DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Những Chuyện Tình Thế Kỷ Mới

Tác giả Tàn Tuyết
Bộ sách
Thể loại Tiểu thuyết
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 6187
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Tàn Tuyết Thúy Hạnh Tiểu Thuyết Hiện Thực Văn Học Phương Đông
Nguồn @huyetleid0907
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyếtNhững Chuyện Tình Thế Kỷ Mới của tác giả Tàn Tuyết & Thúy Hạnh (dịch).

Những chuyện tình thế kỷ mới là câu chuyện dốc lòng theo đuổi cuộc sống xứng đáng của những con người bình thường nhất, có thể gặp ở bất cứ đâu trên cõi đời này. Họ khao khát một cuộc sống tự do và bất chấp tất cả để theo đuổi thứ tự do ấy. Mà tình yêu chính là tột đỉnh của tự do. Nhưng giữa thế kỷ mới đầy biến động và phức tạp, chủ nghĩa vật chất lên ngôi, trên trái đất còn được bao nhiêu người tin vào tình yêu?

Các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này đều có mối liên hệ ngầm với nhau, và trải nghiệm kỳ lạ của mỗi nhân vật khiến người ta có cảm giác họ là một linh hồn thống nhất sống trong nhiều kiếp sống, hoặc nói cách khác, là sự hóa thân của một Tàn Tuyết ở nhiều bản dạng [...]Thế giới phi lý trong tiểu thuyết của Tàn Tuyết thực chất là ẩn dụ cho bản chất của xã hội Trung Quốc hiện đại, và cốt lõi của những sáng tạo ấy - như tinh thần của văn học tiên phong mà bà đã kiên trì thực hành - không chỉ là "nghệ thuật thuần túy" mà còn là sự phản kháng không khoan nhượng với ý thức bá quyền và bạo lực.

Nhà văn Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa, sinh năm 1953, quê gốc Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Cha mẹ bà làm việc tại tòa soạn Nhật bảo Hồ Nam, bị lên án là phái hữu và phải đi lao động cải tạo, bà được bài ngoại nuôi nấng. Sau khi bà ngoại qua đời trong một nạn đói vào đầu thời kỳ Cách mạng Văn hóa, việc học của Tiểu Hoa dừng lại ở bậc tiểu học. Năm 1985, ở tuổi ba mươi, Đặng Tiểu Hoa bắt đầu sáng tác với bút danh Tàn Tuyết. Tác phẩm của bà kết hợp giữa trải nghiệm tâm linh và tư duy triết học, khả năng khai thác những vùng miền sâu kín của tâm hồn con người và sự thực hành “văn học thuần túy”. Theo đánh giá của giới chuyên môn, tiểu thuyết cũng như phê bình văn học của Tàn Tuyết đã tạo ra một cuộc giải phóng chưa từng có về quan niệm sáng tác, phá vỡ trí tưởng tượng truyền thống của người đọc về văn học tại Trung Quốc.

Các tác phẩm tiêu biểu của bà:

- Phố Hoàng Nê (2000)

- Phố Ngũ Hương (2002)

- Những chuyện tình thế kỷ mới (2013)

- Bác sĩ chân đất (2019)

Trong đó tiểu thuyết Những chuyện tình thế kỷ mới đã lọt vào danh sách để cử giải thưởng Man Booker Quốc tế.

***

Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa, sinh năm 1953 tại Trung Quốc, là nhân vật đại diện cho trường phái văn học tiên phong, từng xuất bản sách sang cả Đài Loan, Hongkong và nhiều nước khác như Nhật, Pháp, Italia, Đức, Canada…

Chịu ảnh hưởng từ bà ngoại, vốn là một bà mo, tác phẩm của Tàn Tuyết luôn bảng lảng hơi hướng huyền hoặc, như những cái hố của Murakami chỉ chực chờ người đọc rơi xuống.

Tính độc đáo trong xây dựng nhân vật và diện mạo sáng tác của bà đã hình thành nên cái gọi là “ẩn ngữ Tàn Tuyết”. Bà lật đổ giá trị truyền thống về người nam và hình tượng người nữ trong tâm lý thẩm mỹ, xây dựng nên thế giới văn học riêng của mình.

