DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Lược Sử Máy Kéo Bằng Tiếng Ukraina

Tác giả Marina Lewycka
Bộ sách
Thể loại Tiểu thuyết
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 2097
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Marina Lewycka Hồ Thanh Ái Tiểu Thuyết Văn học Ukraina Văn học phương Tây
Nguồn ebook©vctvegroup
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Ở tuổi tám mươi tư, ông kỹ sư già góa vợ tuyên bố đã tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình. Tình yêu ấy mang hình hài một cô nàng ngực to tóc vàng đã ly dị chồng mà ông gặp ở Câu lạc bộ Ukraina. Hai cô con gái ông nhảy dựng lên, vất sạch những hằn học cá nhân để hợp lực tống cổ bằng được cô ả đào mỏ về nước. Tình huống bi hài ấy chẳng ngờ lại khiến những ký ức xúc động về người mẹ đã khuất, những phong tục của quê hương Ukraina từ lâu bị lãng quên cùng những sự thật không hề dễ chịu về quá khứ gia đình dần dần sống dậy...

Câu chuyện, thoạt tiên, chỉ như một hài kịch vui nhộn. Nhưng nếu cảm nhận bằng trái tim, đó sẽ là một tấn bi kịch được thể hiện dí dỏm và sâu lắng, dưới một nhan đề có vẻ nghiêm túc đến độ cường điệu như Lược sử máy kéo bằng tiếng Ukraina....

***

Tên sách ngỡ như chỉ nói về cơ khí nông nghiệp. Ở ta, chắc chắn không có một nhà văn nào đặt kiểu như thế, tên sách là phải hùng dũng hay bi thương, đầy “khái quát” và đặc biệt phải sáng quắc lên mới đủ tầm.


Thế nhưng, cái tên sách kiểu Tây như thế lại lôi cuốn được một lớp bạn đọc nhất định. Với tôi, đã quá lâu rồi chưa được đọc một cuốn sách nào nói về Ukraina...
 
Ngược với tên, ngỡ như cuốn tiểu thuyết cũng “nhẹ đồng cân” thôi khi những dòng đầu mở ra một câu chuyện bi hài đầy chất Mêlô: “Hai năm sau khi mẹ tôi mất, cha tôi đem lòng yêu một cô ả Ukraina tóc vàng quyến rũ đã li dị chồng. Ông tám mươi tư còn ả ba mươi sáu. Ả ta sấn sổ vào cuộc đời chúng tôi. Cứ như là một quả lựu đạn bọc bông màu hồng, khuấy đảo mặt nước âm u, khiến cho đám cặn ký ức bị vứt bỏ lại nổi lên, đá một cú mạnh vào mông của những bóng ma gia đình”.
 
Và từ ấy, cuốn phim cũ nát về ký ức, lịch sử gia đình, thậm chí còn là một phần của dân tộc Ukraina từ những năm đầu thế kỷ XX đến nay bỗng ập về.
 
Đó là một gia đình người Ukraina đã nhập cư vào nước Anh sau những biến động bi thảm của đất nước Ukraina và chính họ. Ông chủ nhà, một kỹ sư cơ khí yêu máy kéo như yêu gia đình. Ông đã dành những năm tháng cuối đời cho tình yêu sau cùng (cô ả tóc vàng người Ukraina đang khát khao kiếm chồng để định cư tại Anh) và tình yêu máy kéo muôn thuở của mình. Triết lý của ông là: “Yêu cũng như ngồi máy bay, quan trọng ở chỗ giữ được thăng bằng...”. Ông đã viết lược sử máy kéo bằng chữ Ukraina mẹ đẻ của mình. Nhưng cuốn ghi chép của ông không chỉ là máy kéo, mà nó còn nói đến nền nông nghiệp và cao hơn là một phần lịch sử của người nông dân và đất nước Ukraina. Và để “đấu tranh” lúc mạnh mẽ, lúc êm ái khôn ngoan tìm cách tống cổ “cô ả tóc vàng” ra khỏi nhà ông bố, hai chị em đã ở riêng, vốn mâu thuẫn không muốn nhìn mặt nhau đã đoàn kết lại và quan trọng hơn, ký ức về nguồn cội đã dần sống lại trong họ.
 
Câu chuyện được kể đầy chất uy-mua (humour - trào phúng) sắc sảo và đôi khi lạnh buốt đã đưa đến một cái kết vẫn đầy hài hước nhưng thật buồn. Ông lão vào nhà dưỡng lão và khi các con đến thăm, vẫn trần như nhộng chống tay quỳ dưới đất trên một tấm thảm trải giữa phòng phía trước cửa sổ. Ông đang “học” và câu kết thúc là “Ba chào mặt trời”. Trước đó người tình, người vợ tóc vàng - như tia nắng cuối cùng của đời ông - đã cùng ông li dị, theo chồng, con trở về Ukraina bằng chiếc Roll Royce cũ kỹ được ông sửa chữa và trao tặng. Ông cũng đã trao tặng sáng chế cuối cùng - những sáng chế chẳng đem lại tiền cho mình - sáng chế thứ 17, cho người chồng của “cô ả tóc vàng” - một nhà trí thức sang tìm vợ - mang về quê hương xứ sở với ước vọng nó sẽ “giúp nền công nghiệp máy kéo Ukraina hồi sinh...”.
 
