Tâm Lý Học Tội Phạm Tập 2 |
|
Tác giả | Stanton E. Samenow |
Bộ sách | Tâm Lý Học Tội Phạm |
Thể loại | Tâm Lý Học |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 22089 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Stanton E. Samenow Tâm Lý Học Tội Phạm Tâm Lý Học Chuyên Ngành Tham Khảo Tâm Lý Tội Phạm |
Nguồn | kindlekobovn |
"Tâm lý học tội phạm" là bộ sách gồm 2 tập đề cập đến quyền lựa chọn, ý chí tự do, cái thiện và cái ác, phản ứng trước cám dỗ và sự thể hiện lòng dũng cảm hay hèn nhát khi đối mặt với nghịch cảnh của con người. Những cuốn sách thiêng liêng của các tôn giáo đều khuyên loài người không nên lừa dối, giận dữ và kiêu ngạo. Chúng ta nghĩ bản thân thế nào thì sẽ là như thế. Chúng ta không thể giúp một người từ bỏ tội ác và sống có trách nhiệm nếu không thể khiến anh ta thay đổi nhân tính, đó chính là "suy nghĩ".
Ấn bản đầu tiên của cuốn sách “Tâm lý học tội phạm” được xuất bản năm 1984, và ấn bản thứ hai xuất bản năm 2004. Sau một thập kỷ, và đã đến lúc bổ sung thêm các thông tin cho cuốn sách này. Trong ấn bản này, bạn sẽ hiểu chi tiết về các quá trình tư duy và chiến thuật phổ biến đối với những kẻ phạm tội, bất kể lý lịch hay tội ác của chúng.
Giờ đây, với cái nhìn sâu sắc hơn tác giả Stanton E.Samenow đã cung cấp cho độc giả một ấn bản cập nhật hoàn toàn về tác phẩm kinh điển của mình, bao gồm những sự nhận thức mới mẻ về tội ác đang được chú ý ngày nay, từ sự rình rập và bạo lực gia đình đến tội phạm cổ cồn và chính trị khủng bố. Ông đã từng có ba thập kỷ làm việc với tội phạm khẳng định lại lập luận của mình rằng các yếu tố như nghèo đói, ly hôn và bạo lực trên phương tiện truyền thông không gây ra tội phạm. Đúng hơn, như các tài liệu của Samenow ở đây, tất cả tội phạm đều có chung một suy nghĩ đặc biệt - thường thấy rõ trong thời thơ ấu - khác hẳn với suy nghĩ của một công dân có trách nhiệm.
Trong khi các loại tội phạm mới ngày càng phổ biến hơn, hoặc ít nhất là dễ nhìn thấy hơn với công chúng - từ lạm dụng vợ chồng đến các vụ xả súng ở trường học - có rất ít thay đổi về cách tiếp cận của chúng ta đối với tội phạm. Các chương trình phục hồi dựa trên giả định rằng xã hội đổ lỗi cho tội phạm nhiều hơn là tội phạm, một giả định mà mối liên hệ nhân quả vẫn chưa được thiết lập, đã được chứng minh là không đầy đủ. Tội phạm tiếp tục xâm chiếm mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, các tòa án hình sự và nhà tù luôn quá tải, và tỷ lệ tái phạm tiếp tục leo thang.
Tiến sĩ Samenow, một nhà tâm lý học lâm sàng đã bác bỏ một cách hợp pháp những lời giải thích về hành vi tội phạm đổ lỗi cho hoàn cảnh, môi trường (xã hội, gia đình, truyền hình bạo lực,). Ông thường xuyên đưa ra những lời khái quát sâu rộng và không cung cấp gì khác ngoài những trường hợp có thật ủng hộ quan điểm của ông rằng tất cả tội phạm đều vi phạm pháp luật một cách có ý thức và cố ý.
Hiểu biết thông thường về nguyên nhân phạm tội hiện vẫn là kim chỉ nam cho nhiều người vạch ra các chính sách phòng chống tội phạm. Các nhà hoạch định chính sách lãng phí hàng tỷ đô la khi họ ngây thơ tìm cách chống lại hành vi tội phạm bằng cách loại bỏ cái gọi là “nguyên nhân gốc rễ” về môi trường xung quanh.
Điều quan trọng là chúng ta phải biết kẻ phạm tội là ai và làm thế nào và tại sao hắn lại hành động khác với những công dân có trách nhiệm. Từ sự hiểu biết đó có thể đưa ra những giải pháp hợp lý, nhân ái và hiệu quả.
***
Báo cáo Chính thức năm 1963 của Ủy ban Cố vấn về Ma túy và Lạm dụng Ma túy của Tổng thống tuyên bố rằng, ma túy “có thể biến những người đàn ông và phụ nữ trẻ bình thường trở thành tội phạm”.1 Quan niệm này hiện vẫn tiếp tục được áp dụng rộng rãi không chỉ bởi các chuyên gia mà còn bởi các phạm nhân và gia đình của họ. Hết lần này đến lần khác, trong các buổi lấy lời khai, tội phạm luôn nói rằng ma túy đã thay đổi toàn bộ cuộc sống và khiến họ trở thành một người rất khác so với trước đây. Họ cho rằng vấn đề duy nhất của họ liên quan đến rượu hoặc ma túy. Dù hành vi phạm tội nghiêm trọng đến mức nào thì họ đều bác bỏ quan điểm mình là “tội phạm”. Nhiều kẻ phạm tội cho rằng lạm dụng chất kích thích đã khiến họ phạm tội. Trong một vụ giết người, một người đàn ông khẳng định, “Tôi không giết anh ta. Chính ma túy đã thực hiện điều đó”. Các thành viên trong gia đình và những người khác nghĩ rằng họ biết rõ về kẻ phạm tội và cũng quy kết toàn bộ các hoạt động bất hợp pháp của anh ta là do ma túy hoặc rượu mà ra.
