Sau cuộc bạo loạn của công nhân Công ty tập đoàn Dệt may Trung Dương, hiện trạng vấn đề tham ô tham nhũng của tầng lớp lãnh đạo công ty bị phơi bày, Thị trưởng Lý Cao Thành bắt đầu bí mật điều tra. Kết quả, ông đã phát hiện ra những bộ hạ thân tín của mình, những cấp trên thân thiết với mình, và cả người vợ hiền yêu quý của mình cũng đều có mối liên hệ dây mơ rễ má đến vụ án này. Phải làm sao đây? Giữa bách tính nhân dân và thân bằng cố hữu, ông buộc phải lựa chọn. Và cuối cùng, ông đã lựa chọn nhân dân, đồng thời nhân dân cũng đã lựa chọn ông.
Tác phẩm đã trực tiếp khắc họa lòng can đảm cũng như dũng khí của con người, đã quất mạnh một cách vô hình vào các phần tử tham nhũng, đã tiết lộ và bài xích một cách thẳng thắn các tệ nạn xã hội như: dùng tiền mua chức vụ, lấy công quỹ mại dâm, tham ô hối lộ, kéo bè kết cánh.... từ đó tái hiện chân thực cuộc đấu tranh nội tâm và sự lựa chọn đầy khó khăn đau khổ của nhân vật chính Lý Cao Thành, khơi gợi được sự đồng cảm sâu sắc.
***
Cảm giác khi đọc Phán quyết của Trương Bình (đăng tải lần đầu trên Chim gõ kiến, kỳ 2, 3, 4 năm 1997) cũng giống như Lưới trời, Nước mắt cô nhi, cảm giác ấy dường như chỉ có thể dùng cụm từ "tuyên truyền giác ngộ" mới có thể hình dung chính xác được. Từ đầu chí cuối, những cơn sóng lòng của chúng ta cứ không ngừng cuộn trào, rung động bởi lực tấn công mạnh mẽ của tư tưởng câu chuyện.
Đọc Trương Bình, cảm giác này dường như không sai. Nhớ đến một câu nói trong tác phẩm Luận phong cách của nhà văn già Tôn Lê: "Mảnh đất của phong cách là cuộc sống, tư tưởng tiến bộ của nhà văn, là những giọt sương mà nó hút lấy. Nếu cuộc sống và tư tưởng của nhà văn phong phú dồi dào, mang tính chiến đấu, tích cực vì nhân sinh, thì tác phẩm của anh ta sẽ giống như cây mọc ở nơi thâm sơn đại trạch, phong cách tất nhiên kỳ vĩ. Nếu không, dù có dày công tô son điểm phấn, thì tác phẩm của anh ta cũng chẳng khác gì một chậu cảnh để trang trí trong phòng điều hòa. Lớn lên trong mưa tuôn gió bão mới là "én biển", lớn lên trong mái hiên nhà chỉ là "chích chòe". Âm thanh của chúng hoàn toàn khác nhau." Câu nói này rất hay, vì vậy không thể quên được.
Tôi nghiệm ra rằng: Thứ nhất, nhiều năm lại đây không có nhiều người nói về "phong cách" như vậy. Sự nhấn mạnh việc tu dưỡng cá nhân, đặc trưng tính cách, tính kế thừa nghệ thuật, đam mê sở thích, việc nắm bắt ngôn ngữ nghệ thuật và thói quen kỹ năng nghệ thuật của nhà văn đều là cần thiết, nhưng thoát ly khỏi một số phương diện quan trọng như thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan, tư tưởng tình cảm, kinh nghiệm sống, phạm vi lấy đề tài của nhà văn để nói về "phong cách", tôi cho rằng có gì đó không xứng tầm, bởi điều cốt lõi của phong cách nằm ở nhân cách và tâm linh của nhà văn, còn việc bộc lộ nhân cách hay phản chiếu tâm linh là điều mà kỹ xảo hay thủ pháp đương nhiên cũng không thể tạo ra được, vì vậy, thực chất cốt lõi của phong cách, đầu tiên vẫn là thứ không thể tách rời khỏi nội dung tư tưởng của tác phẩm, cũng chính là "mảnh đất", là "giọt sương" mà hoa màu không thể tách rời, theo cách nói của Tôn Lê.
