“Thép đã tôi thế đấy” là cuốn tiểu thuyết do Nikolai Alexeev-ich Ostrovsky viết trong thời kỳ Stalin. Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước, trong đó có Việt Nam.
Thép đã tôi thế đấy có một địa vị đặc biệt trong lịch sử văn học Liên Xô và nền văn học tiên tiến thế giới. Cách mạng tháng Mười thắng lợi, cuộc chiến đấu vĩ đại chưa từng có bao giờ của nhân dân lao động trên một dải đất Liên bang Xô Viết rộng lớn hàng ngày đề ra và đòi hỏi không biết bao nhiêu là anh hùng. Nhân dân Liên Xô, nhân loại tiến bộ chờ đợi văn học phản ánh và đào sâu cho mình hình ảnh con người anh hùng mới ấy. Lần đầu tiên trong văn học, N. A-xtơ-rốp-xki thu gọn được hình ảnh con người mới trong nhân vật Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin. Pa-ven không những khác hẳn với những anh hùng của các thời đại trước. Khác hẳn với những tác phẩm văn nghệ của những năm đầu cách mạng, thường ca ngợi lòng dũng cảm vô tổ chức, tả sức mạnh tràn trề, lớn khỏe của quần chúng như một sức mạnh bộc phát, tự nhiên. Thép đã tôi thế đấy cho ta thấy từng con người trong một quần chúng rộng lớn nẩy nở như thế nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Thép đã tôi thế đấy ghi lại cả một quá trình tôi thép, bước đường gian khổ trưởng thành của thế hệ thanh niên Xô viết đầu tiên.
Đọc Thép đã tôi thế đấy trước hết truyền cho chúng ta lòng ham sống và ham chiến đấu. Đấy là bản chất giai cấp của Pa-ven. Đấy là bản chất thanh niên của Pa-ven. Đấy là phẩm chất cách mạng mà Đảng và đấu tranh thực tế đã xây dựng cho anh. Không phải ngọn lửa rơm sốc nổi hay cái ngang tàng của chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Một tinh thần ham sống và ham chiến đấu có nghĩa lý nhất, có cơ sở nhất. Không gì mạnh bằng lòng tin tưởng của Pa-ven ở những mục đích chiến đấu của mình. Pa-ven say mê đem toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, hy sinh cá nhân của mình một cách nồng nhiệt lãng mạn, không bao giờ do dự, không hề tính toán, tất cả vì sự nghiệp giai cấp, vì hạnh phúc nhân loại. Không hiểu mục đích đấu tranh của Pa-ven, đảng tính đấu tranh của Pa-ven thì chỉ cảm thấy đời Paven đau khổ. Không, Paven không cảm thấy đau khổ, Pa-ven chỉ nghĩ đến khắc phục thống khổ. Pa-ven luôn luôn vui sướng vì anh luôn luôn đấu tranh và luôn luôn thắng lợi. Đó là chủ nghĩa lạc quan của Pa-ven. Đó là sức mạnh, đó là hạnh phúc của Pa-ven.
Thép đã tôi thế đấy là một khúc ca tươi đẹp của đời sống. Mỗi trang sách như cuốn thêm máu chảy trong người đọc, nâng cao thêm nhiệt tình cách mạng, thúc giục chiến đấu, thúc giục công tác.
Thép đã tôi thế đấy giải quyết cho chúng ta nhiều vấn đề nhân sinh quan mới, dạy chúng ta biết yêu biết ghét một cách chính xác và sâu mạnh, khơi lên ở chúng ta những tình cảm lớn, xây dựng cho chúng ta một quan niệm về tình yêu trong sáng. Thép đã tôi thế đấy còn là một kho báu kinh nghiệm công tác cách mạng rất thực tế để nhìn cho sáng hơn nhiều vấn đề mới mà cuộc sống đề ra cho mỗi tập thể và mỗi con người, để thực hiện “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
***
Thép đã tôi thế đấy! ra đời giữa bối cảnh lịch sử đặc biệt của Liên Xô cũ nhưng nguồn gốc và "xuất thân" của tác phẩm từ lâu đã bị… bỏ quên.
Thay vào đó, đứa con tinh thần của Nikolai Ostrovsky lại trở thành một thương hiệu vượt ngoài phạm vi trang sách, trở thành một công thức sống vượt qua giới hạn của một kiếp người. Và nhân vật chính Pavel Korchagin từ lâu đã là một cái tên quen thuộc đến mức chẳng cần phải giải thích, định danh gì thêm về con người văn học này.
Dù vậy, xét trên khía cạnh giá trị nghệ thuật, Thép đã tôi thế đấy! dường như luôn nằm ngoài danh sách kiệt tác văn học, ngay cả trong những năm 1930 - 1950 của Liên Xô. Nghĩ đến những đại văn hào nổi tiếng của Nga, quan điểm chính thức nhất lại là những cái tên như Fadeev hay Sholokhov, và chắc chắn không phải là Nikolai Ostrovsky.
Thế nhưng, bất chấp sự thật khó tin này, Thép đã tôi thế đấy! vẫn trở thành sách giáo khoa cho hàng trăm thế hệ thanh niên. Dần dần, tác phẩm không còn được đơn thuần xem xét ở phương diện văn học mà nó đã bước ra ngoài cuộc sống, trở thành một khuôn mẫu hành vi đáng trọng.
Trong Thép đã tôi thế đấy!, bạn có thể bắt gặp các chủ đề, câu chuyện hay thậm chí là vài đoạn mang văn phong tương tự như các cuốn tiểu thuyết cung đình thời trung cổ. Đôi khi, tác giả lại tường thuật theo lối thức giống với các bộ phim hài cổ điển.
Tuy nhiên, điều cốt yếu nhất trong tác phẩm, vượt ngoài các phương cách hình thức, lại là phẩm giá của nhân vật Pavel Korchagin, đó là sự trung thành với những lý tưởng.
Thậm chí, chính niềm tin tuổi trẻ và sức mạnh đạo đức đã mang lại cho Pavel Korchagin một nguồn sống tinh thần phi thường, vượt lên trên thể chất yếu đuối bệnh tật, bị hành hạ bởi thương hàn, bại liệt, vôi hóa cột sống và phải ngồi xe lăn.
Đặc biệt, Thép đã tôi thế đấy! còn là một cuốn tiểu thuyết với mức độ phản ánh chính xác đáng kinh ngạc về thời đại, từ cách mạng, nội chiến cho tới nhiệt huyết xây dựng xã hội chủ nghĩa với đại diện sáng giá nhất chính là Pavel Korchagin.
Ở đây, Pavel Korchagin - cái tôi và cái ta - thời đại quyện hòa làm một. "Tôi" làm nên thời đại và chính thời đại làm nên "tôi". Cũng nhờ vậy, Thép đã tôi thế đấy! hiện lên đầy tráng lệ nhưng cũng đầy xúc động, chân thật.
Thông qua tác phẩm, người đọc có thể hiểu được con đường của cuộc cách mạng Nga và hiểu được cả số phận mỗi cá nhân con người trong làn sóng cách mạng lịch sử.
Đồng thời, tất cả những khám phá và giải đáp nhân văn trong câu chuyện cũng đã biến Thép đã tôi thế đấy! trở thành một sự giao hòa tuyệt đối giữa bối cảnh xã hội lịch sử và giá trị đạo đức cao cả.
Mời bạn đón đọc Thép Đã Tôi Thế Đấy - Nikolai Alexeevich Ostrovsky & Thép Mới (dịch) & Huy Vân (dịch).