Tác giả Marina Lewycka, sinh năm 1946 trong một trại tị nạn ở Đức, sau đó cùng gia đình sang Anh. Bà vốn chỉ viết sách về chăm sóc người cao tuổi. “Lược sử máy kéo...” là tiểu thuyết đầu tay của bà (2005). Những tiểu thuyết gần đây của bà vẫn chưa thể vượt qua “chiếc máy kéo” ấy.
 

Y Trang 
(Tiểu thuyết của Marina Lewycka, Hồ Thanh Ái dịch từ nguyên bản tiếng Anh - Cty Nhã Nam và NXB Lao Động xuất bản năm 2010, 424 trang)

***

Lời cảm tạ

Rất nhiều người đã góp phần làm nên quyển sách này. Trước tiên, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến những người thân trong gia đình và bạn bè, vì lòng kiên nhẫn, sự ủng hộ và những lời góp ý quý báu của họ. Tôi đặc biệt cảm ơn Sarah White, Tessa Perkins và Lesley Glaister cùng Chris và Alison Tyldesley vì đã giúp đỡ tôi về mặt lịch sử, câu cú, và nếu không có họ thì con mèo của tôi có lẽ đã chết vì bị bỏ mặc rồi. Tôi cũng rất biết ơn Eveline và Patrick Lessware, tôi đã viết bốn chương cuối cùng của quyển sách này trong ngôi nhà xinh xắn của họ ở Totnes. Tôi chân thành cảm ơn Bill Hamilton vì lòng hào hiệp và những lời khuyên quý báu của ông, cảm ơn Livi Michael, Jane Rogers, Juliet Annan và Scott Moyers vì những lời góp ý chân tình trên bản thảo. Cũng xin cảm ơn mọi người ở nhà xuất bản Viking, Penguin và A. M. Heath đã hợp tác hết sức ăn ý. Cuối cùng, tôi xin gửi lời cám ơn đến nhiều tác giả, phần lớn là vô danh, những bài viết của họ trên Internet về lịch sử máy kéo và ngành hàng không đã cho tôi cảm hứng viết nên quyển sách này. Danh sách những người tôi đặc biệt mang ơn được ghi rõ ở cuối sách.

***
Hai cú điện thoại và một đám tang

Hai năm sau khi mẹ tôi mất, cha tôi đem lòng yêu một cô ả Ukraina tóc vàng quyến rũ đã ly dị chồng. Ông tám mươi tư còn ả ba mươi sáu. Ả ta sấn sổ vào cuộc đời chúng tôi cứ như là một quả lựu đạn bọc bông màu hồng, khuấy đảo mặt nước âm u, khiến cho đám cặn ký ức bị vứt bỏ lại nổi lên, đá một cú mạnh vào mông của những bóng ma gia đình.

Mọi chuyện bắt đầu từ một cú điện thoại.

Giọng cha tôi run run vì phấn khích lách tách vang lên trong ống nghe. ‘Có tin mừng này, Nadezhda. Ba sắp lập gia đình!’ Tôi nhớ lại lúc đó máu mình đổ dồn lên đầu. Lạy trời cho đó chỉ là một lời nói đùa! Ôi chao, ông bị mát dây rồi! Ôi chao, ông già ngu ngốc! Nhưng tôi chẳng hề nói những lời này ra miệng. ‘Ô, hay đấy, ba ạ’ tôi nói.

‘Đúng, đúng vậy. Nàng và con trai từ Ukraina đến. Tỉnh Ternopil ở Ukraina.’

Ukraina: ông thở dài, hít sâu hương cỏ khô và hoa anh đào trong ký ức. Nhưng tôi ngờ rằng đó chỉ là mùi xì gà dỏm của nước Nga mới.

Tên nàng là Valentina, ông kể với tôi. Nhưng nàng hợp với tên Venus hơn. ‘Nàng Venus của Botticelli nhô lên từ sóng biển. Tóc vàng óng. Mắt lấp lánh. Ngực căng phồng. Khi con gặp nàng con sẽ hiểu’ Con người chín chắn trong tôi thấy thông cảm với ông. Đóa hoa tình yêu cuối cùng nở muộn thật ngọt ngào làm sao. Nhưng đứa con gái trong tôi thì nổi điên lên. Tên phản bội! Đồ già dê mắc dịch! Mẹ chúng tôi mới mất có hai năm thôi mà. Tôi vừa giận dữ vừa tò mò. Tôi háo hức muốn gặp cô ả, người đàn bà tiếm ngôi của mẹ tôi.

‘Nghe có vẻ cô ấy tuyệt vời quá. Khi nào con có thể gặp cô ấy?’

‘Sau đám cưới.’

‘Con nghĩ bọn con nên gặp cô ấy trước mới phải chứ?’

‘Con gặp làm gì? Con có cưới nàng đâu?’ (Ông biết như vậy không phải lắm nhưng vẫn cố lẩn tránh.)

‘Nhưng ba à, ba đã nghĩ kỹ chưa? Mọi chuyện có phần đột ngột quá. Ý con là cô ấy nhất định trẻ hơn ba rất nhiều.’

Tôi cố giữ giọng bình tĩnh, giấu đi mọi dấu hiệu bất bình, cứ như một người lớn sành sỏi chuyện đòi cư xử với một gã trẻ tuổi si tình.

‘Ba mươi sáu. Nàng ba mươi sáu, ba thì tám mươi tư. Thế thì sao chứ?’ (Ông phát âm ‘sao’ thành ‘xao’.)

Ông độp lại ngay, xem ra ông đã dự đoán trước câu hỏi này.

‘À, tuổi tác chênh lệch khá nhiều đó...’

