Ngày 30/1/2018 tại sân khấu A đường sách TP.HCM đã diễn ra lễ khai mạc Ký ức Xuân Mậu Thân 1968 – Giới thiệu sách Tuổi trẻ Sài Gòn Mậu Thân 1968 và giao lưu.
Dự lễ Khai mạc có sự tham dự của ông Dương Anh Đức – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, bà Vương Thanh Liễu – Phó bí thư-Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn TP.HCM, đại diện Đường sách – Bà Quách Thu Nguyệt, các tác giả của quyển sách - những nhân chứng sống của một thời hoa lửa và đặc biệt là sự tham dự hơn một trăm bạn đoàn viên thành niên TP.HCM.
Sách Tuổi trẻ Sài Gòn Mậu Thân 1968 được tái bản lần thứ 5. |
Cách đây 50 năm, vào Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta trên toàn miền Nam đã đồng loạt tiến công địch khắp các thành phố lớn, hàng chục thị xã, hàng trăm thị trấn, đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương, địa phương của đối phương,... trong đó có nhiều mục tiêu hiểm yếu như Dinh Tổng Thống, sân bay Tân Sơn Nhất. Hòa nhịp với phong trào chung của nhân dân, tuổi trẻ Sài Gòn – Gia Định – dưới sự lãnh đạo của Thành Đoàn, đã thể hiện xuất sắc vai trò vừa là ngòi pháo, vừa là lực lượng xung kích trong các phong trào đấu tranh đô thị.
Với việc tái bản lần thứ năm, cuốn sách Tuổi trẻ Sài Gòn Mậu Thân 1968 được làm chất hơn về mặt nội dung bằng việc bổ sung những bài viết, tư liệu mới tìm được, mang nội dung quan trọng và giá trị về lòng dân trong Mậu Thân.
Trên tinh thần trân trọng công lao xương máu của chiến sĩ, đồng bào ta, CLB Truyền thống Thành Đoàn, các cán bộ đoàn đương nhiệm và NXB Trẻ đã tâm huyết tái bản, sửa chữa bổ sung tập sách Tuổi trẻ Sài Gòn Mậu Thân 1968. Trong buổi lễ, các tác giả của cuốn sách đã kể lại những điều hào hùng nhất của tuổi trẻ Sài Gòn – Gia Định 50 năm trước.
Các tác giả sách Tuổi trẻ Sài Gòn Mậu Thân 1968 giao lưu trong sự kiện. |
Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Phan Anh Điền (bí danh Ba khắc) đã kể với các bạn trẻ câu chuyện về cánh quân Thành Đoàn và nghị quyết Quang Trung, sự chuẩn bị trước, trong và sau chiến dịch.
Để thấy rõ hơn sự đóng góp của cánh quân vũ trang, ông Nguyễn Văn Bình (Tư Bình) nói thêm câu chuyện về đội võ trang Nguyễn Văn Trỗi
Trong không khí ôn lại kỷ niệm, buổi nói chuyện càng lúc càng xúc động với câu chuyện về tấm gương hy sinh của các anh hùng của Thành Đoàn, từ đó thể hiện khí tiết bảo vệ đồng đội của các chiến sĩ, do bà Trương Mỹ Lệ kể lại.
Câu chuyện hy sinh của liệt sĩ Chín Phương (Võ Thị Bua) và liệt sĩ Bảy Thủy (Phạm Thị Thu Vân), lấy thân che trái pháo cho bé Đào (Kiến Quốc) vào ngày 4/5/1968.
Sau những câu chuyện cảm động cũng như hào hùng về mặt trận vũ trang, ông Hoàng Đôn Nhật Tân tiếp lời, kể về đêm văn nghệ Quang Trung, đêm văn nghệ hào hùng, quy tụ 12.000 sinh viên, học sinh, tạo ra một tiếng vang trong phong trào đấu tranh. Nói như ông Hoàng Đôn Nhật Tân, thời điểm đó Sài Gòn chỉ có những phòng trà và đêm văn nghệ Quang Trung chính là “liveshow”quy mô của giới học sinh, sinh viên, những người tay yếu chân mềm nhưng vẫn có tinh thần và ý thức thép trong đấu tranh vì tình yêu quê hương, mong hòa bình thống nhất một cõi.
Đội văn nghệ câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn thể hiện các tiết mục văn nghệ. |
Sau phần trò chuyện sôi nổi, kể về đêm văn nghệ Quang Trung 50 năm trước của ông Nhật Tân, đội văn nghệ câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn đã hát tổ khúc: Hát cho dân tôi nghe – Dậy mà đi – Tổ quốc ơi ta đã nghe. Cùng với liên khúc Tiếng hát từ đồng hoang (Miên Đức Thắng) - Người đợi người (Tôn Thất Lập), đây gần như là một trích đoạn phục dựng khí thế hừng hực của 50 năm trước.
Ngọc lửa 50 năm trước của sinh viên học sinh được truyền tiếp cho các thế hệ thanh niên, sinh viên, đoàn viên có mặt trong Lễ Khai mạc sáng nay, để khi cả trăm bạn trẻ đứng dậy cùng với khách mời, CLB Truyền thống Thành Đoàn hát vang bài Dậy mà đi, cả Đường sách như sáng lên, một khoảnh khắc tự hào và như lời tiếp nối cho tương lai.