Cầm trên tay cuốn sách đầu tay của Lê Thủy Anh là một cảm giác rất đặc biệt với tôi. Cơ duyên của tôi và em bắt đầu từ vài năm trước đây khi tôi nhận được e-mail của một cô bé tự giới thiệu là sinh viên ĐH Ngoại thương nhưng không học tôi mà chỉ biết tôi qua bạn bè. Em gặp một vài khó khăn trong cuộc sống và mong được tôi cho ý kiến. Cuộc gặp ấy đã khởi đầu cho một mối duyên lâu dài giữa tôi và em, một cô gái giàu nghị lực, rất đáng khâm phục.
Lần đầu gặp nhau, em chia sẻ rất nhiều về sự bất lực trước gánh nặng gia đình và công việc cùng đổ dồn lên đôi vai bé nhỏ của em. Tôi còn nhớ mình đã rất xót xa khi nhìn một cô gái trẻ, làm việc rất chăm chỉ, kiếm ra tiền nhưng hoàn toàn không có thì giờ chăm sóc bản thân mà chỉ biết nghĩ cho người khác. Sau này tôi mới biết, lúc ấy em còn đang rất đau khổ vì mối tình không lối thoát của mình. Gia đình em ở xa, không thể an ủi, chăm sóc em nhưng gánh nặng kinh tế và nghĩa vụ của người chị với 3 đứa em, trong đó có một em bị Down luôn đè nặng lên vai em. Dù cố sức an ủi cô gái bé nhỏ nhưng tôi vẫn lo ngại em khó có thể thoát ra khỏi cái vòng kim cô của nghĩa vụ ấy để được sống cho mình, được thực hiện ước mơ du học, bước ra ngoài thế giới của em. Khỏi phải nói tôi đã vui mừng thế nào khi 2 năm sau được em cho biết đã xin được học bổng để đi học Thạc sĩ ngành em mơ ước ở Italy và cũng đã tìm được một chàng trai tâm đầu ý hợp ở nơi ấy. Tôi hồi hộp theo dõi từng bước chân em trong quá trình học tập rồi lập gia đình vì tôi biết em học thạc sĩ khá muộn và việc hội nhập với đời sống ở châu Âu không đơn giản, nhất là em vốn quen với văn hóa Nhật Bản, Á Đông. Nhưng rồi tin vui cứ dồn dập đổ về, em đã hoàn thành chương trình học thạc sĩ rất khó khăn đó và cũng đã tìm được một mái ấm ngọt ngào trên đất nước Italy xinh đẹp.
Những tưởng em đang an hưởng những ngày hạnh phúc sau thời gian dài vất vả nhưng hóa ra cô gái bất khuất này vẫn không thể ngồi yên. Dù bản thân đã tìm được bến đỗ nhưng cô vẫn khát khao chia sẻ con đường của mình với những người đi sau, mong mỏi giúp được các bạn bớt khó khăn trong quá trình tìm kiếm cơ hội trên đất Italy. Cuốn sách này là câu chuyện rất chân thực của một cô gái từ kinh nghiệm học tập khi mới bắt đầu vào đại học ở xa nhà, đến kinh nghiệm học tốt ngoại ngữ, kinh nghiệm kiếm được việc làm thêm để trang trải cuộc sống và đỡ đần gia đình… Những chia sẻ về những ngày đầu đi làm, kinh nghiệm làm hồ sơ, va chạm/hòa nhập với nơi làm việc mới sẽ rất đáng quý với những bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời. Đặc biệt, câu chuyện của em về quá trình xin học bổng, làm visa đi Italy, rồi việc học tập, định cư ở nơi xa xôi ấy chắc chắn sẽ rất hấp dẫn người đọc.
Trên hết, cuốn sách này là một bài ca về nghị lực sống, về tinh thần vượt khó vươn lên của một cô gái Việt, một người đã biết vượt lên không chỉ những khó khăn, cản trở đặc trưng với một phụ nữ Á Đông mà còn biết dung hòa giữa nghĩa vụ gia đình và khát vọng sống của bản thân. Những gì Thủy Anh đã làm được sẽ tạo động lực cho rất nhiều bạn gái trẻ đang chuẩn bị vào đời, giúp các em thêm tin tưởng vào quyền được hạnh phúc, vào giá trị bản thân của người phụ nữ, giúp củng cố niềm tin là chỉ cần nỗ lực bền bỉ, AI CŨNG CÓ QUYỀN VÀ CÓ THỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC!