‘Nadezhda, ba không ngờ con lại bảo thủ đến thế’ (Ông nhấn mạnh từ ‘bảo thủ’ - ôi trời đất ơi!)

‘Không, không.’ Ông buộc tôi phải co vòi lại. ‘Chỉ là... có thể có vài vấn đề.’

Sẽ không có vấn đề gì ở đây cả, ba tôi nói. Ông đã lường trước mọi thứ rồi. Ông biết nàng được khoảng ba tháng. Nàng có một ông cậu ở Selby và đã đến thăm ông ta bằng thị thực du lịch. Nàng muốn xây dựng cuộc đời mới cho mình và con trai ở phương Tây, một cuộc đời tươi đẹp, việc làm tốt, tiền bạc dư dả, xe cộ hào nhoáng - tuyệt đối không chấp nhận xe Lada hay Skoda - chỗ học hành tốt cho con trai, ít nhất phải là trường Oxford hay Cambridge. Nhân tiện phải nói luôn nàng là một phụ nữ có học. Có bằng dược sĩ. Nàng sẽ dễ dàng tìm được việc làm tốt ở đây, một khi học xong tiếng Anh. Trong thời gian chờ đợi, ông sẽ giúp nàng tiếng Anh, nàng thì sẽ lau nhà và chăm sóc cho ông. Nàng ngồi lên đùi ông và cho phép ông mân mê bầu ngực của mình. Hai người sẽ sống hạnh phúc bên nhau.

Tôi có nghe lầm không? Cô ả ngồi trên đùi ba tôi và ông mân mê bộ ngực kiểu Botticelli vĩ đại của cô ả?

‘À, ừ...’ Tôi giữ giọng bình tĩnh nhưng cơn giận đã bùng lên trong tim, ‘... cuộc đời này tràn đầy những chuyện bất ngờ. Con mong mọi chuyện sẽ tốt đẹp với ba. Nhưng nghe này, ba’ (đã đến lúc phải nói huỵch toẹt ra) ‘con hiểu vì sao ba muốn cưới cô ấy. Nhưng ba có bao giờ tự hỏi vì sao cô ấy muốn cưới ba không?’

Tak tak. Ừ, ba biết chứ. Hộ chiếu. Thị thực. Giấy phép lao động. Thế thì xao nào?’ Giọng ông cáu gắt, bực tức.

Ông đã liệu trước mọi thứ. Nàng sẽ chăm sóc ông khi ông già yếu đi. Ông sẽ cho nàng một mái nhà, chia sẻ khoản lương hưu ít ỏi cho đến khi nàng tìm được một công việc đáng tiền. Con trai nàng, một cậu bé cực kỳ thông minh, một thiên tài, biết chơi dương cầm, sẽ được hưởng nền giáo dục Anh quốc. Họ sẽ trò chuyện về nghệ thuật, văn chương, triết học vào buổi tối. Nàng là một phụ nữ có giáo dục chứ không phải là một ả nông dân lắp bắp. Cũng phải nói luôn, ông đã dò hỏi quan điểm của nàng về Nietzsche* và Schopenhauer* và nàng hoàn toàn đồng ý với ông. Cũng như ông, nàng ngưỡng mộ chủ nghĩa kết cấu và kinh tởm chủ nghĩa tân cổ điển. Họ có rất nhiều điểm chung. Một nền tảng hôn nhân vững chắc.

‘Nhưng ba à, ba không nghĩ cô ấy lấy một người gần tuổi với mình thì sẽ tốt hơn sao? Chính quyền sẽ nhận ra đây là một cuộc hôn nhân giả hiệu. Họ không có ngu đâu’ ‘Hừm’

‘Cô ấy vẫn có thể bị gửi trả về.’

‘Hừm’

Ông chưa lường tới chuyện này. Nó làm ông lọng cọng một chút nhưng không thể cản ông lại được. Con biết đấy, ông giải thích, ông là niềm hy vọng cuối cùng của nàng, cơ hội duy nhất giúp nàng thoát khỏi tình trạng bị ngược đãi, cảnh nghèo túng, con đường bán thân nuôi miệng. Cuộc sống ở Ukraina quá cực nhọc cho một tâm hồn nhạy cảm như nàng. Ông thường hay đọc báo, và tin tức khá ảm đạm. Không có bánh mì, giấy vệ sinh, đường, không hệ thống thoát nước, cuộc sống bon chen, điện đóm chập chờn. Làm sao ông có thể để một người phụ nữ đáng yêu chịu cảnh sống đó được? Làm sao ông có thể ngoảnh mặt làm ngơ?

‘Con phải hiểu, Nadezhda, chỉ có ba mới giúp được cô ấy!’

Đúng vậy. Ông đã thử. Ông đã hết sức cố gắng. Trước khi quyết định cưới cô ta, ông đã tìm kiếm những người chồng hợp cách. Ông đã đến gặp gia đình Stepanenko, một cặp vợ chồng già người Ukraina đang sống chung với đứa con trai còn độc thân. Ông đã nói chuyện với ông Greenway, một người đàn ông góa vợ sống ở quê, ông này có đứa con trai chưa vợ thỉnh thoảng về thăm. (Hợp lý đây. Một kỹ sư. Không phải loại tầm tầm. Là một đám rất tốt cho Valentina.) Bọn họ đều từ chối cả: họ hẹp lượng quá thể. Ông đã nói thẳng vào mặt họ như vậy. Giờ thì gia đình Stepanenko và ông Greemvay chẳng ai thèm nói chuyện với ông nữa.