Bà từng nhận được những giải thưởng cao quý như giải Neustadt của Mỹ cho văn học, giải tác phẩm dịch hay nhất của Mỹ, tiểu thuyết độc lập nước ngoài hay nhất của Anh.

“Khao khát của Long Tư Hương” trích dịch từ tiểu thuyết Những chuyện tình thế kỷ mới của Tàn Tuyết, xuất bản năm 2015 và lọt vào danh sách sơ khảo Man Booker International 2019. Trong đây tự thuật lại những câu chuyện tình thành thị, các nhân vật trong đó đều theo đuổi cuộc sống tự do, mà tình yêu là đỉnh cao của tự do. – Tố Hinh

***

NHỮNG CHUYỆN TÌNH THẾ KỶ MỚI: NƠI LỊCH SỬ BỊ PHẾ TRUẤT

Là một trong những nhà văn Trung Quốc được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất, từ những truyện ngắn đầu tay, Tàn Tuyết đã xác lập phong cách của mình. Thế nhưng với sự chuyển biến từ năm 2002 trở đi, mà trong đó “Những chuyện tình thế kỉ mới” từng lọt vào đề cử của giải Man Booker như một đại diện – đã cho thấy một Tàn Tuyết rất khác.

QUÁ KHỨ LÀ KHÓI MỜ ẢO

Tác phẩm xoay quanh một vùng giả tưởng, nơi có những cô gái từng là công nhân giờ đi “bán hương” ở suối nước nóng. Họ là Thúy Lan, Tư Hương, Kim Châu, A Ti… Ở một mặt khác, đó còn là những tri thức cũng như phàm nhân có tư cách tốt, cùng sống và cùng trải qua một bầu không khí, là Vi Bá, bác sĩ Lưu, Tiểu Viên, Tiểu Hạ…

Ở tiểu thuyết này, Tàn Tuyết có tính giễu nhại vô cùng khác biệt so với phần lớn tác phẩm mô tả nỗi đau cũng như hành động cực đoan của bà. Từ việc tập trung khai thác những người “công nhân chính là nền móng” làm một công việc không mấy vẻ vang, cho đến quay ngược trở lại những nỗi đau hằn, Tàn Tuyết dường như muốn đến gần hơn với mảnh đất mà mình sinh sống, với bầu không khí khắc nghiệt và sự kiểm duyệt, bứt rứt của nó. Tàn Tuyết mở ra không gian văn chương có phần kì bí, thế nhưng mặt khác bà lại cho thấy nội dung cũng như cảm hứng quả thật gần gũi.

Do thế ta có thể thấy không chỉ một lần Tàn Tuyết giễu nhại về tính hoài hương của các nhân vật. Trong khi Thúy Lan thì được khuyên răn “Một người may mắn có quê hương như vậy thì không sợ lạc đường”, thì Vi Bá lại nghe “Nhớ về thăm quê hương thường xuyên nhé. Con người không được quên nguồn cội của mình”. Thế nhưng rốt cuộc những vùng đất cũ mang đến cho họ những cảm giác gì? Vùng quê Thúy Lan cho cô cảm giác về những nhà tù mà người nhân ngãi Vi Bá đang bị giam hãm, với tiếng ong ve của người chị dâu là tiếng gào thét từ sau song sắt. Trong khi Vi Bá cảm thấy bản thân dường như thất bại trước những kì vọng của cha về một cuộc sống được trải thảm sẵn.

Tàn Tuyết triệt tiêu hết mọi không gian, để trong tiểu thuyết của mình bà chỉ chừa lại giây phút hiện tại, không tương lai, không quá khứ, chỉ có những con người được khao khát sống.

