DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Miếng Bánh Ngon Bị Bỏ Quên - Kiếm Lời Từ Khủng Hoảng Tài Chính

Tác giả Peter D. Schiff John Downes
Bộ sách
Thể loại Kinh Tế - Tài Chính
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 7036
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full John Downes Peter D. Schiff Đầu Tư Tài Chính
Nguồn ebookvie.com
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Khi bắt đầu soạn cuốn sách này vào năm 2006, tôi không có ý định viết Lời nói đầu. Mục đích của tôi là giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu tại sao tình trạng bất cân đối ngày càng gia tăng giữa nhập khẩu và xuất khẩu - cán cân thương mại của nước Mỹ - có thể khiến đồng đôla sụp đổ, buộc người dân Mỹ phải chấp nhận mức sống giảm sút trầm trọng cùng với nhiều năm hi sinh và tái xây dựng. Bảy chương sẽ chỉ ra nhiều nguyên nhân chỉ trong thời gian 20 năm ngắn ngủi, người cho vay lớn nhất thế giới lại trở thành con nợ lớn nhất trong khi dân chúng vẫn tập trung vào những vấn đề khác. Tôi nhận thấy thách thức đặt ra với tôi là phải giúp công chúng nhận thức được cuộc khủng hoảng kinh tế sắp diễn ra mà tôi đã giúp khách hàng của mình chuẩn bị đón nhận trong nhiều năm qua. Trong ba chương cuối, tôi sẽ chia sẻ những chiến lược đầu tư mà hàng nghìn khách hàng là các công ty môi giới đã áp dụng thành công, nhờ đó độc giả có thể tránh được sự sụp đổ của đồng đôla và thu lợi trong giai đoạn tái xây dựng nền kinh tế.

Đó là cuốn sách bạn chuẩn bị đọc. Vậy tại sao còn cần đến Lời nói đầu này?

Lý do là tôi viết phần này vào những ngày cuối cùng của năm 2006 và cuốn sách dự kiến sẽ được xuất bản trong khoảng một tháng tới và mọi người đã bắt đầu bàn tán nhiều về cán cân thương mại. Sau nhiều năm bị lãng quên, đột nhiên nó lại trở thành vấn đề tranh luận của công chúng. Trong khi có mối lo ngại ngày càng lớn rằng đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, thì cũng có quan điểm đối ngược, chủ yếu xuất phát từ Phố Wall với quyền lợi luôn được đảm bảo, rằng thặng dư thương mại là một dấu hiệu về sức khỏe của nền kinh tế, rằng tiêu dùng là một động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Đó chỉ là những lý lẽ vô nghĩa, ích kỷ. Nếu bạn tin như vậy thì bạn sẽ thu được lợi ích tối đa từ sự hiểu biết và lời chỉ dẫn mà tôi xin được giới thiệu trong những trang tiếp theo đây.

Sau đây tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ phức tạp hơn, nhưng ngắn gọn là khó có thể chấp nhận tuyên bố vào cuối tuần trước của Lawrence Kudlow - người chủ trì vui tính của chương trình Kudlow và Khách mời. Mở đầu chương trình, Kudlow chào mừng khán giả, và sau đó trơ trẽn lên giọng: “Tôi thích thâm hụt thương mại. Tại sao ư? Vì chúng tạo ra thặng dư trong tài khoản vốn.”

Về căn bản, bên cạnh một số thành phần khác, cán cân thanh toán - hệ thống ghi sổ lưu trữ các giao dịch giữa các quốc gia - bao gồm tài khoản thương mại là một phần của tài khoản vãng lai chỉ ra giá trị xuất khẩu và nhập khẩu ròng; và tài khoản vốn chỉ ra dòng chảy đầu tư ròng giữa các quốc gia. Mỗi đồng đôla chúng ta thanh toán cho nước ngoài để mua hàng hóa và dịch vụ đều quay trở lại dưới hình thức đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ và các loại tài sản khác, tài khoản này có thể được coi là mặt ngược lại của tài khoản kia. Một đất nước nhập khẩu ròng như nước Mỹ chắc chắn sẽ được bù đắp lại ở cán cân vốn, hay nói cách khác, thâm hụt trong tài khoản thương mại sẽ tạo ra thặng dư trong tài khoản vốn.