Cộng đồng Ukraina ở Peterborough cũng chối bỏ cô ấy. Bọn họ đúng là thiển cận. Bọn họ không bị ấn tượng trước quan điểm của cô ấy về Nietzsche và Schopenhauer. Bọn họ chỉ quan tâm đến quá khứ, chủ nghĩa dân tộc Ukraina, Banderivtsi. Cô ấy là một phụ nữ hiện đại phóng khoáng. Nhưng bọn họ đơm đặt những lời đồn kinh khủng về cô ấy. Bọn họ nói cô ấy bán dê và bò của mẹ để lấy tiền chăm chút nhan sắc nhằm quyến rũ đàn ông phương Tây. Bọn họ nói toàn thứ nhảm nhí. Mẹ cô ấy chỉ nuôi gà lợn chứ nào có dê hay bò. Chỉ nhiêu đó thôi cũng thấy rõ những kẻ ngồi lê ngu ngốc ra sao.

Ông ho sù sụ ở đầu dây bên kia. Ông bị bạn bè xa lánh vì chuyện này. Nếu cần thì ông cũng sẽ từ luôn đám con gái. Ông sẽ một mình chống lại cả thế giới, chỉ với người đàn bà xinh đẹp đứng bên cạnh. Lưỡi của ông không theo kịp sự hứng khởi của Ý Tưởng Lớn đó.

‘Nhưng ba à...’

‘Còn chuyện này nữa, Nadia. Đừng nói cho Vera biết.’

Chẳng có cơ đâu. Tôi đã không nói chuyện với bà chị gái hai năm rồi, kể từ trận tranh cãi nảy lửa sau đám tang của mẹ.

‘Nhưng ba à...’

‘Nadezhda, con phải hiểu đàn ông đôi khi có những cơn bốc đồng khác hẳn với phụ nữ’

‘Ba à, làm ơn đừng phân tích sinh học với con.’

Ô, cần quái gì? Cứ để ông ấy nếm mùi đau khổ.

○○○

Có lẽ câu chuyện bắt đầu từ trước cú điện thoại này. Có lẽ nó bắt đầu từ hai năm trước, trong chính căn phòng ông đang ngồi, nơi mẹ tôi nằm hấp hối và ông đi loanh quanh khắp nhà trong nỗi đau khổ vô biên.

Tất cả cửa sổ mở toang, làn gió luồn qua tấm màn vải lanh khép hờ mang lại mùi oải hương từ khu vườn phía trước. Tiếng chim hót, tiếng người đi lại trên đường, cô con gái nhà hàng xóm làm màu với cậu bạn trai trước cửa. Trong căn phòng nhợt nhạt tinh tươm, mẹ tôi hổn hển thở hắt hết giờ này sang giờ khác, sự sống trong bà cứ mất dần, còn tôi thì đút morphine cho bà bằng muỗng.

Cái chết khoác bộ đồng phục cao su: găng tay y tá bằng latex, tấm ga trải giường không thấm nước, đôi dép xốp, một hộp thuốc glycerine đặt hậu môn lấp lánh như những viên đạn bằng vàng, ghế tiểu tiện với nắp đậy và chân bọc cao su lúc này chứa đầy chất lỏng còn cợn xanh lè.

‘Mẹ có nhớ...?’ Tôi lặp đi lặp lại những câu chuyện về bà và thời ấu thơ của chúng tôi hết lần này đến lần khác.

Đôi mắt mờ đục của bà chớp chớp. Trong một giây phút tỉnh táo, bàn tay bà nằm trong tay tôi, bà nói, ‘Hãy chăm sóc cho Kolya tội nghiệp’

Ba ở bên mẹ khi bà mất trong đêm. Tôi còn nhớ ông đã gào lên đau khổ. ‘Bắt tôi đi, bắt tôi theo cùng!’ Giọng ông khàn khàn nghẹn ngào, chân tay cứng đờ như bị động kinh.

Vào buổi sáng, sau khi họ đưa thi thể của mẹ đi, ông ngồi ở căn phòng phía sau, vẻ mặt đau xót. Một lúc sau ông nói, ‘Con có biết không, Nadezhda, ngoài phương pháp chứng minh bằng đại số, định lý Pythagore còn có cách chứng minh bằng hình học nữa. Nhìn xem nó đẹp chưa này.’

Trên một tờ giấy, ông vẽ các đường thẳng và các góc, biểu trưng bởi các ký hiệu nhỏ, rồi lẩm bẩm trong lúc giải phương trình.

Ba hoàn toàn mất trí rồi, tôi nghi. Kolya tội nghiệp.

○○○

Mấy tuần trước khi mất, mẹ tôi nửa nằm nửa ngồi dựa vào chiếc gối trên giường bệnh, lòng lo lắng không yên. Đám dây nhợ lằng nhằng nối liền mẹ với chiếc máy ghi lại từng nhịp đập yếu ớt của trái tim. Mẹ cằn nhằn luôn miệng về phòng bệnh chung - giường này giường nọ chỉ cách nhau bởi một tấm màn khép vội, về tiếng hắt hơi, tiếng ho, tiếng ngáy đầy khó chịu của mấy ông già. Mẹ co rúm trước bàn tay mập mạp lạnh lùng của nam y tá trẻ. Anh ta đến cắm dây truyền phía trên bầu ngực dúm dó bất cẩn hở ra dưới tấm áo choàng bệnh viện. Mẹ chỉ là một bà già bệnh tật. Ai thèm để ý đến những cảm nhận của mẹ chứ?