TÌNH YÊU LÀ LIỀU ĐỘC DƯỢC

Nói về tình yêu, Tàn Tuyết khai thác một cách mạnh bạo khát khao yêu đương của các nhân vật. Ở các chương đầu, chưa hết được 2 trang sách thì đã thấy được một sự phồn thực về mặt dục tình. Đó là góa phụ Thúy Lan chú trọng chất lượng đời sống tình dục, là Tư Hương cũng như Kim Châu tuy đã “quá đát” nhưng lại mong muốn có được một đời khác những sự lặp đi lặp lại ở nơi công xưởng, là A Ti với sự dâng hiến trải qua rắc rối…

Với họ tình yêu một khi chạm đến đã là cực khoái của những xúc cảm. Như vậy nên dẫu nằm trong chiếc rương có phần chật chội, hay sâu dưới ba tầng đất, thì họ vẫn yêu và vẫn tin mình đang ở trung tâm của Trái Đất này. Và dẫu là một hồn ma hay người phàm trần, thì họ cũng e ngại những sự cô độc đến mức bám víu vào nhau, dẫu cho bất cứ thứ gì có thể xảy ra…

Tàn Tuyết trong tác phẩm này tạo ra rất nhiều kịch bản, từ người yêu nhau vì sự tử tế, cho đến những người ngộ nhận chỉ yêu bản thân giờ đây cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó. Các nhân vật của bà khát sống, trỗi dậy từ trong quá khứ đen tối, để đến với nhau, để dù một giây phút thôi thì họ cũng không từ bỏ một khó khăn nào.

LỊCH SỬ TRỞ NÊN VÔ NGHĨA

Sống trong thế giới của những bất an, Tàn Tuyết hoài nghi về sự vĩnh hằng của chính tình yêu. Do đó ở mặt bối cảnh, ta có thể thấy bà vẫn sử dụng những thủ pháp phi tuyến, tâm linh, những giấc mơ chung, những điểm liên kết… để kéo gần lại những số phận này. Những nhân vật của bà phần lớn đều là những kẻ lang thang giữa đêm, họ bị theo dõi bởi Kẻ Mất Ngủ, bởi Kẻ tố giác hay Kẻ theo dõi… ở bất kì một thời khắc nào. Và vì sống trong quá khứ nên họ rất cần một sự bám víu, một sự soi mình để biết bản thân vẫn còn đang sống.

Ảnh hưởng nữ quyền trong tác phẩm này không hề ẩn giấu mà được Tàn Tuyết phát lộ ngay ở bề mặt. Những người như Thúy Lan vẫn luôn trung thành với dục vọng của mình. Họ chọn phương cách sẵn lòng sa ngã, và luôn giữ vững khát vọng tự do. Bởi vì “con người ai cũng có mặt nạ”, “ai mà không có mặt đáng thương”… nên với “Những chuyện tình thế kỉ mới”, Tàn Tuyết đã đến tận cùng của chính cốt lõi vấn đề, về sự thành thực, về khát khao sống… để đem nó gần lại với mục đích muôn thủa của văn chương – làm nên thứ văn chương “thuần túy” trong những “thể nghiệm” của nghệ thuật viết.

© Theo NGÔ THUẬN PHÁT

***

Chương 3. Khao khát của Long Tư Hương

 

Sau khi đứa con đỏ hỏn của Long Tư Hương tắt thở, chị sụp xuống ngất lịm trên sàn gỗ bệnh viện.

Hai ngày hai đêm sau chị mới tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong phòng cấp cứu, tay còn cắm kim truyền. Một người đàn ông đứng trước cửa, quay lưng lại phía chị, như bóng ma.

Chẳng biết bao lâu sau, chị mới nhận ra đó là Tiểu Vũ chồng mình.

“Tiểu Vũ, anh tuyệt đối không được quay lại nhìn em đấy.” Chị thều thào.

Anh chồng bước ra ngoài theo lời chị.

Long Tư Hương hỏa táng đứa bé rồi về nhà mẹ, rúc vào gian nhà kho nhỏ xíu cạnh phòng ngủ bố mẹ. Chị vẫn đến xưởng dệt làm việc. Cả ngày lẫn đêm, đứa trẻ đã mất cứ quấn lấy chị như ác quỷ. Má chị tóp lại, mắt dại đi như người điên. Dạo đó bố mẹ chị phải giấu hết mọi thứ gợi chị nhớ đến đứa bé, còn không cho con rể vào nhà. Không phải họ ghét chàng rể to cao lừng lững, mà họ hiểu tâm trạng con gái. Con gái không muốn gặp con rể, bởi thấy con rể con gái sẽ nhớ đến đứa bé, sau đó như phát điên phát dại. Con gái suốt ngày đêm mặt mày tái ngắt, tinh thần hoàn toàn suy sụp.

