Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện Tập 10 |
|
Tác giả | Vương Hiểu Lỗi |
Bộ sách | Tào Tháo thánh nhân đê tiện |
Thể loại | Danh Nhân |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 9343 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Vương Hiểu Lỗi Tào Tháo Tào Tháo Thánh Nhân Đê Tiện Nhân Vật Lịch Sử Danh Nhân Sách Hay Văn Học Phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
Nơi náo nhiệt nhất Nghiệp Thành chính là phủ Lâm Tri hầu, tuy nằm ở phía đông bắc, cách phủ Ngũ quan tướng hai con đường, nhưng lại khác nhau một trời một vực. Phủ đệ của Tào Phi yên tĩnh, thanh nhã, thậm chí có phần u tịch. Còn Tào Thực do nổi tiếng về thơ phú, nên trong phủ có nhiều kẻ phong nhã qua lại, thu hút nhiều văn nhân trong Nghiệp Thành, gần đây còn có không ít tử tôn của quan lại đến cửa yết kiến, người ra kẻ vào, ngâm thơ làm phú, đàn ca rộn ràng.
Lâm Tri hầu là người chuộng phong nhã, cảm thấy cảnh sắc trong phủ chưa hữu tình, năm ngoái đã sai người vận chuyển từ Duyện Châu đến nhiều giống mẫu đơn, trồng khắp hoa viên. Năm nay gặp hạn hán, Tào Thực gọi người đến chăm sóc, cắt tỉa để cây nhanh ra hoa, chẳng lâu sau, hoa tím, hoa vàng chen nhau khoe sắc, hương thơm tỏa khắp nơi như chốn bồng lai tiên cảnh, mới sáng sớm đã có đám văn nhân kéo đến thưởng lãm. Tuân Vĩ, Vương Tượng, Lưu Vĩ mỗi người đều làm một bài Mẫu đơn phú, mỗi bài dài ngắn khác nhau nhưng ai cũng tâm đắc. Thứ tử của Lưu Biểu là Lưu Tu cũng là thường khách trong phủ, giữ chức Nghị lang nhưng hữu danh vô thực, một thân một mình làm công tử ở Nghiệp Thành, nhưng vẫn còn may mắn hơn các huynh đệ khác đang làm quan bù nhìn ở Hứa Đô. Lưu Tu có chút tài thơ văn, so với kẻ dưới thì hơn mà so với người trên thì kém, nhưng lại thích bình luận thơ văn của người khác, cầm bài thơ tặc lưỡi:
— Không hay, không hay! - Lưu Tu lắc đầu nhưng chẳng chỉ ra điểm nào không hay, khiến ai cũng buồn cười. Tảng đá xanh bên kia có hai người trẻ tuổi đang thi tài với nhau, một người là tài tử Lạc An tên là Nhiệm Hỗ, một người là Hạ Hầu Vinh - con út của Hạ Hầu Uyên, cả hai đều nổi tiếng là thần đồng, đúng là kỳ phùng địch thủ gặp nhau, khiến mọi người ai cũng xúm lại xem.
Mọi người đang chuyện trò vui vẻ, chợt nhìn thấy Văn học thị tòng Trịnh Mậu vội vàng bước vào sân:
— Hầu gia có ở bên này không?
— Trịnh huynh đến đúng lúc quá. - Vương Tượng và Lưu Tu đang thi làm thơ, nhìn thấy ông ta vội kéo lại.
— Tiểu đệ vừa làm một bài, Lưu hiền đệ nói không hay, huynh phân xử xem.
— Không xem! - Trịnh Mậu đang vội vã, còn lòng dạ nào mà cười nói với họ:
— Hầu gia ở đâu?
Vương Tượng thấy ông ta từ chối, cụt hứng cằn nhằn:
— Không biết, từ sáng đã không gặp, chắc là vẫn đang ở trong thư phòng. - Những người này thường xuyên đến đây nên đã thành quen, không gặp Tào Thực thì vẫn tự nhiên tự tại, chuyện ta ta làm.
— Ôi trời… - Trịnh Mậu bực mình, chỉ vào đám người nói:
— Các ngươi quá tự nhiên, dẫu sao đây cũng là phủ Lâm Tri hầu! Có còn chút quy củ nào không? - Nói xong, phất tay áo bước nhanh vào sân sau.
