DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Sài Gòn Phong Vị Báo Xuân Xưa

Tác giả Phạm Công Luận
Bộ sách
Thể loại Văn Hóa - Xã Hội
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 2958
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Phạm Công Luận Tản Văn Du Ký Sài Gòn Biên Khảo Văn Hoá Văn học phương Đông
Nguồn ebookvie.com
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

“Cứ đến gần Tết, độc giả Sài thành lại trông đợi những sạp báo dọc đường phố trưng ra những tờ giai phẩm Xuân, như những bông hoa mới nở đầy màu sắc, thay cho mấy tờ nhật báo không bìa hàng ngày đầy các cột chữ đen li ti. Có thể nói các tờ báo Xuân mang tín hiệu Tết đậm đà không thua hình ảnh đống dưa cao ngất ở cửa Bắc chợ Bến Thành hay mớ lạp xưởng treo kín mít ở chợ La Cai trên đường Nguyễn Tri Phương. Trên tờ báo đặc biệt này, giống như khi thời tiết chuyển mùa, mọi thứ ồn ào, tranh cãi, lộn xộn của đời thường được tạm gác qua một bên, nhường chỗ cho những cảm xúc sâu lắng, chiêm nghiệm, nhìn lại năm qua và hy vọng cho năm tới.

……

Những tờ báo Xuân gọi tôi về mấy ngày Tết cũ, với buổi tất niên thi cạp dưa hấu ở trường Võ Tánh hồi học tiểu học, những buổi sáng tháng chạp giúp ba nhổ lông vịt để nấu nồi thịt vịt hầm, lần đi xem đại nhạc hội có nghệ sĩ Ngọc Phu giả tiếng chó sủa, gà gáy, ngựa hí…và mấy ngày Tết vùi đầu vào trang Mai Bê Bi dành cho thiếu nhi trên báo Chính Luận”

Phạm Công Luận

***

Những bài viết được trích sử dụng trong cuốn sách đã đăng báo trên dưới 50 năm trước, chúng tôi chưa tìm được tác giả hay đại diện giữ bản quyền để xin phép. Do đó, rất mong nhận được thông tin từ tác giả hay đại diện giữ bản quyền bài viết được trích sử dụng để chúng tôi gởi thư cám ơn, sách biếu và nhuận bút.

Lời ngỏ

Cứ đến gần Tết, độc giả Sài Thành lại trông đợi những sạp báo dọc đường phố trưng ra những tờ giai phẩm Xuân, như những bông hoa mới nở đầy màu sắc, thay cho mấy tờ nhật báo không bìa hằng ngày đầy các cột chữ đen li ti. Có thể nói các tờ báo Xuân mang tín hiệu Tết đậm đà không thua hình ảnh đống dưa cao ngất ở cửa Bắc chợ Bến Thành hay mớ lạp xưởng treo kín mít ở chợ La Cai trên đường Nguyễn Tri Phương. Trên tờ báo đặc biệt này, giống như khi thời tiết chuyển mùa, mọi thứ ồn ào, tranh cãi, lộn xộn của đời thường được tạm gác qua một bên, nhường chỗ cho những cảm xúc sâu lắng, chiêm nghiệm, nhìn lại năm qua và hy vọng cho năm tới.

Trong thời gian biên soạn cuốn sách này, có lúc tôi tưởng mình đang trở lại một sáng tháng Chạp năm mười hai tuổi, khi tôi đi dọc con đường Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng bây giờ) để đến một sạp báo quen, mua cho ba tôi mấy tờ giai phẩm Xuân Điện Tín, Đại Dân Tộc. Tay tôi cầm chắc tờ tiền giấy, một mặt in hình con nai và mặt kia là hình dinh Độc Lập, trong bụng hy vọng tìm được cả tờ Thiếu Nhi số Tết có tranh bìa vẽ đám con nít cưỡi trâu như đã được xem quảng cáo trong số báo trước.

Trên đường về, tôi gí mũi vào mấy tờ báo khổ lớn bìa màu, hít sâu mùi mực in trên giấy láng, thấy dễ chịu không khác chi mùi chiếc bánh Madeleines nhúng nước trà của Marcel Proust, thứ mùi có thể giúp “... gợi nhớ lại tất cả những chi tiết tỉ mỉ, những hình xưa bóng chết, những chơn trời năm cũ, những gương mặt thân yêu, cho đến những tiếng động không đâu, tiếng một chiếc muỗng khua ly, tiếng một con ve sầu ngoài vườn, tất cả đều hiện hồn về” như Bình Nguyên Lộc đã viết trong một bài báo đăng trên tờ Buổi Sáng năm 1964.

Những tờ báo Xuân gọi tôi về mấy ngày Tết cũ, với buổi Tất niên thi cạp dưa hấu ở trường Võ Tánh hồi học tiểu học, những buổi sáng tháng Chạp giúp ba nhổ lông vịt để nấu nồi thịt vịt hầm, lần đi xem đại nhạc hội có nghệ sĩ Ngọc Phu giả tiếng chó sủa, gà gáy, ngựa hí... và mấy ngày Tết vùi đầu vào trang Mai Bê Bi dành cho thiếu nhi trên báo Chính Luận.

