DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Nếu đã yêu thích Bóng hình của gió hay Tù nhân của thiên đường, bạn sẽ không thể bỏ qua Trò chơi của thiên thần.

Tập thứ 2 trong bộ sách về Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên kể về nhà văn trẻ David Martin. Trong những tháng ngày bị ám ảnh bởi mối tình bất thành, anh nhận được lời đề nghị kỳ lạ từ một chủ nhà xuất bản bí hiểm: Viết một cuốn sách chưa từng có trên đời, một câu chuyện mà vì nó người ta có thể sống và cũng có thể chết, có khả năng giết người và cũng có khả năng bị giết hại. Đổi lại, anh sẽ nhận được một gia tài khổng lồ và có thể nhiều hơn thế nữa. Thế nhưng, từ khi đặt bút ký vào bản hợp đồng kia, David cũng đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ, đặt mạng sống của những người thân xung quanh mình vào vòng đe doạ…

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:

Carlos Ruiz Zafón sinh năm 1964, là một trong những nhà văn Tây Ban Nha được đọc nhiều nhất và được yêu quý nhất.

Ông là tác giả của nhiều tác phẩm viết cho lứa tuổi thiếu niên, mà khởi đầu là một tiểu thuyết dày 500 trang được ông sáng tác năm mười bốn tuổi. Trò chơi của thiên thần nằm trong xê ri bộ tứ Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên, bên cạnh các tập Bóng hình của gió, Tù nhân của thiên đường và Mê cung của linh hồn.

Sách của Zafón đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng trên thế giới, được giới phê bình khen ngợi và giành được nhiều giải thưởng quốc tế.

NHẬN ĐỊNH:

“Nhà văn Tây Ban Nha Carlos Ruiz Zafón có một cung tên mang nhiều dây cung, và ông thích cùng lúc kéo căng tất cả: tiểu thuyết trinh thám, huyền ảo, tình cảm. Trò chơi của thiên thần là một cuộc pha trộn thể loại được xử lý một cách hoàn hảo.”
Marianne Dubertret - La Vie

***

80 năm trước, trong một tác phẩm đầy thách đố của mình, Jorge Louis Borge đã tưởng tượng ra một thư viện trong đó chứa đựng những cuốn sách dày 410 trang, mỗi cuốn sách bao gồm những chỉnh hợp của 23 chữ cái, dấu câu và dấu cách – nghĩa là mọi cuốn sách đã từng có và sẽ có trên đời, về tất cả những gì đã biết và sẽ được biết tới. Nói cách khác, đó không phải là một vũ trụ sách, đó là một vũ trụ. Thư viện là cõi vũ trụ.

Cố nhà văn người Tây Ban Nha Carlos Ruiz Zafón nói rằng ông không thấy có lí do chi để Borges (sự uyên bác) không thể trộn cùng với Neil Gaiman (tính giải trí), “chỉ là kể chuyện thôi; những cách khác nhau để sử dụng mật mã và hình ảnh và ngôn từ và tiếng động”. Và vì không có lí do chi để không làm vậy, nên ông liền làm vậy, bằng cách viết Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên, chuỗi tiểu thuyết bốn tập độc lập tựa một biên niên u huyền về Barcelona, nơi những kẻ mộng mơ sẽ bị kéo về phía một mê cung thư viện bí ẩn để cất giấu những cuốn sách mà không hay đó chỉ là chương đầu cho những ngày thẫm tối. Bộ tiểu thuyết như tòa lâu đài làm bằng thủy tinh giữa một vương quốc bị bỏ quên, lộng lẫy vô cùng và cũng mong manh vô kể, sẵn sàng bốc cháy mọi ngọc ngà thành tro bụi ngay khi đến lúc.  

Được đọc những tập tiểu thuyết như thế này luôn là một ân điển, khiến ngay cả một vài đêm không ngủ cũng chỉ là chuyện phù du, ta chấp nhận cái giao kèo mơ hồ đổi lấy vài đêm thức trắng ấy để quăng mình vào một giấc chiêm bao lưu huyết, và ta nhận lại một thứ gì đẹp đẽ - vâng, những cuốn sách của Carlos Ruiz Zafón là minh chứng rằng rốt cuộc vẫn còn một thứ gì dẫu điêu tàn, nhưng đẹp đẽ. Cho nên sẽ quá tham vọng nếu định viết về cả bốn tập sách của ông trong khuôn khổ một bài viết đôi ngàn từ, thay vì thế, hãy chỉ ngẫu nghiên chọn ra một trong số đó, Trò chơi của thiên thần.