Thứ hai, chúng ta đương nhiên phải phản đối "Thuyết quyết định đề tài", nhưng không thể vì thế mà bước đến một thái cực khác – "Thuyết đề tài không khác biệt". Đề tài tất nhiên đến từ cuộc sống, hơn nữa có thể nói "cuộc sống có ở mọi nơi", thế nhưng cuộc sống không hề giống nhau, có cuộc sống huy hoàng tráng lệ, có cuộc sống tăm tối vụn vặt, có cuộc sống thâm sâu, có cuộc sống bề nổi. Đó là sự khác biệt giữa "cây mọc ở nơi thâm sơn đại trạch" và "chậu cảnh để trang trí trong phòng điều hòa" mà Tôn Lê nói đến; chính là sự khác biệt giữa "én biển" và "chích chòe". Ở đây, chúng ta vô tình hạ thấp giá trị của "chậu cảnh" và "chích chòe", vì văn nghệ phải đa dạng hóa mới có thể tạo nên muôn hình vạn trạng. Toàn cảnh muôn hoa khoe sắc cho thấy sự phồn vinh về mặt ý nghĩa. Vì vậy, vẻ đẹp tinh tế của "chậu cảnh" và sự linh động của "chích chòe" cũng là thứ cần thiết trong nhu cầu thẩm mỹ của con người, chúng ta không chỉ cần đến sự tồn tại của chúng, mà còn phải nuôi dưỡng chúng, nhưng dù thế nào thì chúng cũng không thể thay thế được "cây mọc nơi thâm sơn đại trạch" và "én biển" bay lượn trên biển rộng, bởi đối tượng sau ấy còn có thể phản ánh cả tinh thần thời đại vĩ đại của chúng ta, có thể đại diện cho cả hình ảnh dân tộc phấn đấu của chúng ta, có thể thể hiện chân thực bản chất xã hội của chúng ta. Tóm lại, chúng có thể thể hiện giai điệu vươn cao của đất nước ta. Một tác phẩm phản ánh thành công những sự việc lớn, thì ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa nhận thức, thậm chí là công năng thẩm mỹ của nó sẽ lớn hơn nhiều, sâu sắc hơn nhiều so với những tác phẩm thành công trong việc khắc họa những sự việc nhỏ bé, đây là điều không thể nghi ngờ, bởi nó không đổi thay theo ý chí chủ quan của con người, bởi xã hội phát triển tiến lên luôn được thực hiện bởi một quá trình vĩ đại, đó là quá trình biến đổi thế giới cũ và sáng tạo thế giới mới. Trong quá trình này, thế giới hiện thực luôn phát triển trong sự giao thoa giữa việc vạn vật mới được sinh ra và vạn vật cũ bị mất đi, cũng chỉ trong quá trình phát triển này mới có thể nhìn ra cái nào có tiền đồ, cái nào không có lối thoát, cái nào hướng về ánh sáng, cái nào hướng về đêm đen, cái nào có xu hướng tăng lên, cái nào biến thành tàn lụi. Vậy, các nhà văn của chúng ta phải tự dựa vào đó mà đi khu biệt và cân bằng độ nặng nhẹ của đề tài, đồng thời lựa chọn những sự việc chiếm vị trí quan trọng trong quá trình thay đổi và sáng tạo này để làm đề tài văn học. Tương tự, tại đây tôi cũng đã vô tình đi ngợi ca cho "thuyết đề tài duy trọng đại", bởi sự khác biệt trong trải nghiệm tình cảm cuộc sống và trải nghiệm của cuộc đời cùng sự rèn luyện tu dưỡng và xu hướng thẩm mỹ, suy cho cùng không phải ai cũng đều có thể lựa chọn và chèo lái được các loại đề tài quan trọng.
Thế nhưng, văn học không phản ánh hiện thực một cách bị động, ngày nay, khi sáng tác văn học ngày càng hướng đến "tư nhân hóa", "nhỏ bé" và "yếu đuối", lại càng thiếu đi sự "to lớn", "sâu xa" và "cứng cáp" trong nội hàm xã hội, chúng ta đề xướng và kêu gọi sự nổi bật và hùng tráng của "giai điệu chính", e rằng không phải là thừa. Thực ra, nền văn luận cổ đại Trung Quốc sớm đã nói đến "tương truyền thiên cổ" và "đương thời bất hủ". Nếu chúng ta không thể lưu lại cho đời sau tác phẩm lưu truyền thiên cổ phản ánh thời đại cải cách vĩ đại của chúng ta hôm nay, há chẳng phải sẽ rất xấu hổ vì không hoàn thành sứ mạng và trách nhiệm mà thời đại giao cho chúng ta? Há chẳng phải sẽ xấu hổ với người sáng tạo ra phần lịch sử huy hoàng này?