Rời bỏ cuộc đời không dễ chút nào, mẹ nói. Quá nhiều chuyện phải lo trước khi có thể an tâm rời đi. Kolya, ai sẽ chăm sóc cho ông ấy? Chắc không phải là hai cô con gái rồi, chúng lanh lẹ đấy nhưng hay gắt gỏng quá. Chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng? Chúng có tìm được hạnh phúc không? Hai tên đàn ông dễ thương nhưng vô dụng mà chúng lấy liệu có chăm sóc chúng đàng hoàng không? Rồi ba cô cháu ngoại nữa, thật xinh đẹp mà vẫn chưa chồng. Còn quá nhiều thứ để lo mà sức khỏe của mẹ lại đang dần yếu đi.

Mẹ viết di chúc trong bệnh viện, chị Vera và tôi đều đứng ngay tại đó vì chẳng ai tin tưởng người kia cả. Mẹ tự tay viết những dòng di chúc xiêu vẹo, có hai y tá làm nhân chứng. Giờ bà yếu lắm nhưng bao nhiêu năm qua bà đã rất mạnh khỏe. Bà già ốm yếu bệnh tật nhưng di sản - số tiền tiết kiệm cả đời bà - vẫn đang sinh sôi trong ngân hàng Co-op.

Một điều mẹ cương quyết: di sản không thể giao cho ba được.

‘Nikolai đáng thương, ông ấy không minh mẫn đâu. Đầu óc ông ấy chỉ toàn những kế hoạch quái dị. Tốt hơn là hai con chia đôi, mỗi người một nửa’

Bà nói chuyện bằng tiếng Anh bồi, pha lẫn vài từ Ukraina.

Khi rõ ràng là bệnh viện chẳng thể làm gì hơn, họ cho bà về nhà để bà chết yên ổn bên cạnh người thân. Chị tôi ở cạnh bà trong suốt tháng cuối cùng. Tôi thì thường đến thăm vào cuối tuần. Trong tháng cuối cùng đó, khi tôi không có mặt, chị tôi đã viết thêm khoản phụ lục di chúc, chia đều di sản giữa ba cô cháu ngoại, Anna của tôi và hai đứa con gái Alice, Alexandra của chị ta, thay vì chia đôi giữa hai chị em. Mẹ tôi đã ký tên, hai người hàng xóm làm chứng.

‘Mẹ đừng lo’ tôi nói với mẹ trước khi bà mất, ‘mọi chuyện sẽ ổn thôi. Chúng con sẽ buồn, sẽ nhớ mẹ, nhưng chúng con sẽ thu xếp được’

Thực tế là chúng tôi chẳng ổn chút nào.

Mẹ được chôn ở nghĩa trang nhà thờ trong làng, trên một khoảnh đất mới nhìn ra đồng quê thoáng đãng. Mộ của bà nằm ở cuối một dãy mộ mới tinh.

Ba đứa cháu ngoại, Alice, Alexandra và Anna, dong dỏng cao và tóc vàng, ném hoa hồng vào huyệt, tiếp theo đó là những nắm đất. Nikolai, gập người vì bệnh thấp khớp, nước da xám xịt, đôi mắt vô hồn, bám chặt vào tay chồng tôi trong nỗi đau khổ không thể bật ra thành nước mắt. Hai đứa con gái, Vera và Nadezhda, Niềm tin và Hy vọng, chị tôi và tôi, đã sẵn sàng đánh nhau vì di chúc của mẹ.

Khi khách dự tang lễ quay trở về nhà, ăn đồ nguội và say xỉn với rượu samo-hơnka của Ukraina, chị tôi và tôi tranh cãi trong phòng bếp. Chị đang mặc bộ đồ lụa đen mua từ một tiệm chuyên bán quần áo cũ bé tẹo nằm trong góc khuất ở Kensington. Trên giày chị có mấy cái khoen vàng, tay chị cầm cái túi Gucci có khóa vàng và trên cổ đeo một sợi dây chuyền vàng mảnh. Tôi thì mặc một bộ đồ màu đen mua ở Oxfam.* Vera hết nhìn lên rồi lại nhìn xuống tỏ vẻ chê bai.

‘À, bộ dạng nông dân. Tôi thấy rồi’

Tôi bốn mươi bảy tuổi và là giảng viên đại học, nhưng giọng điệu của bà chị gái bỗng chốc biến tôi trở thành một đứa nhóc bốn tuổi thò lò mũi xanh.

‘Nông dân thì có sao. Mẹ cũng là nông dân đấy’ đứa nhóc bốn tuổi phản pháo.

‘Cũng gần thế’ bà chị lớn nói. Chị châm một điếu thuốc. Khói thuốc bay lên cao lượn vòng điệu nghệ.

Chị cúi về phía trước để cất bật lửa vào chiếc túi Gucci, và tôi nhìn thấy sợi dây chuyền vàng của chị có gắn một trái tim nhỏ lồng ảnh, lấp ló trong ve áo. Trông nó lỗi mốt và chẳng hợp chút nào với bộ đồ thời trang của Vera. Tôi nhìn nó chằm chằm. Mắt ngấn nước.

‘Chị đang đeo mặt dây chuyền của mẹ.’

Đó là của quý duy nhất mẹ mang đi từ Ukraina, đủ nhỏ để có thể giấu trong viền váy. Đó là món quà ông ngoại tặng cho bà ngoại trong ngày cưới. Bên trong trái tim, hai bức ảnh của ông bà tôi nhoẻn miệng cười nhìn nhau.

Vera nhìn thẳng vào mắt tôi.