David Martín, một nhà văn trẻ trên bờ vực lụn bại nhận được một đề nghị không-thể-từ-chối từ một người đàn ông bí hiểm: một trăm ngàn france đổi lại việc anh sẽ sáng tác một câu chuyện khiến mọi người có thể sống vì nó, chết vì nó, giết chóc vì nó và để mặc cho mình bị giết chóc vì nó, một câu chuyện khiến người ta tin, mơ, dâng hiến, hy sinh, chuộc tội – hay, một tôn giáo mới, một Kinh Thánh mới. Giống như Faust, anh bằng lòng, đâu hay biết mình đã bán linh hồn cho quỷ dữ.

Đó trước hết là một tiểu thuyết noir, lắt léo những ngóc ngách và nấp trong ngóc ngách là những kẻ truy lùng giấu mặt, gợi nhớ về những bộ phim thời kỳ đỉnh cao của Jean-Pierre Melville, tàn nhẫn mà cũng băn khoăn triết lí. Đó tiếp theo là một bảo tàng ngây thơ về Barcelona thế kỷ 20. Cuộc điều tra, rượt đuổi và chạy trốn của David Martín đưa anh xuyên qua thành phố được làm nên từ tội ác và hoài niệm, từ thiên thần và địa ngục, từ tâm hồn si tình đến chết của những cư dân hữu tử và từ những bóng ma bất tử nán lại trong hoang phế, từ những ngôi nhà bị nguyền rủa và những cuốn sách bị vùi quên, từ những ô cửa sổ nhìn ra sương mù và những đại lộ trong hũ nút. Trên tư cách nhà văn của một nơi chốn, Carlos Ruiz Zafón ngang hàng với Paul Auster của New York, Patrick Modiano của Paris hay Orhan Pamuk của Istanbul. Số phận của Barcelona là số phận của ông, say đắm nhưng đồng thời đẫm máu như một cuộc đấu súng trong mơ.

 Lúc sinh thời, Carlos Ruiz Zafón nhận được rất nhiều lời đề nghị để chuyển thể các tác phẩm của ông thành phim, nhưng lần nào ông cũng từ chối. “Chẳng có gì sai khi chuyển thể sách thành phim nhưng tại sao mọi thứ lại cứ phải là một bộ phim điện ảnh, một mini series hay một series truyền hình? Sao một cuốn sách không thể chỉ là một cuốn sách?”, ông chất vấn. Và ông bảo, những cuốn sách của ông “ổn khi là chính nó”. Đáng để suy nghĩ về một câu hỏi như thế, sao một cuốn sách không thể chỉ là một cuốn sách mà thôi. 

Không cần bàn, Carlos Ruiz Zafón là người có khả năng mise-en-scène (dàn cảnh) không thua gì những tiểu thuyết gia vĩ đại của thế kỷ 19. Ông tạo nên những vũ đài điện ảnh ngoạn mục chỉ bằng ngôn từ, nào là hình ảnh trinh bạch u ngục của một người thiếu phụ chết dưới hồ băng, nào là trường đoạn giằng giật dữ dội trên cáp treo giữa bầu trời Barcelona khi trời ngả tối, nào là cảnh tòa dinh thự cũ xưa chìm trong biển lửa. Chúng quá phù hợp để được chuyển thành một bộ phim, nhưng tác giả lại khăng khăng giữ chúng như chúng vẫn là, như thể ông đã lấy được cuốn sách này từ Nghĩa địa những cuốn sách bị lãng quên, nơi mỗi người chọn lấy một cuốn sách và lập lời thề sẽ bảo vệ nó vĩnh viễn. 

Ông muốn bảo vệ sự sinh động vô hình ấy – điều vốn là bản chất tự nhiên của văn chương, dù nghẹt thở, rợn ngợp hay tráng lệ đến mấy thì cũng không nhìn thấy được, tất cả bị gói chặt trong những con chữ màu đen ngay ngắn. Văn chương là giấc mơ, ta hình dung được nó như một người nằm mơ tưởng như đã nhìn rõ vạn vật trong mơ, nhưng tất thảy sẽ tan biến ngay khi ta tỉnh giấc, ta không thể thấy bản lai diện mục của giấc mơ. Khác với mọi môn nghệ thuật thị giác, văn chương tạo nên những phóng chiếu trong đầu mỗi người, nó không dựa trên hình ảnh hiện thực vững chắc nào. Văn chương đích thực là thế đấy, lộng lẫy vô cùng và cũng mong manh vô kể, sẵn sàng bốc cháy mọi ngọc ngà thành tro bụi ngay khi đến lúc.