Một người vợ từng nói: “Tony là một người hoàn toàn khác khi anh ấy uống rượu. Khi đó, anh ấy không phải là người đàn ông mà tôi đã kết hôn”. Trước khi bị kết án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc theo luật của bang Ohio, kẻ giết người đã bị tuyên án-một kẻ từng nghiện Cocaine- Frederick Treesh nói trong phát biểu cuối cùng: “Chính ma túy sẽ dẫn bạn đến con đường hôm nay” ?2
Hành vi phạm tội không nằm trong chai rượu, viên thuốc lắc, bột ma túy hoặc bất kỳ chất kích thích nào. Ma túy chỉ làm lộ rõ và phát triển những gì vốn đã cư ngụ bên trong một con người. Chúng không biến một người có trách nhiệm trở thành tội phạm. Nếu mười người say rượu, cả mười người này sẽ không hiếp dâm, cướp của hay giết người. Họ có thể ngủ thiếp đi, gây om sòm hoặc hành động một cách hiếu chiến; hành vi của họ tùy thuộc vào tính cách của họ trước khi họ uống ngụm rượu đầu tiên.
Mọi thứ do con người nghĩ ra đều có thể được sử dụng để đổ lỗi cho hành vi tội ác, và điều tương tự cũng đúng đối với lý do tại sao nhiều người trở thành những kẻ nghiện ma túy. Nhiều nhà xã hội học mô tả việc sử dụng ma túy như một phản ứng bình thường đối với các hoàn cảnh chán chường. Hoặc họ hướng sự chú ý đến một văn hóa coi trọng sự hài lòng tức thì. Các nhà tâm lý học trích dẫn một số tấm gương xấu – như việc bố uống rượu hay mẹ dùng thuốc để xoa dịu thần kinh. Đưa ra vấn đề áp lực từ bạn bè, một người sử dụng ma túy cho rằng bạn bè của anh ta đã kích động anh ta sử dụng thứ đó và cho rằng “mọi người đều làm điều đó”. Các nhà phê bình xã hội chỉ trích những thước phim hào nhoáng của ma túy trong phim ảnh và truyền hình, đồng thời khẳng định các thanh thiếu niên sử dụng ma túy vì chúng thấy những vận động viên và những người nổi tiếng khác cũng say mê thứ đó. Nhà tâm lý học Neil Bernstein nhận xét, “[Thanh thiếu niên] xem những bộ phim… tôn vinh cuộc sống về đêm tại các quán bar và câu lạc bộ”.3 Danh sách các lý do giải thích cho việc mọi người sử dụng ma túy dường như dài vô tận. Những lời giải thích này được người dùng ma túy sử dụng để biện minh cho hành vi của họ mặc dù họ đã có đủ lý do bào chữa cho riêng mình.
Một người có tính cách tội phạm cho biết họ sử dụng ma túy là để giải thoát bản thân. Nhiều chuyên gia đồng tình với lời giải thích rằng ma túy giúp thoát khỏi thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, sự buồn chán hoặc tuyệt vọng. Nếu bạn hỏi một kẻ sử dụng ma túy xem anh ta đang cố thoát khỏi điều gì, câu trả lời có thể là những lời phàn nàn về điều kiện sống tồi tệ hiện tại của anh ta. Tuy nhiên, những người khác, bao gồm cả gia đình và hàng xóm, cũng sống trong cùng một môi trường ảm đạm như vậy nhưng họ không sử dụng ma túy. Nếu bạn nhắc đến những lý do giải thoát bản thân với tội phạm, anh ta có thể nêu ra những tình huống đau buồn cụ thể, một số tình huống do anh ta tạo ra hoặc bị gây ra từ sự vô trách nhiệm của chính anh ta. Anh ta không có việc làm, nhân viên thu tiền đang liên tục nhắc nhở, anh ta không có đủ tiền để đi sửa xe, vợ anh ta chán nản và dọa bỏ đi. Lý do lớn nhất mà những tội phạm sử dụng ma túy là nhằm trốn tránh các yêu cầu trong một cuộc sống có trách nhiệm mà người khác đặt ra. Thứ quan trọng hơn lối thoát mà ma túy tạo ra chính là cảm giác phấn khích.
Michael, một phạm nhân bị kết án, nói rằng anh ta sử dụng ma túy để tìm cho mình lối thoát, sau đó dừng lại để hỏi một cách khoa trương: “Tôi đang chạy trốn cái gì nhỉ?” Anh ta trả lời câu hỏi của chính mình: “Tôi đã có một cuộc sống khá tốt đẹp. Tôi đã chối bỏ cuộc sống đó. Nhiều người đã gặp phải những hoàn cảnh khủng khiếp và họ không hề làm điều này. Đó là cảm giác phấn khích, cảm giác dồn dập của adrenaline. Tôi ghét sự nhàm chán. Liên tục chi trả các hóa đơn, cuộc sống thật nhàm chán. Tôi thích cảm giác phấn khích hơn là một cái đầu bị tê liệt”. Việc phải thanh toán các hóa đơn tượng trưng cho điều mà anh ta coi là cuộc sống vui nhộn của một người bình thường, có trách nhiệm nhưng chắc chắn không dành cho anh ta.
Các phương tiện truyền thông tấn công mọi người bằng các báo cáo kịch tính hóa việc sử dụng ma túy trong giới trẻ. Số liệu thống kê thường bị sai lệch. Cảm giác tò mò đã kích thích hàng triệu người sử dụng ma túy, tuy nhiên hầu hết thời gian sử dụng của những người đó thường rất ngắn. Những số liệu thống kê về tình trạng sử dụng ma túy được gộp chung với nhau bao gồm cả những người thử dùng một lần hoặc một vài lần và những người sử dụng thường xuyên trong nhiều năm. Ví dụ, trong một báo cáo năm 2011, Trung tâm Quốc gia về Tình trạng nghiện và Lạm dụng Chất gây nghiện của Đại học Columbia nhận thấy, 75% học sinh trung học “đã sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy hợp pháp hoặc bất hợp pháp”.4 Từ “đã sử dụng” có thể dùng để chỉ tần suất vào một dịp nào đó hoặc hằng ngày.