Thường ngày, hai tờ tuần san Thiếu Nhi và Tuổi Hoa cũng đủ thỏa mãn thú vui đọc báo và thích tranh đẹp của tôi. Nhưng trong đợt nghỉ Tết, những tờ báo Xuân người lớn mới cuốn tôi vào thế giới mỹ thuật đa dạng hơn với bao nhiêu bìa báo đẹp, những bức tranh minh họa hàm súc và biếm họa sinh động. Sau khi đọc hết những giai thoại Tết xưa, chuyện ăn Tết trong tù, chuyện ma thiêng nước độc, tôi mê mẩn ngắm lại những bức tranh làm nên sự hấp dẫn của một tờ báo Xuân. Sau Tết, tôi đem cất riêng những tờ báo đó, thỉnh thoảng lấy ra xem tranh và đọc cho đến khi nát.

Tình cờ mười năm trước, tôi tìm lại được tờ báo Xuân Chính Luận Tết Kỷ Dậu có bìa in hình cô Kim Loan. Lật vội, tôi tìm bài Mùa xuân mười tám đã in sâu trong trí nhớ, là nhật ký song đôi của hai mẹ con với phần nhật ký người mẹ khá xúc động bên cạnh phần nhật ký vui nhộn của cô con gái hippy với cách nghĩ cởi mở so với thời đó. Bài viết này có hai bức tranh minh họa đen trắng được in không sắc nét lắm, mà sao thuở nhỏ tôi thấy đẹp và gợi cảm quá chừng. Được nhìn lại những bức tranh và bài viết cũ từng yêu thích, thấy vui như tái ngộ người bạn thân thiết đã lâu không gặp.

Vài năm gần đây, ở Hà Nội và Sài Gòn thỉnh thoảng có tổ chức triển lãm báo Xuân trước 1954, nhưng khách đến xem chỉ được ngắm cái bìa báo thấp thoáng trong lớp nylon, các trang bên trong thì mặc sức mà tưởng tượng vì đã được phong kín.

Giới chơi sách báo xưa ở Sài Gòn từ lâu chỉ chuộng mua giai phẩm Xuân trước năm 1954. Trước hết là do vật phẩm (đáng sưu tầm) càng xưa càng có giá, vì dễ hư hao mất mát qua thời gian nên dần trở nên hiếm. Sau nữa, báo Xuân thời trước 1954 đa số dùng tranh vẽ, tác giả có thể là họa sĩ có tiếng và hình tượng thiếu nữ được vẽ khá gợi cảm. Nội dung báo Xuân tiền chiến có không khí Tết hơn, chú trọng văn chương hơn. Do hút hàng, báo Xuân trước 1954 đã hiếm càng hiếm, thỉnh thoảng muốn tham khảo hay đọc chơi cho biết thì không biết tìm đâu ra.

Ở Sài Gòn có một vị linh mục lưu trữ được khá nhiều báo Xuân trước năm 1954 ở hai miền Nam – Bắc và báo miền Nam sau 1954. Trước đây, bộ sưu tập quý giá này được lưu giữ tại thư viện giáo xứ nơi ông làm việc. Nhờ đó, chúng tôi được xem và chụp lại vài trang báo làm tư liệu. Hiện nay bộ báo này đã được chuyển giao cho cơ sở tôn giáo khác.

Mười năm trước, giới sưu tầm sách báo chưa đông như bây giờ. Những người chơi sách báo xưa rất “kén cá, chọn canh”, coi trọng sự toàn vẹn của tờ báo, cuốn sách. Bìa các tờ báo Xuân đáng sưu tầm không những không rách, không nát mà phải còn “men”, tức là lớp láng trên bìa in couché không bị nứt và rớt ra. Dần dần, người chơi đông hơn, báo cũ nát cũng được miễn còn đủ trang. Rồi rách dọc rách ngang cũng chấp nhận. Thậm chí mất bìa cũng mua. Báo Xuân trước 1954 cạn dần, ai có trong nhà cũng không chịu “nhả” ra. Báo Xuân xuất bản sau 1954 cũng trở thành hàng hiếm từ lâu. Trong giới sưu tầm sách báo quý ở Sài Gòn có vài người lưu giữ những tờ báo Xuân đẹp. Thỉnh thoảng, họ chia sẻ hình ảnh bìa những tờ báo trên diễn đàn của cộng đồng thích sách xưa hay trên mạng xã hội, nhưng nhìn chung họ khá kín tiếng và chỉ trao đổi, mua bán trong giới.

Chủ một tiệm bán sách cũ kể rằng cách nay gần chục năm, có một người sưu tầm sách báo trẻ từ Hà Nội mang theo vài chục triệu đồng và mua hết số giai phẩm Xuân miền Nam trước 1975 mà cửa hàng ấy có. Bây giờ, không dễ mua được dù chỉ dăm tờ, trừ khi có người trong giới sưu tầm cần tiền hay không chơi nữa bán ra. Lùng sục ở các cửa hàng sách báo cũ may ra kiếm được vài tờ cũ nát, nhưng phải lui tới vài lần, làm thân với người bán sách loại có máu mặt thì may ra họ nhớ đến mình khi có hàng.