Cho nên, sau những lớp kịch noir, những hành lang bảo tàng về một thành phố, Trò chơi của thiên thần đến cùng đích là một nghiền ngẫm về văn chương, về sự viết. Hành trình vật lộn để sống của David Martín trùng với hành trình vật lộn để viết của anh. Thỏa thuận giữa anh và người đàn ông bí hiểm tóm lược lại chỉ là: nếu muốn sống, anh phải viết. Và chẳng phải đây là định mệnh không thể tránh khỏi của mọi nhà văn, với họ, sống và viết là một, “không thể sống mà không viết”, nói như Pablo Neruda. Và giống như David Martín, để viết nên một tác phẩm để đời, mọi nhà văn phải đánh bạn với quỷ dữ và bán linh hồn cho cái ác. Sẽ không thể lôi văn chương ra từ một tâm hồn lành lặn an ổn, chỉ những kẻ đã bị bể dập tan tành và trải qua những cuộc đại phẫu hư ảo thì từ những vết nứt toác mới nảy lên được văn chương. Mọi nhà văn đều sống trong ngôi nhà với căn phòng nguyền rủa khóa kín và bị một bóng ma ám ảnh, đôi khi bóng ma ấy là chính họ, họ tự săn đuổi và giam cầm mình. Nhìn xem, David Martín đã lì lợm viết bản thảo nguy hiểm ấy đến cùng bất chấp sự can ngăn và những lời cảnh báo. Tình yêu không ngăn cản được anh, quyền lực không ngăn cản được anh, sự hoài nghi, sự ghê tởm và sự căm phẫn của chính mình không ngăn cản được anh, không gì ngăn được ham muốn kể chuyện của một người kể chuyện, cái ham muốn mãnh liệt không thể gò cương. Tất cả chỉ bởi David Martín tin rằng chỉ câu chuyện ấy mới cứu được đời anh. Không phải biết, mà là tin. Anh đã dấn quá sâu để không thể không tin. Văn chương là một loại cuồng giáo, mà mọi loại cuồng giáo đều đi tới hủy diệt tín đồ. 

Biết là vậy, nhưng làm sao khác đi đây với một nhà văn? Trong tác phẩm của Goethe, quỷ Mephistopheles đã nhắn nhủ với Faust rằng: “Đừng âu yếm những nỗi khốn khổ của mình, nó ăn mòn ngươi như một con kền kền vậy”, nhưng không âu yếm những nỗi khốn khổ thì làm sao hoài thai văn chương, làm sao hoài thai cái đẹp? Với một nhà văn, không thể sống mà không viết, không thể viết mà không tự hủy hoại mình. 

Theo Báo Thanh niên

***

Kẻ viết văn không bao giờ quên được khoảnh khắc lần đầu tiên chấp nhận đổi một câu chuyện lấy chút tiền hoặc vài lời khen ngợi. Hắn cũng không bao giờ quên lần đầu tiên cảm thấy trong mạch máu mình nọc độc ngọt ngào của lòng kiêu hãnh và tin rằng nếu không ai phát hiện sự bất tài nơi hắn, giấc mộng văn chương của hắn có thể mang lại cho hắn một mái nhà che nắng che mưa, một bữa ăn tử tế mỗi tối và điều mà hắn khát khao nhất trần đời: tên hắn được in trên một mẩu giấy thảm hại mà hắn dám chắc rằng sẽ còn tồn tại ngay cả khi hắn đã từ giã cõi đời này. Kẻ viết văn buộc phải nhớ về khoảnh khắc ấy, bởi lẽ kể từ giờ phút ấy, hắn đã thất bại: linh hồn hắn đã được định giá.