Những nhân viên tư vấn về ma túy và người sử dụng ma túy cho rằng ma túy được sử dụng để “tự điều trị” cho bản thân. Tiến sĩ Edward J. Khantzian của Trường Y Harvard, được đánh giá cao với những giải thích về vấn đề tự dùng thuốc, phát biểu rằng đau khổ là “trung tâm của” các rối loạn gây nghiện.5 Tuy nhiên, hầu hết “nỗi đau khổ” này thường không có gì ngoài những áp lực và khó chịu đời thường - sống nhờ vào ngày lương này sang ngày lương khác, đối mặt với tình trạng hôn nhân không bền chặt, bị khiển trách trong công việc hoặc thay lốp xe hơi vào một ngày tháng Bảy nóng nực. Các tài liệu chuyên môn có đề cập đến việc những người chuyển sang sử dụng ma túy để đối phó với hầu hết mọi vấn đề đau khổ tâm lý mà họ có thể nghĩ ra – bị lạm dụng, chấn thương, tức giận, trầm cảm và lòng tự trọng thấp. Dù học thuyết tự điều trị đã được đưa ra, tuy nhiên không có bộ thống kê nào chỉ ra rằng hầu hết mọi người chuyển sang sử dụng ma túy bất hợp pháp hoặc lạm dụng thuốc kê đơn để đối phó với các tình huống khó khăn. Thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Những người có trách nhiệm đối mặt với khủng hoảng một cách có trách nhiệm. Dù đối mặt với bệnh tật, mâu thuẫn gia đình, các vấn đề trong công việc hoặc khó khăn về tài chính, họ không tiêm heroin, hít Cocaine hay sử dụng các loại ma túy bất hợp pháp khác, cũng như không lạm dụng các loại ma túy hợp pháp.
Tội phạm thường xuyên lạm dụng các chất kích thần hoặc các loại thuốc kê đơn sẽ vĩnh viễn không thể có được cảm giác hài lòng, luôn bồn chồn, cáu kỉnh và buồn chán. Trước khi ma túy xuất hiện, anh ta là một kẻ kiểm soát, một kẻ nói dối, một người tự đề cao bản thân bất chấp gây tổn hại những giá trị của người khác. Trong tất cả các trường hợp tôi gặp phải, những kẻ phạm tội vốn đã chìm đắm trong tội ác trước khi hắn hút điếu cần sa đầu tiên, sử dụng viên thuốc lắc đầu tiên hay chích heroin lần đầu tiên. Tội phạm sử dụng ma túy ngay cả khi chúng còn khỏe mạnh, được giáo dục tốt, có công việc lương cao và một gia đình tận tụy. Theo quan điểm của chúng, cuộc sống là một chuỗi các sự kiện rời rạc không hồi kết, trong đó chúng phải vật lộn để kiểm soát mọi người và mọi tình huống. Một phạm nhân giải thích: “Tôi đã xem cuộc đời mình như một chuỗi sự kiện không có sự kết nối. Theo một khía cạnh nào đó, tôi luôn tìm kiếm quyền lực và quyền kiểm soát, tạo ra cơ hội để xóa bỏ những câu chuyện chiến tranh trong mọi thời điểm. Mong muốn được sống một cuộc sống đầy thách thức xâm chiếm đời sống đạo đức của tôi. Tôi luôn tự nhận mình là người đứng ngoài rìa trong mọi vấn đề. Hãy vượt qua giới hạn, trải nghiệm niềm vui và cảm nhận thứ thuốc adrenaline”.
Tính sẵn có sẽ quyết định sự lựa chọn chất kích thần của tội phạm. Rượu là một sản phẩm hợp pháp và dồi dào. Các điều kiện trên thị trường ma túy luôn thay đổi, trong đó những gì được bán ra ngày hôm nay có thể khan hiếm vào ngày mai. Chất lượng của các chất cũng có thể là một yếu tố cần xem xét vì một số loại ma túy có thể lẫn tạp chất. Các chất kích thần mới liên tục xuất hiện trên thị trường và có thể dễ dàng mua được trên các trang mạng điện tử. “Muối tắm”, một loại ma túy có thể tiêm hoặc hít, là một trường hợp điển hình. Theo Cục Quản lý Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện, sản phẩm không phải sử dụng trong nước tắm này “có liên quan đến một nhóm ma túy mới có chứa một hoặc nhiều hóa chất liên quan đến cathinone, một chất kích thích giống amphetamine”.6 Theo Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy (NIDA), “muối tắm” ở dạng “một loại bột tổng hợp được bán trực tuyến một cách hợp pháp trong các cửa hàng bán thuốc dược phẩm với nhiều tên gọi khác nhau”.7 Glen Hanson, một nhà nghiên cứu do NIDA tài trợ, nhận xét về những người sử dụng “muối tắm” và cách họ cư xử, “Họ làm những việc thực sự vô nghĩa đối với toàn bộ chúng ta nên chúng ta chỉ biết vò đầu bứt tai”.8 Nếu ai đó hiểu được tâm trí tội phạm, hành vi đó sẽ rất có ý nghĩa.
Những người sử dụng lâu năm thích một số loại ma túy nhất định cho các mục đích cụ thể và được thông báo đầy đủ về những ưu điểm và nhược điểm của từng loại. Amphetamine mang lại nguồn năng lượng nhanh chóng nhưng gây suy nhược nghiêm trọng sau khi ngừng sử dụng. Thuốc phiện đánh bật nỗi sợ hãi và cải thiện tư duy (với liều lượng tối ưu), nhưng gây ra nguy cơ bị phụ thuộc. Thuốc an thần - thôi miên giúp tội phạm có thái độ “không quan tâm”, nhưng rất khó điều chỉnh liều lượng và gây ra nguy cơ phụ thuộc cao về thể chất. Cần sa là một loại ma túy được dùng nhiều trong các bữa tiệc, tương đối dễ kiếm nhưng không đủ mạnh nếu người dùng đang tìm cách giảm bớt nỗi sợ hãi về hành vi phạm tội. Một số người nói về “sự can đảm” mà rượu mang lại để tiếp cận và dụ dỗ một ai đó. Một số người khác tự nguyện từ bỏ đồ uống có cồn vì nó cản trở quá trình phối hợp và tư duy.