‘Mẹ cho tôi đó.’ (Tôi không thể tin được điều này. Mẹ biết tôi yêu mặt dây chuyền này, biết tôi mong có được nó hơn hẳn mọi thứ khác. Nhất định Vera đã lấy trộm nó. Không có cách giải thích nào khác.) ‘Bây giờ, cô muốn nói gì về di chúc nào?’

‘Em chỉ muốn công bằng thôi’ tôi rên rỉ. ‘Có gì sai chứ?’

‘Nadezhda, cô mua quần áo từ Oxfam cũng quá đủ rồi. Cô còn phải nghĩ đến cả chuyện đó nữa sao?’

‘Chị đã lấy mặt dây chuyền. Chị ép mẹ ký vào khoản phụ lục di chúc. Chia đều số tiền cho ba cháu ngoại thay vì giữa hai con gái. Như vậy, chị và gia đình kiếm được nhiều gấp đôi. Đồ tham lam.’

‘Hết chỗ nói, Nadezhda. Tôi thật sốc khi cô nghĩ như vậy.’ Đôi lông mày tỉa tót của bà chị lớn run run.

‘Cũng chưa sốc bằng em khi em biết rõ sự thật đâu’ con nhóc thò lò mũi xanh kêu lên be be.

‘Cô không có mặt ở đó, phải không, cô em bé bỏng của tôi? Cô đi làm công việc tuyệt vời của mình. Cứu vớt thế giới. Theo đuổi sự nghiệp. Để mặc mọi trách nhiệm lại cho tôi. Cô vẫn luôn làm như thế’

‘Chị hành hạ những ngày cuối cùng của mẹ bằng câu chuyện về vụ ly dị, về sự tàn nhẫn của chồng chị. Chị đốt hết điếu này đến điếu khác bên giường bệnh của mẹ trong khi mẹ đang hấp hối’

Bà Chị Lớn búng tay gạt tàn thuốc rồi thở dài điệu bộ.

‘Cô thấy đấy, vấn đề của thế hệ các cô, Nadezhda, là cô chỉ đi lướt qua mặt ngoài cuộc sống thôi. Hòa bình. Tình yêu. Người lao động cầm quyền. Đó chỉ là những lý tưởng nhảm nhí. Cô phải gánh lấy sự xa xỉ của thói vô trách nhiệm, bởi vì cô chưa bao giờ nhìn thấy mặt đen tối của cuộc đời.’

Vì sao cái giọng ngân nga dạy đời của bà chị làm tôi nổi điên đến thế? Vì tôi biết đó là giả dối. Tôi biết cái giường đơn chúng tôi cùng nhau ngủ, biết cái nhà vệ sinh ở phía bên kia sân và chồng báo cũ chùi đít. Chị ta không thể qua mặt tôi. Nhưng tôi cũng có cách châm chích lại chị ta.

‘Ô, mặt đen tối của cuộc đời làm chị băn khoăn sao? Hay là chị đi xin tư vấn đi?’ Tôi ranh mãnh đề nghị bằng giọng điệu thành thạo hãy-biết-điều-với-nhau-đi, giọng điệu hãy-xem-tôi-người-lớn-thế-nào-này, giọng điệu tôi thường dùng với ba.

‘Làm ơn đừng nói theo kiểu của nhân-viên-xã-hội nữa, Nadezhda.’

‘Điều trị tâm lý đi. Thấu hiểu mặt đen tối, rồi tống nó ra ngoài, trước khi nó ăn mòn chị.’ (Tôi biết nói vậy sẽ làm cho chị ta nổi điên.)

‘Tư vấn. Trị liệu. Hãy nói ra mọi khó khăn của chúng ta. Hãy ôm lấy nhau để cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy giúp đỡ những người kém may mắn. Hãy tặng hết số tiền chúng ta có cho những đứa nhỏ đói khát.’

Chị ta cắn mạnh vào miếng bánh. Một trái ô liu bắn vọt xuống sàn.

‘Vera, chị vừa ly dị, lại mất mẹ. Đương nhiên là chị cảm thấy căng thẳng rồi. Chị cần được giúp đỡ’

‘Đó chỉ là trò tự dối mình. Đằng sau tấm rèm, con người ai cũng nhỏ nhen, ích kỷ, chỉ biết vun vén cho bản thân. Cô không biết tôi khinh bỉ đám nhân viên xã hội thế nào đâu’

‘Em biết chứ. Nhưng Vera này, em không phải là nhân viên xã hội’

Ba tôi cũng nổi điên. Ông đổ lỗi cho bác sĩ, chị tôi, gia đình Zadchuk, người đàn ông cắt cỏ sau nhà, đã làm mẹ chết. Thỉnh thoảng ông cũng tự đổ lỗi cho mình. Ông đi loanh quanh lẩm bẩm, nếu chuyện này không xảy ra, nếu chuyện kia không xảy ra, Millochka của ông vẫn còn sống. Gia đình lưu vong bé nhỏ của chúng tôi, trước giờ được gắn kết chặt chẽ bởi tình yêu thương và món xúp củ cải của mẹ, nay bắt đầu tan vỡ.

Một mình trong căn nhà trống, ba tôi sống nhờ vào đồ hộp và thức ăn nhanh, cứ như thể trừng phạt mình kiểu đó thì ông sẽ mang được bà quay trở lại vậy. Ông không chịu đến sống với chúng tôi.