Khoảnh khắc ấy, tôi đã biết đến vào một ngày xa xăm thuộc tháng Mười hai năm 1917. Bây giờ tôi mười bảy tuổi và đang làm việc tại Tiếng nói ngành công nghiệp, một tờ báo bên bờ phá sản đang lay lắt trong ngôi nhà xây đầy ngóc ngách, xưa kia vốn là xưởng sản xuất axit sunfuric với những bức tường vẫn còn tiết ra thứ hơi độc ăn mòn đồ đạc, quần áo, những khối óc và cho tới cả đế giày. Tòa nhà mọc lên sau một rừng thiên thần và thánh giá của nghĩa trang Pueblo Nuevo, và từ đằng xa, cái bóng của nó hòa lẫn với bóng các lăng mộ để nổi bật trên nền trời tua tủa hàng trăm ống khói và nhà máy khiến cho buổi hoàng hôn bao trùm Barcelona vĩnh viễn có màu đỏ ối pha đen.

Buổi tối đó hẳn đã xoay chuyển dòng đời tôi. Phó tổng biên tập, ông Basilio Moragas, đã gọi tôi tới căn phòng tối tăm nằm tận cuối tòa soạn, là nơi được ông dùng như phòng làm việc kiêm phòng hút xì gà. Ông Basilio có vẻ ngoài dữ tợn với bộ ria rậm, ông ghét cay ghét đắng những thứ vô vị và công khai bày tỏ lý thuyết cho rằng việc sử dụng thừa thãi trạng từ và tính từ là hành vi của những kẻ đồi bại và thiếu vitamin. Nếu phát hiện biên tập viên nào thiên về lối văn hoa lá cành, ông sẽ phân cho hắn viết cáo phó ba tuần liền. Nếu sau đợt thanh trừng này mà đối tượng vẫn tái phạm, ông Basilio sẽ đày hắn vĩnh viễn sang mục “nội trợ gia đình”. Chúng tôi ai cũng khiếp sợ mục này, và ông biết rõ điều đó.

“Ông gọi tôi, ông Basilio?” tôi rụt rè đánh tiếng.

Phó tổng biên tập gườm gườm nhìn tôi. Coi đó như một mệnh lệnh, tôi liền bước vào phòng làm việc nồng nặc mùi mồ hôi và thuốc lá. Phớt lờ sự hiện diện của tôi, ông Basilio tiếp tục đọc soát một trong những bài viết nằm trên bàn, tay lăm lăm cây chì đỏ. Suốt nhiều phút, phó tổng biên tập nã liên tiếp vào bài viết những chỗ chỉnh sửa, thậm chí là cắt xén, miệng làu bàu những lời thô tục như thể không có mặt tôi ở đó. Đang không biết phải làm gì, tôi chợt nhìn thấy một chiếc ghế đặt dựa vào tường, bèn vờ ngồi xuống.

“Ai đã cho phép cậu ngồi?” ông Basilio lầm bầm, mắt vẫn không rời bài viết.

Tôi vội vàng đứng lên và nín thở. Phó tổng biên tập thở dài, buông rơi cây chì đỏ, rồi dựa vào lưng ghế bành để dò xét tôi như thể tôi là một thứ cặn bã vô dụng.

“Ta được nghe kể là cậu viết văn, Martín.”

Tôi bỗng cảm thấy cổ họng khô khốc và khi tôi mở miệng, từ đó thoát ra một giọng nói lố bịch.

“Một ít... à mà tôi không biết... Có nghĩa là, vâng, tôi có viết…”

“Ta hy vọng cậu viết tốt hơn là nói. Mà cậu viết những gì vậy, nếu hỏi như vậy không quá tọc mạch?”

“Vài truyện trinh thám. Thực ra là…”

“Được, ta hiểu rồi.”

Ông Basilio hướng về tôi một cái nhìn khó tả. Cũng hào hứng ngang bằng khi giả sử tôi nói mình chuyên tâm vào việc dùng phân bò nặn thành tượng để trang trí máng cỏ Giáng sinh. Ông thở dài lần nữa rồi nhún vai.