Nhưng “thặng dư” ở đây chỉ là một thuật ngữ để ghi sổ với ý nghĩa đơn thuần là có nhiều tiền chảy vào hơn chảy ra. Lý do dòng tiền chảy vào là vì một tài sản, ví dụ như trái phiếu Chính phủ, đã được một ngân hàng nhà nước của nước ngoài mua lại. Tuy nhiên, bán được một trái phiếu không khiến chúng ta giàu có hơn; mà nó lại tạo ra trách nhiệm. Đương nhiên, lúc đầu, sau vụ mua bán, chúng ta sẽ có một khoản tiền trong tay; song đó là khoản tiền chúng ta sẽ phải trả lại kèm lãi.

Như vậy, “thặng dư” là một dấu hiệu tích cực, nhưng thặng dư vốn lại có ý nghĩa trái ngược với thặng dư ngân sách. Các khoản thặng dư có thể là tốt hay xấu. Dư thừa nước dưới bể ngầm trong thời kỳ hạn hán là tốt, nhưng khi nó ở dưới tầng ngầm nhà bạn trong một cơn bão thì quả là tồi tệ.

Larry Kudlow là một người dẫn truyền hình thông minh, và tôi không nói anh ta không hiểu ý nghĩa của từ này. Nhưng theo ý kiến của anh ta, thặng dư vốn là một bằng chứng cho sự tin cậy về khả năng trả nợ của chúng ta. Và rằng chúng ta có thể dựa vào nó để tiếp tục phát triển. Theo tôi, đó chính là điểm sai lầm của anh ta. Các đối tác thương mại của chúng ta hoàn toàn được tự do đầu tư vào bất cứ nơi nào, và đó là điều họ sẽ làm khi họ nhận thấy nước Mỹ - với 8,5 nghìn tỷ đôla nợ được đảm bảo (và 50 nghìn tỷ đôla với các nghĩa vụ không được đảm bảo) kèm theo thâm hụt ngân sách liên tiếp - không còn đáng tin cậy như trước nữa. Họ không còn thu được lợi nhuận cao hơn khi đầu tư vào đây nữa, thị trường của chúng ta đang hoạt động yếu kém hơn tất cả các thị trường lớn khác, và đó là sự thật trong suốt sáu hay bảy năm qua.

Theo tôi, chúng ta có thể lý giải về việc nhu cầu đối với các khoản đầu tư của Chính phủ Mỹ từ phía ngân hàng trung ương các nước khác vẫn tiếp tục gia tăng bằng những động cơ quan liêu, cứng nhắc. Các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đã từ bỏ. Nhưng đối với Phố Wall và những người cổ vũ trên các phương tiện thông tin đại chúng của nó - những người sẽ bị giết nếu thâm hụt thương mại chuyển thành sự bi quan của thị trường - thì “thặng dư vốn” là một thuật ngữ tuyệt vời.

Một lý lẽ khác sắc bén hơn về tác dụng của thâm hụt thương mại được đưa ra trong bài báo có tiêu đề “Chấp nhận thâm hụt” của David Malpass - nhà kinh tế học của Bear Stearn(1) - được đăng trên Wall Street Journal (Thời báo Phố Wall) ngày 21 tháng 12 năm 2006.

Malpass viết khá dài, song lý lẽ của ông ta được tóm tắt ngay trong đoạn mở đầu: “Trong nhiều thập kỷ qua, thâm hụt thương mại đã trở thành mối quan tâm của chính quyền và báo giới, dẫn đến vô số dự đoán về sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ. Sự thật không phải như vậy. Nhập khẩu của chúng ta tăng lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế và dân số trong khi xuất khẩu tăng cùng với sự phát triển của các nền kinh tế nước ngoài, đặc biệt là các nước công nghiệp. Mặc dù bị phê phán là mất cân bằng, nhưng thâm hụt thương mại và dòng chảy vốn liên quan đến nó lại phản ánh sự tăng trưởng - chứ không phải sự yếu kém - của nước Mỹ. Chúng thể hiện mối liên hệ giữa một nước Mỹ trẻ đang phát triển nhanh chóng với những nền kinh tế già cỗi phát triển chậm chạp bên ngoài.”