Liên quan đến cần sa, con lắc đã xoay chuyển từ nỗi sợ hãi “sự điên rồ của cần sa” trong nửa đầu thế kỷ XX đến việc hợp pháp hóa chất này để sử dụng trong y tế ở mười tám bang và thủ đô Washington, DC. Vào tháng 11 năm 2012, cư dân của bang Colorado và Washington, DC. đã bỏ phiếu cho phép tất cả những người từ 21 tuổi trở lên được mua hợp pháp một ounce (tương đương khoảng 28g) cần sa để sử dụng cho mục đích cá nhân. Hoạt động buôn bán cần sa hợp pháp đầu tiên cho công chúng được thực hiện vào ngày 1 tháng 1 năm 2014 tại Colorado, Bang Washington cấp giấy phép hợp pháp hóa cần sa đầu tiên vào ngày 5 tháng 3 năm 2014. Ấn bản số ra tháng 6 năm 2013 của tờ Washington Launger cho biết các thành viên Quốc hội đã đưa ra các dự luật hợp pháp hóa cần sa ở cấp liên bang.”9
Mọi người có nguy cơ bị đánh lừa rằng cần sa là một thứ vô hại. Ý kiến này không được chia sẻ bởi các bậc cha mẹ, những người đã chứng kiến một đứa trẻ trở thành kẻ thường xuyên sử dụng cần sa hay bởi các nhà tư vấn và nhà trị liệu điều trị cho những người sử dụng cần sa. Có bằng chứng cho thấy sử dụng ma túy trong thời gian dài có thể gây hại cho phổi và cơ quan sinh sản. NIDA báo cáo rằng những người sử dụng nhiều cần sa từ thời niên thiếu cho thấy khả năng nhận thức bị tổn thương [mà] không thể phục hồi dù đã bỏ thuốc khi trưởng thành”.10 NIDA cũng trích dẫn dữ liệu từ một số nghiên cứu cho thấy, “Việc sử dụng cần sa làm tăng gấp đôi nguy cơ bị tai nạn của người lái xe”. (Theo bản tin của Reuters, tại bang Washington, số lượng tài xế bị cảnh sát dừng xe kiểm tra đã có kết quả xét nghiệm dương tính với các thành phần kích thần có trong cần sa, THC, nhiều hơn so với thời điểm trước khi loại thuốc này được hợp pháp hóa để “giải trí”)11. Đáng sợ nhất khi chứng kiến là tổn thương tâm lý – được gọi là hội chứng động lực - khi người dùng thường xuyên trốn tránh gia đình, trường học và các bạn bè sống có trách nhiệm.
Cần sa đã tạo nên nền tảng trong cuộc sống của một số người phạm tội. Một người đàn ông bị bắt vì gạ gẫm các bé gái vị thành niên nói với tôi rằng anh ta coi cần sa là “vitamin cho hạnh phúc của tôi”. Anh ta khẳng định: “Nó làm cho tôi lạc quan hơn và quan tâm đến mọi thứ”. Jack, một thiếu niên trẻ tuổi, đã cực kỳ phấn khích khi mô tả tầm quan trọng của ma túy. “Sau khi thử dùng [cần sa] một vài lần, tôi đã thường xuyên sử dụng nó. Cuộc sống của tôi bắt đầu xoay quanh cần sa. Tâm trí tôi luôn tràn ngập những suy nghĩ khi nào tôi nên hút thuốc, làm thế nào tôi có thể có được nó và thực sự là rất “phê”. Vì vậy, về cơ bản, nếu không có được trạng thái phê pha, tôi sẽ nói về nó, suy nghĩ về nó hoặc cố gắng đạt được nó. Tôi muốn hẹn hò với người khác không phải vì tôi thích họ mà vì những gì tôi có khi thoát khỏi nó, một thứ ‘cỏ dại’. Ngay cả khi tôi không thích một người nào đó, nhưng nếu điều đó giúp tôi thoát khỏi tình trạng này, thì tôi cũng sẽ trở thành bạn của họ”. Chàng trai trẻ này bắt đầu sử dụng cần sa vào sáng sớm và hút nó liên tục cả ngày lẫn đêm.
Đối với một số người trẻ tuổi, một khi cần sa mất đi sức hấp dẫn, nó sẽ trở thành một loại ma túy “cửa ngõ” để sử dụng các chất khác. Chắc chắn những người dùng cần sa thường xuyên như Jack sẽ ngày càng bị phụ thuộc. Trong tuyên bố của NIDA, hoạt động điều trị vấn đề này hiếm khi thành công, “thậm chí với những biện pháp điều trị hiệu quả nhất dành cho người trưởng thành, cũng chỉ có khoảng 50% người đăng ký điều trị đạt được khoảng thời gian kiêng trong 2 tuần đầu tiên và trong số những người điều trị thành công, khoảng một nửa sẽ tiếp tục sử dụng trong thời gian một năm tiếp theo”.12
Đối với những cá nhân có tính cách tội phạm, việc sử dụng ma túy chủ yếu tạo tiền đề cho những tội ác lớn hơn và nguy hiểm hơn, xâm chiếm tình dục cũng như cảm giác kiểm soát và quyền lực ngày càng lớn. Nếu người sử dụng ma túy mong muốn tìm kiếm một thứ tâm linh nào đó thì anh ta sẽ được trải nghiệm thứ đó. Nếu anh ta bị trầm cảm và nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời, ma túy có thể khiến anh ta suy nghĩ và thực hiện hành vi tự sát. Jack tâm sự rằng anh ta thường cảm thấy buồn chán. Thông thường, cần sa giúp anh ta thoát khỏi nỗi buồn. Tuy nhiên, có những thời điểm anh ta ngày càng trở nên u ám và từng nhiều lần tự sát vì sử dụng cần sa.
Những kẻ phạm tội hiểu rõ những rủi ro nghề nghiệp khi thực hiện hành vi phạm pháp: bị bắt, bị kết án và ngồi tù. Chúng cũng biết rằng bản thân có thể bị thương hoặc bị giết khi phạm tội. Đối với nhiều người, ma túy cho họ “trái tim” để thực hiện những việc họ cảm thấy lo sợ. Bob thường mơ tưởng sử dụng súng để cướp cửa hàng tiện lợi nhưng lại cảm thấy bản thân “quá gà”. Khi heroin len lỏi trong huyết quản, anh ta trở nên phấn khích, mua một khẩu súng lục và thực hiện điều đó. Heroin không khiến Bob có được khẩu súng đó, việc sử dụng ma túy chỉ đơn giản là giúp anh ta dễ dàng loại bỏ nỗi sợ hãi tạm thời để hành động theo những gì trước đây anh ta vốn chỉ dám cân nhắc. “Ma túy loại bỏ sự thận trọng của tôi”, một người dùng ma túy khác thừa nhận. Người này đã bất chấp mọi rủi ro khi đột nhập vào nhà người dân để ăn trộm giữa ban ngày, điều mà anh ta vốn rất sợ hãi nếu không sử dụng ma túy.
