân, vì đam mê quyền lực nên nhà Hồ chỉ tồn tại được 7 năm. Cái công bằng của luật nhân quả chưa bao giờ bỏ qua một ai.
Thật tình, ban đầu mình chỉ mong tìm được một quyển tiểu thuyết lịch sử đủ cuốn hút để mình có thể bổ sung thêm kiến thức lịch sử nước nhà không bằng một cách khô khan như những quyển sách chỉ đơn thuần viết về sự kiện. Và rồi mọi thứ đã vượt quá kỳ vọng của mình khi Bão táp triều Trần chứa cả đạo ở trong đó. Nhân, thiện, tín, trung. Nhân quả, nhân duyên và giải thoát. Dù đó là lời nói của bậc quân sư tài trí, vị thái sư nắm trong tay binh quyền thực sự, vị vua non trẻ với tấm lòng hướng thiện muốn mở mang, hay cả cô hầu nữ trung trinh chỉ được nhắc đến vài lần. Tất cả được thể hiện một cách khéo léo tài tình lôi cuốn mình lật hết trang này sang trang khác. Và vì nhờ sách chứa cả đạo ở trong nên mình dù tiến trình lịch sử ngập tràn bi kịch lẫn máu me, mình vẫn thấy tâm mình nhẹ nhàng cởi mở và thêm phần thấu hiểu cuộc đời hơn là ghê sợ hay lo âu. Những nhân vật được khai thác đa chiều, để ở góc nhìn này họ là thiện, nhưng ở góc khác họ là ác. Thiện ác trộn lẫn như nguyên lý bất nhị. Để người đọc là mình đứng giữa ở vị trí công tâm, đủ yêu đủ ghét mà không nhìn bằng đôi mắt phiến diện đối với bất kỳ nhân vật lịch sử nào. Mình vì thế không khỏi khâm phục tác giả Hoàng Quốc Hải, bởi vì chỉ có nhân cách lớn mới viết ra được tác phẩm lớn.
Với mình, lịch sử là do con người tạo ra, thật thật giả giả vốn không bao giờ có cách biết được. Thế nên, đọc sách sử thật giả không phải là yếu tố quyết định. Cái cốt là mình học được gì. Đạo lý gì ngấm được vào người? Mình tin, nhân cách lớn cũng được tưới tẩm từ những điều nhỏ mà ra. Nếu bạn cũng yêu thích lịch sử và cần một cách cuốn hút để tìm hiểu lịch sử thì mời bạn tìm đọc Bão táp triều Trần – Hoàng Quốc Hải nhé! Còn mình chắc nghỉ ngơi một thời gian với thể loại này rồi sẽ tìm đọc bộ Tám triều vua Lý của cùng tác giả đó.