Do sự tôn trọng đối với Malpass, tôi không thể phản đối ông ta thêm nữa. Quan điểm của ông ta về nhân khẩu học có thể có giá trị nhất định, song ông ta đã phớt lờ sự thật rằng đằng sau thâm hụt thương mại là nền sản xuất đang bị thu hẹp, và ông ta cũng phụ thuộc quá nhiều vào lý lẽ phổ biến nhưng sai lầm rằng giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao có thể bị nhầm lẫn với tỷ lệ tiết kiệm giảm, trong khi chúng ta biết rằng giá cả tăng thể hiện giá trị của tiền giấy và nhà đất đang bị thổi phồng. Ông ta đã nhầm lẫn tiêu dùng với tăng trưởng và tin rằng lợi tức cạnh tranh đồng nghĩa với đầu tư nước ngoài gia tăng dù chúng ta đều nhận thấy thị trường của chúng ta đang hoạt động quá tồi so với các nước lớn khác khi xét đến yếu tố tỷ giá hối đoái. Quan điểm của ông ta về lạm phát đã bỏ qua những chính sách tiền tệ trước đây. Tôi có thể tiếp tục, nhưng có lẽ nên nói trước rằng toàn bộ cuốn sách này là sự bác bỏ quan điểm của ông ta. Bài báo của ông ta là một ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực đơn độc của Phố Wall nhằm đánh bóng hình ảnh của nền kinh tế.

Nói chung, quan niệm tức cười rằng tiêu dùng của người Mỹ đang thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu lại đang được giới truyền thông ủng hộ. Trong một chương trình Bulls and Bears gần đây của kênh tin tức kinh tế Fox News, những người tham gia đã được yêu cầu đề xuất một “nhân vật của năm.” Và tất cả đều nhất trí với lựa chọn: người tiêu dùng Mỹ.

Không chỉ vậy, tôi cũng luôn bị sốc khi thấy các đài truyền hình mô tả nền kinh tế Mỹ bằng hình ảnh những người bán hàng đang điên cuồng xếp hàng lên giá và người tiêu dùng đang quẹt thẻ tín dụng. Ngược lại, nền kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc lại được phản ánh bằng hình ảnh những ống khói cuồn cuộn, những dây chuyền sản xuất bận rộn, lắp ráp rô-bốt và con người phải tự tay làm ra mọi thứ. Phần đáng ngạc nhiên nhất của trò hề này là thậm chí không có một ai nhận ra chúng tức cười thế nào. Nếu Longfellow(2) đã đúng khi nói rằng “trước khi hủy hoại một ai đó, Chúa sẽ làm cho anh ta trở nên điên khùng,” thì chắc chắn nền kinh tế của chúng ta đang đứng bên bờ vực của sự sụp đổ, bởi rõ ràng cả dân tộc này đã điên loạn hết rồi.

Thật là may mắn, vẫn còn một số người trong chúng ta giữ được tỉnh táo. Gần đây, ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo sáng suốt và công bằng nhận ra rằng mất cân bằng thương mại thực ra là bất lợi và sự mất giá của đồng đôla có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Song thật không may, tiếng nói của họ cũng như đàn gảy tai trâu và chẳng ai chú ý đến những lời cảnh báo đó cả.

