Lũ chúng tôi viết về những đứa trẻ mồ côi cùng được tụ họp về học chữ tại trường tiểu học kháng chiến Tân Uyên trong giai đoạn từ khoảng năm 1946 đến năm 1950. Chúng có hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau nhưng chúng đều đã bị mất cha mẹ, người thân trong chiến tranh.
Từ lúc chưa quen biết nhau, cùng băng rừng đến trường học, chúng đã trải qua một quãng thời gian dài bên nhau với những hồn nhiên của tuổi thơ, nhưng lại đầy những trăn trở của thế hệ.
Thuở ấy, mười hai, mười ba đã biết chặt cây, vác củi, lợp nhà, cắt tranh, làm rẫy, gặt lúa... Mười hai, mười ba đã vác sách vở đi đến từng nhà dân dạy chữ cho những người lớn tuổi. Thuở ấy, tình bạn là chia nhau củ khoai củ sắn, là viết sổ lưu bút, là khắc tên nhau lên cây khi chia tay...
Cái thuở chiến tranh kia, dưới bầu trời mù mịt bom đạn ấy, lũ trẻ thương nhau như anh chị em, đứa nào cũng như trưởng thành trước tuổi, đứa nào cũng ít nhiều ngang ngạnh, hiếu thắng, lì lợm.
Đoàn có lẽ là đứa trẻ điển trai nhất, sạch sẽ nhất trong nhóm trẻ mồ côi ấy. Đoàn có biệt danh Đoàn "công tử", mặt mũi trắng trẻo, quần áo tinh tươm, thơ văn lai láng. Đoàn thông minh, nhưng tính cách ngông nghênh, coi thường kỷ luật. Đoàn và Ngọc "đen" là một cặp bài trùng, và thường gây ra nhiều rắc rối.
Trong khi đó, Năm, Mười, Bông là những đứa trẻ cần cù, mạnh mẽ, và rất chịu khó học tập. Cúc là người chị lớn trong gia đình mồ côi ấy. Cúc tỉ mỉ, chăm lo, quán xuyến tất cả mọi việc. Luôn nhường nhịn phần ăn cho các em. Trong mắt những đứa trẻ ở trường Tân Uyên ấy, Cúc là chị, là mẹ, là những tình cảm chan chứa ấm áp nhất mà chúng có được.
Tình cảm mà những đứa trẻ trong Lũ chúng tôi dành cho nhau là thứ tình bạn gắn bó một cách mật thiết, giống như tình thân. Nó xoa dịu đi không khí nóng bỏng, tang thương của chiến tranh.
Hoàng Văn Bổn viết cuốn sách năm 1981, dựa trên câu chuyện về những nhân vật có thật. Mỗi đứa trẻ trông Lũ chúng tôi giờ đây đều đã trưởng thành, đã sống những cuộc đời khác nhau, nhưng cái thời khói lửa mà đẹp rực rỡ ấy, có lẽ không ai quên được, như những chiếc rễ của những thân cây cẩm lai cổ thụ bám chặt trên mảnh đất của ngôi trường Tân Uyên.
Lối viết của tác giả là cái lối cũ, kể tỉ mỉ, kể chân tình. Vẫn là cái cách kể chuyện theo trật tự thời gian tuyến tính từ chuyện này đến chuyện kia, cứ lần lượt từng sự kiện, từng nhân vật hiện ra. Nhưng cái lối ấy quả hợp tình hợp cảnh hợp ý với câu chuyện, với tình cảm vừa chân chất, thực thà lại vừa sâu đậm của con người thời này.
Hoàng Văn Bổn kể chuyện như một người ông đang ngồi trên một hiên nhà, với những đứa trẻ vây quanh, và ông cứ thế, vừa nhấp ngụm trà, vừa kể, lúc chậm rãi, lúc say mê, lúc lại sang sảng. Những câu chuyện chiến tranh xa xưa lạ lẫm với những đứa trẻ được sống trong thời hòa bình này lắm, nhưng ông kể duyên, kể khéo, nhấn nhá vào những chỗ thơ ngây, những chỗ tình cảm ấp áp, để khiến người nghe (người đọc) phải say mê.
Hơn thế, các nhân vật của Lũ chúng tôi, ngoài những đứa trẻ kia, thì những người dân ở cái khu kháng chiến ấy mới dễ mến làm sao. Đó là một ông Ba Trợn ghê gớm, một bà Ú vui tính, bà Mười sợ học chữ, rồi bác Ba Phụng, chị Thanh Trúc, anh Dinh...
Tất cả các nhân vật đều được tác giả khắc họa vô cùng chân thực, để rồi khơi dậy được những nét đẹp đẽ nhất trong con người những nhân vật này, khiến câu chuyện càng vì thế mà gần gũi, thân thuộc, và dễ khiến độc giả yêu mến.
Hoàng Văn Bổn từng nói, ông viết cuốn sách này để "thỏa mãn cái thế giới quá khứ của tôi". Và quả thực, Lũ chúng tôi đã giúp người đọc hôm nay hiểu thêm về một thời tuổi thơ dữ dội, nhưng cũng không kém phần thi vị và đẹp đẽ của thế hệ đi trước.
Hơn hết, cuốn sách có lẽ còn khiến biết bao độc giả đã sống cùng thế hệ với tác giả phải ngậm ngùi trong niềm hạnh phúc, tiếc nuối bởi được sống lại cái thuở trẻ thơ tuyệt diệu ấy. Nó khơi dậy những cảm xúc rất chân thành, có phần hiếm hoi giữa đời sống hiện đại vùn vụt trôi.
Cuối cùng thì mọi cuộc chiến tranh đều sẽ chấm dứt, chỉ còn lại tình cảm tốt đẹp mà ta dành cho nhau. Ấy mới là cái tình bám sâu nhất trong tâm trí của mỗi người. Cuốn sách cũng vì thế mà chẳng bao giờ cũ, bởi cái tình cảm con người, hàng vạn năm trên trái đất này vẫn cứ tồn tại như thế.
Lũ chúng tôi được xem là một trong những truyện thiếu nhi hay nhất của Hoàng Văn Bổn. Tác phẩm được giải thưởng năm 1982 về thể loại thiếu nhi của Ban Văn học Thiếu nhi Hội nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và giải C cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng.
Phong Linh - Zing.vn