Lời nói đầu
Cho lần xuất bản thứ ba (2017)
Tập sách Tâm lý học Chuyên sâu in lần thứ ba này là một nghĩa cử của niềm vui và lòng biết ơn của soạn giả đối với quý bạn đọc đã ưu ái đón nhận tập sách này qua hai lần xuất bản trước đây (2005 và 2006). Một bạn đọc từng sinh sống trong một truyền thống văn hóa bảo căn, sau khi tiếp cận được những nội dung của tập sách này, đã thân tình gửi cho tác giả một bức thư diễn tả niềm vui và sự biết ơn, bởi nhờ tập sách này mà đã thấy được con người thật của mình, nhìn ra được nơi mình những năng lực đen tối khuynh đảo, nhưng đồng thời cả những năng lực tích cực đầy tính nhân văn, trung thực và tâm cảm giúp giải phóng bản thân và sáng tạo nhìn về một tương lai chung hòa đồng.
Trong lần tái bản này, chúng tôi bổ sung và chỉnh sửa một số từ ngữ, nhưng những phần nội dung lý thuyết và thực hành thì vẫn giữ nguyên như trong dịp xuất bản lần thứ hai. Cũng vì thế, Lời nói đầu trong lần tái bản này có phần “phi chính thống”, bằng cách mở rộng tầm nhìn từ hệ thống tâm lý cá nhân đến hệ thống tâm lý đoàn thể và xã hội, cùng với những niên kỷ song song với niên kỷ 2017 của lần tái bản này. Công việc mở rộng như thế cũng mong ước có được sự cộng tác của quý bạn đọc qua suy nghĩ, kinh nghiệm và góp ý.
2017 quả là một niên kỷ đáng ghi nhớ trong một phần lịch sử xã hội của chúng ta. Chúng tôi xin gợi ý đến chỉ một vài sự kiện ít nhiều có thể phần nào liên quan đến nội dung của tập sách Tâm lý học Chuyên sâu này.
• Biến cố “thệ phản” (“protestant”: tên gọi đầu tiên của người Tin Lành): Năm 1517, Martin Luther (1483 – 1546), một tu sĩ Công giáo, với 95 luận điểm về ân xá và sám hối, đã phản kháng Giáo hội Công giáo Roma về những điều ông cho là sai lầm trong đức tin và trong đạo đức thực hành. Điểm tích cực cơ bản của Luther là phải trở về với nguồn Kinh thánh, đón nhận Thượng đế như một vị thẩm phán tối cao, nhưng đồng thời cũng là một vị Chúa muôn vàn nhân hậu. Về đạo đức xã hội, Luther còn có một số nhược điểm, như việc ông lên án phong trào giải phóng nông dân hay lên án dân Do Thái đã giết chết Đức Jesus. Nhưng tựu trung, trong một thời đại và một xã hội trung cổ, Martin Luther đã can đảm biểu dương sự phản kháng và nêu cao sự tự do của người tin Chúa. Tinh thần “phản kháng” và sự yêu chuộng “tự do” là những năng lực cơ bản đầu tiên của Tư trào khai minh, của sự Tự xác định chính mình, của sự Thành toàn Tự ngã.
Năm 2017, các tôn giáo và các xã hội công dân, cách riêng ở châu Âu, trong đó có cả sự hiện diện của Đức Giáo chủ Franziscus của Giáo hội Công giáo toàn cầu, đã cùng nhau mừng kỷ niệm 500 năm biến cố “thệ phản” (1517 – 2017) của con người vươn lên vóc dạng trưởng thành, trong hân hoan và trong khiêm hạ, trong tự lập tự chủ và trong bao dung đồng cảm với mọi người trong mọi nền văn minh, văn hóa và tôn giáo.