Trong một bài báo đăng trên Bloomberg vào ngày 11 tháng 12 năm 2006 đã trích dẫn lời phát biểu của cựu Chủ tịch Fed - Alan Greenspan - tại một diễn đàn kinh tế ở Tel Aviv với tư cách một công dân tự do rằng đồng đôla sẽ tiếp tục giảm giá cho đến khi thâm hụt tài khoản vãng lai của đất nước này được thu hẹp. Ông cho rằng: “Thật là khinh suất khi nắm giữ mọi thứ bằng một loại tiền tệ.” Một báo cáo khác của Reuters về diễn đàn trên cũng đã trích dẫn lời của Greenspan: “Đã có một số bằng chứng cho thấy trong một vài năm tới, các nước OPEC sẽ bắt đầu chuyển nguồn dự trữ bằng đồng đôla sang đồng euro và đồng yên [do đó đồng đôla sẽ mất giá].”

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Robert E. Rubin và cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Paul Volcker cũng thể hiện những mối quan ngại tương tự về đồng đôla. Một bài báo có tựa đề “Đánh bạc với đồng đôla” đăng trên The New York Times (Thời báo New York) ngày 01 tháng 11 năm 2006 đã trích dẫn lời của Volcker cho rằng tình hình hiện giờ “nguy hiểm và khó cứu vãn” hơn bất cứ một thời điểm nào ông có thể nhớ được.

Trong một báo cáo của tập đoàn truyền thông Associated Press (AP) ngày 20 tháng 01 năm 2006, Warren Buffett đã phát biểu: “Thâm hụt thương mại của Mỹ là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế quốc gia, hơn cả thâm hụt ngân sách liên bang hay nợ tiêu dùng, và có thể dẫn đến rối loạn về chính trị… Ngay lúc này đây, chúng ta đang nợ phần còn lại của thế giới nhiều hơn họ nợ chúng ta 3 nghìn tỷ đôla.”

Trong những trang tiếp theo, bạn sẽ hiểu tại sao nền kinh tế Mỹ lại lâm vào rắc rối và làm cách nào bạn có thể tránh mất mát và tiếp tục tận hưởng sự thịnh vượng.

***

DẪN NHẬP AMERICAN.COM: ẢO TƯỞNG THỊNH VƯỢNG

Khi nền kinh tế Mỹ phải hứng chịu một đợt suy thoái nhẹ... Cục Dự trữ Liên bang (Fed - the Federal Reserve) đã tăng cường in thêm tiền nhằm đối phó với nguy cơ thiếu hụt dữ trữ. Fed đã thành công… nhưng cùng lúc đó, Fed gần như đã hủy hoại nền kinh tế toàn cầu. Khối lượng tiền khổng lồ mà Fed bơm vào nền kinh tế đổ sang cả thị trường chứng khoán, làm bùng nổ làn sóng đầu cơ lớn chưa từng thấy. Sau đó, các quan chức Fed đã nỗ lực thu hồi lại những khoản dự trữ dư thừa, và cuối cùng cũng ngăn chặn được làn sóng đầu cơ. Nhưng đã quá muộn… Trạng thái mất cân bằng đầu cơ quá lớn, tới mức nỗ lực của Fed chỉ đẩy nhanh tình trạng cắt giảm mạnh chi tiêu, làm suy giảm lòng tin kinh tế.(1) Hậu quả là nền kinh tế Mỹ sụp đổ.

Đoạn trích dẫn trên không phải là dự báo về tình hình sắp tới, mà chính là tổng kết thực trạng đã qua. Đoạn trích được viết ra để nói về nước Mỹ những năm 1920. Tác giả là một nhà kinh tế học trẻ có tên Alan Greenspan. (Đoạn trích được lấy từ bài báo “Vàng và Tự do kinh tế”, in trong tờ The Objectivist, năm 1966, in lại trong Capitalism của Ayn Rand dưới tựa đề “Ý tưởng mới”, New York: Penguin, 1987.)

Những lời nhận định của cựu chủ tịch Fed(2) ứng với không chỉ những năm 1920 đầy biến động mà còn cả tình hình hiện nay, nhưng với một sự khác biệt lớn. Sự khác biệt nằm ở chỗ trong những năm nắm giữ chức vị Chủ tịch Fed (1987-2006), Greenspan làm việc thậm chí còn tắc trách hơn cả những quan chức tiền nhiệm mà ông từng chỉ trích. Thay vì “thu hồi những khoản dự trữ dư thừa”, Greenspan còn bơm thêm tiền vào, nhân bong bóng chứng khoán lên thành bong bóng cho vay tiêu dùng và nhà đất với một quy mô chưa từng thấy.