“Vidal cho rằng hẳn cậu không tệ đến mức ấy. Thậm chí cậu hẳn còn có chút tài cán. Đúng là ở đây cậu không có nhiều đối thủ. Nhưng dù sao, nếu Vidal đã khẳng định thế…”

Pedro Vidal là cây bút ngôi sao của tờ Tiếng nói ngành công nghiệp. Anh phụ trách mục thời luận vặt hằng tuần, mục duy nhất đáng đọc trong cả tờ báo, và anh cũng đã xuất bản mươi mười hai tiểu thuyết đề cập đến những tên đầu đảng của khu Raval và những cuộc dan díu tình cảm của chúng với các phu nhân tầng lớp cao trong xã hội, những cuốn tiểu thuyết này mang lại cho anh một thành công khiêm tốn. Luôn diện những bộ com-plê lụa hoàn hảo cùng đôi giày mô-ca Ý bóng loáng như gương, Vidal có dáng dấp cũng như phong thái của một tài tử điện ảnh thường xuất hiện trong những suất phim chiều, với mái tóc vàng luôn chải mượt, hàng ria như được vẽ bằng bút chì cùng nụ cười dung dị và độ lượng của một người cảm thấy mãn nguyện về bản thân và cả thế giới. Anh xuất thân từ một gia tộc mà ông cha đã tạo dựng sản nghiệp tại Mỹ nhờ ngành công nghiệp mía đường, và khi trở về, họ chiếm được cả một mảng lớn trong việc cung cấp điện cho thành phố. Cha anh, người đứng đầu gia tộc, là một trong số các cổ đông chủ chốt của tờ báo, và Pedro dùng tòa soạn như thể sân chơi để tiêu diệt nỗi buồn chán bởi không bao giờ cần phải làm việc dù chỉ một ngày trong đời. Việc tờ báo thất thoát các khoản tiền theo cùng cách các loại ô tô tân thời bắt đầu lưu thông khắp các đường phố Barcelona bị rò dầu đối với anh không quan trọng: được ban vô số tước hiệu quý tộc, kể từ giờ triều đại Vidal chuyên tâm thu nạp nhà băng và những tòa nhà trên những diện tích tương đương các lãnh địa nhỏ trong khu Ensanche.

Pedro Vidal là người đầu tiên tôi dám cho xem những bản thảo mà tôi viết hồi mới chỉ là một thằng nhóc với công việc chủ yếu là mang cà phê và thuốc lá tới tòa soạn. Anh luôn có thời gian dành cho tôi, để đọc những gì tôi viết và đưa ra lời khuyên hữu ích. Vài năm trôi qua, anh nhận tôi làm trợ lý riêng và cho phép tôi gõ lại những bản thảo anh viết tay. Cũng chính anh từng nói nếu tôi muốn đùa giỡn với số phận bằng nghiệp văn chương may rủi, anh sẽ sẵn lòng giúp đỡ và định hướng cho tôi vào con đường đúng đắn. Và đúng như lời đã hứa, giờ đây anh ném tôi vào nanh vuốt của ông Basilio, tay gác cổng hắc ám của tòa báo.

“Vidal là một người cảm tính vẫn còn tin vào loại chuyện hoang đường hoàn toàn không phù hợp với Tây Ban Nha, ví như chế độ trọng dụng nhân tài hay quan điểm là cần ban phát cơ hội cho người thực sự xứng đáng chứ không phải cho dạng con ông cháu cha. Cậu ấy giàu sụ nên có thể dễ dàng cho phép bản thân làm những trò ngông cuồng lãng mạn ấy. Nếu có được một phần trăm trong số gia tài cậu ấy đang phung phí, ta cũng sẽ chuyên tâm vào việc làm thơ và lũ chim nhỏ bé sẽ tới ăn trên tay ta, bị thu hút bởi lòng tốt và sự quyến rũ nơi ta.”

“Vidal là một người tốt bụng!” tôi khẳng định.

“Còn hơn thế ấy chứ. Cậu ấy là một vị thánh, bởi vì bất chấp bộ dạng khố rách áo ôm của cậu, cậu ấy vẫn quấy nhiễu ta hàng tuần trời khi cứ lải nhải về tài năng và công việc của thằng nhóc ít tuổi nhất tòa soạn. Cậu ấy biết, sâu thẳm trong tâm hồn, ta thực ra rất dễ mềm lòng, vả lại cậu ấy còn hứa là nếu cho cậu cơ hội, ta sẽ nhận được quà của cậu ấy là một hộp xì gà La Habana. Và nếu Vidal đã nói thế thì cũng giống như thể nhà tiên tri Moise xuống núi, tay cầm những bảng đá ghi Mười Điều Răn và mang theo Thần khải. Thế nên tóm lại, vì đang dịp Giáng sinh, và cũng để anh bạn của cậu ngậm miệng một lần cho xong, ta sẽ trao cho cậu cơ hội khởi nghiệp viết lách như những vị anh hùng: đương đầu với bão táp và thủy triều.”