Tháng 9 năm 2017
PGS. TS. NGUYỄN HOÀNG ÁNH - Giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội
Vấn đề đầu tiên là “TIỀN ĐÂU”
Từ lúc tôi có ý định đi du lịch Ý cho đến khi tôi thực hiện được kế hoạch của mình là 1 năm. Tôi dự định phải có ít nhất 50 triệu đồng cho chuyến đi đó. Điều này thì tùy kế hoạch, khả năng thu nhập và cách chi tiêu của mỗi người. Tôi quyết định hạn chế tối đa những chuyến đi nhỏ và ngắn ngày để dành ngày nghỉ phép ở công ty và mỗi tháng cố gắng tiết kiệm ít nhất 5 triệu. Dĩ nhiên là tôi phá vỡ kế hoạch liên tục vì tôi có rất nhiều khoản phát sinh. Nếu muốn ta sẽ tìm cách, khi không muốn ta sẽ tìm lý do.
Lên danh sách chi phí hành trình: ba khoản cơ bản tốn kém nhất là: di chuyển (vé máy bay, vé tàu, vé buýt…); ở (hostel, homestay…) và ăn. Ngoài ra còn tiền vé cho một số điểm tham quan và các chi phí phát sinh.
Học tiếng Ý: Tôi bắt đầu học tiếng Ý 1 tuần 3 buổi tại trung tâm Dante, 16 Lê Phụng Hiểu. Sau 1 năm thì tôi học được bốn khóa, đi học rất vui vì biết nhiều hơn về văn hóa, ẩm thực, con người, lịch sử… nước Ý. Học tiếng Ý là quyết định rất sáng suốt vì người dân Ý không dùng tiếng Anh nhiều. Chưa kể việc làm quen và bắt chuyện với người dân địa phương giúp tôi biết thêm rất nhiều điều thú vị. Biết thêm một ngôn ngữ thấy mình bước thêm được một bước ra thế giới rộng lớn và bao la.
Xin VISA
Tôi tự tìm hiểu trên các diễn đàn để tìm hiểu thông tin xin visa Schengen. Hồ sơ của tôi là phụ nữ độc thân đi du lịch tự túc nên khả năng cao là sẽ bị từ chối thẳng. Với kinh nghiệm sau vài năm đi làm và thường xuyên đến các đại sứ quán Đức, Nhật… để xin visa cho sếp và cho các chuyến đi công tác của mình thì tôi thấy không gì là không thể. Cứ chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ như theo yêu cầu của đại sứ quán.
Trang web và hướng dẫn thủ tục của Đại sứ quán Ý:
www.ambhanoi.esteri.it/ambasciata_hanoi/vi/informazioni_e_servizi/visti
Thủ tục yêu cầu như sau:
Thị thực du lịch
(Thời gian lưu trú tối đa: 90 ngày)
1. Đơn xin cấp visa.
2. 2 ảnh cỡ 4x6 (nền trắng, yêu cầu chụp ảnh để xin visa châu Âu).
3. Hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 3 tháng tính từ ngày hết hạn visa được cấp.
4. Đặt vé máy bay hoặc vé máy bay khứ hồi. (Cái này chỉ yêu cầu đặt vé thôi. Mọi người có thể nhờ phòng vé đặt hộ cho phần này. Bao giờ có visa mà yêu cầu phải xuất vé bay thì mới mua. Tôi đặt online trên trang của Cathay. Đến phần thanh toán tôi chọn thanh toán sau, nó sẽ tự động gửi về mail xác nhận đặt phòng cho hành trình mình chọn. Tôi in cái này ra và nộp cho đại sứ quán. Trường hợp của tôi có visa, không yêu cầu phải xuất vé vì vậy sau này tôi mới mua vé.)
5. Bằng chứng về nơi ở tại Ý: biên lai đặt tour du lịch, đặt khách sạn hoặc thư mời nếu có người mời từ Ý (trong trường hợp có người mời từ Ý, yêu cầu thư mời làm theo mẫu của Sứ quán quy định). Thư mời này yêu cầu 2 bản: một bản fax hoặc e-mail trực tiếp từ Ý đến Phòng Visa Đại sứ quán Ý tại Hà nội (Fax: +84 439351179, e-mail: visti.hanoi@esteri.it) và một bản do người nộp hồ sơ trình tại thời điểm nộp hồ sơ cùng những giấy tờ khác.
Trước khi làm thị thực du lịch tôi làm thêm một cái gọi là lịch trình cơ bản cho 20 ngày: đi đâu, bằng phương tiện gì, tham quan những đâu… Càng chi tiết càng tốt vì sẽ thể hiện rõ mong muốn du lịch của mình và tìm hiểu kỹ những nơi đi. Vì tôi muốn xin visa Schengen nên tôi cho thêm vào lịch trình là 3 ngày ở Paris (nếu chỉ du lịch ở Ý, thông thường đại sứ quán sẽ chỉ cấp visa National ở Ý thôi). Vì lịch trình có Paris nên tôi phải có vé bay hoặc bằng chứng đi lại, ăn ở tại Paris. Tôi xuất vé của Ryan Air vé rẻ khứ hồi tầm 60 Euro (Roma – Paris, Paris – Milan) nên trường hợp có bị từ chối hoặc thay đổi lịch trình cũng đỡ tiếc.