Theo Greenspan, cuộc Đại Suy thoái những năm 1930 bắt nguồn từ làn sóng đầu cơ lan rộng - hậu quả của chính sách bơm tiền do Fed thực hiện những năm 1920. Vậy nhưng trong thời gian đương nhiệm Greenspan còn bơm một lượng tiền lớn hơn, gây ra trạng thái mất cân bằng trầm trọng hơn. Từ thực tế như vậy, liệu Ngài nhạc trưởng - chức danh nhà báo Bob Woodward gán cho ông cựu nhạc sĩ Saxophone chuyên nghiệp này - trông chờ vào tương lai nào cho nền kinh tế Mỹ?

Dựa trên quan điểm của Greenspan thì Chủ tịch BenBernanke - người kế nhiệm ông - vẫn tiếp tục chính sách tiền tệ nhiều rủi ro (monetary high-wire act), tin tưởng chính sách này sẽ đem lại hiệu quả.

Tuy nhiên, bản thân tôi lại nhìn nhận sự việc theo một chiều hướng khác. Trong những chương tiếp theo, tôi sẽ không chỉ trả lời câu hỏi trên, mà còn cung cấp cho bạn đọc một kế hoạch tài chính toàn diện nhằm giúp bạn vượt qua cơn bão kinh tế đang ập tới. Bạn không được phép phạm một sai lầm nào cả, bởi thời gian sắp tới đặc biệt khó khăn. Danh tiếng bấy lâu nay của nền kinh tế Mỹ đang đứng trước cuộc thử thách chưa từng thấy. Liệu danh tiếng đó sẽ tăng lên, hay chỉ là tàn tích còn sót lại? Dù rằng tất cả chúng ta đều có quyền hi vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến, song con người thực tế trong tôi lại nói rằng chúng ta nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Trong nhiều năm, tôi đã tổ chức các buổi hội thảo với chủ đề “Nền kinh tế bong bóng của Hoa Kỳ: Những gợi ý đầu tư khi bong bóng vỡ”, giúp cho hàng ngàn khách hàng của tôi có những quyết định đầu tư khôn ngoan, đồng thời tránh xa được rất nhiều “mỏ đất” đầu tư của Phố Wall. Tôi chưa bao giờ để cho những ảo tưởng thông thường làm lu mờ các phán đoán, hay các ý nghĩ nhất thời ảnh hưởng tới những lời tư vấn của mình.

Suốt thập niên 1990, khi hầu hết các đồng nghiệp của tôi hào hứng đổ xô đi mua cổ phiếu của những công ty được tung hô là công nghệ cao, là công ty của “kỷ nguyên mới”, tôi vẫn kiên định với nguyên tắc đầu tư an toàn, cố thuyết phục những người còn tỉnh táo bán số cổ phiếu đó đi. Viễn cảnh của nền kinh tế Mỹ hiện nay đặc biệt giống với tương lai dành cho những cổ phiếu công nghệ cao thập niên 1990.

Các nhà phân tích thị trường cổ phiếu khi đó cho rằng các phương pháp định giá truyền thống dựa trên các chỉ số như thu nhập, dòng tiền, lãi cổ tức, giá bán ra, giá đặt mua, tỷ suất hoàn vốn nội bộ và tỷ suất doanh thu trên vốn chủ sở hữu không còn mang tính ứng dụng nữa. Tương tự, các nhà kinh tế học ngày nay gán mác lạc hậu cho những quan ngại của những kẻ theo chủ nghĩa truyền thống như chúng ta về tỷ lệ tiết kiệm, hoạt động sản xuất, thâm hụt quốc gia, các khoản nợ không có nguồn trả, rủi ro đối tác, các khoản nợ tiêu dùng, thâm hụt cán cân thương mại và cán cân vãng lai. Các nhà kinh tế học hiện đại cho rằng, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên mà người Mỹ có thể thỏa sức tiêu dùng và vay nợ trong khi phần còn lại của thế giới thì tiết kiệm và sản xuất thay cho họ.