Manny, 23 tuổi, đã thử gần như mọi loại ma túy và loại anh ta yêu thích là Cocaine: “Cocaine khiến tôi cảm thấy như mình đã thành công. Tôi yêu nó. Tôi luôn ám ảnh về nó”. Manny không lạ gì việc thực hiện những tội ác trước khi sử dụng ma túy. Anh ta bắt đầu ăn cắp vặt tiền của mẹ mình khi mới 12 tuổi, gọi điện chơi khăm mọi người, ném trứng vào nhà, tháo hơi săm xe người khác, lấy trộm xe đạp, bắn vỡ kính chắn gió bằng súng thể thao, lái xe khi không có bằng lái và trộm cắp tài sản. Anh ta bắt đầu sử dụng rượu, sau đó là cần sa, Cocaine và các loại ma túy khác. Khi anh ta thường xuyên sử dụng Cocaine thì số lượng hành vi phạm tội cũng tăng vọt. Anh ta ngày càng tiêu xài xa hoa hơn, tiêu tiền tại các quán bar và nhà hàng sang trọng, mua quần áo hàng hiệu và mua những món quà xa hoa cho bạn gái. Để có tiền chi tiêu, Manny đã tự ý sử dụng sổ séc của mẹ, giả mạo tên của bà và lấy tiền chi tiêu từ những tấm séc này. Anh ta cũng thực hiện nhiều vụ trộm cắp vặt cũng như các vụ trộm cắp lớn. Anh ta cảm thấy rằng mọi thứ trong cuộc sống đều trở nên tốt hơn khi có cocaine, kể cả chuyện quan hệ tình dục cũng có vẻ mãnh liệt hơn vì anh ta “kéo dài được thời gian hơn”. Tuy nhiên, niềm phấn khích lớn nhất đều xoay quanh việc có được nó, hút nó và bán nó. Vừa đi vừa nghĩ về nơi sẽ mua nó cũng mang lại cho anh ta một cảm giác phấn khích. Khi tôi phỏng vấn Manny, anh ta đã bị bắt giữ và buộc tội giả mạo sổ séc cùng các tội danh khác. Ở trong tù với trạng thái hoàn toàn tỉnh táo, anh ta thừa nhận đã cáu kỉnh khi không có ma túy đến nỗi cảm thấy “như đang đánh nhau và xé nát đầu ai đó”. Anh ta cho biết, “thứ tuyệt vời tiếp theo để có được cảm giác phấn khích” là nói chuyện với các tù nhân khác về ma túy. Sau đó, anh ta sẽ bình tĩnh hơn, đi vào giấc ngủ nhanh hơn và thường xuyên mơ về ma túy. Manny chia sẻ: “Thật ngạc nhiên khi tôi có thể tự đánh lừa mình với suy nghĩ rằng cuộc sống của tôi thật đáng sống. Tôi nghĩ mình thực sự là một người tốt, thông minh và nhạy cảm”. Anh ta nói thêm, “Tôi sẽ là một người khá tử tế nếu không sử dụng ma túy”. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Anh ta không bao giờ bận tâm đến những nỗi đau anh ta gây ra với các nạn nhân, trong đó mẹ anh ta chính là người chịu nỗi đau lớn nhất.
Giống như Manny, những kẻ phạm tội cũng muốn giành vị trí đứng đầu trong hoạt động tình dục và các khía cạnh khác của cuộc sống. Vì ma túy đánh bay nỗi sợ bị từ chối nên tội phạm trở nên táo bạo hơn trong việc tiếp cận bạn tình. Một người đàn ông khẳng định: “Nếu không có ma túy, tôi chỉ có cơ hội 50-50 với một người phụ nữ, nhưng nếu có ma túy, tôi chắc chắn sẽ có được cô ấy”. Anh ta nói rằng trước khi hẹn hò, sử dụng ma túy là việc làm quan trọng - đó là cách duy nhất để giải quyết vấn đề của bản thân”. Với từ “giải quyết”, ý anh ta là loại bỏ nỗi sợ hãi của bản thân. Khi có ma túy trong người, tội phạm thường ít kén chọn hơn khi lựa chọn bạn tình. Một người đàn ông nhận xét: “Tôi không quan tâm cô ta bị điếc, câm hay mù. Tất cả những gì tôi muốn là thân thể của cô ta”. Người sử dụng ma túy không chỉ quan hệ tình dục với những người mà anh ta thậm chí không hề nghĩ đến mà còn khiến bản thân và bạn tình của mình gặp những vấn đề nguy hiểm hơn, như bị cướp, bị tấn công hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Những lo lắng về khả năng tình dục biến mất khi dùng thuốc, cho dù đó là nỗi lo về kích thước bộ phận sinh dục, bất lực hay xuất tinh sớm. Mức độ thèm muốn theo đuổi tình dục thay đổi tùy theo loại và liều lượng ma túy cụ thể. Nhiều người tự hào về sự can đảm của họ khi sử dụng heroin, tuy nhiên khi việc sử dụng ma túy ngày càng gia tăng, họ mất dần hứng thú.
Một số kẻ phạm tội không coi việc sử dụng ma túy để thực hiện hành vi phạm tội hay theo đuổi các cuộc chinh phục tình dục. Họ biết rằng ma túy sẽ gây ra những trở ngại do khả năng cảnh giác bị suy yếu và dễ bị bắt giữ hơn. Họ sử dụng ma túy trong khi giao tiếp xã hội, loại bỏ tính nhút nhát và trở nên hòa đồng hơn trong một bữa tiệc. Một thanh niên nói với tôi rằng anh ta trốn trong lớp vỏ bọc xã hội, nhưng khi sử dụng ma túy “Tôi cảm thấy như mình sống lại”. Anh ta chia sẻ rằng nếu trong một căn phòng có bảy người và không có ma túy, anh ta sẽ im lặng. Tuy nhiên, nếu sử dụng ma túy, “Tôi sẽ nói chuyện với từng người trong số họ”.
