Phía Tây Không Có Gì Lạ |
|
Tác giả | Erich Maria Remarque |
Bộ sách | |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 |
Lượt xem | 17088 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 full Erich Maria Remarque Vũ Hương Giang Kinh Điển Tiểu Thuyết Chiến Tranh Văn Học Đức Văn Học Phương Tây |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
Erich Maria Remarque (1898-1970) đã phục vụ trong Thế chiến thứ nhất và đã bị thương tất cả năm lần. Những hình ảnh ghê rợn của cuộc chiến trong giao thông hào đã để lại những vết sẹo không phai mờ trong tâm trí Remarque nên ông cố xua đuổi những bóng ma đó qua các sáng tác văn học. “Phía Tây không có gì lạ” là tác phẩm hay nhất của ông dù chín tác phẩm khác ông cũng viết về những đau đớn, khổ cực trong chiến tranh.
“Phía Tây không có gì lạ" là câu chuyện về Pôn Baomơ, một người lính Đức trẻ, xung phong vào quân đội vì Căntôrec, vị giáo sư của anh, đã thuyết phục cả lớp tham gia quân đội để làm cho nước Đức được vẻ vang. Sau một thời kỳ huấn luyện gian khổ dưới quyền của Himmenxtôt, một phu trạm, Baomơ và các bạn ra tiền tuyến. Dù được vẽ vời trong nhà trường với những hình ảnh huy hoàng của các anh hùng, Baomơ nhanh chóng nhận thức được rằng những chiến hào đầy máu của Mặt trận phía Tây là một sa lầy của những khổ đau và chết chóc. Ngay khi những quả đạn pháo đầu tiên nổ tung trong bùn lầy, Baomơ và các bạn thấy rằng tất cả những người ở lại nhà đều dối trá: chiến tranh không phải là một thay đổi vinh quang, chiến tranh không làm cho các cậu con trai trưởng thành mà nó hủy diệt một cách có hệ thống tất cả những ai khỏe mạnh và lịch sự. Tất cả các bạn của Baomơ đều chết, bị thương, hoặc đào ngũ. Pôn Baomơ bắt đầu tự vấn về cuộc đời mình và băn khoăn không biết mình có sống sót được sau cuộc chiến hay thậm chí có sống được trong một thế giới không có chiến tranh hay không.
Xuyên suốt câu chuyện, Remarque thường dùng từ “chúng tôi” để nói lên tình đồng đội - cái quý nhất mà chiến tranh tạo nên. Những người lính ấy đã trải qua những giây phút cận kề cái chết cùng nhau nên họ gắn bó với nhau, chia sẻ với nhau tất cả những gì họ có. “Chúng tôi không nói nhiều nhưng chúng tôi để ý săn sóc nhau từng ly từng tí, thiết tưởng còn hơn cả những cặp tình nhân. Chúng tôi là hai con người, hai tàn lửa sống nhỏ bé, và ngoài kia, là đêm tối, là vòng vây của thần chết.”
***
húng tôi nằm sau chiến tuyến chín cây số. Đại đội vừa được thay phiên hôm qua; lúc này cả bọn vừa ăn căng rốn món đậu trắng hầm thịt bò, no nê và hài lòng. Thậm chí mỗi thằng còn được thêm một cà mèn đầy dành cho bữa tối; đã vậy còn lĩnh cả khẩu phần kép xúc xích và bánh mì - thật là quá đã. Lâu lắm rồi chẳng có bữa nào thỏa thuê như thế này: gã đầu bếp với tấm thân bò mộng và cái đầu cà chua đỏ lựng đích thân đem đồ ăn ra mời anh em; ai đi ngang qua gã cũng vẫy vẫy cái muỗng gọi lại và úp cho một muỗng đầy tú hụ. Gã đang tuyệt vọng lắm, vì không biết làm cách nào trút cho hết cái nồi quân dụng to vật này. Tjaden và Müller lôi đâu đến mấy cái chậu và để gã múc cho đầy phè đến tận miệng chậu. Tjaden làm thế vì háu ăn, còn Müller vì lo xa. Mọi người chịu không hiểu Tjaden tọng rõ lắm mà chả biết thức ăn chui đằng nào hết. Trước nay lúc nào cậu ta cũng gầy đét như con cá mắm.