• Phong trào sinh viên “phản kháng” thập niên 60 với phát súng mào đầu năm 1967: Phong trào “phản kháng” của giới sinh viên dậy sóng nổi lên trên rất nhiều thành phố và thủ đô trên thế giới: Berlin, Frankfurt, München, Paris, New York, Washington, London, Tokyo, Praha… Phát súng mào đầu xảy ra tại Berlin năm 1967 do viên cảnh sát Karl-Heinz Kurras bắn chết sinh viên Benno Ohnesorg trong một cuộc biểu tình của sinh viên nhân cuộc thăm viếng của vua Reza Pahlawi nước Ba Tư (Persia, Iran) tại Berlin ngày 02-06-1967 và được thành phố đón tiếp vô cùng trọng thị. Reza Pahlawi là một ông vua chuyên chế, độc tài, khét tiếng với chế độ mật vụ Savak và các sắc luật đặc thù tiêu diệt mọi phần tử đối kháng, chủ trương bóp nghẹt trong trứng nước mọi ý kiến và chủ trương khác chiều. Cái chết của sinh viên Ohnesorg và việc viên cảnh sát Kurras bắn chết người không bị hề hấn gì, đó là sự kiện mào đầu cho phong trào phản kháng của sinh viên lập tức tràn khắp cả nước Đức và việc thành lập nhóm đối lập ngoài quốc hội.
Các sự kiện, nguyên do và biểu hiện của phong trào sinh viên phản kháng này từ đây được kết hợp, đào sâu, mở rộng: chiến tranh ở Việt Nam gia tăng, cuộc chiến 6 ngày ở Israel khốc liệt, chính sách vũ trang và quân sự hóa với bom nguyên tử ở Đức được đề xướng… Phản kháng lan vào những lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội: chống đối các xu hướng chuyên quyền, bảo căn, duy truyền thống, nặng quy ước, ức chế tình dục… Phản kháng cũng đi tìm những mẫu hình xã hội mới, những nhân vật trí thức gương mẫu mới, nhưng ở đây và trong thời kỳ truyền thông thế giới còn hãn hẹp này, phong trào phản kháng cũng đã gặp phải những giới hạn lịch sử của nó…
Năm mươi năm sau thời kỳ nổi dậy của phong trào sinh viên phản kháng (1967 – 2017), báo chí và công luận đã rất kiệm lời về sự kiện này. Một độc giả tờ nhật báo Frankfurter Rundschau (13-06-2017) tự đặt câu hỏi: “Cảm xúc sinh động của phong trào phản kháng thập niên 60 trước đây còn để lại gì nơi tôi trong thời kỳ điên dại ngày nay này làm cho tôi còn khả năng chống đối? […] Có lẽ những mẫu gương xưa kia có thể giúp ích gì chăng?”. Tâm lý học Chuyên sâu có đề cập đến những năng lực điều động, tạo hình, khuynh đảo, phối kết, sáng tạo… Có thể chăng tổ chức được những buổi hội luận, với sự đóng góp bằng kinh nghiệm và kiến thức của những người hoạt động xã hội và những người chuyên khoa tâm lý học, để trao đổi thêm về những vấn đề này?
• Hai vị tổng thống tân cử đầu năm 2017: Tổng thống Donald Trump (USA) và Tổng thống Emmanuel Macron (Pháp). Chúng tôi nghĩ phần lớn, nếu không phải là tất cả quý độc giả, trong thời gian qua đã nhận định được những năng lực điều động và tạo tác con người, tính tình, nhân cách và chương trình hành động của hai vị tân tổng thổng này. Bên cạnh con người doanh nghiệp tỉ phú đầy cá tính của Tổng thống Trump cho một America First, là Tổng thống Macron, con người nhân văn đầy giao cảm, cùng với những dự án xây dựng lớn cho một Liên hiệp châu Âu, Liên hiệp các nước trên thế giới, trong một môi trường Tự nhiên trong sạch và hòa đồng.
Nhiều bài thông tin và nghiên cứu cho biết bối cảnh giáo dục và đào tạo về văn học, chính trị và quản trị quốc gia của Tổng thống Macron. Một số nguồn tin cho biết thêm: Tổng thống Macron còn thừa hưởng được cả một ngành triết học đương đại: Nhiều năm học Triết ở Đại học Paris-Vincennes trong thời gian Paul Ricoeur giảng dạy nơi đây, Macron còn là trợ lý biên tập cho tác phẩm lớn Ký ức, Lịch sử, Bỏ quên (La mémoire, l’histoire, l’oubli) của Ricoeur. Một số bài viết trên các thông tấn gần đây còn mang đề từ: Một triết gia tại điện Élysée?, Emmanuel Macron – Tổng thống triết gia?. Một số cảm hứng triết học chính trị Macron nhận được từ Paul Ricoeur, như: kết nối đạo đức và chính trị, đối thoại và hành động, khống chế tàn bạo và bảo trợ người yếu kém, thực tiễn và viễn tượng, utopie [ảo tưởng, huyền tưởng] không phải là một thoát ly, nhưng là là một chân trời… Có một tác phẩm lớn viết về người thầy triết học Paul Ricoeur giúp ta thấy rõ thêm ảnh hưởng triết học của Paul Ricoeur trên tư tưởng và hành động của Tổng thống Macron: Một nền “Nhân học triết học theo Paul Ricoeur – Từ con người có thể lỗi lầm đến con người năng lực”. Những năng lực điều động, khuynh đảo, phối kết, tác tạo con người như được diễn tả thông qua trường hợp tiêu biểu của hai vị tân Tổng thống Trump và Macron trên đây cũng đã được trình bày trong tập sách Tâm lý học Chuyên sâu này.