Vào năm 1945, nhà phân tâm học Otto Fenichel đã trích dẫn “sự phát triển khác thường của lòng tự trọng” mà những người nghiện trải qua khi họ sử dụng ma túy.13 Hãy hỏi một người nghiện ma túy về cảm giác “phê” mà anh ta nhắc đến là gì. Sau khi bày tỏ hoài nghi về sự ngây thơ của bạn, anh ta sẽ đưa ra một câu trả lời mơ hồ về cảm giác tốt đẹp trong người hoặc có thể nói rằng anh ta trở nên “hưng phấn”. Nếu tiếp tục thăm dò, bạn sẽ nghe thấy những câu như, “Khi dùng ma túy, tôi cảm thấy mình cao hơn 3m. Với ma túy, tôi cảm thấy mình có thể làm bất cứ điều gì”. Những kẻ sử dụng ma túy đang mô tả cảm giác “phê pha” khi có thể kiểm soát cũng như vượt qua hoặc loại bỏ hoàn toàn bất kỳ rào cản nào đối với những gì anh ta muốn làm.
Những kẻ phạm tội có thể sử dụng các loại thuốc gây ảo giác hoặc “mở mang đầu óc” như peyote hoặc nấm gây ảo giác. Các chất gây ảo giác xuất hiện trong thực vật tự nhiên thường được sử dụng trong các xã hội cổ đại và vẫn tiếp tục tồn tại trong một số nền văn hóa đương đại để thực hiện các hoạt động mang tính tôn giáo. Tội phạm sử dụng những chất này cùng với các chất gây ảo giác tổng hợp hiện đại như LSD (“axit”) hoặc MDMA (được gọi với cái tên phổ biến là “thuốc lắc” hoặc “Molly”). Khi đi vào những trải nghiệm mang tính tôn giáo, những kẻ phạm tội thú nhận rằng chúng có được những cái nhìn độc đáo về bản chất của vũ trụ và ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng thay vì tiếp xúc với Đức Chúa Trời, họ cảm thấy mình giống như một vị thần trong sự toàn năng và toàn trí của bản thân.
Nếu tội phạm trở nên chán nản đến mức xuất hiện những ý nghĩ tự tử để giải trí thì ma túy có thể thúc đẩy những ý nghĩ đó. Sự tuyệt vọng của anh ta không liên quan đến những thiếu sót của bản thân. Đúng hơn, những bất công của cuộc đời đè nặng lên anh ta hơn bao giờ hết. Anh ta tuyệt vọng vì không được thế giới nhìn nhận như những gì mình mong muốn. Do đó, anh ta không còn nhìn thấy động lực để tiếp tục cuộc sống này. Nếu bị kìm nén trong thời gian dài, anh ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ ở mức cao nhất do không thể thực hiện hành vi phạm tội cũng như thể hiện bản thân là một một cá nhân đầy quyền lực đã sụp đổ, ít nhất là trong một khoảng thời gian nào đó. Thực hiện một hành động tự sát sẽ tạo ra những tác động rất lớn. Dùng thuốc quá liều, tự cắt cổ hoặc tự gây thương tích nghiêm trọng sẽ buộc mọi người phải chú ý tới anh ta. Mọi người nhiều khả năng sẽ bảo vệ tên tội phạm, chấp thuận những mong muốn và cố gắng giảm bớt nỗi đau khổ của hắn. Vì ma túy gây ảnh hưởng đến khả năng phán đoán của tội phạm nên anh ta có thể tính toán sai và vô tình tự sát khi dùng quá liều hoặc gây ra vết thương chí mạng. Hoặc anh ta có thể quyết tâm kết thúc tất cả, một việc mà anh ta vốn không dám thực hiện khi còn tỉnh táo. Liều thuốc giải độc cho ý nghĩ tự tử đó là khẳng định lại bản thân, giành lại quyền kiểm soát và khẳng định quyền lực của mình–nói ngắn gọn là phạm tội.
Những tội phạm thường xuyên sử dụng các chất kích thân thường quy kết phần lớn những hành vi của chúng là do tình trạng nghiện ngập. Từ “nghiện” bị lạm dụng quá mức đến nỗi nó đã bị cướp đi ý nghĩa thực tế. Hầu như bất cứ điều gì một người thích hoặc làm quá mức đều được gọi là nghiện. Đó thực sự là một danh sách cực kỳ dài. Ngoài nghiện ma túy và rượu, một số tài liệu chuyên ngành còn xuất hiện những thông tin về nghiện tình yêu, nghiện quan hệ tình dục, nghiện Internet, nghiện bóng đá, nghiện mua sắm, nghiện trộm cắp, nghiện cờ bạc, nghiện kết giao, nghiện trò chơi điện tử, nghiện nhận được sự đồng ý và nghiện đồ ăn. Ngay cả những người nói rằng anh ta cần một hoặc hai tách cà phê để bắt đầu ngày mới cũng có thể bị coi là nghiện caffein. Một số tội phạm đòi hỏi một lượng chất ngày càng nhiều hơn để có được tác động giống như họ từng có khi sử dụng một lượng ít hơn. Đây được gọi là “hiệu ứng dung nạp thuốc”, và sự phụ thuộc về mặt thể chất có thể ngày càng tăng.