“Nghìn lần biết ơn ông, ông Basilio. Tôi cam đoan rằng ông sẽ không phải hối hận vì đã…”

“Đừng vội hăng tiết vịt, chàng trai. Mà trước tiên, cậu nghĩ gì về việc sử dụng bừa phứa và không đúng lúc các phó từ và tính từ?”

“Đó là một sự sỉ nhục và đáng bị luật hình sự trừng phạt, tôi đáp lời với niềm tin chắc của một chiến binh quá khích.”

Ông Basilio tỏ vẻ tán thành.

“Hoàn hảo, Martín. Cậu có những mối ưu tiên tuyệt vời. Những người tồn tại trong nghiệp viết lách này là những người có ưu tiên chứ không phải có nguyên tắc. Vậy thì công việc là thế này. Hãy ngồi xuống và lắng tai nghe cho rõ, vì ta sẽ không lặp lại tới lần thứ hai đâu.”

Công việc là thế này: vì một số lý do mà ông Basilio thấy tốt hơn hết là không đi sâu vào chi tiết, trang bìa cuối của số báo ra ngày Chủ nhật từ trước tới nay vốn luôn được dành để đăng truyện ngắn hoặc bài viết về du lịch đã bị để trống vào giờ chót. Nội dung dự kiến là một bài viết thấm đẫm tinh thần yêu nước và một bài thơ trữ tình hừng hực xoay quanh sự nghiệp anh hùng của những chiến binh Almogavare, ngợi ca chiến công bảo vệ đạo Thiên Chúa cũng như mọi giá trị đạo đức trên đời của những hiệp sĩ Catalan thời Trung cổ khi họ tiến quân từ Vùng Đất Thánh và dừng chân tại đồng bằng Llobregat. Thật không may, bài viết không thể hoàn thành đúng hạn định, mà tôi ngờ rằng, đơn thuần là ông Basilio không muốn cho đăng bài đó. Tòa soạn chỉ có sáu tiếng trước giờ phải lên trang toàn bộ số báo, mà hiện lại không có bài nào dự phòng ngoài một trang quảng cáo áo nịt ngực làm từ tấm lược trong miệng cá voi với lời hứa hẹn đảm bảo một vòng eo trong mơ và xóa bỏ những ngấn mỡ thừa. Trước tình thế khó xử, ban biên tập đã quyết định đối đầu thử thách, kêu gọi tài năng văn chương ẩn giàu trong một thành viên bất kỳ của tòa báo, ai cũng được, để chữa cháy tạm và phát hành số báo Chủ nhật với bốn cột chữ mang đậm tính nhân văn hòng thỏa mãn những độc giả trung thành vốn thân thiết như gia đình của chúng tôi. Danh sách những cây bút tài năng được công nhận trong tòa soạn bao gồm mười cái tên, và dĩ nhiên, trong đó không hề có tên tôi.

“Martín thân mến, hoàn cảnh trớ trêu khiến không ai trong số những cây bút gạo cội của chúng ta kịp có mặt tại đây vào thời điểm nguy cấp này, cũng không một ai hiện đang ở trong tầm liên lạc. Trước thảm họa đang tới gần, ta quyết định ban cho cậu cơ hội này.”

“Xin ông cứ tin ở tôi.”

“Ta tin vào năm trang giấy cách dòng đúp hoàn thiện trong sáu tiếng đồng hồ, Edgar Allan Poe* ạ. Hãy mang tới cho ta một câu chuyện, không phải một bài diễn văn. Nếu muốn nghe lời thuyết giáo, ta thà đi dự lễ misa vào lúc nửa đêm. Hãy đem tới đây một câu chuyện mà ta chưa từng đọc, và nếu ta đã đọc truyện nào tương tự rồi, hãy viết thật khéo sao cho ta không nhận ra chút quen thuộc nào trong đó.”

Tôi đang định chạy biến đi thì ông Basilio đứng dậy, đi vòng qua bàn, đoạn đặt bàn tay vừa to vừa nặng không kém gì cái đe bằng thép lên vai tôi. Đôi mắt ông như đang mỉm cười.

“Nếu truyện cậu viết đạt tiêu chuẩn, ta sẽ trả mười đồng peseta. Còn nếu truyện hay hơn thế và được độc giả yêu thích, ta sẽ tiếp tục cho cậu đăng bài.”