Nhưng quan trọng nhất là có cả khẩu phần kép thuốc hút. Mỗi người được mười điếu xì gà, hai mươi điếu thuốc lá và hai miếng thuốc lá nhai, quả là rất đàng hoàng lịch sự! Tôi đổi chỗ thuốc nhai của mình lấy thuốc lá của Katczinsky, thế là tôi có bốn mươi điếu. Đủ xài cho cả ngày.
Thật ra thì tất cả những món quà bất ngờ này không dành cho chúng tôi. Người Phổ đâu có hào phóng thế. Chúng tôi vớ bở chỉ nhờ một sự nhầm lẫn.
Mười bốn ngày trước chúng tôi phải lên tuyến đầu vì đến phiên giữ chốt. Khu vực chúng tôi cắm quân khá yên tĩnh, và vì vậy để chuẩn bị cho ngày chúng tôi trở về viên quản lý đã lĩnh khẩu phần ăn thông thường đủ cho cả một trăm năm mươi lính toàn đại đội. Nhưng đúng vào ngày cuối cùng, với số lượng pháo nòng dài và pháo hạng nặng nhiều đến kinh ngạc, quân Anh đã liên tục nã đạn vào vị trí của chúng tôi, khiến chúng tôi chịu tổn thất nặng nề tới mức chỉ còn tám chục mống quay về.
Chúng tôi rút quân vào ban đêm và lập tức lăn ra đánh một giấc cho đã đời; vì Katczinsky nói đúng: chỉ cần lính tráng được ngủ nhiều hơn thì chiến tranh cũng chẳng đến nỗi nào. Thế nhưng ở tiền tuyến có bao giờ được ngủ cho ra giấc đâu, và mỗi phiên chốt mười lăm ngày lại quá là lâu.
Khi những thằng đầu tiên trong chúng tôi bò ra khỏi các lán trú quân thì trời đã trưa. Nửa giờ sau, mọi người đều vớ lấy cà mèn, kéo nhau đến tụ trước nồi thịt hầm vừa chín tới đang tỏa mùi béo ngậy. Đứng đầu tiên cố nhiên là những thằng háu đói nhất: Albert Kropp nhỏ thó, suy nghĩ sáng suốt nhất bọn nên vừa mới được lên binh nhất; Müller V, vẫn tha theo những cuốn sách giáo khoa bên mình và mơ tới kỳ thi tranh thủ ngày về phép, dưới màn đạn lửa vẫn cày các định luật vật lý; Leer, râu quai nón, rất thích các cô gái trong nhà thổ dành cho sĩ quan thề sống thề chết rằng theo lệnh nhà binh thì các cô có nghĩa vụ phải mặc áo sơ mi lụa và phải tắm trước nếu tiếp khách từ cấp đại úy trở lên; và người thứ tư là tôi, Paul Bäumer. Cả bốn thằng cùng mười chín tuổi, cả bốn thằng cùng từ một lớp học đi thẳng vào cuộc chiến.