Từ lâu đã xuất hiện những tranh cãi về việc liệu nghiện ma túy có phải là một căn bệnh hay không. Trong bản tin Mental Health Matters, Cơ quan sức khỏe tâm thần Centra tại Lynchburg, Virginia đã đưa ra một thông tin dường như nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia hiện nay: “Người nghiện rượu hoặc các loại ma túy khác đều được coi là bị bệnh”.14 Có một điều chắc chắn là: Chính các cá nhân tự lựa chọn hình thức tiêm, nuốt hoặc hít một loại chất cụ thể. Anh ta đưa ra một loạt các quyết định để có được nó, sử dụng nó khi nào và ở đâu cũng như với liều lượng thế nào. Một người không thể nói không với ung thư nhưng anh ta có thể nói không với ma túy. Tội phạm nắm bắt quan niệm về căn bệnh này và sử dụng nó để giải thích cho hành vi của hắn: “căn bệnh của hắn chính là nguyên nhân. Khi bị bắt vì phạm tội nào đó, tội phạm sẽ có những cách thức hiệu quả để thuyết phục người khác rằng hắn bị nghiện và mất kiểm soát. Quan điểm đưa ra là anh ta là nạn nhân của ma túy và cần được điều trị, tư vấn và không đáng bị giam giữ. Các cơ quan thực thi pháp luật và thẩm phán có thể không nắm được mức độ xoay quanh ma túy trong cuộc sống của tên tội phạm. Hơn nữa, họ có thể không nhận ra rằng tội phạm muốn duy trì sự kiểm soát và sẽ chỉ áp dụng biện pháp xử lý khi hệ thống tư pháp hình sự buộc anh ta phải làm như vậy. Trong một số trường hợp khác, tội phạm có thể che giấu sự thật anh ta từng lẩn trốn các chương trình cai nghiện trước đây hoặc có thể hoàn thành chương trình nhưng lại tiếp tục sử dụng ma túy sau đó.
Tình trạng nghiện ngập của kẻ phạm tội không chỉ xảy ra đối với ma túy, mà đó còn là cả một lối sống. Sự phấn khích luôn tồn tại mỗi khi sử dụng ma túy, ngay cả thời điểm trước khi anh ta sở hữu chất gây nghiện - mơ tưởng về ma túy, nói về ma túy, tìm đường vào các khu vực bán ma túy nguy hiểm và cảm giác hồi hộp khi giao dịch. Một nam thanh niên than vãn rằng anh ta không thể đi làm vì bị phạt quá nhiều lỗi giao thông khiến anh ta bị treo bằng lái xe. Tuy nhiên, anh ta đã tìm cách đi qua mọi quãng đường để mua được heroin. “Tôi đi vào thành phố nhưng không phải cùng mẹ đến cửa hàng mà là đi tham quan”, anh ta nói. “Tham quan” ám chỉ việc đi vào những khu vực nguy hiểm để mua ma túy. Gặp gỡ mối quan hệ của anh ta, tìm một nơi an toàn để thực hiện giao dịch và mặc cả, cố gắng xác định độ mạnh và độ tinh khiết của ma túy đều là một phần mang lại sự phấn khích. Ngoài việc thu được lợi nhuận từ việc bán ma túy, nhu cầu tìm kiếm “khách hàng” cũng thôi thúc những kẻ buôn bán ma túy ở mọi lứa tuổi. Theo một báo cáo của hãng tin Associated Press, vào ngày 8 tháng 10 năm 2013, một người đàn ông 89 tuổi phạm tội vận chuyển ma túy giữa các tiểu bang với hơn 90kg cocaine. Đây không phải là lần vi phạm đầu tiên và các cơ quan có bằng chứng cho thấy ông ta đã tham gia buôn bán ma túy trong suốt hơn một thập kỷ16.
Hãy xem xét hoàn cảnh của Thomas, người đã phải ngồi tù một năm vì tội bất bạo động. Một thẩm phán đã đình chỉ phần còn lại của bản án và đưa anh ta vào chương trình cải tạo cộng đồng chuyên sâu. Thomas dường như đã thực hiện rất tốt công việc này. Anh ta có một công việc được trả thù lao là dọn dẹp bọc ghế với lượng khách hàng ngày càng tăng. Anh ta có sức khỏe tốt, không bị giam giữ, kiếm tiền một cách hợp pháp và có một người bạn gái chu đáo. Một ngày nọ, anh ta sốt sắng đi đến một buổi tư vấn và nói với tôi, “Tôi nghĩ nếu từ bỏ ma túy, tôi sẽ không gặp phải vấn đề gì. Hiện tại tôi đang gặp nhiều vấn đề hơn bao giờ hết”. Anh ta phàn nàn, “Xe tải của tôi bị hỏng. Khách hàng của tôi là một nỗi khổ tâm. Các hóa đơn liên tục đổ về. Tôi gặp rắc rối khi đi đến các buổi gặp mặt – các buổi tư vấn về quản chế, tổ chức Narcotics Anonymous, các buổi tư vấn. Bạn gái cũng là một vấn đề, luôn đòi hỏi điều này hay điều khác. Tôi không có thời gian cho riêng mình. Nếu đây là cuộc sống, thì đó là một cuộc sống địa ngục”. Thomas yêu cầu được biết: “Anh có thứ gì khác để so sánh với Cocaine? Trước thử thách khắc nghiệt này, tôi chỉ có thể trả lời, “Không có gì”. Tôi không thể đảm bảo với Thomas rằng làm việc, thanh toán hóa đơn và tham gia các cuộc họp có thể sánh với cảm giác phấn khích mà anh ta trải qua trong thế giới ma túy. Một phạm nhân khác, sau sáu tháng cai nghiện, đã hỏi: “Phần thưởng của tôi đâu?” Anh ta tin rằng, nếu không sử dụng ma túy, cuộc sống sẽ không có vấn đề gì. Đối với cả hai người đàn ông này, “cơn nghiện” của họ không chỉ là ma túy mà còn là lối sống tội phạm.
Tình trạng LẠM DỤNG THUỐC KÊ ĐƠN ở Hoa Kỳ đã tăng mạnh kể từ năm 2000. Theo báo cáo của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ năm 2013, thanh thiếu niên ở quốc gia này đang lạm dụng thuốc giảm đau kê đơn ở mức cao hơn 40% so với các thế hệ trước.16 Sau cần sa, thuốc kê đơn là loại phổ biến nhất khi nói đến vấn đề sử dụng ma túy bất hợp pháp. Một nghiên cứu của Đại học Yale cho thấy, thanh thiếu niên và những người trẻ tuổi lạm dụng thuốc giảm đau opioid kê đơn vốn là những người sử dụng thuốc lá, rượu hoặc cần sa.17
Nhiều người lạm dụng thuốc kê đơn thể hiện hành vi vô trách nhiệm, nếu không phải là một hành vi có thể bị bắt giữ, trước khi trở nên “nghiện”.