Mọi người thi nhau bình luận:
— Tên này hôm nay trúng tà à? Kệ hắn ta, đánh cờ tiếp đi…
Lúc này đúng là Tào Thực đang ở trong thư phòng, gần đây phụ thân không giao cho việc gì, mười lần vào cung thì đến tám lần không gặp, thời gian rảnh rỗi không biết làm gì, đành cùng bằng hữu đi thăm thú khắp nơi. Nhưng hôm qua nhị ca Tào Chương đãi tiệc ở phủ, các huynh đệ kéo tới đó không ít, còn cho gọi thêm mấy ca kỹ đàn hát mua vui. Tào Thực về phủ đã rất muộn, không muốn về phòng, liền đến thư phòng ngủ nửa giấc, rửa mặt xong nghe nói mọi người đều đến cả, đang định ra ngoài thì bị Lưu Trinh, Tư Mã Phu ngăn lại, bắt xem gián thư:
Gia thừa Hình Ngung là hiền tài phương bắc, lúc còn trẻ phẩm hạnh thanh cao, tính tình điềm đạm, mặc dù ít nói nhưng câu nào cũng có lý, đúng là người nho nhã. Thuộc hạ không được cùng ngôi thứ với Hình Ngung, mà cũng được đặt cạnh ông ấy. Gần đây ngài hậu đãi thuộc hạ, mà xa cách ông ấy, sợ rằng người ta lại nói hầu gia thân thiết người bất hiền mà không giữ lễ với kẻ tài đức, chỉ coi trọng thứ tử như thuộc hạ mà xem nhẹ gia thừa(*) như Hình Ngung. Như vậy chẳng khác nào thuộc hạ gây ra điều tiếng cho người, tội đó không nhỏ, bởi vậy mà thuộc hạ luôn thấy bất an.
Tào Thực xem xong gián thư, dở khóc dở cười, nhìn Lưu Trinh thành khẩn quỳ bên cạnh, liền nói:
— Chuyện gì vậy? Sao hôm nay ngươi cũng học cách này?
Lưu Trinh trịnh trọng đáp:
— Là thuộc hạ nghĩ cho hầu gia.
Tư Mã Phu quỳ cạnh đó cũng nói giúp:
— Công Cán nói rất đúng.
“Coi trọng thứ tử như thuộc hạ mà xem nhẹ gia thừa như Hình Ngung”… Đúng là văn hay. Tào Thực đặt gián thư sang một bên, cười nói:
— Ta còn chưa tỉnh ngủ, có phải mặt trời mọc ở đằng tây không? Thúc Đạt mà nói những lời này ta mới cảm thấy không lạ, ngươi có còn là Lưu Công Cán phóng khoáng, hài hước xưa nay không?
Lưu Trinh sầu não - Từ khi mắc tội được thả ra đến nay, ông ta không dám phóng khoáng, không dám hài hước mà giống như viên đá đã được mài nhẵn. Chốn quan trường nào phải trò chơi, mà là nơi chứa đầy cạm bẫy, thị phi, người trong cuộc không thể cười nói, giận dữ, chửi bới tự nhiên. Ông ta đã hồ đồ nửa đời người, giờ phải nghiêm túc trở lại.
— Thuộc hạ thường ngày không cẩn thận, nghĩ lại mới biết trước sai nay đúng, khẩn cầu hầu gia chấp nhận gián thư, thuộc hạ cảm kích vô cùng. - Nói xong Lưu Trinh khấu đầu.
— Người với người quý nhau ở chỗ thẳng thắn, ngươi hà tất phải nói ra như vậy? - Tào Thực cảm thấy đáng tiếc:
— Hình Ngung là người tài, trước nay ta chưa bao giờ dám thất lễ. Ta trọng người bất hiền mà quên kẻ tài đức từ bao giờ vậy?
Lưu Trinh nói:
— Hầu gia đúng là luôn lễ phép với Hình Ngung, nhưng lúc nào ngài cũng cho một đám văn nhân tự do ra vào cửa phủ, cười nói không giữ phép, Hình công lẽ nào lại có thể cảm thấy thuận tai vừa mắt? Người có già có trẻ, đức có cao có thấp, ngài ấy được mệnh danh là “đức hạnh đường đường”, há có thể đứng cùng với đám Lưu Tu, Vương Tượng?