“Còn chỉ dẫn đặc biệt nào nữa không, ông Basilio?” tôi hỏi.

“Có đấy: đừng làm ta thất vọng.”

Sáu tiếng đồng hồ tiếp theo tôi ở trong trạng thái tập trung cao độ. Tôi ngồi dính lấy chiếc bàn đặt ngay giữa phòng nội dung vốn được dành riêng cho Vidal vào những ngày anh nổi hứng ghé qua tòa soạn. Ngoài tôi ra, căn phòng không có một ai và ngập trong thứ bóng tối mịt mù tù đọng bởi khói của chục ngàn điếu thuốc. Nhắm mắt lại giây lát, trong đầu tôi hiện lên một hình ảnh: một tấm màn kết từ những đám mây đen loang ra trên thành phố đang chìm ngập trong cơn mưa, một người đàn ông vừa rảo bước vừa tìm cách ẩn mình trong bóng tối với máu dính trên đôi tay và bí ẩn hàm chứa trong đôi mắt. Tôi không biết anh ta là ai, cũng không biết anh ta đang trốn chạy khỏi điều gì, nhưng trong vòng sáu tiếng đồng hồ tới đây anh ta sẽ trở thành người bạn thân thiết nhất của tôi. Tôi gài một trang giấy trắng vào máy chữ, rồi không ngừng lấy một giây, bắt đầu vắt kiệt mọi câu chữ xuất hiện trong đầu mình. Tôi vật lộn với từng từ, với mỗi câu cũng như các cấu trúc, hình ảnh và chữ cái, như thể đó là những điều cuối cùng tôi viết ra. Tôi viết rồi viết lại từng dòng như thể cả cuộc đời tôi phụ thuộc vào đó, rồi tôi còn viết lại thêm lần nữa. Bạn đồng hành với tôi là tiếng lạch cạch không ngừng từ chiếc máy chữ vang vọng khắp căn phòng tối tăm cùng chiếc đồng hồ treo tường đang rút dần đi từng phút giây còn lại cho tới lúc bình minh lên.

Ngay trước khi kim đồng hồ chỉ sáu giờ sáng, tôi giật trang giấy cuối cùng khỏi máy chữ, thở dài vì kiệt sức, đầu óc quay cuồng như thể bên trong có cả đàn ong đang bay lượn. Tôi nghe thấy tiếng bước chân nặng nề, chậm rãi của ông Basilio, ông đang lững thững tiến tới chỗ tôi sau khi tỉnh dậy từ một trong những giấc ngủ ngắn vẫn luôn được ông kiểm soát chặt chẽ. Không dám đối diện trực tiếp với ánh mắt của ông Basilio, tôi xếp lại các trang bản thảo và đưa cho ông. Ông Basilio ngồi xuống cái bàn ngay cạnh, đoạn bật đèn đọc lên. Đôi mắt ông lướt trên bản thảo, không để lộ chút cảm xúc nào. Rồi ông đặt điếu xì gà xuống cạnh bàn, đoạn liếc nhìn tôi và đọc to dòng đầu tiên trong truyện:

“Màn đêm buông xuống thành phố, những con đường ngập trong mùi thuốc súng như hơi thở của một lời nguyền.”

Ông Basilio liếc mắt nhìn tôi còn tôi thì trốn sau nụ cười không để lộ dù chỉ một chiếc răng. Không nói thêm một lời, ông đứng dậy rồi bỏ đi cùng tập bản thảo của tôi trong tay. Ông khép cánh cửa lại sau lưng. Tôi sững sờ đứng ngây ra đó, không biết nên chạy trốn hay ở đây đợi chờ án tử giáng xuống. Mười phút sau - thực ra tôi có cảm giác như đã mười năm trôi qua - cửa phòng làm việc của phó tổng biên tập bật mở và giọng nói như sấm rền của ông Basilio vang khắp khu phòng nội dung.

“Martín. Làm ơn lại đây.”

Tôi lết vào phòng ông chậm rãi hết mức, cứ mỗi bước lại rụt cổ so vai, tới khi không còn lựa chọn nào khác là ló mặt vào phòng và ngước nhìn lên. Ông Basilio, với cây chì đỏ đáng sợ trong tay, lạnh lùng nhìn tôi. Tôi muốn nuốt ực một cái, nhưng miệng lại khô không khốc. Ông cầm tập bản thảo lên và đưa cho tôi. Tôi nhận lại xấp giấy và quay về phía cửa nhanh hết mức, tự nhủ với bản thân rằng chắc vẫn còn chân đánh giày ở sảnh khách sạn Colon.

