Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Phần Lan, một quốc gia non trẻ ở châu Âu gần như vẫn còn xa lạ không chỉ với người dân thường mà cả nhiều người trong giới trí thức nhiều nước trên thế giới. Trong một bài đăng trên tạp chí “Universitas Helsingiensis” của trường Đại học Helsinki năm1995, một giáo sư người Ấn Độ thỉnh giảng tiếng Hindi tại Đại học Helsinki tâm sự rằng khi nhận được thư mời của trường này bà không biết Phần Lan ở đâu và chưa biết gì về đất nước bà sẽ đến. Bà rất khó khăn khi tìm một người cung cấp cho bà những thông tin về Phần Lan, thậm chí hai tiếng Phần Lan rất xa lạ với người Ấn Độ và bị nhầm với Anh (England) và Hà Lan (Holland).
Song, bước sang những năm đầu thế kỷ 21, cùng với sự lớn mạnh của Nokia, cái tên Phần Lan đã trở nên quen biết hơn với người dân khắp nơi trên thế giới. Đất nước sản sinh ra Kalevala và thương hiệu “Connecting People” đã đứng đầu trong bảng xếp hạng của thế giới về hàng loạt lĩnh vực: từ kinh tế (là quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh nhất trong 2 năm liền) đến giáo dục (có tỉ lệ người biết đọc biết viết cao nhất, đứng đầu thế giới về giáo dục phổ thông trong hai cuộc điều tra của tổ chức OECD), từ quản lý xã hội (quốc gia ít tham nhũng nhất) đến bảo vệ môi trường (có môi trường sống và nguồn nước sạch nhất)…
Thành công của Phần Lan, từ một quốc gia nhỏ bé, tài nguyên thiên nhiên hầu như không có gì đáng kể ngoài rừng, lại nằm ở một vị trí “xa xôi, hẻo lánh” và gần như bị kiệt quệ sau Chiến tranh Thế giới II, nhưng trong một thời gian ngắn, khoảng 30 năm, không chỉ vươn lên trở thành một nước công nghiệp phát triển mà còn dẫn đầu thế giới về nhiều mặt như vậy đã thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới. Chỉ riêng năm 2005, ngành giáo dục Phần Lan đã đón 120 đoàn đại biểu từ 30 quốc gia đến tìm hiểu về hệ thống giáo dục của nước này. Cũng chỉ trong năm 2005, với sự quan tâm của dư luận quốc tế, Phần Lan đã tổ chức 3 cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề “PISA và giáo dục Phần Lan” với sự tham gia của 500 đại diện từ 57 quốc gia trên khắp thế giới.
Năm 2004 Hãng truyền thông BBC của Anh, đã cử một phóng viên đến Phần Lan để tìm hiểu về nền giáo dục của nước này và một chuyên mục về Giáo dục Phần Lan đã được mở ra trên website của hãng này. Năm 2005, hai phóng viên của báo Washington Post (Mỹ) cũng đã dành 3 tuần đi vòng quanh Phần Lan để giải mã “vì sao một nước nhỏ ít được biết đến với người Mỹ như Phần Lan lại có một nền giáo dục tốt nhất thế giới, có một nền âm nhạc và kiến trúc tài năng, có nhiều mobile phone tính theo bình quân đầu người hơn cả Nhật Bản và Mỹ” và lập nên chuyên mục “Finland diary” với một loạt bài viết rất hấp dẫn trên website của tờ báo nổi tiếng này.
Mặc dù cách rất xa nhau nhưng Phần Lan và Việt Nam có một số điểm khá tương đồng về vị trí địa lý và lịch sử. Hai nước có diện tích lãnh thổ tương đương, đều ở cạnh những nước lớn, từng bị đô hộ và phải đấu tranh để giành độc lập. Với truyền thống yêu chuộng hoà bình, người dân Phần Lan đã nhiều lần xuống đường đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Phần Lan là một trong những quốc gia sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (hai ngày trước khi Hiệp đinh Paris về kết thúc chiến tranh và khôi phục hoà bình ở Việt Nam được ký kết) và tích cực giúp đỡ Việt Nam xây dựng đất nước sau ngày thống nhất. Cũng kể từ năm 1973 đến nay Việt Nam luôn luôn được coi là đối tác lâu dài trong chính sách hợp tác và phát triển của Phần Lan.
Không giống như những người đồng hương châu Á Ấn Độ, kể từ đầu những năm 1980 với dự án Phà rừng, Phần Lan đã bắt đầu quen biết đối với nhiều người dân Việt Nam. Đặc biệt với người dân Hà Nội, hai tiếng Phần Lan đã trở nên hết sức thân thiết trong cụm từ ”nước Phần Lan”. Cũng vào thời gian đó một số người Việt Nam là nhóm người châu Á đầu tiên được tiếp nhận đến định cư ở xứ sở Ông Già Tuyết. Cho đến nay hơn bốn nghìn người Việt đã chọn Phần Lan làm nơi an cư lập nghiệp của mình.
Tuy nhiên, với đại bộ phận người Việt Nam, đất nước, lịch sử, xã hội và văn hoá của người Phần Lan vẫn còn nhiều “bí ẩn” cần khám phá. Những kinh nghiệm và thành công của Phần Lan trên nhiều lĩnh vực rất đáng được tham khảo đối với các nhà nghiên cứu, những nhà hoạch định chính sách Việt Nam trên con đường xây dựng nước ta thành “một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Đó chính là suy nghĩ thôi thúc tôi viết cuốn sách này.
Trong suốt thời gian viết cuốn sách, tôi đã nhận được sự động viên, khuyến khích của nhà văn Markku Nieminen, chủ tịch Juminkeko, bà Sirpa Nieminen, Giám đốc Juminkeko cũng như các thành viên trong gia đình tôi. Chị Vũ Thu Ngà đã cung cấp cho tôi một số bức ảnh. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn và nhà thơ Ngô Thế Oanh đã đóng góp cho tôi một số ý kiến bổ ích trong việc trình bày và trang trí cuốn sách. Các cơ quan: Trung tâm Thống kê, CIMO, Ban giáo dục quốc gia, Phòng thông tin Bộ Ngoại Giao, Bộ Xã hội, Bộ Tư pháp Phần Lan đã cung cấp cho tôi những tư liệu cập nhật và tin cậy. Nhân đây tôi xin gửi tới các cá nhân và cơ quan lời cảm ơn chân thành nhất.
Đặc biệt, tôi xin trân trọng cảm ơn Quỹ Văn hóa Kalevala Koru đã giúp tôi một phần kinh phí để xuất bản cuốn sách.
Espoo, mùa xuân 2007