Nàng Lolita |
|
Tác giả | Vladimir Nabokov |
Bộ sách | 100 Cuốn sách giá trị nhất thế giới |
Thể loại | Kinh điển |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 10706 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Vladimir Nabokov Dương Tường 100 Cuốn Sách Giá Trị Nhất Thế Giới Tiểu Thuyết Kinh Điển Văn Học Nga Văn học Phương Tây |
Nguồn | |
Vladimir Nabokov (1899-1977), tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học, dịch giả, nhà nghiên cứu về thể loại văn học của nước Mỹ, sinh ra tại nước Nga. Nabokov học thức uyên bác, tài hoa đa diện, cuộc đời sáng tác cực kỳ phong phú đa dạng, bao gồm: Thơ, kịch, tiểu thuyết, truyện ký, phiên dịch, cờ tướng và các luận văn về côn trùng học, song ông nổi tiếng thế giới vìtiểu thuyết, như: “Lolita”, “Puning”, “Ngọn lửa đìu hiu” (Pale Fire), “Ada”, “Vật thể trong suốt”, v.v… đều là những danh tác được mọi người biết đến. Ngoài tiểu thuyết và thơ, ông còn công bố bình luận về Gogol, phiên dịch và viết chuyên luận về bộ sách 4 quyển của Pushkin “Napalese Onegin”. Thập niên 70 của thế kỷ 20, danh tiếng của ông đạt tới tột đỉnh, được tôn vinh là “vua tiểu thuyết đương đại”.
Lời nói đầu
“Lolita” hay “Lời xưng tội của một gỡ đàn ông da trắng góa vợ”, ấy là hai cái đầu đề của tập bản thảo kì lạ được gửi đến người viết những dòng này làm mào đầu cho nó. “Humbert Humbert”[1], tác giả của nó, đã chết trong tù vì chứng nghẽn động mạch vành vào ngày 16 tháng Mười một năm 1952, ít hôm trước khi bắt đầu phiên tòa xử ông ta. Khi yêu cầu tôi biên tập những trang này, luật sư của ông ta, Ngài Clarence Choate Clark, nay là thành viên của luật sư đoàn Washington D.C, cũng là bạn và bà con của tôi, dựa trên một điều khoản trong di chúc của thân chủ của ông trao toàn quyền cho người anh họ lỗi lạc của tôi tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết cho việc in ấn cuốn “Lolita”. Quyết định của ông Clark có thể là do người biên tập mà ông chọn vừa được tặng giải thưởng Poling về một tác phẩm khiêm tốn (“Do the Senses Make Sense?”) trong đó có bàn đến một số trạng thái bệnh hoạn và loạn dâm. Nhiệm vụ của tôi hóa ra đơn giản hơn là cả hai chúng tôi đã dự liệu. Ngoại trừ việc sửa những lỗi cú pháp quá hiển nhiên và thận trọng lược bỏ một số chi tiết mà bất chấp những cố gắng của “H. H.” vẫn dai dẳng lưu tồn trong văn bản của ông ta như những tấm biển báo và những tấm bia mộ (chỉ rõ những nơi hoặc những người mà lẽ ra nên giấu đi cho nhã, hoặc nên thương tình bỏ qua), tập hồi ức này được giới thiệu nguyên vẹn. Biệt danh kì dị của tác giả là do chính ông ta đặt; và dĩ nhiên, chiếc mặt nạ này - qua đó, dường như rực lên hai con mắt thôi miên – vẫn được để nguyên không cắt bỏ, theo đúng ý nguyện của người mang nó. Trong khi “Haze” chỉ vần với họ thật của nữ nhân vật chính thôi, thì tên cô[2] lại quyện chặt vào thớ cảm xúc sâu kín của cuốn sách đến độ không cho phép ơi thay đổi nó; vả chăng cũng chẳng có lí do thực tiễn nào (như độc giả sẽ tự thấy) khiến ta thấy cần phải làm thế. Những ai tò mò muốn tìm hiểu kĩ có thể truy cứu các tư liệu liên quan đến tội hình sự của “H. H.” trên các báo hằng ngày trong tháng Chín năm 1952; nguyên nhân và mục đích của tội đó ắt sẽ tiếp tục là một bí mật hoàn toàn nếu số phận không mang tập hồi ức này đến đặt dưới ngọn đèn biên tập của tôi. Để phục vụ các độc giả cựu trào muốn theo dõi số phận của những con người “có thực” bên ngoài câu chuyện “thật”, xin cung cấp một số chi tiết do ông “Windmuller” ở “Ramsdale” chuyển tới, ông này muốn giữ kín nhân thân để “cái bóng dài lê thê của câu chuyện thảm hại và nhớp nhúa này” khỏi chạm tới cái cộng đồng mà ông hãnh diện được là một thành viên. Con gái ông, “Louise”, hiện là sinh viên đại học năm thứ hai. “Mona Dahl” cũng là sinh viên ở Paris. “Rita” vừa mới kết hôn với một chủ khách sạn ở FIorida. Bà “Richard F. Schiller”[3] chết cả hai mẹ con trên bàn đẻ vào đúng hôm Giáng sinh năm 1952 ở Gray Star[4], một khu định cư ở miền Tây Bắc cực kì hẻo lánh, cái thai chết là một bé gái. “Vivian Darkbloom” vừa viết xong một cuốn tiểu sử nhan đề “My Cue”[5] sẽ xuất bản nay mai, và những nhà phê bình đã đọc bản thảo