Ngay sau lưng bọn tôi là đám bạn thân, Tjaden, một thợ khóa gầy gò, trạc tuổi bọn tôi, chén khỏe nhất đại đội. Cậu ta ngồi xuống bàn ăn người mảnh như que tăm, nhưng khi đứng dậy thì bụng kệnh như con rệp chửa; Haie Westhus, bằng tuổi, thợ than bùn, có thể dễ dàng nắm gọn một ổ bánh mì lính trong lòng bàn tay mà đố: “Đoán xem, trong tay tớ có gì?”; Detering, nông dân, chỉ nghĩ đến nông trại và vợ của mình; và cuối cùng là Stanislaus Katczinsky, thủ lĩnh của nhóm chúng tôi, gan lì, láu lỉnh, dày dạn, tuổi đã tứ tuần, mặt nâu như đất thó, mắt xanh lơ, vai xuôi thõng và có khứu giác kỳ diệu, ngửi ra ngay những mối nguy hiểm, những món ăn ngon, những chỗ nấp tốt. Nhóm chúng tôi đứng đầu đội quân xếp hàng rồng rắn trước quầy bếp lưu động. Chúng tôi bắt đầu sốt ruột, vì gã đầu bếp thẫn thờ vẫn còn đứng ì ra đấy mà đợi. Cuối cùng Katczinsky réo về phía gã: “Mở thùng súp của cậu ra đi chứ, Heinrich! Ai cũng thấy là đậu nhừ rồi kìa.”
Gã kia lắc đầu như ngái ngủ. “Các cậu phải có mặt đông đủ đã.”
Tjaden nhe răng cười. “Bọn tôi đến đủ rồi.”
Gã hạ sĩ quan anh nuôi vẫn chưa mảy may biết gì. “Các cậu đừng có tưởng bở! Thế còn những người khác đâu cả?”
“Hôm nay họ không xơi cơm của cậu! Họ đang nằm ở quân y viện và dưới mồ chung rồi.”
Con bò nấu bếp như bị một đòn chí mạng khi biết được sự thật. Gã lảo đảo.
“Thế mà tôi lại nấu cho những một trăm năm mươi người.”
Kropp huých vào sườn gã. “Vậy thì bọn này cuối cùng cũng được một bữa no. Thôi, bắt đầu đi!”
Nhưng trong đầu Tjaden chợt lóe lên một ý nghĩ. Cái mặt chuột nhọn hoắt của cậu ta sáng rỡ lên, cặp mắt nheo lại đầy vẻ láu cá, hai gò má giật giật, cậu ta sán đến gần gã đầu bếp hơn: “Này nhóc, vậy là cậu cũng đã lĩnh cả phần bánh mì cho một trăm năm mươi người, hả?” Gã kia gật đầu trong lúc còn chưa hết choáng váng và hồn vía vẫn ở trên mây. Tjaden túm lấy áo gã. “Cả xúc xích à?”
Cái đầu cà chua lại gật.
Xương quai hàm Tjaden run lên. “Cả thuốc lá nữa chứ?”
“Phải, tất tần tật.”
Tjaden mặt mày sáng rỡ ngó ra xung quanh. “Mẹ kiếp, thế này gọi là đỏ hơn son đây! Vậy là tất cả dành cho anh em ta! Mỗi thằng sẽ được… xem nào… đúng rồi, chính xác là gấp đôi khẩu phần!”
Nhưng lúc này gã cà chua đã hoàn hồn, gã tuyên bố: “Thế không được.”
Giờ thì cả bọn chúng tôi cũng phấn chấn hẳn lên, xô nhau sấn gần lại.
“Sao lại không được, cái đồ óc bã đậu kia?” Katczinsky vặn.
“Tiêu chuẩn cho một trăm năm mươi người, không thể chia cho tám mươi người được.”
“Rồi chúng tao sẽ cho mày biết,” Müller gầm gừ.
“Thức ăn thì còn được, chứ những thứ khác tôi chỉ có thể phát đủ tám mươi suất,” gã cà chua khăng khăng một mực.
Katczinsky nổi cáu: “Xem chừng phải thuyên chuyển mày khỏi đây, hả? Mày đã lĩnh khẩu phần không phải cho tám mươi lính, mà cho đại đội hai, vậy thôi. Giờ bỏ cả ra đây! Đại đội hai là chúng tao đây này!”