Ở đường Trần Nhân Tôn, có một tiệm sách cũ đem photo mấy tờ báo Xuân xưa, nhìn rất lem nhem, bán ra 100 ngàn đồng một tờ cũng có người mua. Đúng là “hết nạc vạc đến xương”.

Cách nay không lâu, nhờ may mắn, tôi mua được một xấp báo Xuân mà phần lớn từng thuộc tủ sách của một giáo sư đại học ở Sài Gòn trước 1975 đã ra nước ngoài. Hai phần ba số đó còn nguyên bìa. Số ít mất bìa rơi vào giai phẩm Xuân của báo Sài Gòn Mới và báo Tiếng Chuông, vốn nổi tiếng về bìa in màu có hình thiếu nữ đẹp. Hơn phân nửa số đó có vết xé ngang tờ báo, đã được người bán dán lại. Bộ báo phải được mua toàn bộ, không được lựa từng tờ, giá không rẻ. Không dám kén chọn, tôi lấy hết. Đó là quyết định đúng, vì không bao giờ có dịp mua được một lần 70 tờ báo Xuân mà xưa nhất là từ năm 1935.

Lần khác, tôi mua được từ Cần Thơ gần 30 tờ báo Xuân khoảng từ 1954 cho đến 1958. Trong số đó có những tờ báo lạ, có thể chỉ phát hành trong một thời gian ngắn rồi đình bản nhưng kịp ra giai phẩm Xuân. Thật may mắn vì đó là những tờ báo hiếm có.

Không chỉ vì khan hiếm mà các giai phẩm Xuân xưa có sức hút như vậy. Dạng báo này được mê chuộng vì thường có nhiều bài viết hay, bìa báo và tranh ảnh minh họa được chăm chút kỹ lưỡng, lưu giữ khá nhiều phong vị Tết ngày xưa và hơi thở cuộc sống một thời, cùng những bài viết của nhiều nhà văn, nhà báo và họa sĩ đã khuất bóng từ lâu.

Sau này theo nghề báo, tôi hiểu sâu hơn về việc “bếp núc” của một tòa soạn khi làm báo Xuân. Sẽ có những buổi họp, bàn bạc vài tháng trước Tết với người chủ biên, để làm sao tập hợp được những cây bút già dặn và cứng cỏi, cho họ phô diễn phong độ viết lách và sự lịch duyệt của mình qua mỗi câu chuyện viết ra. Sẽ có những trải nghiệm được đúc kết, những hoài niệm được xới tung, những tâm tình được thủ thỉ và những ước vọng về tương lai, những khó khăn phía trước cùng nhau chia sẻ. Cũng từ những buổi họp đó, phải làm sao có được một bìa báo Tết lộng lẫy hay trang nhã nhất từ những họa sĩ hay nhà nhiếp ảnh tên tuổi, làm sao có những bức minh họa hay, đẹp và vui nhất cho những bài báo đặc sắc trong ấn phẩm này. Có khi chưa đến Giáng sinh, cảm giác một cái Tết đã đầy ắp trong lòng người làm báo Xuân.

Cho đến nay, tạp chí Nam Phong Tết Mậu Ngọ 1918 xuất hiện tại Hà Nội vẫn được xem là tờ báo Xuân đầu tiên, khởi đầu cho một dạng báo chí đặc thù ở Việt Nam. Nhân 100 năm kỷ niệm dấu mốc này, chúng tôi muốn góp thêm chút tư liệu về diện mạo báo Xuân Sài Gòn trước năm 1975, như một lát cắt nhỏ cho việc tìm hiểu nền báo chí của miền Nam xưa, cái nôi của báo chí cả nước.

Với tư liệu hạn chế, cái nhìn cá nhân chủ quan, cũng như chưa có sự đánh giá một cách toàn diện, hệ thống, chắc chắn cuốn sách này còn nhiều thiếu sót. Một số bài viết, minh họa và biếm họa được trích dẫn ở đây không có tên tác giả, hoặc họa sĩ có ký tên nhưng người biên soạn không xác định được. Rất mong nhận được thông tin từ quý độc giả khắp nơi để bổ sung hoặc chỉnh lý.

Cuối cùng, tôi xin trân trọng cám ơn sự giúp đỡ của linh mục Nguyễn Hữu Triết, ông Vũ Hà Tuệ, ông Trần Thành Trung, ông Lê Hoan Hưng, ông Trần Hữu Nghiêm, ông Nguyễn Xuân Đang trong việc bổ sung tư liệu và góp ý cho cuốn sách này.

Phạm Công Luận

Mời các bạn đón đọc Sài Gòn Phong Vị Báo Xuân Xưa của tác giả Phạm Công Luận.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000