Tác phẩm Nhân học triết học theo Paul Ricoeur nói trên là do Jean Greisch, một học trò, một người bạn, một đồng nghiệp giáo sư triết học của Ricoeur biên soạn, và chúng tôi hân hạnh là người biên dịch sang tiếng Việt. Công trình biên dịch sẽ được ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.
Chúng tôi kết thúc Lời nói đầu ở đây và cầu chúc quý bạn đọc thật nhiều niềm vui với tác phẩm tái bản Tâm lý học Chuyên sâu bạn đọc đang cầm trên tay.
Lưu Hồng Khanh
***
Dẫn nhập
A. NHỮNG KHÁM PHÁ KHOA HỌC LỚN
Ngày thứ Hai 26-06-2000, một sự kiện được dư luận quốc tế đánh giá như một cuộc cách mạng khoa học lớn hiện đại. Cùng một lúc, từ các thủ đô Washington, Tokyo, Berlin và Paris, các chính khách cao cấp nhất cùng với các nhà sinh học đã công bố kết quả của 50 năm nghiên cứu trong ngành Nhân-sinh-học: Đó là thành tựu về khả năng giải mã đến trên 90% “Hệ gene” (Gene System) hay “Hệ di truyền” (Human Genom System) của con người. Thành tựu khoa học này hàm chứa nhiều hệ quả tích cực rất lớn cho tương lai của con người trong những lĩnh vực quan trọng như nhân chủng, giáo dục, y khoa... bằng cách chữa trị, thay thế và ưu việt hóa toàn thể “Hệ gene” của con người.
Bên cạnh những khám phá khoa học lớn của con người trên ngoại giới về vũ trụ (hệ mặt trời, vũ trụ giãn nở, thám hiểm không gian), vật lý (thuyết tương đối, thuyết lượng tử, thế giới hạ nguyên tử – subatomic), sinh học (hệ gene, tế bào gốc, nhân dòng vô tính)... còn có những khám phá khoa học cũng vô cùng lớn lao trên nội giới của con người: Đó là những khám phá về “Hệ tâm lý” hay “Tâm thức chuyên sâu” của con người từ những thập niên giữa thế kỷ 20.
Các nhà tư tưởng đã nói về “Ba cuộc khám phá lớn” trong lịch sử nhân loại: Cuộc khám phá lớn thứ nhất thay đổi trung tâm của vũ trụ đi từ trái đất đến mặt trời; cuộc khám phá lớn thứ hai thay đổi trung tâm của chủng loại sinh vật đặt con người vào trong toàn thể tiến trình phát triển và tiến hóa của thế giới sinh vật; và cuộc khám phá lớn thứ ba là sự thay đổi trung tâm tâm thức của con người đi từ chóp mô ý thức nhỏ bé và gián đoạn đến một hệ tâm thức cao sâu và dày rộng gồm ý thức, vô thức và siêu thức.
Khám phá khoa học lớn lao về hệ tâm thức này là thành tựu của các công trình tư duy, nghiên cứu và thực hành tâm lý trị liệu của Sigmund Freud (1856 – 1939) và nhất là của Carl Gustav Jung (1875 – 1961) cùng những trường phái “Tâm lý Chuyên sâu” hoặc “Tâm lý Siêu cá nhân” (Transpersonal Psychology) tiếp nối công trình và sự nghiệp của C.G. Jung.
Hệ Tâm lý Chuyên sâu của C.G. Jung đã giúp con người nhìn ra được những chiều kích tâm thức kín ẩn sâu xa từ trong vô thức – không những vô thức cá nhân mà nhất là vô thức tập thể, đồng thời cũng giúp con người nhìn thấy được những khả năng và những tiềm lực, sinh năng lượng và sức sáng tạo của chính mình để tìm cách thể hiện bản thân.