Về phương diện ý nghĩa này, có thể nói Trương Bình là một nhà văn rất giàu cá tính, ông luôn đi sâu vào chốn sâu thẳm nhất của cuộc cải cách, đi sâu vào trong bản chất cuộc sống một cách thực sự, từ đó có được xúc cảm và linh cảm, có được tư liệu sống và dưỡng chất sáng tác, trong ý thức chủ thể của mình, ông lấy "đại ngã" làm đòn bẩy. Vì vậy, ông luôn lấy những đề tài giàu ý nghĩa xã hội nhất, những xung đột mâu thuẫn xã hội lớn nhất, sắc nhọn nhất, bản chất nhất làm đặc trưng quan trọng và nội dung quan trọng trong việc tạo dựng cá tính. Bất luận là Lưới trời, Nước mắt cô nhi, hay Phán quyết, tất cả đều là những vấn đề nóng hổi về mâu thuẫn xã hội đương đại, đều là những vấn đề quan trọng mang tính căn bản liên quan đến vận mệnh và tiền đồ của tổ quốc. Ông chưa từng lưu luyến vòng tròn nhỏ của cuộc sống cá nhân, vì thế, ông cũng chưa từng cảm thấy thiếu thốn đề tài. Tiêu chuẩn lựa chọn đề tài của ông luôn được quyết định bằng giá trị xã hội của văn học, bằng việc đề tài này có thể thể hiện và khắc họa chân thực bản chất xã hội hay không, bằng việc đề tài này có thể kêu gọi sự đồng cảm của mọi người hay không. Ví dụ: Phán quyết chọn đề tài tham nhũng và cuộc chiến ác liệt chống tham nhũng trong cuộc sống hiện thực, to lớn, sắc nhọn; chọn đề tài khó khăn của các doanh nghiệp vừa và lớn trong cuộc sống hiện thực, to lớn, sắc nhọn. Không chỉ vậy, cuối cùng nó còn kết nối cả hai lại, cái trước chính là nguyên nhân tạo nên cái sau, chính là đề tài xuyên suốt câu chuyện! Mỗi tác phẩm của Trương Bình vì to lớn, vì sắc nhọn nên đều không tránh khỏi tranh luận, tuy nhiên, chính sự chân thực chuẩn xác của nó, chính sự tấn công về tư tưởng tuyên truyền giác ngộ tinh tế của nó, đã tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ trong xã hội, được số đông độc giả đón nhận và yêu mến.
Trong những tác phẩm của Trương Bình mà bản thân từng đọc qua, tôi nhận thấy, ông chưa từng lấy một hiện tượng ngẫu nhiên nào để làm đề tài viết truyện, ông hiểu sâu sắc rằng những hiện tượng ngẫu nhiên đó chỉ là những vật ký sinh không đủ sức nặng trên đường ray phát triển của xã hội, nó không chứa đựng ý nghĩa hiện thực xã hội to lớn.
Đây là thước đo của Trương Bình đối với việc chọn đề tài, kiểu lựa chọn này lại hoàn toàn xuất phát từ quan niệm giá trị văn học của ông đối với cảm giác trách nhiệm thần thánh và ý nghĩa xã hội của một nhà văn.
Tất nhiên, vấn đề nói đến đây vẫn chỉ là phiến diện, bởi đề tài có to lớn đến đâu, nếu không thể sáng tạo ra sinh mệnh của nó, cũng sẽ trở nên vô giá trị. Một mặt, văn học là sự phản ánh quá trình trải nghiệm sáng tạo cuộc sống xã hội; mặt khác, xã hội phải được nhào nặn ra từ ảnh hưởng bởi tính sáng tạo của văn học, tức là, xã hội cung cấp tư liệu cho văn học, còn văn học cung cấp quy phạm cho xã hội. Chuyển hóa tư liệu thành quy phạm là hoạt động sáng tạo của nhà văn. Trong đó bao gồm: mọi ý nghĩa về mặt nội dung của đề tài. Nếu không có những thứ thuộc về yêu cầu chủ quan để trở thành chính bản thân nhà văn, nếu không trải qua sự ấp ủ về tình cảm và sự nuôi dưỡng máu thịt của chính nhà văn, thì tuyệt nhiên không thể kết thành quả ngọt sáng tạo nghệ thuật. Ví dụ, hai vấn đề hiện thực lớn phản ánh trong Phán quyết là tham ô và cuộc đấu tranh sắc bén chống tham ô với việc các doanh nghiệp lớn đứng trên bờ vực phá sản do tham ô gây nên, không chỉ đi vào thế giới cảm xúc của Trương Bình, mà còn trải qua cả suy nghĩ và lý giải của ông, khiến chân lý lịch sử và ý nguyện nhân dân biến thành yêu cầu máu thịt của chính nhà văn, thế nên vấn đề hiện thực mà tác phẩm phản ánh mới có thể phát ra lực tấn công tư tưởng to lớn, mới có thể thổi bùng lên nhiệt huyết và ánh sáng của nghệ thuật. Trương Bình đã làm được điều mà Lỗ Tấn yêu cầu: nghiêm khắc trong chọn đề tài, sâu sắc trong việc khai thác. Tức là, thành công của tác phẩm, nhìn từ góc độ lựa chọn đề tài, then chốt nằm trong việc tác giả lựa chọn đề tài như thế nào, tức là đầu tiên phải nghiên cứu nhận thức đề tài một cách chính xác và sâu sắc. Và sở dĩ Trương Bình làm được đủ chính xác, đủ sâu sắc là vì khi xử lý đề tài ông luôn tin tưởng vào một tiêu chuẩn thị phi rằng: "Đội ngũ chúng ta hoàn toàn làm việc vì giải phóng nhân dân, vì lợi ích của nhân dân." Đây là cán cân trong lòng bách tính.
Mức độ khai phá đề tài của Trương Bình đối với Phán quyết đã cấu thành nên nền tảng nội hàm tư tưởng của tác phẩm, cũng cấu thành nên nền tảng sáng tạo hình tượng của tác phẩm. Đây là điểm chúng tôi chú trọng nhắc đến dưới đây.
Mời các bạn đón đọc
Phán Quyết của tác giả
Trương Bình.