Là một người nội trợ và mẹ của hai đứa trẻ, Nancy đã bị cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ vì tội làm giả đơn thuốc gây nghiện. (Cô ấy chưa bao giờ bị bắt vì hành vi ăn cắp thuốc từ tủ thuốc tại nhà của người thân và hàng xóm dù thường xuyên thực hiện hành vi đó.) Nancy nói rằng cô bị nghiện Percocet khi đang điều trị chứng đau nửa đầu. Bác sĩ chăm sóc chính của cô nói rằng Nancy chưa bao giờ thừa nhận bất kỳ chứng nghiện nào. Vị bác sĩ cho biết, “Chúng tôi thảo luận về khả năng gây nghiện và xây dựng một hợp đồng quản lý để ngăn chặn cô ấy bị nghiện”. Vị bác sĩ này đã nhận được cuộc gọi từ hiệu thuốc để hỏi có phải ông ấy đã kê một đơn thuốc hay không và đây cũng chính là tình huống dẫn đến việc Nancy bị bắt giữ. Khi nói chuyện với tôi, cô ấy đang mắc kẹt trong cuộc chiến giành quyền nuôi con với người chồng mà cô ấy mô tả là cực kỳ kiểm soát và xấu tính, Sam. Sam nói với tôi rằng, những cơn tức giận của anh ta với Nancy không hề xuất phát từ việc cô ấy lạm dụng thuốc. Cô ấy luôn cố gắng kiểm soát, cầu toàn và nói chung là khó hòa hợp. Cặp đôi này đã ly thân trước khi Sam biết người vợ lạm dụng ma túy. Sam nói với tôi, “Cô ấy nghĩ tôi là gốc rễ của mọi vấn đề mà cô ấy gặp phải”. Anh ta đang cố gắng giành quyền chăm sóc thể chất đối với con cái vì anh ta muốn đảm bảo an toàn cho chúng. Nancy không chỉ lạm dụng thuốc giảm đau mà còn uống rượu rất nhiều. Một người bạn biết rõ về cô ấy cho biết Nancy có vẻ bề ngoài nổi bật. Người bạn này nói rằng, mặc dù Nancy có thể gần như không làm việc, tuy nhiên trên điện thoại, cô ấy nói chuyện một cách mạch lạc và bình thường. Chỉ đến khi người phụ nữ này đi du lịch cùng Nancy và những đứa trẻ, cô ấy mới thấy hành vi của Nancy có vấn đề. “Cô ấy thực sự rất khó tập trung. Cô ấy làm từng việc một cách chậm chạp. Khi ở cùng trẻ con, bạn có thể phải làm mười việc cùng một lúc, nhưng cô ấy thì không thể. Điều đó giống như cô ấy không thể suy nghĩ một cách bình thường”. Khi được hỏi về những nhận định của người bạn, Nancy đã bị sốc và khẳng định: “Vai trò làm mẹ của tôi hoàn toàn tuyệt vời. Tôi không nghi ngờ gì về khả năng của mình”. Nancy là một kẻ nói dối hoàn hảo. Ngay cả khi gặp bác sĩ trị liệu tâm lý, cô ấy vẫn che giấu việc lạm dụng đồ uống có cồn và ma túy. Nancy kịch liệt phản đối việc chồng cũ có nhiều thời gian hơn với các con. Trong khi đó, cô ấy đã dành nhiều thời gian và tiền bạc để thực hiện các thủ tục pháp lý hơn là giải quyết các vấn đề tâm lý và lạm dụng chất kích thích của mình.
Louise là một người lạm dụng thuốc kê đơn. Cô ấy làm y tá trong văn phòng của một bác sĩ tài giỏi. Cô ấy ăn trộm tập kê đơn thuốc của vị bác sĩ và tự kê đơn thuốc Percocet cho mình. “Tôi không sử dụng nó để điều trị cơn đau nào hết, mà là vì cảm giác hưng phấn. Tôi biết điều đó là sai trái”, cô ấy nói với tôi trong một cuộc đánh giá tâm lý. Khi Louise bị cáo buộc tội giả mạo đơn thuốc nhiều lần, cô đã bị đình chỉ sử dụng giấy phép điều dưỡng. Cô ấy thừa nhận bản thân đã lạm dụng một số loại thuốc khác trong nhiều năm, kể cả khi đang làm việc tại bệnh viện. Khi phải phẫu thuật, cô ấy yêu cầu nhiều thuốc giảm đau hơn mức cần thiết. “Tôi đã yêu cầu những loại thuốc đó khi Tylenol không còn mang lại hiệu quả”. Dù lạm dụng rất nhiều loại thuốc khác nhau, Louise vẫn giữ được danh tiếng chuyên môn ở mức xuất sắc. “Sếp của tôi nói với tôi rằng, “Cô là một trong những y tá tốt nhất mà tôi từng có”, cô ấy tự hào chia sẻ khi đề cập đến công việc tại một phòng khám cộng đồng. Bất cứ khi nào bị hỏi về hành vi của mình, Louise đều đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh. Cô ghét bị lừa dối, nhưng cô lại nói dối chồng và cố làm cho anh ta cảm thấy tội lỗi vì đã không tin tưởng cô.
Quyết định sẽ tiếp tục xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, Louise thừa nhận đã sử dụng thuốc để giảm bớt sự buồn chán. Cô ấy cũng cảm thấy “cần phải là trung tâm của sự chú ý. Khi sử dụng Percocet, tôi nghĩ rằng mọi người đều thích tôi. Mọi người dường như muốn đến với tôi”. Khi uống thuốc, Louise tràn đầy sinh lực, nói nhiều hơn và tự tin hơn. Cô ấy nói rằng loại thuốc này “khiến tôi cảm thấy mình được kiểm soát, có vẻ mọi thứ sẽ ổn thôi”. Và, cô thừa nhận bản thân hoang phí khủng khiếp, tiêu xài một cách bừa bãi. Ngoài việc lạm dụng thuốc kê đơn, Louise thừa nhận còn hút cần sa và thử các loại thuốc bất hợp pháp khác.
Lo lắng cho con gái và muốn giúp đỡ cô ấy, mẹ của Louise đã thẳng thắn nói chuyện với tôi. Bà ấy nhận xét: “Louise cần và muốn được nhiều người chú ý và không muốn ai khó ch