Hai tư tưởng, đồng thời cũng là đóng góp lớn của C.G. Jung là tư tưởng về vô thức tập thể, nhất là thông qua trung gian các hình ảnh, biểu tượng và mẫu tượng (archetypen, archetypes); tư tưởng và đóng góp lớn thứ hai là tư tưởng và phương pháp về sự phát triển tâm thức, thông qua các tiến trình hội nhập và thể hiện thành toàn căn tính, bản vị, cuộc sống, chính “Tự ngã” (selbst, self) của con người.
B. CHỦ ĐÍCH VÀ PHƯƠNG THỨC CỦA CÔNG TRÌNH BIÊN SOẠN
Tư duy, nghiên cứu và thực hành tâm lý trị liệu của C.G. Jung là một công trình khoa học. Hai nguyên tắc khoa học căn bản của C.G. Jung là tư tưởng phải được kiểm chứng và sự thực của thực tại phải vượt lên trên mọi biên giới ý thức hệ, dẫu là ý thức hệ chính trị, văn hóa hay tôn giáo. Chính với hai nguyên tắc khoa học này mà C.G. Jung – tuy rất giàu trực kiến và cảm xúc –
đã từng bắt đầu cũng như đã từng kết thúc mọi suy tư và thực hành bằng các sự kiện đích thực trong cuộc sống có thể kinh nghiệm và kiểm chứng được; mặt khác – tuy xuất thân từ một nền văn hóa tập trung Âu châu (culture eurocentric) và từ một gia đình tôn giáo mà thân phụ lại là một mục sư – C.G. Jung vẫn không để mình bị chi phối bởi các định kiến ý thức hệ văn hóa hay tôn giáo, và do đó vẫn nhìn nhận sự thật của thực tại, dẫu cho sự thực đó phát xuất từ những nền văn hóa hay những tôn giáo khác.
Công trình biên soạn dựa trên “Hệ Tâm thức Chuyên sâu” của C.G. Jung này nhằm chủ đích giới thiệu cho các thế hệ độc giả Việt Nam ngày hôm nay những tư tưởng và đóng góp lớn của C.G. Jung, không những với lý do cung cấp một tri thức tổng quát, mà còn nhất là để giúp độc giả nắm bắt được những nguyên lý và những phương pháp cơ bản về hệ tâm thức như một công cụ khoa học, giúp tìm hiểu và thể hiện thành toàn căn tính và cuộc sống của mình.
Một trong những đòi hỏi căn bản trong công việc tìm hiểu lý thuyết và thực hành các phương pháp của hệ Tâm lý Chuyên sâu này là độc giả cũng như thực tập viên sẽ phải biết nắm giữ hai nguyên tắc khoa học căn bản của C.G. Jung nói trên: kiểm chứng thực tại và tôn trọng sự thật của thực tại vượt trên mọi biên giới ý thức hệ.
* Một lưu ý bổ túc nhưng quan trọng
Ở đây, soạn giả thấy cần phải diễn tả rõ hơn, để tránh những hiểu lầm và giúp cho một số độc giả có phần dễ dàng tìm cho mình một thái độ làm việc nghiêm túc và khoa học.
C.G. Jung là một nhà khoa học trong ngành Tâm lý. Sẽ là một điều dư thừa, khi nói việc làm khoa học của một nhà tâm lý không phải là công việc chính trị của Ban Khoa giáo hay của Ban Chỉ đạo Tư tưởng; cũng sẽ là một điều quá dư thừa, khi nói việc làm khoa học của một nhà tâm lý không phải là công việc truyền giảng, biện giáo hay đấu tranh tôn giáo của một đoàn Truyền giáo hay một giáo phái, hệ phái nào.
Là một nhà khoa học tâm lý, với hai tiêu chuẩn làm việc đã được trình bày là “kiểm chứng thực tại” và “tôn trọng sự thật của thực tại bất cứ từ đâu tới”, C.G. Jung đã khách quan trình thuật những sự kiện tâm lý từng xảy ra trong cá nhân cũng như trong các tập thể con người, trong xã hội người Âu cũng như người Á, Phi, Trung Nam Mỹ châu; trong Kitô giáo cũng như trong các tôn giáo khác như Phật, Khổng, Lão giáo, chứ không phiến diện tuyệt đối hóa chỉ một nền văn hóa hay một tôn giáo nào. C.G. Jung cũng khách quan sử dụng những từ thông thường của khoa tâm lý nói về những sự kiện tâm lý: dưỡng sinh là dưỡng sinh, không gọi là mê tín; thiền là thiền, không gọi là tà khí; yoga là yoga, không gọi là tà đạo. Nhà tâm lý cũng sẽ không bàn về Thượng đế như một nhà thần học, cũng sẽ tránh dùng từ Thượng đế mà chỉ nói đến “hình ảnh Thượng đế” như được xảy ra trong hệ tâm thức của con người.