Nửa năm sau, Long Tư Hương quyết định chia tay Tiểu Vũ, có vậy mới có thể đào sâu chôn chặt đứa bé trong lòng. Tiểu Vũ không chịu, căng thẳng một thời gian, cuối cùng đành chấp thuận. Tiểu Vũ thấy mình như kẻ đen đủi bị cướp: thoắt cái đã mất cả vợ lẫn con.

 

Trong phân xưởng lẫn nhà ăn, chẳng ai dám nhìn vào mắt Long Tư Hương, ánh mắt chị cực kỳ đáng sợ. Với các đồng nghiệp, thiếu phụ này đã thành người lạ.

Nhưng thời gian có thể chữa lành mọi vết thương.

Hôm ấy từ nhà ăn đi ra, một cô nàng đẹp ngời ngời đá cầu ngay trên sân xi măng, khiến cả đám đông xúm xít đứng xem không chớp mắt. Long Tư Hương cũng nằm trong số đó.

Cô nàng mười chín tuổi dừng lại, đi đến nắm lấy tay Long Tư Hương, bẽn lẽn, “Chị Tư Hương nghe nói còn đá giỏi hơn em mà.”

“Đâu có, em hơn chị nhiều.”

“Chị khiêm tốn quá, tối nay em đến nhà chị chơi được không?”

“Thôi đừng đến. Chị không có nhà riêng, chỗ chị ở như ổ chó ấy.”

Tối hôm ấy, Long Tư Hương ăn xong thì ngồi thần ra, đang định lên giường đi ngủ thì em Ti đến ngoài cửa sổ. Long Tư Hương nghe thấy tiếng tim mình đập thình thịch. Không muốn bố mẹ biết chuyện, chị cuống quýt chạy ra ngoài màn đêm tối mịt. Bàn tay lạnh ngắt của em Ti nắm lấy tay chị, cô thở dồn, hạ giọng, “Chị Tư Hương, chị Tư Hương, em đi xa ơi là xa, cuối cùng cũng đến được chỗ chị rồi!”

“Em Ti, em nói gì thế?”

“Em nói từ đáy lòng mình đấy.”

“Tay em lạnh thế!”

“Tim em yếu, không sống được lâu đâu.”

“Xì, đừng nói nhảm. Trông em đá cầu đủ biết tim em cực khỏe rồi.”

“Giả vờ thôi, giống chị Tư Hương ấy mà.”

“Nghe em nói thế, bỗng dưng chị lại tự tin hơn.”

“Nói vậy là chị em mình đều sẽ sống tiếp.”

Họ nắm tay nhau đi tới đi lui trong con ngõ nhỏ tối om không có đèn đường, cả hai đều phấn khích cực độ. Long Tư Hương đã lâu không giao tiếp với người khác, như được mở máy nói, đủ mọi ý tưởng lạ lùng dào dạt tuôn ra. Chẳng hiểu sao chị rất muốn ôm lấy cô gái này. Chị bảo cô thế, rồi cả hai ôm chặt lấy nhau. Lúc họ ôm nhau, một con mèo đang gọi đực trên đầu tường, nghe như tiếng trẻ con khóc. Trong đầu Long Tư Hương lóe lên một ý nghĩ: liệu có phải con mình trở về không nhỉ? Em Ti bảo chị, hoa cài trên đầu cô là hoa nhài.

Đêm hôm sau, em Ti lại đến. Long Tư Hương có dự cảm cô sẽ đến nên đã ra ngoài đón từ sớm. Cô chạy đến, thở hồng hộc.

Mời các bạn tải đọc sách Những Chuyện Tình Thế Kỷ Mới của tác giả Tàn Tuyết & Thúy Hạnh (dịch).

 

Giá bìa 154.000

Giá bán

123.200

Tiết kiệm
30.800 (20%)
Giá bìa 154.000

Giá bán

123.200

Tiết kiệm
30.800 (20%)