Thỉnh thoảng tôi đến thăm ông. Tôi thích ngồi trong nghĩa trang nhà thờ nơi đặt mộ của mẹ. Tấm bia ghi rằng:

Ludmilla Mayevska

Sinh năm 1912 ở Ukraina

Vợ yêu của Nikolai

Mẹ của Vera và Nadezhda

Bà ngoại của Alice, Alexandra và Anna

Người thợ đá đã cất công ghi hết tất cả những từ này lên bia mộ. Có một cây anh đào đang trổ hoa, bên dưới là một băng ghế gỗ trông ra những khoảng cỏ vuông vắn mà quá nửa đã được chuyển thành phần mộ, một hàng rào táo gai ngăn cách nghĩa trang và cánh đồng lúa mạch, tiếp đó là những cánh đồng khác trồng lúa mạch, khoai tây, hạt dầu... nối liền nhau tới tận chân trời. Mẹ tôi gốc gác từ thảo nguyên, bà cảm thấy thư thái trước chân trời rộng mở. Lá cờ Ukraina có hai khối màu hình chữ nhật: màu xanh phía trên màu vàng - màu vàng biểu trưng cho cánh đồng bắp, màu xanh biểu trưng cho bầu trời. Khu đầm lầy mênh mông bằng phẳng không có gì đặc biệt này khiến bà nhớ lại quê nhà. Chỉ có điều bầu trời nơi đây hiếm khi xanh như bầu trời quê hương.

Tôi nhớ mẹ, nhưng tôi bắt đầu chấp nhận sự mất mát này. Tôi có chồng, có con và cuộc đời của riêng mình.

Ba tôi thơ thẩn đi quanh căn nhà ba mẹ từng sống chung. Đó là một căn nhà kiểu mới, nhỏ, xấu xí, tường ốp đá, ga ra sàn bê tông ở bên hông. Ba mặt còn lại quanh nhà là vườn, nơi mẹ tôi trồng hoa hồng, oải hương, tử đinh hương, mao lương, anh túc, păng xê, cây ông lão (giống Jackmanii và Ville de Lyon), hoa mõm chó, hoa ủy lăng, hoa quế trúc, bạc hà mèo, hoa lưu ly, mẫu đơn, hoa cải tím, hoa nghệ tây, hoa chuông, hoa hồng đá, hoa hương thảo, hoa diên vĩ, hoa loa kèn và hoa đậu tía xen lẫn vào nhau, cứ như ở vườn bách thảo vậy.

Có hai cây táo, hai cây lê, ba cây mận, một cây đào và một cây mộc qua, những trái cây vàng ruộm thơm nức luôn giành giải thưởng ở hội làng hai mươi năm nay. Phía sau, bên ngoài vườn hoa và bãi cỏ, là ba khoảnh đất nơi mẹ tôi trồng khoai tây, hành, đậu đũa, đậu tằm, đậu Hà Lan, ngô ngọt, rau bí, cà rốt, tỏi, măng tây, rau diếp, rau bi na, bắp cải và cải bruxen. Thì là và mùi tây mọc rải rác giữa các luống rau. Ở một góc vườn, mấy luống mâm xôi, dâu, quả ngẩy, phúc bồn tử đen và đỏ, cùng một cây đào nằm gọn trong nhà lưới mà ba tôi dựng lên ngăn lũ chim béo háu ăn vào mổ. Nhưng vài cây dâu và mâm xôi đã lọt ra khỏi lưới, lan sang mấy khóm hoa.

Trong nhà kính, những dây nho tím đầy sức sống uốn lượn bên trên những luống cà chua và ớt lúc lỉu. Phía sau nhà kính là thùng chứa nước, hai nhà kho nhỏ, một đống phân trộn và một đống phân chuồng vốn là niềm mơ ước của cả làng. Đó là phân bò đã hoại, toi xốp và giàu dinh dưỡng, do một người làm vườn người Ukraina tặng. ‘Sô cô la đen’ mẹ tôi gọi nó như vậy. ‘Nào, cục cưng của ta’ bà thì thầm với những mầm cây, ‘dùng chút sô cô la đen nào.’ Chúng ngấu nghiến sô cô la đen, rồi lớn nhanh vùn vụt.

Mỗi lần ba tôi ra vườn, ông lại thấy bóng dáng mẹ lờ mờ in trên vách nhà kính, đang lúi húi giữa đám cây lá, với tay buộc lại mấy ngọn đậu đũa. Đôi khi giọng bà gọi ông văng vẳng giữa các gian nhà trống vắng. Mỗi lần nhớ ra là bà không còn ở đây nữa, vết thương của ông lại vỡ ra nhức nhối.

Cú điện thoại thứ hai gọi đến vài ngày sau cú đầu tiên.

‘Nadezhda, con nghĩ một người đàn ông tám mươi tư tuổi có thể có con không?’

Thấy cách ông luôn đi thẳng vào vấn đề chứ? Không rào trước đón sau. Không thèm hỏi ‘Con thế nào? Mike và Anna khỏe không?’ Không dài dòng về thời tiết. Không thứ gì phù phiếm trì hoãn được ông khi ông đã nảy ra một Ý Tưởng Lớn.

‘Ô, con không chắc...’

Tại sao ba lại hỏi tôi? Làm sao tôi biết được? Tôi không muốn biết. Tôi không muốn con sóng xúc cảm đẩy tôi quay về tuổi thơ thò lò mũi xanh, thuở ba vẫn còn là một vị anh hùng và tôi luôn sợ bị ông quở mắng.

‘Nếu có con được, Nadezhda’ ông nhanh nhảu nói tiếp trước khi tôi kịp phòng vệ, ‘con nghĩ có bao nhiêu phần trăm đứa nhỏ bị thiểu năng?’