Chúng tôi áp sát gã đầu bếp. Chẳng ai chịu nổi gã, đã nhiều phen do lỗi của gã mà ở ngoài chiến hào chúng tôi phải nhận bữa ăn vừa quá muộn vừa nguội ngắt, vì đạn pháo chỉ mới đùng đoàng một tí là gã đã không dám bê nồi thức ăn lại gần hơn, cho nên anh em đại đội chúng tôi đi lấy đồ ăn phải đánh đường xa hơn anh em các đại đội khác rất nhiều. Bulcke ở đại đội một chẳng hạn là một đầu bếp khá hơn hẳn. Tuy béo như con chuột đồng, nhưng khi cần, anh ta vẫn tự tay lễ mễ tha thức ăn lên tận tuyến đầu.
Chúng tôi đang bức xúc ghê gớm, và nếu viên chỉ huy đại đội không xuất hiện đúng lúc thì thế nào cũng có thằng bị chẻ nhỏ như chẻ củi. Ông ta hỏi lý do cuộc cãi vã và chỉ nói: “Phải, ngày hôm qua chúng ta đã có những tổn thất nặng nề…”
Rồi ông ta ngó vào chiếc nồi lớn. “Món đậu này trông có vẻ ngon đây.”
Gã cà chua gật đầu. “Hầm với mỡ và thịt đấy ạ.”
Viên trung úy nhìn chúng tôi. Ông ta biết chúng tôi đang nghĩ gì. Ông ta cũng biết nhiều chuyện khác nữa, vì ông ta đã trưởng thành giữa chúng tôi, khi đến đại đội ông ta mới chỉ là hạ sĩ quan. Ông ta lại nhấc vung nồi lên một lần nữa và hít hít. Trước khi bỏ đi, ông ta bảo: “Nhớ mang cả cho tôi một đĩa đầy nhé. Và chia tất cả các khẩu phần đi. Chúng ta có thể cần đến chúng.”
Gã cà chua thộn mặt ra. Tjaden nhảy nhót quanh gã.
“Cậu có thiệt gì đâu kia chứ! Cứ làm như cả kho lương thực là của mình không bằng… Nào thôi bắt đầu đi, đồ săn mỡ già đời, và đừng có đếm nhầm đấy…”
“Treo cổ mày lên!” gã cà chua gầm gừ. Gã tức nổ mắt, chuyện như thế này đi ngược với lý trí của gã. Gã không còn hiểu cái thế giới này nữa. Và để tỏ ra giờ đây gã cũng bất cần tất cả, gã còn tự động chia thêm cho mỗi người hai lạng rưỡi mật ong nhân tạo.
Hôm nay quả là một ngày đẹp. Lại có cả quà của quân bưu, hầu như ai cũng nhận được vài lá thư và báo. Lúc này chúng tôi thong thả đi về phía đồng cỏ sau lán trú quân. Kropp cắp dưới nách cái nắp tròn của thùng bơ thực vật.
Người ta đã xây bên rìa phải đồng cỏ một chuồng xí công cộng to đoành - một ngôi nhà chắc chắn, lợp mái đàng hoàng. Nhưng chỗ ấy chỉ dành cho bọn lính mới tò te chưa học được cách rút tỉa những điều hay ho từ mỗi việc dù nhỏ nhất. Bọn tôi tìm cái gì khác thú vị hơn kia. Số là nơi đây rải rác những cái thùng nho nhỏ với cùng một mục đích sử dụng - hình vuông, sạch sẽ, đóng toàn bằng gỗ, bốn bề bịt kín, bên trên là bệ ngồi thuận tiện, không chê vào đâu được. Hai bên thùng gắn quai xách, nên có thể dịch chuyển thoải mái.
Bọn tôi kê ba cái thùng châu vào nhau và khoan khoái ngồi xuống. Bét ra phải hai tiếng nữa cả bọn mới chịu đứng lên.
Tôi vẫn nhớ hồi còn là tân binh vừa chân ướt chân ráo đến doanh trại, cả bọn đã xấu hổ như thế nào khi lần đầu tiên phải dùng chuồng xí công cộng. Chẳng có cửa nẻo gì cả, hai chục thằng ngồi kề bên nhau như trong toa tàu. Chỉ lướt mắt một phát là bao quát cả lũ… thì lính tráng cần được giám sát thường xuyên mà.