“Hãy mang xấp bản thảo xuống phòng sắp chữ và bảo họ lên trang ngay,” giọng nói phía sau lưng tôi ra lệnh.

Tôi quay phắt lại, chắc mẩm mình chính là nạn nhân của một trò đùa ác. Ông Basilio mở ngăn kéo bàn làm việc, đếm đủ mười đồng peseta rồi đặt lên mặt bàn.

“Đây là phần của cậu. Ta khuyên cậu nên dùng số tiền này sắm cho mình một bộ cánh ngon lành hơn, vì ta thấy cái thứ cậu đang mặc vẫn y như vậy sau bốn năm trời, chưa kể còn to hơn cậu đến tận sáu cỡ. Nếu muốn, cậu cứ thử ghé qua tiệm quần áo của ông Pantaleoni trên phố Escudellers, cứ nói là ta giới thiệu cậu. Ông ấy sẽ tiếp đãi cậu tử tế.”

“Cảm ơn ông rất nhiều, ông Basilio. Tôi sẽ làm như vậy.”

“Còn giờ hãy tiếp tục nghĩ thêm những truyện khác cho ta. Ta cho cậu một tuần lễ. Nhưng đừng ngủ quên trên chiến thắng. Và lần này cậu phải xoay xở sao cho có ít xác chết hơn đấy, bởi độc giả ngày nay chuộng những cái kết lâm ly trong đó tinh thần nhân đạo cao cả chiến thắng trước mọi tai ương, đại loại là mấy trò nhảm nhí kiểu như vậy.”

“Vâng thưa ông Basilio.”

Phó tổng biên tập chìa tay ra. Tôi bắt lấy tay ông.

“Làm khá lắm, Martín. Vào thứ Hai tới ta muốn thấy cậu ngồi ở cái bàn trước từng thuộc về Junceda, giờ nó là của cậu. Ta xếp cậu vào bộ phận chuyên viết tin vặt.”

“Tôi sẽ không khiến ông thất vọng đâu, ông Basilio.”

“Không, cậu sẽ không khiến ta thất vọng. Cậu sẽ chỉ bỏ ta mà đi thôi, chẳng sớm thì muộn. Và cậu hoàn toàn đúng khi làm vậy, vì cậu không phải một nhà báo và sẽ chẳng bao giờ làm được nhà báo. Nhưng giờ cậu vẫn chưa phải tiểu thuyết gia trinh thám đâu, dù cậu cứ tưởng là như vậy. Hãy ở đây một thời gian và bọn ta sẽ chỉ dạy cho cậu một vài mánh mà về sau sẽ luôn hữu dụng.”

Vào giây phút ấy, lá chắn phòng thủ đột ngột rơi xuống, tôi ngập tràn trong cảm giác biết ơn đến mức tưởng chừng muốn ôm chầm lấy người đàn ông to lớn trước mặt. Ông Basilio, vừa đeo lại chiếc mặt nạ dữ dằn quen thuộc, ném cho tôi một cái nhìn sắc lẹm rồi chỉ thẳng về phía cửa.

“Làm ơn đừng diễn mấy trò xúc cảm ở đây. Đóng cửa lại. Và Giáng sinh vui vẻ.”

“Chúc ông Giáng sinh vui vẻ.”

Vào ngày thứ Hai tuần kế tiếp, khi đến phòng nội dung và sẵn sàng ngồi vào bàn làm việc riêng của mình lần đầu tiên, tôi nhìn thấy có một phong bì giấy xám buộc ruy băng, trên đó là tên tôi được gõ bằng chiếc máy chữ mà tôi đã miệt mài sử dụng suốt nhiều năm nay. Bên trong phong bì là trang bìa cuối số ra ngày Chủ nhật cùng với câu chuyện của tôi được đóng khung hẳn hoi, kèm theo đó là một tờ giấy nhắn:

“Đây mới chỉ là khởi đầu thôi. Mười năm nữa tôi sẽ thành tay thợ học việc còn cậu sẽ là thầy. Bạn và đồng nghiệp của cậu, Pedro Vidal.”

Mời các bạn đón đọc Trò Chơi Của Thiên Thần của tác giả Carlos Ruiz Zafón & Ngô Hoàng Việt (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000