đều cho đó là cuốn sách hay nhất của bà ấy. Những người trông coi các nghĩa trang có liên quan tới câu chuyện cho biết không thấy bóng ma nào hiện về. Xét đơn thuần như là một tiểu thuyết, “Lolita” đề cập đến những tình huống và những cảm xúc mà nếu thể hiện nhờ nhạt bàng các thủ pháp né tránh vô vị thì trước sau chỉ khiến người đọc thấy mơ hồ đến phát cáu. Đúng là người ta không tìm thấy một từ tục tĩu nào trong toàn bộ tác phẩm; quả thật, kẻ phàm tục kiên cường được những ước lệ hiện đại luyện cho quen thói chấp nhận không chút đắn đo hàng loạt chữ tục trắng trợn tràn ngập trong những cuốn tiểu thuyết tầm thường, ắt sẽ phẫn nộ khi không thấy chúng ở đây. Nhưng nếu để chiều theo cái kẻ làm ra vẻ tiết hạnh một cách ngược đời ấy, một biên tập viên tìm cách pha loãng hoặc tước bỏ những cảnh mà một loại đầu óc nào đó có thể gọi là “kích dục” (về phương diện này, xin xem phán quyết trọng đại do Ngài John Woolsey tuyên đọc ngày 6 tháng Chạp năm 1933 đối với một cuốn sách khác còn thẳng thừng hơn nhiều[6]), thì tất phải từ bỏ hoàn toàn việc xuất bản “Lolita” vì chính những cảnh mà người ta có thể kết tội quàng xiên rằng tự thân chúng chứa một hiện sinh nhục cảm, lại đích thị là những cảnh có tác dụng triệt để nhất trong diễn biến của một câu chuyện bi thảm luôn kiên định hướng tới tôn vinh đạo đức. Kẻ khuyển nho có thể nói rằng loại văn chương “con heo” thương mại cũng lập luận tương tự, nhà học giả có thể phản bác bằng cách khẳng định rằng lời thú tội tâm huyết của “H. H.” chỉ là cơn bão trong ống nghiệm; ràng ít nhất 12%[7] đàn ông trưởng thành ở Mĩ - một ước tính “dè dặt” theo tiến sĩ Blanche Schwarzmann[8](thông báo miệng) - năm nào cũng thưởng thức theo cách này hay cách khác các trải nghiệm đặc biệt mà “H. H.” mô tả một cách tuyệt vọng đến thế; rằng nếu vào cái mùa hè định mệnh năm 1947 ấy, người viết hồi ức điên khùng của chúng ta tìm đến một bác sĩ bệnh lí - tâm thần giỏi, thì chắc đã chẳng xảy ra tai họa; nhưng nếu vậy thì cũng chẳng có cuốn sách này. Kẻ viết những dòng bình luận này xin mạn phép được nhắc lại một điều hắn thường nhấn mạnh trong các cuốn sách và bài giảng của mình, cụ thể rằng “gây sốc” nhiều khi chỉ là một từ đồng nghĩa với “khác thường”; và một tác phẩm nghệ thuật lớn, dĩ nhiên, bao giờ cũng độc đáo, và như vậy, bởi chính bản chất của nó, ắt tạo nên một bất ngờ ít nhiều gây sốc. Tôi không hề có ý định ca ngợi “H. H.”. Rõ ràng, ông ta thật gớm ghiếc, ông ta thật bỉ ổi, ông ta là một thí dụ nổi bật về chứng phong hủi đạo đức, một hỗn hợp của tàn bạo và đùa cợt mà ẩn sau đó, có lẽ là một nỗi khốn khổ cùng cực song chẳng khiến ai đồng cảm. Tính khí ông ta vừa thất thường vừa tẻ ngắt, ông ta phát biểu văng mạng nhiều ý kiến nhố nhăng về con người và phong cảnh đất nước này. Một mạch thành thật tuyệt vọng đập chộn rộn suốt dòng tâm sự ăn năn, song nó không thể xá được cho ông ta khỏi những tội lỗi xảo trá quỉ quyệt, ông ta bất bình thường, ông ta không phải là người hào hoa phong nhã. Nhưng cây vĩ cầm réo rắt của ông ta có cái ma lực gợi nên một niềm trìu mến và thương cảm đối với Lolita, khiến ta mê mẩn với cuốn sách, đồng thời kinh tởm tác giả của nó!
Với tư cách là một hồ sơ bệnh án[9], “Lolita” chắc sẽ trở thành một tư liệu kinh điển trong giới y học tâm thần. Với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật, nó siêu vượt trên khía cạnh chuộc tội của nó; và đối với chúng tôi, điều còn quan trọng hơn cả ý nghĩa khoa học và giá trị văn học, là tác động đạo lí mà cuốn sách sẽ tạo nên đối với độc giả nghiêm túc; vì trong nghiên cứu cá nhân xót xa này, ẩn chứa một bài học phổ quát; đứa trẻ ngang ngạnh, người mẹ ích kỉ, gã quỉ ám hổn hển, không phải chỉ là những nhân vật sống động trong một câu chuyện duy nhất; họ cảnh báo ta về các khuynh hướng nguy hiểm; họ chỉ ra những cái xấu đầy cường lực. “Lolita” khiến tất cả chúng ta - những người làm cha mẹ, những nhà hoạt động xã hội, những nhà giáo dục - phải dốc sức, với tinh thần cảnh giác cao hơn nữa và sáng suốt hơn nữa, vào nhiệm vụ nuôi dạy một thế hệ tốt hơn trong một thế giới an toàn hơn.
Widworth, Mas. Tiến sĩ John Ray, Jr[10]
5 tháng Tám năm 1955