Điều lưu ý trên đây kể là dư thừa, nhưng trong một số hoàn cảnh nào đó, cũng là điều cần thiết. Chúng tôi mong rằng, lưu ý này sẽ “một lần đủ cả”, như người ta thường nói, để công trình biên soạn này sẽ không gây ra ngộ nhận hay tạo ra những vấn đề không cần thiết.
C. NGUỒN THƯ TỊCH
Nguồn thư tịch căn bản vẫn phải là những tác phẩm của chính C.G. Jung, như sẽ được liệt kê trong bảng thư mục ở cuối sách. Nguồn thư tịch phụ nhưng rất ích lợi và cần thiết hiện có rất nhiều qua các ấn bản với nhiều thứ tiếng trên thế giới. Chúng tôi biên soạn tập sách này dựa vào nhiều gợi ý của một số tác phẩm, từ những cộng sự viên trực tiếp của C.G. Jung như Marie-Louise Franz, Liliane Frey-Rohn, Jolande Jacobi, qua những nhà nghiên cứu, giảng dạy và thực hành tâm lý trị liệu như Murray Stein, J.J. Clarke, Verena Kast... và các tác giả khác được liệt kê trong bảng thư mục.
D. VỀ MỘT SỐ TỪ NGỮ TIẾNG VIỆT
Từ ngữ chuyên khoa tiếng Việt trong các ngành khoa học tự nhiên, nhân văn, xã hội và tôn giáo vẫn còn là một vấn đề nan giải, bởi phần lớn đối tượng cũng như tư duy của các ngành khoa học này đều rất mới đối với một số thế hệ độc giả trong những thập niên và cả những thế kỷ vừa qua ở Việt Nam. Mặt khác, có những phiên âm và phiên dịch đã quá bị giới hạn vì những hoàn cảnh lịch sử và những ý thức hệ nhất định, làm sai lệch hoặc diễn tả không được chính xác những tư tưởng, đối tượng và các bản văn nguyên tác.
Trong hoàn cảnh khó khăn của bước đầu hiện tại, chúng tôi táo bạo và liều lĩnh diễn đạt một số từ ngữ và khái niệm có thể có phần còn mới lạ, nhưng chúng tôi nghĩ là trung thực.
Có một số từ ngữ tôn giáo chuyên biệt nhưng lại được phiên âm và phiên dịch khác nhau, tùy theo quan điểm hoặc truyền thống của từng giáo phái, hệ phái hoặc trường phái văn hóa và chính trị. Như từ Thiên Chúa giáo, Giatô giáo, Kitô giáo và Cơ Đốc giáo là bốn từ khác nhau để chỉ cùng một thực tại là tôn giáo phát xuất từ Đấng Christ mà nguyên ngữ Hy Lạp và La tinh là Christos và Christus. Chúng tôi nghĩ trong trường hợp này, từ ngữ tiếng Việt phiên âm chính xác hơn cả sẽ phải là Kitô giáo.
Bởi tập sách được biên soạn này là một công trình khoa học, chúng tôi mong ước và tin chắc độc giả sẽ có đủ thái độ khách quan và tinh thần bao dung để có thể vượt lên trên các hàng rào giáo phái và những ý thức hệ khác nhau, hầu có thể chấp nhận được những thực tại ở phía sau các từ ngữ. Bởi ngôn ngữ cuối cùng cũng chỉ là “ngón tay chỉ lên mặt trăng”. Cổ nhân ta cũng đã từng nói: “Được chim bỏ lưới, được cá bỏ nơm...”, hoặc: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh...” (Đạo Đức Kinh, I, 1).
Mời các bạn đón đọc
Tâm Lý Học Chuyên Sâu - Ý Thức Và Những Tầng Sâu Vô Thức của tác giả
Lưu Hồng Khanh.