Tư Mã Phu cũng hùa vào:
— Lẽ nào hầu gia lại quên chuyện Hình công mật tấu lần trước? Đến nay đã được mấy tháng mà Dương Tu vẫn chưa dám đến phủ ta, huynh đệ Đinh Nghi cũng ít đến. Người ta đều tránh xa hiềm khích, điều tiếng, hầu gia cũng nên giữ kẽ như Ngũ quan tướng…
— Giống như đại ca thì còn có ý nghĩa gì? - Tào Thực cắt ngang, chắp tay sau lưng đứng dậy, - Sợ đông sợ tây, che giấu giả tạo, còn gì thú vị? Ta không có ý tranh giành với huynh ấy, chẳng qua là muốn làm một số việc phụng sự cho xã tắc, cho phụ thân, còn nếu để bụi trần thế tục vấy bẩn tâm tính, ta thà không làm còn hơn.
Tư Mã Phu lại nói:
— Nước trong dân vẩn đục, nước ngoài thôn thanh khiết. Cùng là nước một nguồn, nhưng có nước trong nước đục, do hoàn cảnh tạo nên, không liên quan đến tâm tính. Hầu gia là người đức hạnh, nhưng không hòa hợp với đời, vậy có ích gì? Chỉ sợ rằng hầu gia còn chưa làm trời đất cảm động thì đã bị người khác hãm hại. - Lời của Tư Mã Phu rất rõ ràng, không cần biết huynh trưởng ông ta có lập trường thế nào, ông ta cũng thực lòng muốn phò tá Tào Thực.
Tào Thực cười trừ. Từ khi Tư Mã Phu vào phủ, hầu như hôm nào cũng có gián thư, mặc dù y cảm kích ý tốt đó, nhưng đã không coi là chuyện quan trọng nữa.
Lưu Trinh thấy Tào Thực không để tâm, lại nói:
— Khắc chế bản thân, hành xử theo lễ là con đường trị lý quốc gia, lẽ nào hầu gia lại không nhận những lời can gián này?
— Ha ha ha!… Những lời này nói ra từ miệng Lưu Trinh, khiến Tào Thực cảm thấy quá buồn cười, - Công Cán cũng biết khắc chế bản thân, hành xử theo lễ? Những bằng hữu ngoài kia đang cười đùa, chẳng phải cũng do ngươi bày trò đó sao? - Câu này khiến cho Lưu Trinh không biết nói gì hơn. Không biết những năm qua, ông ta tâm đầu ý hợp với Tào Thực là giúp hay hại y.
Tư Mã Phu đang muốn khuyên can tiếp, bỗng nhìn thấy Trịnh Mậu bước vào:
— Khải bẩm hầu gia, Thôi công bị đại vương bắt giam vào ngục rồi!
Trong giây lát, ai cũng ngây ra, Lưu Trinh nghi ngờ hỏi:
— Thôi công nào?
— Còn Thôi công nào? Thôi Quý Khuê, Thôi đại nhân.
— Nói bậy… sao có thể… - Ba người nhìn nhau không ai tin điều này. Trong mắt họ Thôi Diễm luôn là một vị quan trung lương, còn là đại thần mà Tào Tháo từng tin tưởng, mười năm tận lực giữ đúng chức trách, sao có thể bị tống giam?
— Đúng là sự thật! - Trịnh Mậu cuống quýt, - Có người bất mãn thôi công, tìm được một bức thư ông ta viết cho Dương Huấn, dâng lên đại vương. Không biết trong thư viết những gì mà sau khi xem xong, đại vương chỉ trích lời lẽ vô lễ, sai người nửa đêm đến bắt giam Thôi công vào ngục. Sáng nay tin tức đã truyền đi, các quan tranh nhau vào cung để xin tha tội cho Thôi công!
Tào Thực chau mày một lúc mới nói:
— Chắc sẽ không lớn chuyện đâu, với bậc lão thần này, phụ vương sẽ không tùy tiện xử lý. Ngày trước chẳng phải Giả Quỳ cũng bị tống vào ngục đó sao? Mấy hôm trước Từ Dịch cũng bị dọa bãi quan, chẳng phải bây giờ vẫn giữ chức Nghị lang trong triều? Thôi công tính tình ngang ngược, khó tránh khỏi việc gây hờn kết oán với người khác, phụ vương sẽ điều tra cẩn thận, hơn nữa còn có quần thần nói giúp, chắc không có gì đáng lo.
— Thuộc hạ có câu này muốn nói. - Trịnh Mậu không để ý đến danh phận, kéo Tào Thực ra cửa, nói thầm vào tai, - Thuộc hạ nghe người trong cung nói, người hãm hại Thôi công dường như là Đinh Nghi.
...
Mời các bạn đón đọc Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện (Tập 10) của tác giả Vương Hiểu Lỗi.