Từ bấy đến nay chúng tôi đã học được cách vượt qua nhiều thứ hơn là vượt qua chỉ một nỗi xấu hổ cỏn con đó. Thời gian trôi đi, chúng tôi đã quen với những điều còn đáng xấu hổ hơn.
Nhưng làm chuyện này giữa trời đất quả thật là quá sướng. Tôi không còn nhớ tại sao trước kia lúc nào bọn tôi cũng ngại ngùng khi đi ngang qua những cái thùng này, vì chúng cũng tự nhiên như ăn uống thôi mà. Và có lẽ cũng không cần phải nhiều lời về chúng, nếu như chúng không đóng một vai trò quan trọng với bọn tôi, và nếu chúng chẳng mới lạ ngay với chính bọn tôi như thế… vì thực ra từ lâu chúng đã quá đương nhiên.
Tiêu hóa và bài tiết là những vấn đề thiết thân với người lính hơn với bất cứ người nào khác. Ba phần tư từ vựng của người lính từ đó mà ra, và khi thể hiện niềm vui sướng cực độ hay nỗi căm giận sâu sắc nhất thì từ ngữ anh ta dùng đều bắt nguồn từ chỗ này. Quả là không có cách nào khác để biểu lộ cảm xúc một cách ngắn gọn và rõ ràng đến thế. Cha mẹ và các thầy cô giáo hẳn sẽ lạ lùng lắm khi chúng tôi trở về nhà với lời ăn tiếng nói như vậy, nhưng ở ngoài mặt trận thì nó quá là quen tai.
Đối với chúng tôi, toàn bộ những tiến trình này đã lấy lại được đặc tính ngây thơ, vì chúng bắt buộc phải diễn ra giữa chốn công cộng. Hơn thế nữa: chúng tôi xem chúng đương nhiên đến nỗi việc hoàn thành chúng cũng khoan khoái ngang với thắng một ván bài ở mức đặt cược cao nhất. Không phải tự nhiên lại sinh ra cái từ “khẩu ngữ cầu tiêu” để chỉ đủ loại chuyện tán nhảm. Những chỗ giải quyết “nỗi buồn” là góc buôn chuyện, là nơi tụ bạ quen thuộc của lính.
Khoảnh khắc này đây bọn tôi đang cảm thấy thoải mái hơn là ngồi trong buồng vệ sinh sang trọng lát gạch men trắng. Nơi đó chỉ có thể sạch sẽ, chứ ở đây mới khoan khoái dễ chịu.
Đó là những thời khắc vô tư lự tuyệt vời. Bên trên chúng tôi bầu trời xanh biếc. Xa xa phía chân trời lơ lửng những quả khinh khí cầu màu vàng rực sáng trong nắng và những vệt khói nhỏ màu trắng của những viên đạn cao xạ. Đôi khi chúng vọt lên thành chùm để rượt theo một phi cơ.
Tiếng gầm của đạn pháo vẳng về đây chỉ ì ầm tựa một cơn dông từ nơi xa lắm. Những con ong đất vo ve bay ngang cũng đủ át hết cả.
Và bao quanh chúng tôi là cánh đồng cỏ đầy hoa. Những ngọn cỏ non đu đưa, những cánh bướm trắng rập rờn đến gần, chúng chao liệng trong làn gió êm ái, ấm áp cuối hạ; còn chúng tôi đọc thư, đọc báo và hút thuốc, chúng tôi bỏ mũ ca lô đặt xuống bên cạnh mình, làn gió đùa trên mái tóc chúng tôi, đùa với những lời nói, những ý nghĩ của chúng tôi.
Ba cái thùng của ba thằng đứng giữa đám hoa anh túc đỏ rực…
Mời các bạn đón đọc Phía Tây Không Có Gì Lạ của tác giả Erich Maria Remarque.