Tôi thường đặt khách sạn trên www.booking.com theo lịch trình của mình. Tôi chỉ chọn những khách sạn cho hủy miễn phí (free cancellation) để đặt. Sau khi đặt xong sẽ có xác nhận gửi về e-mail. Tôi in ra và nộp cho Đại sứ quán. Có visa rồi thì tôi hủy hết các đặt phòng trước và đặt các hostel theo lịch trình thực tế của mình.
Trường hợp bạn nào có thư mời ở homestay thì có thể dùng thư mời theo mẫu trên website của Đại sứ quán Ý, điền các thông tin và ghi rõ mình ở đó trong khoảng thời gian nào. Lưu ý là phần chi phí bạn phải ghi rõ là bạn chịu hết nếu không Đại sứ quán sẽ yêu cầu mục 6 (bảo lãnh ngân hàng). Tôi dùng booking toàn bộ ở khách sạn để tránh việc Đại sứ quán hỏi về mối quan hệ hay đòi thêm các giấy tờ từ người mời.
6. Bảo lãnh ngân hàng (atto di fideiussione bancaria) mở tại ngân hàng của Ý.
Chỉ dùng trong trường hợp người mời đài thọ hết các chi phí để chứng minh là người mời có đủ khả năng tài chính chi trả cho chuyến đi của bạn. Việc bảo lãnh ngân hàng ở Ý khá phức tạp nên sẽ gây phiền cho người mời. Nếu thực sự thân quen và bạn không có đủ năng lực chứng minh tài chính thì mới nên dùng cách này.
7. Chứng minh khả năng tài chính (bản sao kê tài khoản ngân hàng 6 tháng cuối, sổ tiết kiệm, giấy báo tài khoản ngân hàng và giấy tờ nhà đất, xe cộ, thẻ tín dụng, thẻ visa, v.v..).
Tôi nộp bản sao kê tài khoản lương 6 tháng (chứng minh mình có thu nhập đều đặn), hạn mức tín dụng, xác nhận số dư (thể hiện toàn bộ các khoản thu nhập mình có), sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng (theo như tôi biết yêu cầu tối thiểu khoảng 5.000 đô-la, mức đó không có thông báo chính thức nhưng tôi vẫn chuẩn bị sẵn).
8. Giấy tờ chứng minh công việc: Trường hợp đi làm phải có giấy đồng ý nghỉ phép của công ty + hợp đồng lao động.
Tôi nộp hợp đồng lao động và giấy đồng ý nghỉ phép của công ty có chữ ký của sếp và đóng dấu công ty. Tất cả giấy tờ đều bằng tiếng Anh.
9. Bảo hiểm du lịch, bảo hiểm y tế với mức tối thiểu là 30.000 Euro cho việc cấp cứu, viện phí khẩn cấp và các chi phí hồi hương.
Tôi mua của Gras Savoye Willis Vietnam phí bảo hiểm là 27 đô-la cho 22 ngày. Trường hợp không được cấp visa có thể hủy và lấy lại tiền (tham khảo tại website: www.grassavoyewillis-vn.com).
Tôi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và viết thêm một lá thư gửi Đại sứ quán ghi rõ công việc hiện tại của mình, lý do tôi muốn đi châu Âu để du lịch chứ không định ở lại sau chuyến đi.
Thời gian nộp hồ sơ ở Đại sứ quán Ý khi đó là:
Thứ Hai, thứ Ba, thứ Năm từ 9:00-11:00: Nhận và trả hồ sơ xin thị thực. 11:00-12:30: Lấy dấu vân tay.
Thứ Tư: 14:00-15:00: Nhận và trả hồ sơ xin thị thực. 15:00 - 16:00: Lấy dấu vân tay.
Thứ Sáu: đóng cửa.
Lúc nộp hồ sơ sẽ phải lấy luôn dấu vân tay ở cả hai bàn tay.
Sáng thứ Hai tôi nộp hồ sơ thì đến thứ Ba tôi nhận được điện thoại hẹn phỏng vấn vào tuần sau và yêu cầu bổ sung thêm lịch trình đi Paris. Đúng ngày hẹn, tôi lên nộp nốt giấy tờ và phỏng vấn. Đại sứ quán chỉ xác nhận lại có đúng tôi đang làm ở công ty này không và có phải là lần đầu đi Ý không. Tôi trả lời là đúng và mong muốn nguyện vọng của mình thành hiện thực và bên Đại sứ quán đã chấp nhận. Chào mừng đến với nước Ý. Cảm giác cầm visa Schengen trên tay mà tôi rưng rưng xúc động. Không có gì là không thể nếu mình không thử và cố gắng hết sức vì nó.
Mời các bạn đón đọc Italy, Đi Rồi Sẽ Đến của tác giả Fanara Lê.