Đó cũng chính là nội dung chính của sự kiện ra mắt sách Lịch sử của tính hiện đại của tác giả Jacques Attali diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace. Sự kiện có sự góp mặt của dịch giả Tiết Hồng Thái, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và GS. Chu Hảo, nguyên giám đốc NXB Tri thức.
Tính hiện đại, bản chất nó là cái gì mới hơn nhất trong thời điểm hiện tại. Bởi vậy, dịch giả Tiết Hồng Thái đã cho rằng quan điểm chủ đạo của tác giả xuyên suốt tác phẩm mang nặng tính triết học này là: "Tính hiện đại chính là sự chiếm hữu của cái mới."
Dựa vào các kiến thức đa dạng từ rất nhiều ngành: lịch sử, kinh tế chính trị, tôn giáo, khu vực học, khoa học luận,… tác giả đã phác họa lại toàn bộ lịch sử loài người dựa trên sự tham chiếu vào tính hiện đại. Jacques Attali chỉ ra rằng, sự thắng thế của những cái mới, không chỉ trên mức độ tăng trưởng tri thức mà còn ở mức thay đổi tinh thần nhân loại, là động lực cho sự biến đổi của toàn bộ lịch sử.
Chính vì thế, bàn luận về lịch sử tính hiện đại là bàn về những biến đổi cốt tử trong lịch sử tinh thần nhân loại – một tinh thần luôn đi tìm cũng như bị chi phối bởi cái mới.
Ở giai đoạn sơ khai của loài người, cái mới chính là tính hiện đại bản thể. Đó là khi ‘tính người’ xuất hiện, con người biết bản thân là ai, họ phân biệt được mình với cỏ cây, hoa lá; từ đó họ bắt đầu lấy con Người làm nền tảng để nhận biết và phát triển các thiết chế xã hội và tinh thần. Điển hình của giai đoạn này là nền văn minh Hy – La.
Tính hiện đại lần hai gắn liền với sự ra đời của Ki tô giáo: đức tin chiếm hữu, thay thế cho việc lấy con người trần thế làm gốc rễ. Cơ Đốc giáo đại diện cho tính mới này: Tin vào chúa, tin vào mai hậu, tin vào một cuộc sống trên thiên đàng. Điều thú vị là, tại thời điểm ấy, hiện đại là việc con người ta biết từ bỏ của cải của mình dâng cho nhà thờ, còn cổ hủ lạc hậu là việc tin vào lí tính.
Đợt hiện đại đang thống trị đến ngày nay là tính hiện đại của Lý tính. Nó không chỉ sản sinh ra khoa học kỹ thuật vượt trội, mà còn sinh ra những xã hội duy lý, trong đó tôn thờ các giá trị như dân chủ, thị trường, kỹ trị,… Tác giả, qua những phân tích sâu sắc, chỉ ra tính hai mặt của sự tôn sùng lý trị đang xây dựng và hủy hoại chúng ta ngày nay như thế nào.
Bảy hiện tượng tiên tri về thế giới vào năm 2030 được Jacques Attali tiên đoán từ những phân tích về tính hiện đại cụ thể là: Hiện tượng nhân tạo, Phi hiện đại, Thần quyền, Chủng tộc, Sinh thái và Cải biên.
Các diễn giả nhấn mạnh vào sự phức tạp của tính hiện đại trong bối cảnh hiện nay, khi các giá trị cũ quay lại “báo thù” như: chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đức tin trong sự can thiệp vào xã hội bán thế tục, tư duy hậu hiện đại,… nhưng các giá trị mới đang dần thống trị thì chúng ta không thể kiểm soát và dự báo trước về nó: sinh sản nhân tạo, biến đổi khí hay thực phẩm biến đổi gen,…
Nhưng trong những lời kết cuối sách, giải pháp mà tác giả hướng đến không phải một chủ nghĩa hoài nghi hư vô trước một thế giới mới cũ đan xen, mà là tinh thần nhập thế khi cho rằng con người cần tiến gần hơn tới một lý trí dung hòa với đức tin, để vượt lên sự tha hóa của tính duy lý mù quáng – thứ đem lại những đổ vỡ mà nhân loại đang hứng chịu cho đến ngày nay.
Jacques Attali là nhà lý thuyết kinh tế và xã hội, nhà văn, cố vấn chính trị cho Tổng thống François Mitterrand từ 1981 đến 1991. Jacques Attali đã viết và biên soạn hơn 70 đầu sách, bao gồm nhiều lĩnh vực: tiểu luận, tiểu thuyết, kịch, tiểu sử, hồi kí, truyện kể cho trẻ em. Ông còn là nghệ sĩ piano và thành viên Ban Giám đốc Bảo tàng Orsay.
Ông viết nhiều về tầm quan trọng của âm nhạc trong tiến hóa của xã hội. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, bán được hơn 8 triệu bản trên khắp thế giới. Năm 2009, tờ Foreign Policy đưa ông vào danh sách “100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới” (Top 100 global thinkers).
Vũ Hậu - Zing.vn