Nói đến mưu kế, có người cho rằng nó chỉ là sự lừa bịp, dối trá, gian manh, ác độc… Thực ra, mưu kế là sản phẩm trí tuệ của con người, nó giúp con người vượt qua những tình hướng khó khăn phức tạp, đạt đến mục tiêu bằng khả năng chủ quan và theo quy luật khách quan. Sử sách đã ghi nhận không ít người làm nên sự nghiệp nhờ « đa mưu, túc trí », biết tạo thời cơ và tận dụng thời cơ. Vậy mưu kế là tốt hoặc xấu phải xét ở mục đích, động cơ ta sử dụng nó.
Tập sách này giới thiệu « ba mươi sáu chước » khá điển hình. Tác giả chọn trích các ví dụ từ trong truyện tích Trung Hoa, bởi lẽ chúng đã được lưu truyền khá rộng rãi trong nhân dân ta từ trước tới nay. Mặt khác, xã hội phong kiến Trung Hoa, trải qua nhiều triều đại, đã là nơi tiêu biểu để bộc lộ sự tranh chấp giữa thiện với ác, giữa chính với tà… để lại cho người đời sau nhiều tấm gương, nhiều bài học không dễ bỏ qua.
Con số « tam thập lục » – cũng mang nặng tinh thần triết lý phương Đông – nó là « thái dương chi số lục lục » (sáu lần sáu bằng ba mươi sáu), biểu thị sự biến hóa vô cùng, theo quan niệm của người xưa. Tuy nhiên, cho dù các mưu kế là thiên biến vạn hóa, nó vẫn có những nguyên tắc, những cơ sở có tính quy luật mà chúng ta có thể nhận biết và học hỏi để tăng thêm khả năng xét đoán, khả năng ứng xử trong cuộc sống của mỗi người.
NHÀ XUẤT BẢN LONG AN
***
« Tẩu kế » nghĩa là chạy, lùi, thoát thân.
Tại sao kế sau chót cổ nhân lại đặt là « kế chạy ? ».
Lại có câu : « Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách » (Ba mưới sáu chước, chạy là hơn hết !)
Bởi vậy, kế này liên quan nhiều đến sự thành bại của một công việc lớn.
Bất luận là đánh nhau bằng văn hay bằng võ, không ai là có thể thắng hoài. Trong quá trình chiến đấu bao gồm nhiều kiểu thắng, nhiều kiểu bại, lúc ẩn lúc hiện, trong chớp mắt dồn dập cả trăm ngàn biến chuyển.
Nếu không ứng phó mau lẹ để tránh những cảnh bất lợi, để nắm mau lợi thế mà tiến tới thắng lợi, thì không phải là nhân tài.
Chạy có nhiều phương thức. Bỏ giáp, bỏ vũ khí mà chạy, bỏ đường nhỏ mà chạy tới đường lớn, bỏ đường bộ mà chạy sang đường thủy… các phương thức tuy không giống nhau nhưng cùng hướng chung đến mục đích là tránh tai họa để bảo đảm an toàn, để bảo toàn lực lượng.
*
Phạm Lãi giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt Ngô. Thành công rồi thì nghĩ ngay đến cảnh mùa săn hết thì chó phải chết, nên khi thấy một vài hành động của Câu Tiễn, Phạm Lãi liền bỏ trốn vào Ngũ hồ mà mai danh ẩn tích, làm kế thoát thân.
Phạm Lãi rời Việt Vương Câu Tiễn ẩn cư ở Đào địa, nổi danh là Đào Chu Công.
Con thứ của Đào Chu Công ở Sở quốc phạm tội giết người, bị xử tử hình, sai người về báo tin
Đào Chu Công vì muốn cứu con, mới đem chiếc xe bò chở đầy mấy chum vàng, sai người con thứ ba sang Sở quốc vận động cứu anh. Người con cả trách rằng : « Con cả gần như cha trong gia đình, nay em thứ bị nạn lại không cho tôi đi, mà cho em ba đi là nghĩa làm sao ? »
Oán trách như thế rồi, người con cả có ý định tự sát.
Bà Đào Chu Công thấy cơ sự như vậy, mới trách chồng : « Sao ông hồ đồ thế ? Con thứ nó bị nạn thì phải cho con cả nó đi cứu em nó, bây giờ ông cho thằng ba đi thì trách sao chẳng khỏi gây mối bất hòa ».
Đào Chu Công không biết làm sao, đành phải gọi con cả trao cho sứ mạng đi cứu em.
Ông viết một phong thư dặn rằng khi tới Sở quốc phải tìm một người tên là Trang Sinh, mang những vàng bạc tới nhà Trang Sinh nhưng không nói chuyện chi cả, rồi trở về.
Người con cả khởi hành có mang theo tiền riêng của mình là trăm lạng vàng. Đến nước Sở, anh ta tìm vào một ngõ hẻm nghèo nàn gặp Trang Sinh, làm y lời cha.
...
Mời các bạn đón đọc
Tam Thập Lục Kế (36 Chước) của tác giả
Trọng Tâm.