Mây Mùa Thu |
|
Tác giả | Duyên Anh |
Bộ sách | |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 |
Lượt xem | 4633 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 full Duyên Anh Tiểu Thuyết Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | duyenanhvumonglong.wordpress.com |
Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, những bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Lệnh Hồ Xung, Thái Anh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Bếp Phụ và Độc Ngữ. Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông học tiểu học và trung học ở Thái Bình và Hà Nội.
Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề: bán thuốc sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ xe đạp hội chợ, dạy kèm, dạy đàn ghi ta, dạy sáo.
Năm 1960, được sự nâng đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy.... viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt, giọng văn tha thiết, nhẹ nhàng và tình cảm.
Sau đó ông trở thành một ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc...
Có một dạo, Duyên Anh thường viết về giới giang hồ, bụi đời trong xã hội trước năm 1975. Trong tác phẩm của Duyên Anh ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ bị bế tắc trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh bị liệt danh là một trong 10 nghệ sĩ nêu danh là "Những Tên Biệt Kích của Chủ nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng" và tác phẩm bị cấm lưu hành.
Ngày 8 tháng 4 năm 1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo trong Chiến dịch bắt văn nghệ sĩ miền Nam (tháng 4 năm 1976). Sau khi ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11 năm 1981 ông vượt biên đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở Hải ngoại được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn. Thời gian này, ông cũng có viết thơ và soạn nhạc.
Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này.
Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.
Gần như có hai con người đối lập trong ông. Một Duyên Anh nhà văn có lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, mơ mộng, đầy ấp tình người. Và một Duyên Anh nhà báo ngổ ngáo, tai tiếng, lắm kẻ thù với những bài viết sống sượng và cay độc. Ông được đánh giá là một nhà văn, nhà báo có chỗ đứng cao trong văn học nghệ thuật Việt Nam, sức sáng tạo dồi dào: 34 năm cầm bút với 101 tác phẩm.
Các tác phẩm chính:
***
Mùa mưa dứt, gánh Đồng Ấu đã rời Tân Châu. Qua một quãng đường và một con đò, chúng tôi tới tỉnh lỵ Châu Đốc. Gánh hát không gặp may ở đây. Bữa tạnh bữa mưa. Mới diễn được ba đêm thì đại ban từ Sàigòn xuống, gánh Đồng Ấu cảm thấy lép vế, thu dọn đồ nghề ra đi. Lại dọc đường gió bụi, lui về quận Cái Dầu. Rồi về Long Xuyên, Thốt Nốt, Ô Môn... Càng đi xa, đi nhiều, gánh Đồng Ấu càng nghèo nàn, rách rưới. Tôi thương nghệ sĩ Năm Chiêu, ông Nghị bội phần. Tình thương, đôi khi, đã làm mờ tình tôi yêu Liên Hương.
Hai con người đã từng làm vua, làm hiệp sĩ trên sân khấu Bắc, Nam, từng làm đau nhói biết bao con tim phụ nữ ở bốn phương trời; hai con người từng tạo ra vua, hoàng hậu, hiệp sĩ, từng xây dựng những vương quốc hạnh phúc ấm no trong trí tưởng tượng. Và trí tưởng tượng đó giãi bày xuống giấy trắng thành những vở tuồng. Giờ đây, túng đói, cực khổ vì chuyện tạo ra vua, tạo ra hiệp sĩ, tạo ra ý nghĩa đẹp đẽ cho cuộc đời. Người nghệ sĩ chỉ đủ khả năng dựng lớp lang cho nhân loại nhưng đã bất lực khi muốn dựng một đoạn kết đẹp rực rỡ cho chính bản thân mình.
Số kiếp người nghệ sĩ Việt Nam, dường như, đều bị ràng buộc bằng đói rách, bênh hoạn. Ít có người chết bình thường, chết sau khi đã bằng lòng những gì mình làm xong. Những người viết văn làm thơ, soạn kịch, chết đi còn để lại tí tên tuổi còm. Chứ nghệ sĩ Năm Chiêu, ông Nghị chết đi sẽ để lại cái gì? Ai biết ông Tư Chơi, ai biết ông Huỳnh Thái bây giờ ra sao? Cùng lắm, người ta nói "Họ đã chết rồi, họ đã giải nghệ rồi". Sau này, người ta ngâm thơ Đinh Hùng, người ta nức nở khen. Nhưng mấy ai chịu nhớ, khi ông nằm yên dưới mộ, bạn bè thân thích của Đinh Hùng phải góp tiền mua cho vợ con Đinh Hùng căn nhà bé nhỏ tiều tụy.
Tôi bắt đầu sợ cái tương lai "nằm gánh". Tôi phải thú thật rằng tôi không dám liều lĩnh, không dám bỏ cái gì đang có để kiếm cái gì sắp có. Vì thế, tôi thiếu đam mê không si tình mãnh liệt. Tôi dễ chán nản. Việc gì khó khăn, tôi lẩn tránh, Tôi bằng lòng với trái cây vừa tầm tay tôi, dù trái cây đó èo ọt, xanh chua. Tôi lười biếng tỏ tình vì nhút nhát. Bị thất vọng, tôi quên ngay. Và bị hắt hủi, tôi không dám nhìn mặt người hắt hủi tôi. Đau khổ cho một người con gái nào trót yêu tôi. Ví như nàng hẹn hò thì chỉ cần một cơn mưa nhỏ, tôi cũng sẵn sàng bắt nàng chờ đợi. Tôi không đến.
Mời các bạn đón đọc Mây Mùa Thu của tác giả Duyên Anh.