Mục tiêu của cuốn sách này là đập tan hẳn ảo mộng đó; đồng thời chỉ ra rằng điều vẫn được tung hô là “kỷ nguyên mới” này, cũng giống như tất cả những thứ trước đây, sẽ biến mất nhanh chóng như khi nó chợt đến; và rằng “American.com” cũng chẳng thọ lâu hơn được bất kỳ công ty.com nào một thời từng xuất hiện trong rất nhiều danh mục đầu tư mà giờ đây đều đã phá sản.

Cuối cùng khi mà điều gì phải đến cũng đến, những ai đã đọc cuốn sách này và thực hiện lời khuyên của tôi chắc chắn sẽ thu được lợi nhuận trong khoảng thời gian khó khăn sắp tới.

Dù chủ yếu thích hợp với các nhà đầu tư song cuốn sách này cũng được viết để phục vụ những đối tượng độc giả rộng hơn. Mục đích của tôi không chỉ đơn thuần là giới thiệu một bản hướng dẫn đầu tư sống còn, mà còn là để chỉ ra và giải thích những điểm yếu nghiêm trọng của nền kinh tế đã khiến sự tồn tại trở thành vấn đề khó khăn. Hiểu biết đầy đủ về tình trạng hiện tại của nền kinh tế Mỹ có ý nghĩa sống còn đối với giới đầu tư cũng như phi đầu tư.

Để đưa dân tộc Mỹ quay trở lại con đường của sự thịnh vượng, trước hết chúng ta cần khám phá con đường đó và hiểu tại sao chúng ta lại đi lạc xa đến vậy.

Không quốc gia nào mong muốn sự tận tụy của những công dân không dám nhìn thẳng vào sự thật. Sự lạc quan mù quáng thường được che giấu bởi “tinh thần yêu nước” sẽ ngày càng lớn lên và đẩy chúng ta đến thảm họa.

Những lời cảnh báo của tôi đều dựa trên thực tế và tôi đã dồn tâm huyết vào đó, bởi tôi yêu đất nước này và không có mong muốn nào lớn hơn là nhìn thấy nó phát triển thịnh vượng. Nhưng nó phải quay lại với những giá trị truyền thống nếu muốn đứng vững và tận hưởng vinh quang như trước đây.

Những lý lẽ của tôi đều rất thẳng thắn và tôi cũng không có ý định làm hài lòng nhiều người. Do vậy, chúng có khả năng rơi vào những đôi tai điếc đặc của cả một xã hội đã bị tẩy não và luôn thích tự hào về bản thân mình hơn.

Do quan điểm của tôi trái với thông thường và sẽ gây náo động dư luận nên gần đây, báo giới ngày càng hay đưa chúng ra để cân bằng với những ý kiến đang thịnh hành khác. CNBC gọi tôi là Tiến sĩ Doom và cười nhạo tôi là Chú gà Choắt(3) của thời hiện đại.

Tôi chỉ coi đó là trò vui, nhưng tôi hiểu rằng thực tại của nền kinh tế thì không đáng cười chút nào. Tôi tin chắc những lý lẽ của mình rõ ràng rất xác đáng và sẽ sớm trở thành ý kiến phổ biến nhất. Tôi chỉ hi vọng rằng chuyện đó sẽ thành hiện thực khi chưa quá muộn. Thật không may, đó có thể sẽ là lúc Chú gà Choắt nói đúng. Và bầu trời cuối cùng cũng sẽ sập xuống.

Mời các bạn đón đọc Miếng Bánh Ngon Bị Bỏ Quên - Kiếm Lời Từ Khủng Hoảng Tài Chính của tác giả John Downes & Peter D. Schiff

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000