‘Ô ba à’ (ngừng lại một chút để thở, cố giữ giọng vui vẻ và ân cần) ‘y học đã chứng minh rất rõ rằng phụ nữ càng lớn tuổi thì càng có khả năng sinh con mắc bệnh Down. Đó là một loại bệnh gây khó khăn trong học tập, còn gọi là bị đần độn’

‘Hừm.’ (Ông không vui khi nghe tin này.) ‘Hừm. Nhưng có lẽ bọn ba sẽ liều một phen. Con thấy đấy, ba cho rằng nếu cô ấy là mẹ của một công dân Anh, đồng thời là vợ của một công dân Anh, cô ấy chắc chắn sẽ không bị trục xuất...’

‘Ba à, con nghĩ ba không nên vội vã...’

‘Bởi vì luật pháp nước Anh là tốt nhất toàn cầu. Nó vừa là một sứ mệnh vừa là một gánh nặng lịch sử, muốn gọi thế nào cũng được...’

Ba luôn nói với tôi bằng tiếng Anh, nhấn giọng sai và dùng mạo từ quái dị, nhưng đủ để hiểu được. Tiếng Anh của dân kỹ sư. Mẹ nói tiếng Ukraina với tôi, thứ tiếng thấm đẫm mọi sắc thái hậu tố. Tiếng mẹ đẻ.

‘Ba, nghĩ kỹ lại đi. Đây có phải là điều ba muốn không?’

‘Hừm, điều ba muốn à?’ (ông phát âm thành ‘đều ba mún’). ‘Đương nhiên làm cha một đứa trẻ như vậy không đơn giản chút nào. Nhưng về mặt kỹ thuật thì có thể có cách...’

Nghĩ tới chuyện ba tôi ngủ với ả đàn bà này, tôi cảm thấy quặn bụng.

‘... Cái khó là không cương cứng được nữa. Nhưng có lẽ với Valentina thì...’

Ông lần khân ở kịch bản sinh sản này quá lâu so với sức chịu đụng của tôi. Nhìn từ những góc độ khác nhau. Tính ngược tính xuôi.’... con nghĩ thế nào?’

‘Ba à, con không biết phải nghĩ thế nào cả’

Tôi chỉ muốn ông ngậm miệng lại.

‘Đúng, với Valentina thì vẫn có thể...’

Giọng ông trở nên mơ màng. Ông đang nghĩ mình sẽ tạo ra một đứa con như thế nào - một đứa bé trai, chắc chắn thế. Ông sẽ dạy nó cách chứng minh định lý Pythagore và cách đánh giá đúng chủ nghĩa kết cấu. Ông sẽ thảo luận về máy kéo với nó. Điều ba tôi nuối tiếc nhất là hai đứa con của ông đều là con gái. Trí tuệ kém cỏi, không đến nỗi phù phiếm và nữ tính như đám phụ nữ nói chung, nhưng vẫn là những sinh vật ồn ào, cứng đầu và không biết tôn ti trật tự. Đúng là bất hạnh cho đàn ông. Ba chưa bao giờ cố che giấu nỗi thất vọng của mình.

‘Ba à, con nghĩ trước khi làm chuyện gì, ba nên xin tư vấn pháp luật trước đã. Có thể mọi chuyện sẽ không như ba nghĩ. Ba có muốn con nói chuyện với luật sư không?’

Tak tak.’ (Ừ... ừ.) ‘Con nên kiếm một luật sư ở Cambridge ấy. Có đủ yếu tố nước ngoài ở đó. Bọn họ nhất định biết chút ít về luật nhập cư’

Ông luôn tự động phân loại con người. Ông không có chút ý niệm gì về phân biệt chủng tộc cả.

‘OK, ba. Con sẽ ráng tìm một luật sư chuyên về luật nhập cư. Đừng làm gì cả cho đến khi con gọi lại cho ba.’

Viên luật sư là một chàng trai trẻ thạo việc ở một hãng luật trong khu ổ chuột. Anh ta viết:

Nếu cha của bà muốn lập gia đình thì ông ấy cần phải nộp đơn tới Bộ Nội vụ xin cho vợ ông ấy ở lại.

Để được chấp thuận, bà ấy cần phải thỏa mãn những điều kiện sau:

  1. Kết hôn không phải nhằm mục đích giúp bà ấy vào Anh hay ở lại Anh.
  2. Hai người đã gặp nhau.
  3. Hai người định sống chung lâu dài với tư cách là vợ chồng.
  4. Họ có thể tự trang trải cuộc sống mà không cần xin cứu trợ xã hội.

Vấn đề chính là Bộ Nội vụ (hoặc Đại sứ quán nếu bà ấy nộp đơn bên ngoài nước Anh) rất có thể sẽ cho rằng bà ấy lấy chồng cốt chỉ để di dân sang Anh, bởi tuổi tác cách biệt và bởi đám cưới diễn ra quá gần ngày bà ấy phải rời khỏi Anh.

Tôi chuyển lá thư đó cho ba tôi.

Viên luật sư cũng nói với tôi rằng cơ hội thành công sẽ lớn hơn hẳn nếu cuộc hôn nhân kéo dài được năm năm hoặc hai người có con. Tôi không nói gì với ba tôi về chuyện này.

Mời các bạn đón đọc Lược Sử Máy Kéo Bằng Tiếng Ukraina của tác giả Marina Lewycka & [Hồ Thanh Ái (dịch)].

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000